Nỗ lực gạt bỏ bất đồng, khôi phục quan hệ

Chủ Nhật, 12/03/2023, 07:15

Anh và Pháp hôm 10/3 đã tổ chức cuộc Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên sau 5 năm sóng gió. Việc hai bên nối lại Thượng đỉnh cấp cao, trước đây vốn được tổ chức hàng năm, là một tin tích cực đối với cả hai phía. Trong khi đó, tại khu vực Trung Đông, sau 7 năm gián đoạn, Iran và Saudi Arabia đã nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao và mở lại các cơ quan ngoại giao ở mỗi nước.

“Hâm nóng” mối quan hệ song phương

Trong lịch sử hàng ngàn năm qua, quan hệ Anh-Pháp luôn rất phức tạp, rất gần gũi thân cận nhưng luôn có yếu tố cạnh tranh. Tuy nhiên, xét về lợi ích chiến lược lâu dài, cả Anh và Pháp đều hiểu rằng không có bên nào thu được lợi ích nếu duy trì mối quan hệ căng thẳng với bên kia. Do đó, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Paris, hai bên khởi động lại cơ chế phối hợp đầy đủ như trước kia và sẽ cùng thảo luận một loạt chủ đề quan trọng.

Nỗ lực gạt bỏ bất đồng, khôi phục quan hệ -0
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Ảnh: Getty images

Đầu tiên là chính sách nhập cư, cụ thể là nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa hai bên trong việc kiểm soát dòng người vượt biển trái phép từ Pháp sang Anh. Đây là một chủ đề quan trọng, luôn có tính “thời điểm” với Anh-Pháp. Với ông Rishi Sunak, việc ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche là 1 trong 5 ưu tiên trong nhiệm kỳ lãnh đạo sau khi số người di cư đến vùng duyên hải phía Nam của xứ England đã tăng lên hơn 45.000 người vào năm ngoái, tức là tăng 500% trong 2 năm qua.

Thủ tướng Anh khẳng định hai nhà lãnh đạo có chung quan điểm phải ngăn chặn hoạt động đưa người di cư vượt biển trái phép, đồng thời cho rằng thỏa thuận mới đã nâng hoạt động phối hợp song phương lên cấp độ cao nhất từ trước tới nay để cùng tháo gỡ những khó khăn chung. Trong khi đó, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định đã đến lúc hai nước nên có khởi đầu mới.

Tiếp đến là vấn đề liên quan đến điều khoản Bắc Ireland mới được Anh và Liên minh châu Âu (EU) ký kết lại. Anh cần sự ủng hộ đầy đủ của Pháp trong vấn đề này. Xung đột Nga-Ukraine là một nội dung quan trọng khác, trong đó Anh-Pháp sẽ bàn thảo kỹ việc cùng hỗ trợ quân đội Ukraine trong thời gian tới về mặt đào tạo binh sĩ, cung cấp vũ khí, đạn dược. Cuối cùng, cũng liên quan đến quốc phòng, Anh-Pháp thống nhất sẽ cùng hồi sinh các thảo luận về các dự án quốc phòng chung, chủ yếu là dự án phát triển vũ khí thế hệ mới, hợp tác năng lượng hạt nhân, vốn từng được đề cập nhiều lần trong các thoả thuận trước đây như Hiệp định Sandhurst năm 2018 hay các Hiệp ước Lancaster House ký cách đây hơn 1 thập niên.

5 năm qua có thể là coi là giai đoạn căng thẳng nhất trong quan hệ Anh-Pháp kể từ sau cuộc chiến Iraq 2003. Sự căng thẳng, lạnh nhạt này có lẽ sẽ còn kéo dài nếu như không xảy ra các sự kiện mang tính thay đổi thời đại tại châu Âu là xung đột tại Ukraine. Biến cố an ninh lớn nhất tại châu Âu trong hơn 3 thập niên qua đã buộc các nước phương Tây phải xích lại gần nhau hơn trong một mặt trận chung nhằm hỗ trợ Ukraine, đối phó với Nga cũng như các tác động của xung đột này. Trong bối cảnh đó, dù vẫn còn nhiều bất đồng nhưng với tư cách là hai cường quốc hạt nhân, hai quốc gia có sức mạnh quân sự lớn nhất tại châu Âu, Anh và Pháp buộc phải tìm kiếm tiếng nói chung.

