Trung Quốc đầu tư mạnh vào khu vực Trung Đông

Thứ Tư, 03/05/2023, 08:28

Như thỏa thuận Saudi Arabia-Iran cho thấy, ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực đang gia tăng. Trong khi đó, cách tiếp cận lấy Mỹ làm trung tâm hiện không còn được chú ý đối với các quốc gia tại Trung Đông.

Một cách tiếp cận khác

Hồi đầu tháng 4, Ngoại trưởng Saudi Arabia và Iran đã lần đầu tiên gặp nhau sau 7 năm. Một tháng trước đó, giới chức hàng đầu của hai nước đã khiến thế giới bất ngờ với việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao sau nhiều năm thù địch, vốn làm gia tăng căng thẳng ở khu vực được đánh giá là “nóng bỏng” này. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là các cuộc họp dẫn đến bước đột phá mạnh mẽ trên đã không được tổ chức ở Trung Đông. Bên đứng ra dàn xếp, tiếp đón và làm trung gian cho quá trình này chính là Trung Quốc, sau nhiều năm nỗ lực không thành công của Oman và Iraq. Các chuyên gia đánh giá rằng, thành công với tư cách là một người kiến tạo hòa bình ở Trung Đông báo hiệu một sự thay đổi đối với Trung Quốc, vốn có truyền thống không tham gia quá sâu vào các nỗ lực giải quyết xung đột toàn cầu.

Hồi tháng 2, ngay trước khi các cuộc đàm phán Iran - Saudi Arabia kết thúc, Bắc Kinh đã khởi động Sáng kiến An ninh Toàn cầu với mục đích “giải quyết hòa bình những khác biệt và tranh chấp giữa các quốc gia thông qua đối thoại và tham vấn”. Thậm chí sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cho biết Bắc Kinh đã sẵn sàng làm trung gian hòa giải các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Tất cả những điều này xảy ra vào thời điểm ảnh hưởng của Mỹ - vốn có truyền thống can dự và thao túng lớn nhất ở Trung Đông, dường như đang suy yếu.

Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, mối quan hệ “nóng-lạnh” với Saudi Arabia, và sự hiện diện quân sự lâu dài cùng với quá trình rút quân sau đó khỏi Iraq và Afghanistan đã làm tổn hại đến uy tín của Washington. Mặt khác, tình hình chính trị trong nước cũng khiến Mỹ bị phân tâm, cũng như sự cảnh giác ngày càng tăng của công chúng Mỹ về vai trò “sen đầm quốc tế” kéo dài hàng thập niên của nước này.

Bà Julia Gurol-Haller, một chuyên gia tại Viện Arnold-Bergstraesser Freiburg ở Đức cho rằng thỏa thuận Saudi Arabia-Iran có thể đóng vai trò là “bệ phóng của Trung Quốc cho các sáng kiến trong tương lai” và là minh chứng cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn so với trước đây trong việc hòa giải xung đột. Chia sẻ quan điểm này, Tiến sĩ Mohammed Al-Sulami, Chủ tịch của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Iran (Rasanah) nhận định rằng, các chính quyền kế tiếp của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã làm giảm uy tín của Mỹ ở Trung Đông vì họ thường xuyên cắt giảm nguồn lực và thay đổi chính sách đối với khu vực, đặc biệt là với Iran. Việc đang phải dành nguồn lực kinh tế cho cuộc xung đột ở Ukraine, thất bại trong giải quyết vấn đề Palestine, từng ủng hộ cái gọi là Mùa xuân Arab và sự phân cực chính trị trong nước tiếp tục làm giảm thêm uy tín của Mỹ đối với các nước trong khu vực.

Trong khi đó, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào những quốc gia ở Trung Đông đã mở đường cho Bắc Kinh chuyển từ quyền lực mềm sang địa kinh tế và địa chính trị trong khu vực. Sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Trung Đông phải được hiểu thông qua lăng kính quan hệ đối tác kinh tế của Bắc Kinh với tất cả các nước trong khu vực. Cách tiếp cận kinh tế này rất khác với chính sách của Mỹ trong việc triển khai sức mạnh quân sự chống lại các đối thủ yếu trong khu vực. Như Robert F. Kennedy Jr., người đang chạy đua trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, giải thích trên Twitter: “Trung Quốc đã khéo léo thay thế Mỹ bằng sức mạnh kinh tế. Trong thập niên qua, trong khi Washington chi hàng nghìn tỷ USD để ném bom đường sá, bến cảng, cầu cống và sân bay thì Bắc Kinh dành số tiền tương đương để xây dựng lại chúng”.

