Thỏa thuận khung giữ nhóm P5+1 Iran về vần đề hạt nhân:

Thắng lợi của các nỗ lực ngoại giao bền bỉ

Thứ Bảy, 04/04/2015, 10:27
Sáng sớm 3/4 (theo giờ Việt Nam), sau 8 ngày thương lượng thâu đêm, nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, nội dung thỏa thuận này không được tiết lộ vì hai bên còn có khác biệt trong cách thức công bố công khai các nội dung đã đạt được.
Củng cố hòa bình ở Trung Đông

Trong một tuyên bố được đưa ra chỉ một tiếng đồng hồ sau đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã chúc mừng nhóm P5+1 và Iran đạt được tiếng nói chung và nhấn mạnh rằng, thỏa thuận khung này sẽ mở đường cho việc củng cố hòa bình và ổn định ở Trung Đông. Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã coi đây là một thắng lợi của các nỗ lực ngoại giao bền bỉ.

Ông Barack Obama nói: Tôi tin rằng, nếu việc đạt được thỏa thuận khung lần này có thể dẫn đến việc hoàn tất một thỏa thuận cuối cùng thì Mỹ, các đồng minh của Mỹ và các nước khác có thể sống trong một thế giới an toàn hơn. Đây là một thỏa thuận rất tốt và có thể đáp ứng được những mục tiêu cốt lõi của chúng ta”.

Nhiều nhà phân tích nhận định, thỏa thuận khung còn trở thành “chiến lợi phẩm” của Tổng thống Mỹ trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ thứ 2 và mang lại “kinh nghiệm ngoại giao quý báu” cho cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Và dù ông John Kerry đã cảnh báo không nên quá ảo tưởng rằng mọi chuyện đã xong và con đường phía trước còn nhiều khó khăn để có một sự đồng thuận cuối cùng, thì thế giới cũng hoàn toàn tin tưởng rằng, vấn đề hạt nhân Iran đang dần được hóa giải.

Từ trái sang phải: Cao ủy an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cuộc họp báo sau cuộc đàm phán ở Lausanne, Thụy Sĩ. Ảnh: AP.

Phát biểu cảm tưởng về thông tin được đoàn đàm phán cung cấp về, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond và Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni đều coi đây là một bước đột phá cực kỳ quan trọng. Bộ Ngoại giao Nga hoan nghênh thỏa thuận khung, cho rằng đây là động thái công nhận "quyền vô điều kiện" của Tehran trong việc theo đuổi một chương trình hạt nhân dân sự… Chỉ riêng có Israel là tỏ một thái độ chưa thiện chí bằng bình luận rằng, thỏa thuận này cho thấy Iran chưa thực sự nhượng bộ trong vấn đề hạt nhân.

Cơ hội hợp tác năng lượng

Một quan chức ngoại giao Mỹ tiết lộ với hãng Reuters rằng, trong thỏa thuận có nhấn mạnh, 2/3 năng lực làm giàu uranium của Iran sẽ bị hủy bỏ và bị giám sát trong 10 năm nếu các bên đạt được 1 thỏa thuận toàn diện vào trước ngày 30/6 tới.

Tức là, số lượng máy ly tâm sẽ bị giảm từ 19.000 máy xuống còn 6.000 máy. Trong 10 năm tới, Iran cũng không được sử dụng thêm 5.060 máy ly tâm mới để làm giàu uranium. Nếu đạt được thỏa thuận cuối cùng, Tehran sẽ pha loãng hoặc chuyển ra nước ngoài hầu hết trữ lượng uranium đã làm giàu.

Một điểm đáng lưu ý là theo thỏa thuận khung, Iran còn phải cắt giảm tới 98% lượng uranium và không được sản xuất plutonium trong vòng 15 năm. Rõ ràng, thỏa thuận khung này đã hạn chế tối đa khả năng làm giàu uranium của Tehran. Ngoại trưởng Iran Zavad Zarif tuyên bố, Iran hài lòng với thỏa thuận khung bởi dù có những điều kiện chặt chẽ nhưng lại mở ra những cơ hội hợp tác khoa học mới trong lĩnh vực năng lượng của nước này.

Được biết, cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran kéo dài đến nay đã 12 năm. Trong khoảng thời gian ấy có khá nhiều cuộc đàm phán giữa các bên xung quanh vấn đề này. Người ta hi vọng năm 2015 sẽ có bước đột phá.

Cụ thể, vào 30/6 phải có một thỏa thuận toàn diện nhằm khép lại cuộc khủng hoảng hạt nhân này. Vì thế, các bên cũng đã hạ quyết tâm bằng những “trao đổi quan điểm hữu ích”, cởi mở trong những “vấn đề then chốt”, đạt tiến bộ đối với các “vấn đề cốt lõi”.

Huyền Chi
.
.
.