Người chiến sỹ 15 năm gắn bó sâu nặng với vùng cao

Thứ Năm, 23/04/2015, 09:00
Từng lập nhiều chiến công với các thành tích đáng nể như được tặng thưởng Huân chương Chiến công, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an tặng nhiều bằng khen… nhưng như chia sẻ của Thiếu tá Phạm Huy Hoàng thì cái được lớn nhất mà anh có chính là niềm tin của nhân dân...

Mộc mạc đến chân chất, chàng trai đất Cảng "phiêu dạt" lên miền ngược ngót 15 năm, đã trở thành "trai bản" chính hiệu nhưng cái nét rắn rỏi của con trai miền biển vẫn phảng phất trên gương mặt vuông chữ điền. Đó là Thiếu tá Phạm Huy Hoàng, Phó trưởng Phòng An ninh xã hội, Công an tỉnh Lào Cai - một trinh sát An ninh 14 năm "cắm bản".

Từng lập nhiều chiến công với các thành tích đáng nể như được tặng thưởng Huân chương Chiến công, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an tặng nhiều bằng khen… nhưng như chia sẻ của Thiếu tá Phạm Huy Hoàng thì cái được lớn nhất mà anh có chính là niềm tin của nhân dân.

Ngược đỉnh sương mù phá án

Thiếu tá Phạm Huy Hoàng quê ở huyện An Lão, TP Hải Phòng. 20 năm trước, anh trúng tuyển vào 6 trường đại học và cao đẳng nhưng anh đã lựa chọn Đại học An ninh nhân dân để gắn bó với nghề binh nghiệp.

Nhớ lại câu chuyện cách đây 15 năm - cái ngày "định mệnh" gắn bó anh với mảnh đất biên cương Lào Cai, đôi mắt Thiếu tá Phạm Huy Hoàng rơm rớm…

Năm 2000, gần 20 sinh viên khóa D27 của Đại học ANND quê ở Thái Bình, Hải Phòng tốt nghiệp được phân lên Lào Cai công tác. Trong buổi tập trung ở Công an tỉnh Lào Cai để nhận nhiệm vụ, anh không nghĩ rằng chuyến xe đó lại chở mình đến nơi nó cần đến, cho mình gắn bó sâu nặng với đồng bào miền ngược đến không thể dứt ra, dù rằng hiện nay lứa sinh viên ngày đó đã chuyển công tác về Thủ đô gần hết.

Là người đi nhận nhiệm vụ sớm nhất, trước khi tiễn anh, đồng chí Trưởng đoàn còn động viên: "Yên tâm nhé, một tháng lên thăm một lần" làm anh cảm thấy mình như sắp lên biên giới.

Đi đến nơi nào, Thiếu tá Phạm Huy Hoàng cũng được đồng bào dân tộc tin yêu, quý mến.

15 năm gắn bó với miền cao Lào Cai thì anh Hoàng đã có 14 năm làm trinh sát An ninh ở những nơi gian khổ nhất, trong đó có 12 năm gắn bó sâu nặng với Sa Pa. Sa Pa không chỉ là nơi tôi luyện cho anh trưởng thành, mà đó còn là nơi cho anh gặp gỡ duyên phận để có một mái ấm ngập tràn tiếng cười trẻ thơ…

Là địa bàn phức tạp về tình hình dân tộc, an ninh tôn giáo và an ninh nông thôn, Sa Pa còn có địa hình trắc trở, thời tiết khắc nghiệt, đây là cản trở lớn nhất cho trinh sát địa bàn. Ngay buổi đầu nhận công tác, anh Hoàng đã phải đặt ra kế hoạch cho mình, đó là phải vượt qua tất cả các thử thách như: rào cản ngôn ngữ, phong tục tập quán, luyện đi bộ, leo núi để hòa mình với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Có những khi, đồng bào lên nương hái chè, anh Hoàng cũng đeo gùi đi cùng. Trời mùa đông băng giá, họ đi thu hoạch hoa màu mình cũng đi theo. Có những lúc đeo gùi chè nặng trĩu tưởng chừng không lê được bước chân về bản nhưng anh cũng phải cố…

12 năm gắn bó máu thịt với Sa Pa, có những lúc tưởng chừng khó lòng vượt qua, nhưng nhờ tôi luyện trong thử thách khốc liệt đó mà anh đã chiếm trọn được niềm tin yêu của nhân dân.

