“Bài kiểm tra” khó giải

Thứ Tư, 01/02/2023, 08:17

Căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine cũng như phản ứng gay gắt từ cả 2 phía đang được coi như “bài kiểm tra” đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Nhiệm vụ trọng tâm

Hàng loạt diễn biến bạo lực đã khiến tháng 1 này trở thành một trong những tháng đẫm máu nhất tại Bờ Tây và Jerusalem trong vài năm trở lại đây. Chiến đấu cơ của Israel đã tấn công Dải Gaza vào hôm 27/1 để trả đũa việc các tay súng Palestine phóng 2 quả tên lửa.

“Bài kiểm tra” khó giải -0
Người Palestine trong cuộc đụng độ với các lực lượng Israel tại Jenin, Bờ Tây.

Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết, các cuộc không kích ngày 27/1 nhắm vào một địa điểm sản xuất tên lửa dưới lòng đất và một căn cứ quân sự do lực lượng Hamas sử dụng. Trước đó, lực lượng Israel đã đột kích trại tị nạn Jenin ở Bờ Tây hôm 26/1 khiến 9 người Palestine thiệt mạng trong đó có các tay súng và ít nhất hai người dân thường.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 29/1 cho biết, phản ứng của nước này không nhằm gia tăng căng thẳng. Ông phát biểu trong cuộc họp nội các: “Chúng ta không muốn leo thang căng thẳng nhưng chúng ta chuẩn bị cho mọi kịch bản. Câu trả lời của chúng ta đối với khủng bố là mạnh tay là phản ứng nhanh chóng, chính xác, chắc chắn”. Trong khi đó, phía Palestine và một số nhóm nhân quyền tin rằng, phản ứng của Israel, trong đó phá nhà cửa của gia đình những kẻ tấn công là vi phạm luật quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ đang có chuyến thăm Israel và Bờ Tây trong tuần này. Giảm căng thẳng trong những vấn đề này hoặc ít nhất là ngăn chặn những vấn đề mới, là trọng tâm nhiệm vụ của Ngoại trưởng Antony Blinken mặc dù ông Benjamin Netanyahu phản đối hai trong số những ưu tiên chính tại Trung Đông của Tổng thống Joe Biden: khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và khởi động đàm phán hòa bình Israel-Palestine. Cả hai nội dung này đều đang đóng băng và có ít hy vọng cho khởi động lại các đàm phán, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng duy trì sự tồn tại của những ý tưởng này. Cùng thời điểm, chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách cải thiện quan hệ với Palestine. Ngoại trưởng Antony Blinken dự kiến đến Ramallah để gặp lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết, khi Ngoại trưởng Antony Blinken gặp gỡ lãnh đạo 2 bên, ông sẽ kêu gọi “các bước đi để giảm leo thang căng thẳng”.

Một nhà đàm phán kỳ cựu của Mỹ, ông Aaron David Miller nhận định với Al Jazeera: “Điều tốt nhất họ có thể làm là giữ mọi thứ ổn định để tránh một tháng 5/2021 khác”. Ông Aaron David Miller đề cập đến 11 ngày xung đột giữa Israel và phong trào Hamas kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn. Trong khi đó, ông Ghaith al-Omari tại Viện Washington (Mỹ) nhận định rằng Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ lặp lại quan điểm truyền thống của Mỹ thay vì tạo đột phá. Ông phân tích: “Chính chuyến đi là thông điệp. Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ đề nghị ông Mahmoud Abbas thực hiện nhiều hơn, tuy nhiên không rõ họ có thể làm điều gì”.

Lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 30/1 đã lên tiếng kêu gọi giới chức ngoại giao Palestine và Israel nỗ lực hết sức nhằm tránh leo thang căng thẳng liên quan các vụ bạo lực tại Jerusalem và Bờ Tây. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga, trong các cuộc điện đàm với các nhà ngoại giao cấp cao của Palestine và Israel, Ngoại trưởng Sergei Lavrov kêu gọi giới chức hai nước thể hiện trách nhiệm tối đa, đồng thời kiềm chế mọi hành động có thể khiến tình hình xấu đi hơn nữa. Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh “sự cấp thiết” của việc Bộ Tứ trung gian hòa giải quốc tế nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.

Cùng ngày, cả Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đều lên tiếng kêu gọi Israel và Palestine kiềm chế bạo lực và giảm leo thang căng thẳng. Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell ra tuyên bố chính thức nêu rõ: “EU hoàn toàn thừa nhận những lo ngại chính đáng của Israel, cụ thể là các cuộc tấn công khủng bố mới nhất, nhưng chúng tôi phải nhấn mạnh rằng vũ lực sát thương chỉ được sử dụng như là phương sách cuối cùng khi không thể tránh khỏi để bảo vệ sinh mạng cho người dân”. Quan chức này bày tỏ “vô cùng lo ngại trước những căng thẳng đang gia tăng tại Israel và vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng”, đồng thời kêu gọi hai bên làm mọi điều có thể nhằm giảm leo thang tình hình và khởi động lại quan hệ hợp tác an ninh như một thành tố quan trọng nhằm ngăn chặn bạo lực tiếp diễn.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo cho biết nước này đang theo dõi sát tình hình và kêu gọi các bên, đặc biệt là Israel, cần bình tĩnh và không để bạo lực vượt tầm kiểm soát. Chính phủ Trung Quốc gửi lời chia buồn trước những thương vong về dân sự do xung đột Palestine – Israel gây ra và lên án các vụ tấn công khủng bố nhằm vào dân thường, cũng như phản đối việc sử dụng vũ lực quá mức. Thông cáo trên cho rằng, xung đột tái diễn là do giải pháp hai nhà nước không được thực hiện và cộng đồng quốc tế luôn từ chối nguyện vọng chính đáng lâu nay của người Palestine là thành lập một nhà nước độc lập, đồng thời kêu gọi những hành động khẩn trương tạo điều kiện nối lại hòa đàm giữa Palestine và Israel, hướng tới một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài.

Về phía Palestine, Tổng thống Mahmoud Abbas kêu gọi Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns gây sức ép buộc Israel chấm dứt các hành động “đơn phương” chống người Palestine. Trong cuộc gặp với ông William Burn tại Văn phòng Tổng thống Palestine ở thành phố Ramallah (thuộc Bờ Tây), ông Mahmoud Abbas nhấn mạnh “điều quan trọng là cần có các biện pháp can thiệp khẩn cấp nhằm gây sức ép buộc chính phủ mới của Israel do Thủ tướng Benjamin Netanyahu lãnh đạo phải chấm dứt các biện pháp đơn phương và tuân thủ các thỏa thuận đã ký”. Ông đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải khôi phục tầm nhìn chính trị dựa trên các nghị quyết quốc tế để đạt được an ninh và ổn định cho mọi người dân trong khu vực.

Khổng Hà
.
.
.