“Đấu khẩu” tại Hội đồng Bảo an

Chủ Nhật, 04/06/2023, 07:17

Vụ việc xảy ra tại cuộc họp hôm 2/6 (giờ địa phương) giữa 3 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) là Mỹ, Nga và Trung Quốc liên quan tới vụ phóng vệ tinh mới nhất của Triều Tiên.

Cho rằng vụ phóng, dù đã thất bại, nhưng đã vi phạm nhiều nghị quyết của LHQ vì đã sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood bày tỏ: “Chúng tôi vô cùng thất vọng khi lại phải quay lại Hội đồng để thảo luận về một hành động khiêu khích khác của Triều Tiên. Mỹ lên án vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể”.

Theo ông, vụ phóng làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ gây bất ổn cho tình hình an ninh vốn đã nhạy cảm trong và ngoài khu vực. Ông Robert Wood nhấn mạnh: “HĐBA không thể bỏ qua vụ việc vì điều này có thể cho phép Triều Tiên tìm ra lỗ hổng năng lực của mình và tiếp tục thúc đẩy các chương trình tên lửa đạn đạo”.

trieu_tien_phong_ve_tinh.jpg -0
Triều Tiên phóng vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 gắn trên tên lửa đẩy kiểu mới Chollima-1, tại Bãi phóng Vệ tinh Sohae ở quận Cholsan thuộc tỉnh Bắc Phyongan sáng 31/5.Ảnh: KCNA.

Đáp lại, Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Cảnh Sảng cho rằng, Bình Nhưỡng có “những lo ngại về an ninh chính đáng”, HĐBA nên đóng vai trò thúc đẩy việc giảm căng thẳng và không nên đổ lỗi cho một bên.

“Một số quốc gia đã nhiều lần chỉ ra rằng, HĐBA không được thờ ơ với hiện trạng của bán đảo Triều Tiên mà phải đóng vai trò mang tính xây dựng. Trung Quốc đồng tình với quan điểm này. HĐBA có thể đóng vai trò mang tính xây dựng như thế nào? Liệu tính xây dựng còn không khi hành động chỉ ngón tay vào một bên và đổ hết lỗi cho một bên? Rõ ràng là không. Điều này sẽ chỉ làm tình hình trầm trọng hơn, nguy cơ tạo ra những bất ổn mới. Vai trò xây dựng của Hội đồng cần được thể hiện bằng những nỗ lực của Hội đồng để thúc đẩy giảm leo thang, tin tưởng lẫn nhau và đoàn kết”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Anna Evstigneeva thẳng thắn chỉ trích rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là do Mỹ và các đồng minh muốn gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng theo khái niệm được gọi là “răn đe mở rộng”. Theo đại diện của Nga, tất cả hẳn phải thấy rõ những hậu quả hết sức tiêu cực của các cuộc tập trận quân sự đang liên tục diễn ra ở tiểu vùng nói trên, nhưng Washington không có ý định giảm bớt tốc độ của vòng xoáy leo thang này.

Nhà ngoại giao Nga chỉ rõ, vào ngày 25/5, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành bắn đạn thật ở gần biên giới với Triều Tiên. Trước đó, ngày 17/4, hai nước cũng tiến hành cuộc tập trận không quân chung quy mô lớn mang tên Korea Flying Training kéo dài 12 ngày. Cùng thời điểm, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng bắt đầu cuộc tập trận phòng thủ tên lửa ba bên ở vùng biển quốc tế trên Biển Nhật Bản.

Phó Đại diện thường trực Nga lưu ý, các cuộc diễn tập vừa qua chỉ là hoạt động đầu tiên trong một loạt các cuộc tập trận được lên kế hoạch cho đến giữa tháng 6 mang tên “Liên kết bắn đạn thật để hủy diệt hoàn toàn”, đồng thời nhấn mạnh, những hành động như vậy không có tác dụng trong việc giảm căng thẳng trong khu vực. “Những hành động tương tự gây tác động bất ổn không chỉ đối với tình hình ở Đông Bắc Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

Quá trình quân sự hóa đang tiếp diễn và những nỗ lực không che đậy nhằm tạo ra những đường ranh giới mới có tác động tiêu cực đến sự ổn định toàn cầu. Một ví dụ khác chứng tỏ nhận định này là các thỏa thuận gần đây giữa Mỹ và Hàn Quốc về sử dụng vũ khí hạt nhân, yếu tố sẽ chẳng mang lại điều gì ngoài việc gia tăng căng thẳng hơn nữa và kích động chạy đua vũ trang”, nhà ngoại giao kết luận.

Cũng liên quan tới vụ phóng vệ tinh nêu trên, ngày 3/6, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhất trí vận hành hệ thống chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa Triều Tiên theo thời gian thực trong năm nay. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup đã công bố thông tin trên sau cuộc gặp ba bên với những người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin và bên phía Nhật Bản là Yasukazu Hamada bên lề Diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á mang tên Đối thoại Shangri-La đang diễn ra tại Singapore. Bộ trưởng Lee Jong-sup nêu rõ bên cạnh việc tích cực thực thi các biện pháp mà lãnh đạo Mỹ-Nhật-Hàn đã nhất trí tại cuộc gặp ba bên ở Campuchia vào tháng 11/2022, ba nước cũng nhất trí nâng hợp tác an ninh lên cấp độ mới.

Về vấn đề chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa Triều Tiên theo thời gian thực, ba nước quyết định kết nối các hệ thống chia sẻ thông tin, gồm hệ thống thông tin Mỹ-Hàn với hệ thống thông tin Mỹ-Nhật, vận hành hệ thống kết hợp này trong năm nay. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ sớm tiến hành các cuộc đối thoại cấp chuyên viên về vấn đề này. Để thực hiện kế hoạch chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa theo thời gian thực mà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí vào năm ngoái, thời gian qua, ba nước đã thảo luận về chia sẻ dữ liệu dựa trên thỏa thuận chia sẻ thông tin mà ba bên ký kết vào năm 2014.

Về phần mình, Triều Tiên ngày 2/6 đã chỉ trích lãnh đạo của LHQ và NATO, cho rằng những lời chỉ trích của họ đối với vụ phóng vệ tinh do thám của Bình Nhưỡng là can thiệp vào công việc nội bộ. Động thái này diễn ra nhằm đáp lại những bình luận Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg lên án nỗ lực phóng tên lửa này là vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của HĐBA LHQ. Nỗ lực phóng vệ tinh bất thành hôm 31/5 của Triều Tiên vi phạm nghị quyết cấm các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, vì vụ phóng vệ tinh sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải tuyên bố của Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên Jo Chol-su nhấn mạnh rằng, những phát biểu của Tổng Thư ký LHQ vi phạm “quyền chủ quyền” của một quốc gia thành viên trong một động thái “không công bằng”, vốn can thiệp vào các vấn đề nội bộ. Ông cho biết, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục thực hiện các quyền chủ quyền, bao gồm cả việc phóng vệ tinh do thám quân sự để chứng minh rằng, LHQ không thuộc về Mỹ.

Trong một tuyên bố riêng cũng do KCNA đăng tải, ông Jong Kyong-chol, một nhà phân tích các vấn đề quốc tế, chỉ trích nhận xét “khiêu khích” của người đứng đầu NATO là can thiệp vào công việc nội bộ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.