Năm 2008, nhận được tin có một nhóm đối tượng lợi dụng vùng dân tộc thiểu số để thành lập Vương quốc Mông tại khu rừng Séo Mí Tỷ, huyện Sa Pa, chúng tụ tập dựng lán, tập võ thuật, dự trữ thức ăn trên đỉnh núi để hoạt động, sau khi nghe anh báo cáo tình hình, lãnh đạo Phòng PA88 đã họp và đi đến quyết định cử trinh sát lên tận nơi để chụp ảnh lại hiện trường làm căn cứ, bằng chứng để xử lý.

Tổ công tác được thành lập gồm 3 người: Hoàng, một đồng chí Công an huyện và một người dân bản dẫn đường. Phải kể ra đây để bạn đọc hình dung, Séo Mí Tỷ là cánh rừng sâu, độc đạo với những con dốc thẳng đứng như ngược lên cổng trời. 12h trưa, tổ công tác bắt đầu lên đường nhưng đi làm sao 3 tiếng phải đến được tới nơi nếu không sương mù ập đến sẽ không chụp được ảnh.

Trước thách thức như thế buộc các anh phải "vắt chân lên cổ" mà leo ngược dốc. Đi được một lát, ai cũng mệt lử, hai người đi cùng anh Hoàng đều là người dân tộc Mông nên họ leo núi thuần thục hơn là chàng trai sinh ra ở đồng bằng. Anh Hoàng đi sau và bị vắt bu đầy chân.

Quên cả kinh hãi vì không còn thời giờ, anh buộc phải leo tiếp trong khi đôi chân cõng mấy chục chú vắt. Lên đỉnh núi đúng như kế hoạch, lúc này anh mới hốt hoảng nhìn xuống đôi chân bầm dập tứa máu, lũ vắt no kềnh càng chẳng cần gỡ cũng tự lăn xuống đất. Chẳng kịp lau vết thương, anh vội vã lấy máy ảnh chụp lại khung cảnh hiện trường rồi nhanh chóng xuống núi.

Lúc đó khoảng 16h, đỉnh Séo Mí Tỷ chuyển gió ầm ầm, sương mù quện trắng cành cây. Trong lờ mờ nhập nhoạng đó, anh Hoàng chỉ nghe thấy tiếng giục: "Xuống núi mau, mau lên, không là ở giữa rừng bây giờ". Một cảnh tượng khủng khiếp diễn ra. "Lên còn có cái bám, xuống thì không, nhỡ có trượt chân sẽ lăn giống như viên bi"- anh Hoàng kể lại.

Nhìn xuống dưới vực sâu, toàn mỏm đá sắc nhọn, mắt anh hoa lên. Trời tối rất nhanh, vừa đói, vừa khát, đến bên bờ một con suối, Hoàng vội vã dùng tay vớt nước uống. Chưa kịp tỉnh cơn khát, bên tai đã có tiếng quát: "Sao lại uống nước đó, đã dặn rồi cơ mà…???" làm cho dòng nước trôi xuống bụng chỉ muốn trào ra.

Theo lời kể của người dẫn đường thì đây là khu vực thiêng của người dân tộc và quanh đây là khu chôn cất người chết nên con suối này đã bị nhiễm độc, nếu còn dừng lại ở đây, không nhanh chân về thì có "ma tà" vây quanh. Thế là cả nhóm lại "vắt chân lên cổ" mà đi. "Chuyện qua lâu rồi, mỗi khi nghĩ lại vẫn thấy đó là chuyến đi khủng khiếp trong đời làm trinh sát của mình"- anh Hoàng chia sẻ.

Lần khác, anh được giao nhiệm vụ giám sát một đối tượng là người nước ngoài từ ga Lào Cai về Sa Pa. Đối tượng thuê một hướng dẫn viên du lịch đi xe máy chở từ Sa Pa vào bản Khoảng. Bản này chưa làm đường nên chuyện đi lại được xếp vào dạng khó khăn bậc nhất của Sa Pa. Nhiệm vụ của anh và tổ công tác là bám theo, lúc nào đối tượng hoạt động thì bắt quả tang. Nhưng sự cố đã xảy ra ngay trên đường đi.

Đúng lúc xuất phát thì trời đổ mưa to. Chiếc xe ôtô U-oat chở tổ công tác bị kẹt giữa đường do gặp núi sạt gây cô lập. Thế là chỉ còn anh cùng một trinh sát đi xe máy và phía trước là chiếc xe chở đối tượng đi vào bản Khoang.

Đến nơi trời đã nhá nhem tối, đối tượng bắt đầu tập hợp bà con dân tộc để tuyên truyền, lôi kéo, kích động nhân dân chống lại chính quyền. Lúc này chỉ có 2 trinh sát, bắt hắn thế nào trong khi giấy tờ, tài liệu lại để hết trên xe ôtô? Nếu không có giấy tờ, tài liệu thì chính quyền xã, huyện và nhân dân ai tin mình mà ủng hộ, mà giúp đỡ?

