Lũ ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên xấp xỉ mức lịch sử năm 1993 và 2013

Thứ Năm, 02/12/2021, 07:15

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhận định, đợt mưa vừa qua kéo dài nhiều ngày gây ngập lụt ở nhiều nơi, vượt quá sức chịu đựng của người dân. "Đất đai mệt mỏi, người dân mệt mỏi và chính quyền cũng mệt mỏi nhưng nếu chủ quan thì sẽ xảy ra những điều đáng tiếc", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Nước bắt đầu rút, ngập lụt vẫn trên diện rộng

Ngày 1/12, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) họp ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, trong đợt mưa này, một số sông lên mức báo động 3, trong đó lũ trên sông Kôn (Bình Định), sông Ba (Phú Yên) xấp xỉ mức lịch sử năm 1993 và 2013. Tuy nhiên, ông Khiêm cho biết, đợt mưa lớn tại miền Trung sẽ kết thúc trong hôm nay.

“Sáng 1/12, lũ trên sông Kôn còn trên báo động 3 là 1m, còn sông Ba trên báo động 3 là 0,9m. Lũ trên các sông này sẽ xuống vào chiều tối nay. Trong 10 ngày tới, khu vực miền Trung không có dấu hiệu xuất hiện các đợt mưa lớn. Từ nay đến cuối năm, khả năng xuất hiện đợt mưa cực đoan như những ngày qua là rất thấp", ông Khiêm thông tin. Còn tại miền Bắc, không khí lạnh tăng cường đã bao phủ. Những ngày tới, nhiệt độ tại Đồng bằng Bắc Bộ có thể xuống ngưỡng thấp nhất là 11-14 độ C trong đêm, vùng núi cao 7-10 độ C. Ngoài ra, đợt lạnh này khô, ít mây nên phát xạ ban đêm nhiều. Ông Khiêm cho biết nhiều khả năng, sương muối xuất hiện nhiều ở các khu vực núi cao.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, đợt mưa này gần như là cuối cùng của năm 2021. Dù vậy, các địa phương cùng ngành chức năng vẫn cần sẵn sàng tâm thế ứng phó nếu xuất hiện đợt mưa tiếp theo vì những ngày qua, các hồ chứa đã đầy nước, người dân mệt mỏi vì sản xuất và chăn nuôi thiệt hại nặng. Qua đợt mưa lũ này, các hồ chứa đã đầy nước, trong khi đó các liên hồ chứa ở miền Trung vận hành hết sức khó khăn, phức tạp vì số lượng hồ chứa nhiều, mưa tập trung, hồ trên đổ xuống hồ dưới. Đây là vấn đề chúng ta phải rà soát, tính toán để phối kết hợp cho tốt.

4-1.jpg -0
Mưa lũ khiến nhiều khu vực ở tỉnh Quảng Nam bị sạt lở.

"Tối qua, chúng tôi mới nhận được công văn đề nghị của tỉnh Phú Yên và đã lập tức cùng các địa phương tập trung rà soát, kiểm tra để có sự phối kết hợp, xử lý tốt. Tuy nhiên, có một điều là khi Phú Yên kêu cứu, thì các hồ chứa ở thượng nguồn cũng đã đầy nước và sử dụng hết dung tích phòng lũ", ông Hoài nói. “Hiện nay, nước bắt đầu rút nhưng tình hình ngập vẫn còn trên diện rộng, do đó cần chủ động rà soát, người dân cần phải đi bệnh viện thì phải bố trí phương tiện đưa đón, tránh để xảy ra việc bà con đi tự phát dẫn đến tai nạn đáng tiếc”, ông Hoài lưu ý. Ông Hoài đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai ngay lực lượng để khi nước rút sẽ khôi phục hệ thống lưới điện.

mua2.jpg -0
Khẩn trương khắc phục sạt lở mố cầu bắc qua sông Leng, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Ảnh: Ngọc Thi.

Nhanh chóng triển khai khôi phục sản xuất sau mưa lũ

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, đợt mưa vừa qua kéo dài nhiều ngày gây ngập lụt ở nhiều nơi, vượt quá sức chịu đựng của người dân. "Đất đai mệt mỏi, người dân mệt mỏi và chính quyền cũng mệt mỏi nhưng nếu chủ quan thì sẽ xảy ra những điều đáng tiếc", ông Hoan nói. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết những ngày tới, người dân và chính quyền địa phương sẽ bắt tay vào dọn dẹp, khôi phục sản xuất sau mưa lũ. Ông Hoan yêu cầu ngành chức năng phối hợp với từng địa phương, sớm đưa cuộc sống của người dân bình thường trở lại.

"Đề nghị các tỉnh thống kê thiệt hại, việc gì cần Trung ương, Bộ Nông nghiệp hỗ trợ (giống rau màu) thì báo cáo kịp thời để bà con sản xuất. Đồng thời thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn, bị thiệt hại, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa hư hỏng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. Ông Hoan yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc công điện số 1659 của Thủ tướng, đồng thời chủ động thống kê thiệt hại, phần nào địa phương chủ động được, phần nào cần hỗ trợ của Trung ương để hỗ trợ cho người dân sớm ổn định cuộc sống, giúp cho bà con được ăn Tết cổ truyền tươm tất.

"Bà con nóng ruột muốn ra đồng sớm để bù lại những ngày thiệt hại do lũ lụt nhưng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp ở các khu vực xung yếu như bờ sông, bờ suối... nên địa phương cần lưu ý vấn đề này. Với những gia đình có người tử vong, địa phương cần có chế độ chính sách, thăm hỏi kịp thời", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý.

"Trận lũ vừa qua là cơ sở để địa phương, ngành chức năng nhìn nhận những vấn đề trong công tác ứng phó với mưa lũ ở miền Trung và chuẩn bị cho việc đánh giá, đưa ra chiến lược dài hạn ứng phó thiên tai, ban hành chủ trương tạm gọi là sống chung với lũ", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.

Báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT cho biết, tính đến sáng 1/12, đợt mưa lũ ở miền Trung đã làm 10 người chết và mất tích. Trong đó, Bình Định 3 người, Phú Yên 6 người, Kon Tum 1 người. Hơn 640ha lúa và 188ha hoa màu, hơn 2.800 gia cầm cũng thiệt hại trong mưa lũ. Hiện đang có 59.739 ngôi nhà bị ngập (Bình Định 31.100, Phú Yên 28.639) và hơn 4.700 hộ bị chia cắt ở Tuy An, Phú Yên với mức độ ngập sâu từ 1-2m. Chính quyền địa phương đã sơ tán tại chỗ hơn 6.000 hộ dân, chủ yếu ở Phú Yên.

Về giao thông, hiện tượng ngập và sạt lở gây ách tắc các tuyến quốc lộ 14H, 40B, Đông Trường Sơn (Quảng Nam); Quốc lộ 24, 24C (Quảng Ngãi); Quốc lộ 1 (tuyến tránh An Nhơn, Bình Định); Quốc lộ 19C, 25, 27, 29 (Phú Yên) và một số tuyến tỉnh lộ, giao thông nông thôn.

Ngọc Yến
.
.
.