"Băng" chưa kịp tan đã vội đóng

Thứ Hai, 06/02/2023, 08:19

Ồn ào chính trị về khinh khí cầu Trung Quốc nghi làm nhiệm vụ do thám trên bầu trời Mỹ không chỉ làm hỏng chuyến thăm Bắc Kinh đã được lên kế hoạch trước của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mà còn đe dọa làm đảo lộn những nỗ lực của cả hai nước nhằm ổn định mối quan hệ ngày càng rạn nứt.

Một khinh khí cầu Trung Quốc bị Mỹ cho là do thám đã bị nhắm trúng sáng 4/2 sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden ra lệnh bắn hạ vào lúc nó đang lơ lửng trên bầu trời Đại Tây Dương ở phía Đông Myrtle Beach thuộc Nam Carolina và chuẩn bị đi vào vùng biển liên bang. Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết bước đầu tiên là phải loại bỏ khinh khí cầu trên khỏi không phận liên bang, đồng thời gọi động thái của Trung Quốc là "không thể chấp nhận được và vô trách nhiệm" cũng như vi phạm luật pháp quốc tế.

8-1.jpg -0
Khinh khí cầu bị bắn hạ ngày 4/2 được phát hiện lần đầu tiên khi đi qua Montana. Ảnh: AP.

Trong khi đó, Thống đốc bang Arkansas - ông Asa Hutchinson cho biết "hành động gây hấn của Trung Quốc" không thể chấp nhận được, cũng như khẳng định khinh khí cầu này cần bị bắn hạ. Ông cũng cho rằng, việc khôi phục các mảnh vỡ sẽ cung cấp câu trả lời về việc Trung Quốc đã sử dụng các thiết bị do thám gì khi tiến hành động thái trên. Tuy vậy, một số quan chức cho rằng việc bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc ở vùng biển liên bang khi nó đi qua bờ biển của Carolina quá nguy hiểm. Theo một cựu phi công Hải quân nhận định trên Business Insider, việc bắn hạ nó "rất khó khăn" và có thể gây nguy hiểm cho những người trên mặt đất.

Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder thông báo trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng khinh khí cầu trên có kích cỡ bằng 3 chiếc xe bus, lơ lửng ở độ cao hơn 18.000m, song không gây ra "mối đe dọa với những người trên mặt đất". Một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, việc trì hoãn bắn hạ khinh khí cầu cho phép Lầu Năm Góc theo dõi nó khoảng 1 tuần và hiểu thêm về khả năng thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters, phản ứng ở Mỹ với vụ việc sẽ gây hậu quả kéo dài với những nỗ lực ổn định mối quan hệ song phương vốn đã ở gần mức thấp lịch sử. Một số nhà lập pháp Mỹ đang yêu cầu Tổng thống Joe Biden buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về vụ việc mà họ coi là vi phạm chủ quyền Mỹ không thể chấp nhận được. Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, nhận định: "Vụ việc này đã làm xấu bầu không khí và củng cố các quan điểm. Không có gì đảm bảo hai bên có thể khôi phục thành công động lực ở Bali".

Tại Bali (Indonesia) vào tháng 11/2022, đã diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; hai bên đã đồng ý tăng cường liên lạc. Mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng trong vài năm qua và chìm xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập niên vào tháng 8 năm ngoái, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi đến thăm đảo Đài Loan (Trung Quốc), khiến Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần hòn đảo này.

Kể từ đó, chính quyền Mỹ cho biết họ hy vọng sẽ xây dựng một nền tảng cho mối quan hệ và đảm bảo rằng cạnh tranh không biến thành xung đột. Nhưng các thành viên đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện đang tìm cách điều tra các mối đe dọa tiềm ẩn từ Trung Quốc và đã nhanh chóng gây sức ép với người đứng đầu Nhà Trắng về vụ khinh khí cầu, đặt câu hỏi làm thế nào mà nó có thể bay vào không phận Mỹ.

Ông Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 3/2 đã yêu cầu được biết lý do tại sao chính quyền không bắn hạ khinh khí cầu. Ông còn cáo buộc Tổng thống Joe Biden đã để quả khinh khí cầu gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia trực tiếp và liên tục đối với Mỹ.

Về phần mình, trong tuyên bố đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sáng 5/2, Bắc Kinh đã bày tỏ sự "không hài lòng và phản đối mạnh mẽ", tái khẳng định Trung Quốc đã nhiều lần thông báo với Mỹ khinh khí cầu của nước này được sử dụng vào mục đích dân sự và xâm nhập vào Mỹ vì lý do bất khả kháng, "hoàn toàn là sự cố bất ngờ", cho biết Bắc Kinh đã yêu cầu Washington xử lý ổn thỏa vụ việc một cách "bình tĩnh, chuyên nghiệp và kiềm chế".

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, "người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết khinh khí cầu không gây ra mối đe dọa quân sự hay vật lý nào đối với những người dưới mặt đất". Do vậy, Trung Quốc cho rằng, việc Mỹ sử dụng vũ lực, "rõ ràng là phản ứng thái quá và vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế". Bắc Kinh tuyên bố "sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp liên quan, đồng thời bảo lưu quyền đưa ra các phản ứng cần thiết tiếp theo".

Trước đó, ngày 3/2, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo khinh khí cầu dân sự Trung Quốc xuất hiện ngoài ý muốn trong không phận Mỹ là bất khả kháng. Trong một tuyên bố, người phát ngôn trên cho biết đây là khí cầu dân sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng. Tuyên bố nêu rõ, do ảnh hưởng của gió Tây ôn đới và khả năng tự điều khiển hạn chế, khinh khí cầu này đã đi chệch hướng quá xa so với lộ trình dự kiến.

Người phát ngôn cho biết Trung Quốc lấy làm tiếc về việc khinh khí cầu bay vào không phận của Mỹ vì lý do bất khả kháng, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục liên lạc với Washington và xử lý thỏa đáng tình huống bất ngờ này. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Blinken tối 3/2, ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã thảo luận về cách thức xử lý các sự cố theo hướng chuyên nghiệp và bình tĩnh.

Ông Vương Nghị cho rằng Trung Quốc và Mỹ cần tập trung, liên lạc kịp thời, tránh đánh giá sai lầm và quản lý sự khác biệt khi đối mặt với các tình huống bất ngờ. Trong một tuyên bố riêng khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc các chính trị gia và phương tiện truyền thông Mỹ lợi dụng tình hình để làm mất uy tín của Bắc Kinh.

Vụ việc đã khiến Ngoại trưởng Antony Blinken phải hoãn chuyến thăm Trung Quốc mà theo kế hoạch bắt đầu vào ngày 3/2. Ông cho biết ông sẽ chuẩn bị thăm Bắc Kinh khi điều kiện cho phép, nhưng chính quyền Mỹ khó có thể nhanh chóng thực hiện chuyến đi nếu Trung Quốc không đưa ra các cử chỉ thiện chí nghiêm túc.

Phản ứng trước việc này, trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: "Vai trò của các nhà ngoại giao Trung Quốc và Mỹ là quản lý tốt các mối quan hệ song phương, đặc biệt là xử lý một số tình huống bất ngờ một cách bình tĩnh và thận trọng. Trên thực tế, chưa bên nào tuyên bố sẽ thực hiện một chuyến thăm".

Khổng Hà
.
.
.