Ông Zelensky mang “kế hoạch chiến thắng” đến Mỹ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/9 đã đến Mỹ, bắt đầu chuyến thăm quan trọng, trong đó, ông sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 và gặp nhiều nhân vật quan trọng hàng đầu của Mỹ và quốc tế.
Ngay khi đến Mỹ, Tổng thống Ukraine đã đến thăm một nhà máy sản xuất đạn pháo 155mm ở bang Pennsylvania. Loại đạn pháo này đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực chiến tranh của Ukraine. Điểm dừng chân tiếp theo trong chuyến thăm Mỹ sẽ là New York và thủ đô Washington. Chuyến thăm diễn ra sau các cuộc giao tranh dữ dội suốt mùa hè qua khi phía Nga tiến công mạnh mẽ ở miền Đông Ukraine và Kiev cũng giành được những chiến thắng nhất định tại khu vực Kursk.
Đây được coi là chuyến thăm quan trọng của Tổng thống Zelensky, trong đó, ông sẽ tham dự các sự kiện của Liên hợp quốc trong các ngày 24 và 25/9, thúc giục các đồng minh của Ukraine giúp đạt được “một chiến thắng chung cho hòa bình thực sự”.
Đáng chú ý, ông Zelensky dự định trình bày với Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden và hai ứng cử viên tổng thống là bà Kamala Harris và ông Donald Trump, “Kế hoạch chiến thắng” của Kiev nhằm chấm dứt cuộc xung đột với Nga, vốn đã kéo dài 2 năm rưỡi. Theo Văn phòng Tổng thống Ukraine, các cuộc gặp của ông Zelensky với ông Biden, bà Harris và ông Trump sẽ được tiến hành lần lượt trong các ngày 26 và 27/9, mặc dù phía Nhà Trắng chưa chính thức thông báo về các cuộc tiếp xúc này.
Đến nay, vẫn chưa có chi tiết nào về kế hoạch chấm dứt xung đột của Ukraine được công bố. Ông Zelensky cho biết Tổng thống Mỹ sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được xem toàn bộ kế hoạch này, sau đó kế hoạch sẽ được giới thiệu tới “tất cả các nhà lãnh đạo của những quốc gia đối tác”. Tổng thống Ukraine cũng khẳng định, “toàn bộ kế hoạch sẽ được công bố vào đầu tháng 11”, đây cũng là thời điểm của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Theo các trang báo phương Tây, “Kế hoạch chiến thắng” của ông Zelensky dựa trên việc Ukraine nhanh chóng gia nhập NATO và nhận được hỗ trợ quân sự lớn hơn nhiều mà không có những hạn chế như hiện nay. Tổng thống Zelensky thừa nhận nếu Tổng thống Mỹ Joe Biden từ chối ủng hộ “Kế hoạch chiến thắng” do nước này soạn thảo, Ukraine sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến kéo dài với nhiều thương vong. Thêm vào đó, Kiev đến nay không có kế hoạch dự phòng. Nếu bị từ chối, họ sẽ tiếp tục chiến đấu với số lượng viện trợ quân sự hiện tại từ phương Tây.
Những hạn chế mà Ukraine gặp phải hiện nay có thể kể đến như việc chưa được cho phép sử dụng tên lửa của phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Trong những tuần gần đây, chính quyền Ukraine đã gây sức ép với các đồng minh phương Tây nhằm “dỡ bỏ các rào cản” về vũ khí tầm xa. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thu được kết quả. Trong tuyên bố trước khi lên đường sang Mỹ, ông Zelensky cho biết Mỹ và Anh chưa cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do lo ngại xung đột leo thang, song ông sẽ không từ bỏ hy vọng. Do đó, nhiều khả năng trong cuộc gặp với Tổng thống Biden, ông Zelensky sẽ nỗ lực thuyết phục ông chủ Nhà Trắng thay đổi quyết định.
Oleksandr Kovalenko, một nhà phân tích quân sự Ukraine, cho biết ông Zelensky có thể đang nỗ lực thúc đẩy các đảm bảo viện trợ dài hạn hơn cho đến năm 2025 bên cạnh việc thúc ép cho phép sử dụng vũ khí tầm xa. “Đây sẽ là một thời điểm rất quan trọng, theo thuật ngữ chính trị và quân sự, có thể nói là then chốt đối với Ukraine”, nhà phân tích này cho biết.
Ukraine cũng hy vọng sẽ đưa ra một kế hoạch chi tiết cho hòa bình tại hội nghị thượng đỉnh quốc tế thứ hai vào cuối năm nay. Phía Ukraine cho biết Nga sẽ được mời tham dự hội nghị lần này theo yêu cầu của các bên tham gia khác. Hội nghị hòa bình Ukraine đầu tiên được tổ chức tại Thụy Sĩ vào tháng 6 vừa qua vắng mặt Moscow và bị Trung Quốc cùng một số nước khác bỏ qua.
Bên cạnh chiến sự ác liệt, Ukraine có nguy cơ phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt nhất trong cuộc chiến kéo dài 2 năm rưỡi sau khi các cuộc không kích của Nga làm hư hại một phần lớn năng lực sản xuất năng lượng của nước này. Chính phủ Ukraine cũng phải đương đầu với những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng và có kế hoạch tăng thuế thời chiến đầu tiên để trang trải khoản thiếu hụt tài chính khoảng 12,2 tỷ USD cho quân đội của mình trong năm nay, theo Reuters.
Các cuộc thăm dò dư luận tại Ukraine cho thấy nhiều ý kiến trái chiều về tình hình đất nước hiện nay. Khoảng 32% người Ukraine, tính đến tháng 5/2024, đã cởi mở với một số nhượng bộ lãnh thổ để chấm dứt chiến tranh, tăng từ 10% vào tháng 5/2022, theo Anton Hrushetskyi, giám đốc điều hành của công ty thăm dò ý kiến KIIS có trụ sở tại Kiev. Dù vậy, hầu hết những người được hỏi hình dung ra một thỏa thuận sẽ “hoãn việc giải phóng lãnh thổ” thay vì “từ bỏ nó mãi mãi”, ông Anton Hrushetskyi nói thêm.