Những người giữ lửa nhà số 7 Thiền Quang

Thứ Hai, 19/08/2013, 14:20

Mỗi lần sang ngôi nhà số 7 phố Thiền Quang - trụ sở của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, mà người dân vẫn quen gọi là Phòng CSHS Công an Hà Nội, chúng tôi đều có một cảm giác rất ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ bởi những cái tên đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, sự mưu trí. Biểu tượng ấy cho đến bây giờ vẫn là nỗi khiếp sợ của nhiều tên tội phạm khét tiếng. Ở ngôi nhà số 7 hôm nay, có những thành viên còn rất trẻ nhưng bản lĩnh và lòng can đảm thì luôn trào chảy trong huyết quản của họ. Họ đang hàng ngày, hàng giờ dệt nên bức tranh của một Hà Nội bình yên. Và tôi gọi họ là những người giữ lửa của ngôi nhà số 7.

Đằng sau tấm biển "Bận họp, không tiếp khách"

Với bất cứ Phòng CSHS nào, thì Đội trọng án luôn được cánh phóng viên theo dõi mảng nội chính "quan tâm" nhiều nhất. Bởi tính chất của các vụ án mà các anh tham gia đấu tranh bao giờ cũng khiến cho dư luận xôn xao, bàn tán nhiều nhất. Và đó cũng là lý do mà lính Đội trọng án bao giờ cũng thuộc hàng "hot". Nhưng không có dáng vẻ sành điệu như những "hot boy" ngoài đường phố, lính trọng án thường mang dáng vẻ phong trần, bởi vậy, tôi vô cùng ngạc nhiên khi tiếp xúc với Đại úy Lê Minh Hải, sinh năm 1982, Đội phó Đội Trọng án 1 thuộc Phòng CSHS Công an Hà Nội. Hải có vóc dáng thư sinh với cặp kính cận thường trực trên gương mặt sáng, đầy nghị lực. Nhìn Hải, người ta dễ nhầm với một thầy giáo hay một cán bộ làm công tác nghiên cứu, chỉ thích hợp với giấy tờ, bút sách. Tôi nói ra nỗi "ngờ ngợ" ấy, Đại úy Hải chỉ cười, anh bảo, cũng lên rừng xuống biển, rình phục đối tượng nơi rừng thiêng nước độc, đủ cả. Nhưng nhờ có vóc dáng thư sinh mà anh dễ "nhập vai" khi cần tiếp cận đối tượng.

Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát Volgagrad, Bộ Nội vụ Liên bang Nga, Lê Minh Hải về nhận công tác ở Đội điều tra trọng án Công an Hà Nội. Khi nhận nhiệm vụ Đội phó Đội Trọng án 1, với những kiến thức nghiệp vụ được trau dồi trong thời gian học tập ở nước bạn, anh được giao nhiệm vụ hướng dẫn về mặt nghiệp vụ, phối hợp với Đội CSHS Công an các quận, huyện thuộc địa bàn Hà Nội cũ và huyện Mê Linh, tổ chức điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Rất nhiều vụ trọng án được Đội Trọng án 1 khám phá, có sự đóng góp công sức của Lê Minh Hải. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, anh Hải đã cùng đồng đội khám phá trên 35 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có 4 vụ án giết người, cướp tài sản; 19 vụ giết người, giải tỏa sự bức xúc của dư luận.

Sang ngôi nhà số 7 nhiều, chúng tôi tự rút ra một kinh nghiệm, cứ hôm nào trước cửa Đội Trọng án treo tấm biển: "Bận họp, không tiếp khách", tức là bên trong, các điều tra viên đang phải đấu tranh với một đối tượng nào đó. Đó có thể là Nguyễn Đức Nghĩa, kẻ đã sát hại người yêu cũ dã man để cướp tài sản, cũng có thể là nữ sinh gây ra vụ án "Lexus" từng làm chấn động dư luận. Đó cũng có thể là kẻ đã gây ra vụ giết cướp tiệm vàng ở Thường Tín... Dù là đối tượng nào thì chúng tôi hiểu, với  Đại úy Lê Minh Hải nói riêng và đồng đội của anh nói chung, cũng đều là những giây phút đấu lý, đấu trí căng như dây đàn. Chỉ có điều, các anh không chùn bước, và bọn tội phạm thì phút cuối cùng, đã phải thở hắt ra và nhận tội.

Dẫn giải tên Bàn Văn Trung xác định địa điểm tiêu hủy vật chứng.

