G20 lần đầu tổ chức hội nghị về văn hóa, tương lai của AI và robot

Thứ Bảy, 31/07/2021, 09:57

Trong hai ngày 29 và 30/7, tại Italy, hội nghị bộ trưởng văn hóa đầu tiên của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã được tổ chức với sự tham dự của các Bộ trưởng G20 và các nước được mời. Song song với đó, hội thảo đầu tiên của G20 về tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy (robot) cũng được tổ chức.

Tham gia Hội nghị bộ trưởng văn hóa của G20 có đại diện các tổ chức quốc tế chủ chốt hoạt động trong lĩnh vực này, như Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Hội đồng châu Âu, Liên minh Địa Trung Hải, các tổ chức quốc tế chống tội phạm liên quan đến di sản văn hóa, như Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), Interpol và Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và Y20 - diễn đàn chính thức của G20 dành cho thanh niên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử G20, một hội nghị bộ trưởng văn hóa được tổ chức, phản ánh sự lựa chọn lịch sử, chiến lược và chưa từng có của Italy, nước Chủ tịch G20 năm 2021, theo đó văn hóa là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng và bao trùm.

Trên thực tế, văn hóa là một công cụ mạnh mẽ để đảm bảo sự phục hồi nhanh chóng sau các cú sốc lớn, bao gồm các giá trị sẽ làm nền tảng cho sự tái sinh sau đại dịch và vai trò của các lĩnh vực sáng tạo của nền kinh tế trong việc tạo ra việc làm và các cơ hội mới, phù hợp với chương trình nghị sự trong năm Chủ tịch G20 của Italy.

Hội nghị đã xác định 5 nhiệm vụ của văn hóa trong tiến trình phục hồi sau đại dịch COVID-19. Thứ nhất là bảo vệ và thúc đẩy văn hóa và các lĩnh vực sáng tạo như động cơ cho tăng trưởng bền vững và cân bằng. Mặc dù cũng chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, nhưng văn hóa có thể giúp đối mặt với những áp lực và khoảng cách ngày càng tăng về kinh tế, xã hội và sinh thái, góp phần tái tạo nền kinh tế và xã hội, bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa phải tiếp tục được hỗ trợ. Thứ hai là bảo vệ di sản văn hóa trước các rủi ro, bao gồm thiên tai, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, sự cố ý phá hoại và cướp bóc, buôn bán bất hợp pháp tài sản văn hóa. Italy và UNESCO sẽ tiếp tục hợp tác trong việc xác định các hành động chung nhằm tăng cường bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và đã công bố dự án "Lực lượng đặc nhiệm Italy theo lời mời của UNESCO".

8-1.jpg -0
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều quốc gia xác định phát triển AI và đưa AI trở thành ngành công nghệ mũi nhọn, mang tính đột phá. 

Nhiệm vụ tiếp theo được xác định là thúc đẩy sự chuyển đổi kỹ thuật số và công nghệ trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo như động lực mới cho tăng trưởng, tạo điều kiện tiếp cận và tham gia phổ cập vào văn hóa và thúc đẩy đa dạng văn hóa. Thứ tư là xây dựng năng lực thông qua đào tạo để giải quyết sự phức tạp của thế giới đương đại và các thách thức trong lĩnh vực văn hóa, bao gồm tiến trình số hóa nhanh chóng, chuyển đổi xanh và thay đổi nhân khẩu học, đồng thời giúp đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Và nhiệm vụ cuối cùng là giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua văn hóa. Tác động của biến đổi khí hậu đang gây nguy hiểm cho các di sản văn hóa. Mặt khác, ngành văn hóa hiện có các công cụ để góp phần giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nhờ vào sự phát triển của các công nghệ giám sát sáng tạo.

Trước đó, ngày 29/7, hội thảo đầu tiên của G20 về tương lai của AI và robot đã diễn ra tại thành phố cảng Genoa. Tham gia hội thảo có đại diện các nước thành viên G20, khu vực tư nhân và các cơ quan nghiên cứu. Các đại biểu đã kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách của chính phủ và khu vực tư nhân trong các lĩnh vực công nghệ cao. Theo một tuyên bố chung của G20 và Viện Công nghệ Italy (IIT), các cuộc thảo luận xoay quanh những chủ đề chính, bao gồm vai trò của AI và robot trong các lĩnh vực công nghiệp và lao động khác; những ý nghĩa đạo đức của công nghệ, vai trò của AI và robot trong phát triển bền vững; chức năng của AI và robot trong các lĩnh vực tiên tiến, như khám phá không gian; vai trò của AI và robot trong văn hóa đại chúng.

Giám đốc khoa học của IIT - ông Giorgio Metta đánh giá cuộc hội thảo này có ý nghĩa quan trọng đối với G20, với Italy nói chung và đối với thành phố Genoa nói riêng. Ông nhấn mạnh: "Sự kiện này là một cơ hội tuyệt vời để quảng bá tầm quan trọng của những chủ đề này, đồng thời ghi nhận năng lực của Genoa như một trung tâm công nghệ cao mới nổi". Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu quốc gia Italy, bà Maria Chiara Carrozza cho rằng, các hệ thống truyền thống dành cho nghiên cứu và phát triển ít phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Bà nêu rõ: "Những gì môi trường nghiên cứu cần hiện nay là bảo vệ bằng sáng chế và các nhà đầu tư nắm bắt thông tin. Chúng ta phải đảm bảo rằng các thực thể khoa học đưa ra chứng cứ cho các nhà lãnh đạo chính trị và những chứng cứ này có thể ứng dụng để đưa ra các chính sách vì lợi ích của người dân".

Một diễn giả khác tại hội thảo là ông Pierpaolo Bombardieri - Tổng Thư ký nghiệp đoàn UIL của Italy khuyến khích các tổ chức công đoàn nên vận dụng AI và người máy. "Thế giới việc làm đang thay đổi với tốc độ chóng mặt và điều này đang biến đổi nhiệm vụ công việc và mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Thách thức mà chúng ta phải đối mặt là làm thế nào để phân phối một cách công bằng các lợi ích do các công nghệ mới - như số hóa và AI - tạo ra, đồng thời để tránh tình trạng đang xảy ra hiện nay, đó là lợi ích tập trung vào tay một số ít người", ông cho biết.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.