Sản phẩm du lịch và bài toán hậu visa

Chủ Nhật, 12/07/2015, 07:48
Sản phẩm du lịch là vấn đề cốt lõi của ngành Du lịch thu hút khách đến và quay trở lại. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, sản phẩm, dịch vụ du lịch của chúng ta đơn điệu, nhàm chán, bao năm nay vẫn thế. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ cần mua tour 15 ngày, 14 đêm hoặc 10 ngày 9 đêm là đi hết Việt Nam, không còn gì để khám phá.

Tại Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam vừa diễn ra mới đây, bà Tôn Nữ Thị Ninh có nói rằng “Tất nhiên visa mở, khách du lịch sẽ dễ dàng đến Việt Nam hơn. Nhưng lật lại vấn đề nếu du lịch của anh thực sự hấp dẫn, thì visa có đắt tới đâu họ cũng vẫn đến”. 

Chính sách visa với các thị trường du lịch trọng điểm ngày càng thông thoáng cho thấy Việt Nam ngày càng mở rộng cửa đón khách nhưng ai cũng hiểu để phát triển du lịch, visa không phải là tất cả.

Sản phẩm du lịch là vấn đề cốt lõi của ngành Du lịch thu hút khách đến và quay trở lại. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, sản phẩm, dịch vụ du lịch của chúng ta đơn điệu, nhàm chán, bao năm nay vẫn thế. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ cần mua tour 15 ngày, 14 đêm hoặc 10 ngày 9 đêm là đi hết Việt Nam, không còn gì để khám phá.

Theo nhận xét của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Lữ hành Vietravel, sản phẩm du lịch Việt Nam là hình que kéo từ Bắc-Nam và ngược lại, chứ không phải là hình xương cá. Lộ trình chung của các tour du lịch cho khách nước ngoài là xuống sân bay, về khách sạn, đi tham quan lần lượt các điểm du lịch, thắng cảnh, di tích về khách sạn, ngủ đêm rồi hôm sau lại lặp lại quy trình đó. Tới khi nào họ điểm danh hết các điểm tham quan nổi tiếng thì ra sân bay rồi về.

Đoàn khách Âu, Á, Mỹ nào đến cũng đi theo 1 lộ trình như thế. Khách châu Âu đến Hà Nội buổi tối ngoài đi đến Nhà hát Múa rối nước Thăng Long thì chả còn chỗ nào để giải trí, thưởng thức và tiêu tiền. Một số nơi khá hơn có các làng nghề truyền thống để du khách trực tiếp tham gia tự tay mình làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vừa để tìm hiểu nghệ thuật thủ công truyền thống vừa có đồ lưu niệm mang về như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, nón Phú Cam, gốm Phù Lãng…

Tuy nhiên quy mô của những dịch vụ này vẫn nhỏ lẻ, mang tính gia đình manh mún và chưa chuyên nghiệp. Lại một câu chuyện rất cũ nữa, nhưng vẫn còn mang tính thời sự đó là sản phẩm lưu niệm. Khách đi đến đâu trên khắp đất nước Việt Nam đều nhìn thấy các đồ lưu niệm na ná nhau bày bán. Từ áo, váy thổ cẩm, nón lá, tranh sơn mài, khảm trai, điêu khắc gỗ, đá… ở đâu cũng giống nhau. Từ miền xuôi đến miền ngược. Tệ hơn, thổ cẩm vốn là đặc sản độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc bây giờ chủ yếu là đồ Trung Quốc. Vậy có lý do gì để họ quay lại Việt Nam, sau 1 lần đầu đến cho biết và tưởng rằng đã biết hết.

Đồng thời, tới địa phương nào cũng chào mời du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng biển. Sản phẩm du lịch na ná nhau, không có sự khác biệt, độc đáo. Du lịch biển Nha Trang có gì khác biệt với du lịch biển Vũng Tàu? Du lịch tâm linh Yên Tử có mang đến cho du khách trải nghiệm mới mẻ hơn du lịch tâm linh Bái Đính, Ninh Bình?