Tội phạm có 1001 quỷ kế để đối phó với các điều tra viên, nhưng những cán bộ chiến sĩ như Lê Minh Hải thì chỉ có một ý chí duy nhất là phải đấu tranh, phải chiến thắng chúng. Là cuối cùng cái thiện phải thắng cái ác. Là phải bắt chúng nhận tội một cách tâm phục khẩu phục. Chỉ thế thôi, có thể là một dòng tin ngắn gọn trên báo, rằng "vụ án A đã được khám phá", "thủ phạm gây ra vụ án B đã bị bắt"... nhưng ít ai biết, đằng sau mỗi chiến công ấy, là cả một núi công việc, là sự góp sức đồng bộ của tất cả các đơn vị nghiệp vụ. Nói về đơn vị nơi mình công tác, Đại úy Lê Minh Hải hóm hỉnh: "Đơn vị của tôi toàn những "hot boy" biết bắn súng hai tay như một".

Đêm 30 nhận lệnh lên đường

Tết Quý Tỵ 2013 vừa qua là một cái Tết đáng nhớ đối với Đại úy Lê Minh Hải cũng như các anh em trong Đội trọng án 1. Nhận thông tin về vụ án giết người xảy ra tại Đội 1, xã Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội vào ngày 2/2/2013 (tức ngày 22 Tết âm lịch), Lê Minh Hải cùng đồng đội được giao nhiệm vụ điều tra. Nạn nhân là anh Mai Xuân Nghị, quê Thái Bình, là người thuộc thế giới thứ ba, có quan hệ khá phức tạp với các đối tượng đồng tính nam. Nạn nhân chủ yếu có các mối quan hệ trên mạng Internet nên rất kín đáo, ít lộ ra bên ngoài. Vụ việc được phát hiện sau 12 ngày, tức là khi xác nạn nhân đã phân hủy, bốc mùi khó chịu.

Trên người anh Nghị có 2 vết đâm tại vùng cổ và ngực, tại hiện trường, cơ quan điều tra thu được 1 con dao nhọn dính máu nạn nhân. Nạn nhân bị lấy đi 2 chiếc ĐTDĐ. Anh Duy Anh - người ở cùng ngôi nhà với anh Nghị được gọi hỏi đầu tiên, nhưng anh này có bằng chứng ngoại phạm và cho biết, quá trình ở đây, anh có ngửi thấy mùi thối nhưng nghĩ là chuột chết nên... không quan tâm.

Ông Hòa - chủ ngôi nhà trọ kể, ngôi nhà này gia đình ông Hòa cho anh Nghị thuê từ năm 2005 đến nay. Hầu như chưa bao giờ ông Hòa nhìn thấy anh Nghị có bạn gái đến chơi mà bạn bè của anh đều là đàn ông, có khi là khách đến cắt tóc (anh Nghị làm nghề cắt tóc cho đàn ông).

Từ thông tin này, kết hợp với những tài liệu mà Đội PCTP công nghệ cao thu thập được từ chiếc máy tính của nạn nhân, Đại úy Lê Minh Hải cùng đồng nghiệp của mình sau một thời gian tích cực điều tra, đến ngày 7/2/2013 đã xác định thủ phạm là Bàn Phúc Trung, sinh năm 1992, ở xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Trung là đối tượng lang thang, không có nơi ở cố định. Sau khi gây án, hắn đã bỏ trốn về Thái Nguyên. Ngay lập tức, anh Hải cùng đồng đội ở Đội Trọng án 1 và các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Thanh Trì đã xác minh các mối quan hệ của hắn ở Thái Nguyên thì được biết thời gian ở Hà Nội, hắn ở nhà thuê cùng một người bạn tên Đạt tại Nhân Chính, Thanh Xuân. Đối tượng Đạt quê tận Cao Bằng.

CA Hà Nội trao tặng Bằng khen cho CBCS tham gia phá án.

Ngay trong ngày 9/2/2013, tức ngày 30 Tết Quý Tỵ, tổ công tác đi Thái Nguyên đã chia làm hai mũi, một mũi ở lại Thái Nguyên tiếp tục bám sát các mối quan hệ, những nơi Bàn Phúc Trung có thể mò đến, một mũi thẳng đường lên Cao Bằng, xác minh, giám sát nhà đối tượng Đạt, đề phòng hắn bỏ trốn lên nhà Đạt tá túc. Đến 20h30’ ngày 10/2/2013 (tức mùng 1 Tết Quý Tỵ), Bàn Phúc Trung đã bị bắt giữ khi hắn đang lẩn trốn trong một mỏ khai thác thiếc ở xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên.

