Người cao tuổi Việt Nam đối mặt với chất lượng cuộc sống thấp

Chủ Nhật, 09/04/2023, 07:07

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam không ngừng tăng lên trong những năm gần đây, từ 65,2 tuổi (1989) lên 73,6 tuổi (2019), dự báo đến năm 2030 số người cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 17% và đến năm 2050 là 25% dân số.

Tuy nhiên, đối mặt với điều này là chất lượng cuộc sống của người cao tuổi lại thấp đi, số năm trung bình sống khoẻ mạnh chỉ khoảng 64 tuổi. Tỷ lệ người cao tuổi bị mắc các bệnh mãn tính gia tăng, trung bình một người cao tuổi hiện phải sống chung từ 3-5 bệnh.

Đến tuổi hưởng lương hưu thì đổ bệnh

Vừa cầm sổ hưu thì ông Nguyễn Văn Hùng (Ninh Bình) phải đối mặt với căn bệnh xơ gan và đái tháo đường biến chứng. Trước đó, ông mắc đái tháo đường, viêm gan B đã nhiều năm. Sau đó, chuyển sang giai đoạn xơ gan, bệnh tình chuyển biến nặng nhanh chóng trong 1 năm gần đây. “Chưa kịp hưởng thời gian nghỉ ngơi sau nhiều năm công tác thì là chuỗi ngày dài gắn liền với bệnh viện”, ông Hùng than thở.

lão khoa 4.jpg -0
Người cao tuổi đến khám tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương.

Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, chúng tôi bắt gặp rất nhiều người mắc các bệnh mãn tính như: Đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, sa sút trí tuệ, tim mạch, tai biến… vào điều trị. Đưa mẹ đến khám, chị Phạm Thị Tuyết (Hà Nội) cho biết, mẹ chị vừa bị Alzheimer, vừa bị tiểu đường biến chứng gây mắt kém, suy thận, tháng nào cũng phải vào viện từ 1-2 lần. Chị Tuyết và người nhà phải chia nhau đưa mẹ đi viện, thuê người giúp việc chăm nom nhiều năm nay.

Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, những bệnh nhân trên 80 tuổi có đến 6 bệnh phối hợp như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hoá khớp, Parkinson, sa sút trí tuệ, đột quỵ…

Còn kết quả nghiên cứu của Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển Việt Nam cho thấy, có 62,3% người cao tuổi Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp nhưng chỉ 86,3% trong số đó được tiếp cận y tế. Trung bình một người già mắc 3 chứng bệnh cần theo dõi, chăm sóc y tế. Dự báo đến năm 2049, số người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ tăng 2,5 lần so với mức 4 triệu hiện nay.

Tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh là 73,6 tuổi, trong đó nam giới là 71 tuổi, nữ giới là 76,3 tuổi. Tuy tuổi thọ tăng, nhưng số năm sống khoẻ mạnh với bệnh tật còn khá cao, ở nam giới có 8 năm phải sống với bệnh tật và nữ giới là 11 năm. Trung bình, cứ một người cao tuổi Việt Nam mắc từ 3-5 bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính phải điều trị kéo dài, thậm chí suốt đời.

Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khoẻ Thế giới năm 2023 được Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và đại diện WHO tại Việt Nam tổ chức ngày 8/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Người dân cần phải thay đổi lối sống như đi bộ 10 nghìn bước mỗi ngày, chế độ dinh dưỡng hợp lý, bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá… để có cơ thể khoẻ mạnh, phòng tránh các bệnh không lây nhiễm. Chúng ta hãy thay đổi thói quen ngay từ hôm nay, thực hành nâng cao sức khoẻ để phòng, chống bệnh tật, để thay đổi cuộc sống vì một Việt Nam khoẻ mạnh hơn.

Thích ứng thế nào với già hoá dân số?

Theo Tổng cục Dân số và KHHGĐ, người cao tuổi ở Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm lại đây, hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (chiếm 11,86% dân số). Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011, nhanh hơn với các dự báo trước đó vào năm 2017, và trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn “dân số già” sau 27 năm, đòi hỏi sự thích ứng của xã hội.

TS.BS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, người dân ở các nước phát triển đã chuẩn bị sẵn lộ trình khi về già cả về tài chính và thời gian nhiều chục năm trước. Trong khi đó, “người Việt chưa giàu đã già”, hầu hết người dân không chuẩn bị được tài chính từ khi còn trung niên để an dưỡng khi về già.

Khi tuổi già ập đến, mắc nhiều bệnh lý, gánh theo rất nhiều chi phí điều trị bệnh tật, cần người chăm sóc hỗ trợ, tạo ra gánh nặng lên gia đình, lên hệ thống an sinh xã hội. Với tình trạng bệnh lý và hội chứng lão khoa như vậy khiến nhu cầu chăm sóc toàn diện với đối tượng này rất lớn. Đây là vấn đề cấp thiết cần  giải quyết với hệ thống an sinh xã hội, môi trường chính sách của bất kỳ quốc gia nào.

Hiện nay, nhu cầu chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi ở Việt Nam rất lớn, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Nhiều người bệnh có nhu cầu được chăm sóc toàn diện (điều trị và chăm sóc) tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương nhưng đến nay bệnh viện chưa thực hiện được. Hiện trên cả nước còn thiếu bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, nhân lực chăm sóc người cao tuổi… Đây là những vấn đề cần phải quan tâm khi tốc độ già hoá dân số đang nhanh.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Lão khoa Trung ương, để thích ứng già hoá dân số, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách, chủ trương kịp thời, nhưng việc đưa chính sách vào đời sống vẫn chưa đáp ứng thực tế. Trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước tiếp tục chú trọng và mong muốn xây dựng nhanh và sớm hệ thống chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi rộng khắp cả nước, để việc chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng này tốt hơn.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, khi chưa có được hệ thống chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi thật tốt theo xu thế chung của thế giới, Việt Nam cần phải hỗ trợ cho người cao tuổi kiến thức và kỹ năng tự phục vụ bản thân. Ngoài tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng bệnh từ giai đoạn trung niên, thì cần phải tư vấn dinh dưỡng và phục hồi chức năng, trang bị kiến thức khoa học, các bài tập cho người già và người trong gia đình họ.

Ngoài ra, ngành Y tế cần sớm tăng cường đào tạo nhân lực bác sĩ và điều dưỡng lao khoa, xây dựng các mô hình, chương trình đào tạo tốt để đáp ứng chuyên môn cho người làm chuyên ngành.

Cần đa dạng hoá các loại hình bảo hiểm, chú trọng các loại hình bảo hiểm tự nguyện, đặc biệt dành cho người cao tuổi, phù hợp với khả năng đóng góp và chi trả của người tham gia, có khả năng liên thông với các loại hình bảo hiểm khác.

Trần Hằng
.
.
.