Việc Chính phủ miễn visa 1 năm cho 5 nước châu Âu, 5 năm cho Belarus là tín hiệu rất cởi mở của Việt Nam để chào đón du khách. Tuy nhiên, có một thực tế là vẫn còn rất nhiều chuyện phải nói xung quanh câu chuyện visa. Chưa kể, chính sách visa còn ngặt nghèo, thủ tục làm visa chưa thuận lợi cũng khiến Việt Nam mất đi một lượng khách không nhỏ đến từ các nước trong khu vực. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, thế giới ngày càng phẳng, rào cản càng được xóa bớt thì lưu thông du lịch tăng lên, việc bỏ bớt visa miễn thị thực đơn phương là các nước đang phát triển du lịch cũng hay sử dụng.

Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Lữ hành Thiên Minh cho rằng, phí visa vài chục USD với khách hàng của ông không là gì cả. Tuy nhiên, “Khi chúng tôi tiếp thị dịch vụ, sản phẩm du lịch cao cấp bằng thủy phi cơ của Thiên Minh tới các tỷ phú Mỹ, họ hỏi chúng tôi “tại sao Việt Nam vẫn đòi thu phí visa trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều bỏ visa cho người Mỹ chúng tôi? Mấy chục USD phí visa không đáng gì trong khi chúng tôi sẵn sàng tiêu đến hàng chục ngàn USD cho 1 kỳ nghỉ ở Việt Nam”.

Theo ông Nam, với những vị khách chịu chi này  không phải là mấy chục USD phí visa, mà là thời gian để bỏ ra làm những thủ tục mới khiến họ thấy phiền hà. Với họ thời gian là thứ quý báu nhất. “Vì thế, thay vì đến Việt Nam, họ có rất nhiều sự lựa chọn khác hấp dẫn hơn tại khu vực Đông Nam Á, châu Á và bất cứ khi nào họ ngẫu hứng lên hoặc thu xếp được thời gian là lên đường, chứ không phải mất thời gian, công sức với việc làm visa đến Việt Nam”.

Đơn cử, khách châu Âu, Hoa Kỳ, Canada hay sử dụng kỳ nghỉ đông, nghỉ Giáng sinh để đi du lịch những nước ở xa như Đông Nam Á. Với 1 kỳ nghỉ dài (thường kéo dài từ 10 ngày tới 1 tháng), họ sẽ tranh thủ đi hết các nước gần nhau. Chẳng hạn bay từ châu Âu tới Thái Lan, nhưng có thể từ Thái Lan qua Malaysia, Singapore, Indonesia… với điều kiện không phải làm visa. Nếu du khách muốn từ Thái Lan đến Việt Nam họ sẽ phải chờ 3-4 ngày làm thủ tục visa.

Việt Nam đã ký kết với các nước ASEAN về sản phẩm du lịch 3 quốc gia 1 điểm đến, 4 quốc gia một điểm đến (Thái Lan, Lào, Campuchia). Những sản phẩm du lịch liên vùng, liên quốc gia này mãi chưa triển khai được vì vẫn vướng ở visa trong khi Lào, Campuchia đang làm rất tốt. Họ triển khai visa điện tử hoặc visa tại cửa khẩu. Tức là khách chỉ cần khai theo hướng dẫn trên mạng, đến cửa khẩu nộp tiền là có visa chứ không mất thêm 3 ngày chờ đợi cùng rất nhiều quy trình thủ tục.

Thực tế, ai cũng hiểu visa mới là sự khởi đầu, là lời mời gọi để thu hút khách đến. Còn việc khách có quay trở lại Việt Nam, có ở lại lưu trú tại Việt Nam dài ngày, có chi tiêu nhiều hay phụ thuộc rất lớn vào việc chúng ta có sản phẩm gì mới, độc đáo cho du khách, từ đó mang lại những trải nghiệm đáng nhớ khiến cho du khách muốn quay trở lại Việt Nam. Vì vậy, ngoài chính sách visa mở, cần phải có những sản phẩm du lịch thú vị hấp dẫn và khác biệt để giữ chân khách.

Lưu Hiệp
.
.
.