Gần dân để hiểu và giúp dân nhiều hơn.

Sau hàng loạt câu hỏi, anh vẫn quyết định hành động. Nghe tiếng hô hào "bắt quả tang" của anh, đối tượng lập tức định hủy tài liệu, dân ở đó nhốn nháo "xe ôm bắt người nước ngoài" và kiên quyết "không cho bắt". Rất may là nhờ nhốn nháo đó mà chính quyền xã đã có mặt ngay. Họ đưa tất cả ra trụ sở xã làm việc. Ở đây anh mới chứng minh được "nhân thân" của mình. Ngay trong đêm, anh đưa đối tượng ra huyện trong an toàn dù đường đi ra cũng khó khăn chẳng kém lúc vào.

Đam mê cháy bỏng với công việc

Nếu không có đam mê cháy bỏng với công việc thì có lẽ khó lòng cán bộ nào trụ được ở nơi khắc nghiệt đó lâu đến vậy. Công tác phí có lúc chỉ vỏn vẹn 200 nghìn đồng/tháng, nếu cứ đi đi, lại lại về đơn vị báo cáo tình hình thì vừa mệt mà chi phí lại không đủ, anh Hoàng đành dành số tiền đó để thuê một phòng trọ ở tại Sa Pa cho tiện công việc. Là vùng đất du lịch nên giá thực phẩm và sinh hoạt ở đây đắt đỏ, "nhoằng cái đã tiêu hết tháng lương", nhưng khó khăn đó vẫn không khiến anh lùi bước.

Được đơn vị cấp cho một chiếc xe máy Mink cũ thường xuyên trở chứng, lúc thì chết máy giữa đường phải dắt bộ cả đêm lên bản, lúc thì tiền sửa quá tiền xe nên dù có yêu quý nó hết mức anh cũng đành phải nhờ bạn kéo từ Sa Pa về tỉnh để trả cho đơn vị. Anh lại cuốc bộ, trèo rừng, lội suối ngược đỉnh sương mù phá án với niềm đam mê công việc đến bất tận. "Có lúc, "sếp" tôi đã phải sốt ruột vì cậu lính này hăng say và nhiệt tình quá" - anh Hoàng dí dỏm nhắc lại. 

Tìm hiểu về công việc của Thiếu tá Phạm Huy Hoàng, chúng tôi không chỉ khâm phục bản lĩnh, trí tuệ, cách xử lý tình huống nhạy bén của anh mà còn chia sẻ sâu sắc trước những hy sinh quên bản thân mình vì nhiệm vụ đảm bảo ANQG của anh cũng như các cán bộ chiến sĩ ở Phòng PA88.

 Anh tâm sự với chúng tôi, đồng bào giúp mình rất nhiều trong việc phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng xâm phạm ANQG nên anh luôn tích cực xây dựng củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào nhân dân để công tác, chiến đấu. Anh rất tâm đắc và thấm thía lời Bác dạy "Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép".

"Phải đặt vào vị trí công tác như của chúng tôi, ở những nơi mà đồng bào dân tộc thiểu số còn đói khổ và nhọc nhằn mưu sinh thì mới thực sự hiểu thấu được sức mạnh - giá trị của lòng dân đối với công tác Công an. Ở đó, đồng bào không muốn và cũng không hiểu được "kính trọng, lễ phép" bằng những lời nói suông, nhưng vượt qua mọi bất đồng ngôn ngữ, bà con các dân tộc đều cảm nhận được sự "kính trọng, lễ phép" từ những hành động cụ thể của người cán bộ Công an. Và chỉ khi cảm nhận được mình đã được tôn trọng, người dân mới sẵn sàng cộng tác, chia sẻ, giúp đỡ mình hoàn thành nhiệm vụ"- anh Hoàng đúc kết.

Lực lượng An ninh xã hội có được thành công hôm nay chính là nhờ vào tình cảm của đồng bào đã cưu mang, che chở lúc khó khăn nhất và đây là điều anh luôn trân trọng nhất. Năm 2014, Thiếu tá Phạm Huy Hoàng được bổ nhiệm làm Phó trưởng Phòng PA88 Công an tỉnh Lào Cai nhưng vẫn phụ trách lĩnh vực đấu tranh chống hoạt động địch lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo trong đồng bào dân tộc tại địa bàn Sa Pa. Và như một cơ duyên với mảnh đất này, anh vẫn tiếp tục là con của đồng bào, vẫn tiếp tục cùng các trinh sát của mình làm nhiệm vụ vinh quang mà Đảng, Tổ quốc giao cho.

Trần Hằng - Xuân Mai
.
.
.