Ngoài ra, kể từ thời chính quyền Tổng thống Barack Obama (2009-2017), những chính sách của Mỹ ở Trung Đông đã gây ra sự nhầm lẫn giữa các đối tác khu vực của Washington. Việc thiếu sự hỗ trợ của Mỹ cho các đồng minh trong khu vực trong cái gọi là Mùa xuân Arab và ý tưởng nối lại quan hệ với Iran vào thời điểm bất ổn xã hội trong khu vực đã thúc đẩy phần lớn các đồng minh vùng Vịnh tìm kiếm một chính sách đối ngoại mới dựa trên quyền tự chủ và đa dạng hóa. Thất bại của phe tân bảo thủ trong việc thay đổi khu vực thông qua chiến tranh và cách tiếp cận của đảng Dân chủ trong việc thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ trong khi không ưu tiên các đồng minh và đối tác trong khu vực cũng là những yếu tố đẩy nhanh sự suy giảm uy tín của Washington trong khu vực. Trước đó, chính sách khu vực của chính quyền Tổng thống Barack Obama dựa trên quan điểm chỉ trích các quốc gia vùng Vịnh, cũng như các cuộc chiến khu vực dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush đã dẫn đến suy giảm uy tín của Mỹ ở Trung Đông.

Kể từ khi chính quyền Tổng thống Barack Obama xem xét điều chỉnh chính sách về Iran, đã không có bất kỳ sự đồng thuận nào giữa Washington và các đồng minh khu vực về các vấn đề Iran. Vì vậy, trong khu vực hiện nay có lo ngại rằng chính sách khu vực của đảng Dân chủ sẽ có xu hướng muốn làm ngược lại những gì cựu Tổng thống Donald Trump đã làm. Điều này củng cố nhận thức khu vực rằng, chính sách Trung Đông của Mỹ đang bị chi phối bởi sự phân cực trong nước và vì vậy sẽ không có ưu tiên thực sự nào để giải quyết các vấn đề và mối quan tâm ở Trung Đông. Kết quả là, cách tiếp cận lấy Mỹ làm trung tâm này không còn được chú ý đối với các quốc gia trong khu vực.

8-1.jpg -0
Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian (trái), người đồng cấp Saudi Arabia - Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud (phải) cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương bắt tay sau cuộc gặp hôm 6/4 tại Bắc Kinh. Ảnh: AP.

Con đường “rất dài và gập ghềnh”

Giới phân tích khẳng định, dù ảnh hưởng đang gia tăng nhanh chóng, Trung Quốc vẫn khó có khả năng thay thế Mỹ ở Trung Đông, nơi Washington có hàng chục căn cứ quân sự và đồng minh mà họ cam kết bảo vệ. Mặt khác, Bắc Kinh có thể chưa muốn đảm nhận trách nhiệm đó trong mọi trường hợp. Hiện tại, Trung Quốc có thể hưởng lợi từ việc mở rộng ảnh hưởng ngoại giao và kinh tế trong khi vẫn để Mỹ tiếp tục dẫn đầu về các mối quan tâm an ninh của khu vực.

Ngay trước thỏa thuận Saudi Arabia-Iran, Trung Quốc đã tự khẳng định mình là một đối tác quan trọng đối với các nước ở Trung Đông. Với tư cách là nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Đông, Bắc Kinh đã đổ vào khu vực này hơn 273 tỷ USD từ năm 2005 - 2022. “Gã khổng lồ châu Á” cũng mua dầu từ Iraq, khí đốt từ Qatar và xuất khẩu vũ khí sang Algeria, Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Saudi Arabia. Họ cũng đang giúp Ai Cập xây dựng thủ đô mới bên ngoài Cairo, và đã xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị ở Mecca. Bên cạnh đó, những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong công nghệ tiên tiến trong những năm gần đây qua việc cung cấp quyền truy cập vào các dịch vụ kết nối 5G thông qua các công ty như Huawei.

Ông Trita Parsi, đồng sáng lập và là Phó Chủ tịch điều hành của Viện Quincy, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết tất cả những điều này mang lại cho Trung Quốc ảnh hưởng lớn trong khu vực, và cũng là bàn đạp giúp Bắc Kinh thành công trong sứ mệnh trung gian giữa Saudi Arabia và Iran. Trung Quốc được xem là một đối tác thương mại từ lâu luôn duy trì chính sách không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước Trung Đông, từ chính trị đến nhân quyền, và điều này giúp Bắc Kinh trở thành một trung gian hòa giải ít gây tranh cãi hơn so với các nước như Mỹ.

Trong khi đó, ông Mark Fitzpatrick, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London bình luận, trong khi những lợi thế trên có thể đưa Trung Quốc đi khá xa, sự miễn cưỡng của họ trong việc đảm nhận vai trò “cảnh sát” hoặc nhà cung cấp an ninh có thể hạn chế bộ công cụ đàm phán của họ về lâu dài. Vẫn còn phải xem liệu Trung Quốc có thể thực thi các thỏa thuận mà họ đã làm trung gian chỉ với các đảm bảo kinh tế hay không, hoặc liệu họ có thể lặp lại thành công gần đây của mình ngoài Iran và Saudi Arabia - cả hai đều gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc thông qua việc bán năng lượng.

Hiện tại, Trung Quốc phải đi trên một con đường “rất dài và gập ghềnh” để giữ gìn hòa bình và tránh bị lôi kéo vào các cuộc xung đột kéo dài, giống như Mỹ đã mắc phải nhiều lần, ông Gurol-Haller tại Viện Arnold-Bergstraesser Freiburg kết luận.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.