"Đó là địa bàn rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, xa khu dân cư. Có lúc anh em chúng tôi phải cuốc bộ đường đèo dốc nguy hiểm. Nhưng khi bắt được đối tượng, chúng tôi như quên hết mệt nhọc, thậm chí bụng đói meo nhưng không ai thiết ăn uống, và như trút được gánh nặng ngàn cân vì kẻ thủ ác cuối cùng đã phải đền tội. Cũng chỉ sau khi bắt được kẻ thủ ác này, anh em trong tổ công tác gồm hơn 10 người chúng tôi mới thực sự được ăn Tết, được đón một cái Tết sum vầy bên người thân" - Đại úy Lê Minh Hải chia sẻ.

Đã có nhiều vụ án xảy ra vào giữa đêm giao thừa, thậm chí là những ngày đầu năm mới. Ngoài đường phố, người dân và gia đình của họ vẫn vui vẻ du xuân, nhưng các anh - những chiến sĩ Cảnh sát hình sự và gia đình của các anh, thì chừng nào chưa bắt được thủ phạm, tức là cái Tết đối với họ cũng chưa về, nếu không muốn nói là vô nghĩa. Và đương nhiên, họ cũng không thể nào được hưởng niềm vui trọn vẹn bên vợ con, gia đình trong những ngày Tết. Là một người trẻ, anh Hải cũng như đa số cán bộ, chiến sĩ có mặt trong tổ công tác hơn mười người ấy không thể nào tránh được giây phút chạnh lòng, khi giữa đêm 30, các anh vẫn phải tạm biệt gia đình, lên đường đến một nơi xa lạ, nơi rừng xanh núi thẳm để săn lùng một kẻ đang bị dư luận căm phẫn. Bởi các anh đều tâm niệm, nếu không bắt giữ kẻ thủ ác nhanh chóng thì hắn sẽ biến mất không biết bao giờ mới lần ra được manh mối, bởi hắn là một kẻ sống lang thang, nay đây mai đó. Bởi vậy, những ngày Tết là thời điểm thuận lợi nhất để bắt hắn.

Hy sinh hạnh phúc riêng tư, tạm gác lại niềm vui sum họp với gia đình để thực hiện nhiệm vụ, là tâm niệm thường trực đối với không chỉ Đại úy Lê Minh Hải mà là của tất cả những người đang mang danh "lính hình sự". Ở ngôi nhà số 7, nhiệt huyết được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, không ngừng nghỉ. Những người trẻ như Lê Minh Hải chính là những người giữ lửa, để ngọn lửa ấy không bao giờ tắt, và mãi là biểu tượng cho sự gan dạ, dũng cảm của Cảnh sát hình sự Hà Nội.

"Mỗi người lúc đó đều có những cảm xúc nhất định nhưng không ai nói ra, chỉ nhìn nhau động viên cùng cố gắng. Thời khắc giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất đối với mỗi người dân Việt Nam, nghĩ đến cảnh mọi người được quây quần, đoàn tụ bên gia đình, bên vợ con, tâm trạng những người lính chúng tôi cũng không khỏi bồi hồi. Nhưng chúng tôi luôn xác định, trước mỗi vụ án, trước các đối tượng gây án, chúng tôi phải khẩn trương xác minh và truy bắt càng sớm thì đối tượng sẽ không có cơ hội cao chạy xa bay, có thể gây tội ác mới cho bao người dân lành. Việc phát hiện, bắt giữ được đối tượng gây án chính là niềm vui, hạnh phúc của chúng tôi nhằm bảo vệ sự bình yên của nhân dân".

Đại úy Lê Minh Hải là một trong hai mươi gương mặt điển hình tiên tiến được vinh danh dịp Kỉ niệm Ngày thành lập CAND 19-8 năm nay bởi những thành tích xuất sắc đã đạt được: Năm 2012, anh được Giám đốc Công an TP Hà Nội trao tặng Giải thưởng "Gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu năm 2012"; trong các năm 2011, 2012, Đại úy Lê Minh Hải đều đạt danh hiệu "Chiến sĩ Thi đua cơ sở", được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn năm 2012...

Đinh Hiền – Trung Hiếu
.
.
.