Một chi tiết khác cũng mang tính “thời điểm”, đó là cả hai nước Anh-Pháp hiện nay đều đang phải đối mặt với những vấn đề xã hội lớn trong nội bộ, cả hai đều đang phải ứng phó với những cuộc biểu tình, phản kháng xã hội lớn nhất trong vài thập kỷ, tại Pháp là do sự phản đối của dân chúng với dự luật cải cách hưu trí còn tại Anh là vì người lao động không chịu đựng nổi tỷ lệ lạm phát quá cao (10%, cao nhất 4 thập niên). Do đó, ở khía cạnh nào đó, chính phủ hai nước có các mối bận tâm chung.

Góp phần tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực

Trong tuyên bố chung đưa ra hôm 10/3 sau các cuộc thảo luận tại Trung Quốc, Iran và Saudi Arabia nhất trí nối lại các quan hệ ngoại giao, mở lại các đại sứ quán và các phái đoàn ngoại giao ở mỗi nước trong vòng 2 tháng tới. Trong tuyên bố chung, hai nước cũng đã gửi lời cảm ơn tới Iraq và Oman vì đã nỗ lực làm trung gian tổ chức các cuộc hòa giải giữa Riyadh và Tehran trong các năm 2021 và 2022 cũng như các quan chức và Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức và ủng hộ các cuộc đàm phán mang đến kết quả lần này.

Quyết định này của Iran và Saudi Arabia đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của nhiều nước và tổ chức quốc tế. Chúc mừng Iran và Saudi Arabia đã có bước đi mang tính lịch sử và đạt được kết quả quan trọng trong việc cải thiện quan hệ song phương, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đánh giá việc hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao là một “thắng lợi” cho đối thoại và hòa bình.

Ông đồng thời khẳng định là một người bạn đáng tin cậy của hai nước, Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng. Bắc Kinh ủng hộ tìm kiếm giải pháp chính trị cho tất cả các xung đột và bất đồng thông qua đối thoại, để duy trì hòa bình và ổn định thế giới.

Trong khi đó, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, ông Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al-Thani cho biết, nước này mong muốn và ủng hộ Riyadh và Tehran tái khởi động hợp tác an ninh và hợp tác trong các lĩnh vực khác như kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ, khoa học, văn hóa, thể thao và thanh niên. Theo ông, việc Saudi Arabia và Iran nối lại quan hệ ngoại giao sẽ “góp phần tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước vì lợi ích của toàn khu vực”.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được giữa Saudi Arabia và Iran, đồng thời đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán vừa diễn ra. Iraq và Oman cũng hoan nghênh tuyên bố nối lại quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia.

Hãng thông tấn Oman viết, quốc gia này “hoan nghênh tuyên bố ba bên về việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa Riyadh và Tehran”. Ngoại trưởng Oman Badr Albusaidi nhấn mạnh đây là “giải pháp hai bên cùng có lợi và sẽ đảm bảo lợi ích an ninh khu vực cũng như toàn cầu”. Theo ông, thỏa thuận sẽ góp phần gia tăng lợi ích kinh tế cho tất cả các bên. Iraq cũng cho rằng đây là bước đi mở ra “trang mới” trong quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia.

Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố bày tỏ hy vọng thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran sẽ giảm bớt căng thẳng khu vực, góp phần mang lại ổn định và duy trì an ninh của các nước Arab. Ngoài ra, thỏa thuận còn đáp ứng nguyện vọng của người dân trong khu vực trong việc hướng tới thịnh vượng, phát triển và ổn định. Nhiều nước khác như Bahrain, Kuwait, Jordan, Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Sudan và Pakistan cũng đã ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận trên. Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết Washington hoan nghênh mọi nỗ lực giảm căng thẳng ở Trung Đông.

Về phía các tổ chức quốc tế, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric, thay mặt Tổng Thư ký Antonio Guterres hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được giữa Riyadh và Tehran. Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Jassem Mohamed Albudaiwi bày tỏ hy vọng thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran sẽ “góp phần tăng cường an ninh và hòa bình”. Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), ông Hussain Ibrahim Taha, tin tưởng thỏa thuận sẽ góp phần “củng cố các trụ cột của hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”, đồng thời “tạo động lực mới” cho hợp tác giữa các quốc gia thành viên OIC.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.