Câu chuyện công bằng

Thứ Bảy, 31/07/2021, 10:24

Biến thể Delta đang càn quét, tạo ra các đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng trên toàn cầu, từ những khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine thấp, đến những quốc gia dẫn đầu thế giới về số dân được tiêm chủng. Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, việc thế giới sử dụng vaccine chưa hợp lý, thiếu công bằng đã dẫn tới đại dịch chưa thể chấm dứt trên phạm vi toàn cầu.

Thực trạng biến thể Delta tấn công các nước và khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao là minh chứng cho nhận định được Tổng Giám đốc WHO đưa ra từ khi dịch COVID-19 mới bùng phát “không ai được an toàn cho tới khi tất cả được an toàn”. Các nhà khoa học cho biết, virus liên tục đột biến và tạo ra những biến thể nguy hiểm có khả năng tránh né hệ miễn dịch và giảm hiệu quả của vaccine. Trong khi đó, theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, việc thế giới sử dụng vaccine chưa hợp lý, thiếu công bằng đã dẫn tới đại dịch chưa thể chấm dứt trên phạm vi toàn cầu.

Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, lẽ ra đại dịch COVID-19 có thể đã được kiểm soát nếu vaccine được phân bổ công bằng hơn. Các chiến dịch tiêm chủng vaccine được triển khai nhằm bảo vệ người dân trên toàn thế giới, nhưng hiện mới có 1% dân số ở những quốc gia có thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Trong khi một số quốc gia giàu có nhất đang cân nhắc việc tiêm mũi thứ ba (liều nhắc lại) cho người dân, thì các nhân viên y tế, người cao tuổi và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác ở phần còn lại của thế giới vẫn chưa được tiếp cận vaccine. Ông nhận định, đây không chỉ là vấn đề về mặt đạo đức mà còn là sự  thất bại về mặt dịch tễ học và kinh tế. Sự bất bình đẳng này càng kéo dài thì đại dịch cũng sẽ chưa thể kết thúc.

Nguyên nhân dẫn đến hố sâu vaccine quá lớn như vậy được cho là bắt nguồn ngay từ định hướng đầu tiên trong phát triển và phân phối vaccine. Các quan chức, chủ yếu đến từ Mỹ và châu Âu, thừa nhận rằng họ chưa bao giờ nghĩ đến bài toán vaccine toàn cầu, mà chủ yếu tập trung phát triển vaccine cho nhu cầu trong nước.

Để ngăn tình trạng bất bình đẳng vaccine, sáng kiến COVAX ra đời dưới sự dẫn dắt của WHO, CEPI cùng Liên minh Vaccine và Tiêm chủng Toàn cầu (GAVI), nhằm đảm bảo mọi quốc gia đều được tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19, bất kể tiềm lực tài chính. Tuy nhiên, COVAX  không có đủ ngân sách để đảm bảo các hợp đồng cung cấp vaccine. Costa Rica và WHO từng hợp tác đưa ra kế hoạch về một nền tảng chia sẻ công nghệ, nhằm mở rộng sản xuất vaccine.

Tuy nhiên, không tập đoàn dược phẩm nào đồng ý chia sẻ công nghệ sản xuất vaccine, ngay cả khi được trả tiền. Cũng không chính phủ nào thúc đẩy sáng kiến này, theo nhiều nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề. Quyền sở hữu trí tuệ được đưa ra đong đếm với ưu tiên sức khỏe cộng đồng. COVAX hiện phải dựa vào những nguồn vaccine tài trợ không chắc chắn, với hầu hết cam kết kéo dài đến năm 2022.

Tiến sĩ Ingrid Katz, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Toàn cầu thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts của Mỹ cho rằng, câu hỏi chủ chốt là vaccine, cùng những loại thuốc thiết yếu, chỉ là một loại hàng hóa hay quyền lợi. Trong khi đó, Strive Masiyiwa, phái viên phụ trách đàm phán vaccine của Liên minh châu Phi so sánh, tình trạng hiện nay với nạn đói mà “những người giàu nhất mua luôn cả thợ làm bánh”. Tình trạng chênh lệch vaccine là điều không thể tránh khỏi, khi những công dân đóng thuế ở các nước giàu cũng mong đợi được đền đáp. Tuy nhiên, quy mô của tình trạng bất bình đẳng, tích trữ vaccine và thiếu kế hoạch khả thi để giải quyết vấn đề đã khiến giới chức y tế ngỡ ngàng.

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta trên phạm vi toàn cầu cho thấy việc tạo miễn dịch trong một cộng đồng nhỏ sẽ không đạt hiệu quả lâu bền, nhất là khi virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi. Ngoài biến thể Delta được dự báo sẽ trở thành biến thể chủ đạo, gây ra phần lớn các ca bệnh COVID-19 trên toàn thế giới trong vài tháng tới, WHO cảnh báo các biến thể dễ lây lan và nguy hiểm hơn so với biến thể Delta hiện nay có thể sớm xuất hiện, bởi virus càng lây nhiễm nhiều thì khả năng biến đổi càng cao. Những biến thể mới có thể kháng các loại vaccine đang có, khiến công cuộc chống dịch phải “bắt đầu lại từ đầu”.

