Dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng

Chủ Nhật, 20/11/2022, 07:09

Trong tuần qua, đã liên tiếp diễn ra nhiều cuộc tiếp xúc song phương giữa giới chức lãnh đạo hai nước và những cuộc gặp này đều nhận được sự đánh giá tích cực của cả hai bên.

Ngày 18/11, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Bộ trưởng Thương mại nước này - ông Vương Văn Đào và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã có cuộc gặp tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan), bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Theo bộ trên, hai quan chức đã có những trao đổi “thẳng thắn, chuyên nghiệp và mang tính xây dựng” về các vấn đề kinh tế và thương mại song phương. Hai bên cùng nhất trí duy trì các kênh liên lạc mở giữa Bắc Kinh và Washington, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các kênh liên lạc này.

000_32ng8pa.jpg -0
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cũng đưa ra thông báo tương tự, xác nhận cuộc thảo luận thương mại với Trung Quốc diễn ra tích cực. Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Vương Văn Đào và bà Katherine Tai diễn ra sau khi giới chức cấp cao Trung Quốc và Mỹ thảo luận vấn đề kinh tế vĩ mô toàn cầu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia.

Cụm từ “thẳng thắn, chuyên nghiệp và mang tính” xây dựng cũng được dùng để miêu tả cuộc gặp kéo dài 2 giờ đồng hồ ngày 16/11 giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương. Hai bên đã thảo luận tình hình tài chính và kinh tế vĩ mô toàn cầu, trong đó có vấn đề giá năng lượng, hàng hóa tăng cao và không ổn định. Hai bên cũng trao đổi quan điểm về triển vọng kinh tế vĩ mô ở Mỹ và Trung Quốc, đồng thời tập trung hướng tới mục tiêu ổn định mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14/11 trước thềm Hội nghị G20 cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực từ nhiều phía. Washington đánh giá sự kiện này đã mang lại hai kết quả quan trọng: Lập trường chung rằng Nga không được sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine và dự kiến nối lại các cuộc đàm phán về khí hậu giữa các nhà đàm phán Mỹ - Trung Quốc.

Về mối đe dọa vũ khí hạt nhân, Tổng thống Joe Biden nói rằng ông và ông Tập Cận Bình đã tái khẳng định niềm tin chung về mối đe dọa hạt nhân, coi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Còn theo thông báo của Nhà Trắng về cuộc gặp trên, Washington và Bắc Kinh sẽ một lần nữa hợp tác trong các vấn đề, trong đó có cả biến đổi khí hậu.

Theo Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo nhất trí trao quyền cho các quan chức cấp cao chủ chốt duy trì liên lạc và tăng cường các nỗ lực mang tính xây dựng về vấn đề biến đổi khí hậu và các vấn đề khác. Nhà Trắng cũng cho biết các vấn đề khác mà Mỹ và Trung Quốc sẽ làm việc cùng nhau bao gồm xóa nợ, an ninh y tế và an ninh lương thực. Hồi đầu năm, Mỹ và Trung Quốc đã ngừng hợp tác với nhau về vấn đề khí hậu. Mối quan hệ hợp tác này rất đáng chú ý vì Trung Quốc và Mỹ là những nước phát thải khí nhà kính lớn thứ nhất và thứ hai trên thế giới.

Cũng trong cuộc gặp, Tổng thống Joe Biden khẳng định cả hai nước đều có trách nhiệm xử lý bất đồng, ngăn ngừa cạnh tranh trở thành xung đột, đồng thời cam kết duy trì các kênh trao đổi. Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định giữa hai nước còn nhiều khác biệt, nhưng điều quan trọng là không để những khác biệt này trở thành rào cản trong quan hệ song phương. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho rằng quan hệ song phương hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của hai nước và người dân, cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.

Theo ông Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo cần xây dựng hướng đi đúng đắn cho quan hệ Mỹ - Trung và nâng tầm quan hệ song phương. Ông cũng bày tỏ mong muốn có cuộc trao đổi thẳng thắn và sâu rộng về lập trường trong các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, hướng đến hợp tác với ông Joe Biden. Theo giới chuyên gia, các tuyên bố công khai từ cả hai bên dường như cũng chỉ ra một nền tảng cơ bản rằng mỗi bên đều nhận ra bản chất quan trọng trong quá trình cạnh tranh và cả hai đều muốn đảm bảo rằng ít nhất cạnh tranh sẽ không bùng phát thành chiến tranh.

Hai bên đang hướng tới việc mở lại các cuộc đối thoại thường xuyên hơn. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến thăm Trung Quốc vào năm tới. Những cuộc trao đổi như vậy đã bị đình chỉ kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 8 và gây ra phản đối dữ dội của Trung Quốc. Thông tin liên lạc giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc rất quan trọng vào thời điểm khủng hoảng. Tinh thần hiểu biết và tin tưởng giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden có thể phát huy tác dụng trong trường hợp xảy ra xung đột.

Ông Leon Panetta, cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng, bày tỏ lạc quan thận trọng sau cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc. Ông nói: “Nếu kết quả của cuộc gặp này là đưa mối quan hệ trở lại bình diện ngoại giao hơn, trong đó thay vì đả kích lẫn nhau, họ có thể bắt đầu đối thoại về các loại vấn đề cần giải quyết, tôi nghĩ cuộc gặp này có thể sẽ trở thành trụ cột”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Không bên nào nên cố gắng uốn nắn bên kia theo hình ảnh của chính mình hoặc tìm cách thay đổi hay thậm chí lật đổ hệ thống của bên kia”. Trong khi đó, người đứng đầu Nhà Trắng phát biểu sau cuộc hội đàm rằng ông không thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đối đầu hơn hay hòa giải hơn mà vẫn như mọi khi: Trực tiếp và thẳng thắn. Ông nói: “Chúng tôi đã rất thẳng thắn với nhau về những điểm mà chúng tôi không đồng ý hoặc những điểm mà chúng tôi không chắc chắn về lập trường của nhau”.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.