Siêu âm cho cây xanh để giảm thiểu nguy cơ ngã, đổ vào mùa mưa

Thứ Bảy, 04/06/2022, 06:25

Tuần qua, nhiều cây xanh trên một số tuyến đường ở quận 1, quận 4, quận Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh… bị bật gốc, gãy đổ ra đường lúc trời mưa, dông gió khiến nhiều người lo lắng về mức độ an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông lúc trời mưa, dông gió…

Ngay trong chiều 2/6, cơn mưa lớn kèm gió mạnh đã khiến một cây xanh cao 20m có đường kính gần nửa mét trên đường Bùi Văn Thêm, phường 9, quận Phú Nhuận bị bật gốcđổ xuống đường. Thân cây đổ  đè vào đường dây điện và một xe tải đang đậu tại khu vực. Thời điểm xảy ra tai nạn, may mắn không có tài xế ở bên trong phương tiện và không có người dân lưu thông qua khu vực.

Sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng chức năng phường 9 đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Cây xanh TP Hồ Chí Minh đến hiện trường cắt cành, thu dọn hiện trường, phân luồng giao thông qua khu vực.

7-2.jpg -0
Cây xanh bật gốc, đè trúng xe ôtô trên đường Ký Con, quận 1, chiều 28/5.

Trước đó, liên tiếp từ ngày 26 tới 28/5 đều có hiện tượng cây xanh bật gốc, đổ ra đường. Một số phương tiện giao thông đã bị đè bẹp khiến giao thông ùn tắc. Điển hình vào chiều 28/5, cơn mưa kèm gió mạnh đã khiến cây xanh cao khoảng 10m trước số nhà 69 đường Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 bị bật gốc, ngã ra đường và đè trúng một xe hơi đang đậu bên đường. Hậu quả làm phần đầu xe bị hư hỏng nặng, các xe cộ khác cũng không thể qua lại do cây đổ chắn ngang.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có khoảng 235.618 cây xanh được trồng tại các công viên và khu vực công cộng. Tuy nhiên, không phải tất cả cây xanh đều đạt an toàn. Thực tế, việc cây xanh ngã đổ, đè trúng người tham gia giao thông gây thương tích liên tục xảy ra.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở một số tuyến đường như: Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3); Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân (quận 1); Ba Tháng Hai (quận 10)... có nhiều cây cổ thụ lớn, chủ yếu là phượng, me tây, xà cừ, lim xẹt... cũng là những loại cây dễ gãy nhánh khi mưa gió lớn. Nhiều cây có độ nghiêng khá lớn, phần rễ trồi lên mặt đất, cành nhánh xum xuê, dễ ngã đổ, tiềm ẩn mối nguy cho người đi đường.

Để khắc phục và hạn chế những nguy cơ này, ông Lê Quang Đạo, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, với tình trạng cây ngã đổ trong mùa mưa bão, Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan xem việc chăm sóc, duy tu cây xanh là công tác thường xuyên của ngành, hằng năm đều có rút kinh nghiệm. Ngay từ đầu năm, trước khi vào mùa mưa, các đơn vị liên quan đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, phát hiện và đốn hạ đối với những cây xanh đã bị mục rỗng, nghiêng ngả, già cỗi, đồng thời trồng thay thế những cây mới để đảm bảo mỹ quan và mảng xanh cho thành phố. Hoạt động trên được tập trung vào các tuyến đường có cây ngã đổ cao, các tuyến đường có công trình thi công có thể tác động đến sinh trưởng của cây. Đặc biệt, các tuyến đường có cây cổ thụ kích thước lớn nguy cơ ngã đổ cao luôn được chú trọng kiểm tra.

Trong thời gian vừa qua, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (đơn vị được giao quản lý cây xanh trên địa bàn thành phố) đã kiểm tra khoảng 120.000 cây xanh, hạ thấp chiều cao của cây trên 95 tuyến đường, xử lý gần 1.000 cây bị khiếm khuyết. Tuy nhiên, theo ông Quang Đạo, việc kiểm tra bằng mắt thường, xử lý thủ công rất khó để phát hiện được tình trạng mục rỗng hoặc các vấn đề ảnh hưởng đến sinh trưởng khiến cây có nguy cơ ngã đổ khi gặp gió lớn. Hạn chế trên khiến các giải pháp ngăn chặn, xử lý nguy cơ không triệt để nên nguy cơ cây ngã đổ luôn tiềm ẩn. Do đó, Sở Xây dựng thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều phương án chăm sóc và xử lý tốt nhất cho hệ thống cây xanh đô thị.

Theo đó, sắp tới thành phố sẽ thực hiện phương pháp siêu âm cho cây xanh để chẩn đoán sớm những vấn đề cây đang gặp phải và có phương án xử lý, để đảm bảo an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan sẽ nghiên cứu đưa vào trồng các chủng loại cây phù hợp với thiên nhiên, khí hậu của thành phố để hạn chế những loại cây không phù hợp trồng ở đô thị... Từ đó giảm thiểu nguy cơ cây xanh ngã, đổ vào mùa mưa, bão.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó với mưa dông, lốc xoáy, gió giật và cây xanh ngã đổ trên địa bàn thành phố. UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền đến các cơ quan, doanh nghiệp, người dân thường xuyên kiểm tra, gia cố, tu sửa nhà ở, xí nghiệp, công trình công cộng thuộc phạm vi quản lý nhằm đề phòng mưa dông, lốc xoáy, gió giật, cây xanh ngã đổ bất ngờ xảy ra. Đồng thời rà soát, có biện pháp xử lý cành, nhánh các cây cao dễ ngã đổ, nhất là cây xanh ở khu vực trường học, bệnh viện, công viên, khu dân cư...

Phú Lữ
.
.
.