Trong bối cảnh đó, WHO một lần nữa nhắc lại thông điệp đã nhiều lần đưa kể từ khi COVID-19 được công bố là đại dịch toàn cầu: Cuộc chiến chống "kẻ thù chung" rất cần sự đồng lòng và đoàn kết của cả cộng đồng quốc tế, mà lần này là trong vấn đề phân phối công bằng vaccine. Đây là một vấn đề không mới, song những lời kêu gọi thì chưa bao giờ cũ bởi các biến thể của virus SARS-CoV-2 không bỏ qua bất kỳ một quốc gia nào.

Hồi đầu tháng 6/2021, Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đưa ra một quyết định quan trọng, đó là cam kết cung cấp 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc gia nghèo hơn. Tuy nhiên, có một công cụ quan trọng mà Mỹ và các nước trong G7 sẽ cần tới để có một đòn bẩy trên toàn thế giới: Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). SDR là quỹ dự trữ toàn cầu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lập ra, có thể được sử dụng để giúp các quốc gia đang đối mặt với suy thoái kinh tế. Quỹ này hiện nay đang trở nên cần thiết để hỗ trợ ứng phó và phục hồi sau đại dịch COVID-19 ở các quốc gia có thu nhập thấp.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mới đây, các nhà lãnh đạo thế giới đã đồng ý phân bổ 650 tỷ USD từ SDR, đợt phân bổ lớn nhất trong lịch sử, để giúp các quốc gia có nhu cầu ứng phó đại dịch lớn nhất và phục hồi kinh tế chậm nhất. SDR đã nổi lên như một trọng tâm của Hội nghị G7, và đúng như vậy: Một nghiên cứu gần đây của Quỹ Rockefeller cho thấy các động thái tăng cường dự trữ khẩn cấp của IMF có thể cung cấp nguồn kinh phí cần thiết để tiêm chủng cho 70% dân số ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2022. G7 cũng đặt mục tiêu phân bổ lại các SDR trị giá 100 tỷ USD do các nước giàu nắm giữ cho các nước thu nhập thấp, mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi là “một bước quan trọng vì sự công bằng”.

Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nói: “Hơn 100 tỷ USD (cho SDR) liệu có đủ? Chúng ta cần phải nói rõ, như vậy là không đủ. Quỹ dự trữ của IMF hiện có thể cung cấp 285 tỷ USD, chỉ đủ để khắc phục những ảnh hưởng của COVID-19 đối với châu Phi. Đó thực sự là một tình huống khẩn cấp”. Nhu cầu của toàn thế giới về SDR mà bà Kristalina Georgieva nói ở đây là 2,5 nghìn tỷ USD.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nhấn mạnh lý do tại sao việc tài trợ nhiều hơn là rất quan trọng: “Chúng ta cần thu hẹp khoảng trống tài trợ đáng kể cho việc xét nghiệm, phương pháp điều trị, các nguồn cung cấp thiết yếu như oxy và các hệ thống y tế cho phép xét nghiệm, điều trị và tiêm chủng”. Nói cách khác, có thể gửi 1 tỷ liều vaccine cho khắp thế giới, nhưng sẽ không tạo ra sự khác biệt nếu các quốc gia thiếu tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc mở rộng quy mô các chương trình tiêm chủng. Đó là lý do tại sao nếu thực sự muốn giải quyết sự bất bình đẳng về sức khỏe toàn cầu, cần mở rộng hơn nữa việc sử dụng SDR.

7-3.jpg -0
Sự bất bình đẳng về vaccine càng kéo dài thì đại dịch cũng sẽ chưa thể kết thúc. 

Có 2 cách để làm điều này: phát hành thêm SDR hoặc phân bổ lại SDR của các nước giàu cho IMF. Và cả hai biện pháp này đều phải được Quốc hội Mỹ thông qua. Tin tốt là có đủ lý do để thuyết phục rằng việc này nên được lưỡng đảng ủng hộ. Tăng SDR không chỉ là điều đúng đắn về mặt đạo đức mà đó còn là điều thông minh cần làm.

Trong suốt đại dịch COVID-19, chúng ta đã thấy sự bất bình đẳng về y tế toàn cầu không chỉ được nhìn nhận dưới một góc độ mới mà còn trở nên nghiêm trọng hơn. Chúng ta nhận thấy tác động của đại dịch đối với kinh tế và sức khỏe ảnh hưởng nặng nề nhất trong cộng đồng có thu nhập thấp và những người lao động phổ thông. Điều này phải chấm dứt và nó phải kết thúc ngay bây giờ.

Với SDR, chúng ta có thể ngay lập tức đảo ngược quỹ đạo mà chúng ta đang ở trong đó, nơi COVID-19 đang lan nhanh hơn việc phân phối vaccine và chúng ta có thể đảm bảo sự công bằng hơn nhiều trong việc tiếp cận vaccine ở cấp độ toàn cầu. Chúng ta cần hành động và chăm sóc lẫn nhau.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.