Quy hoạch chợ, vì sao chết yểu?

Thứ Bảy, 13/12/2014, 15:02
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết: Hiện tổng số chợ trên cả nước là 8.583 chợ, trong đó chợ bán buôn chỉ có khoảng 38, còn lại là chợ bán lẻ. Giá trị hàng hóa, dịch vụ qua chợ chiếm khoảng 40% tổng mức bán lẻ hàng hóa trên cả nước. Trong số này, có khoảng 2.038 chợ vẫn tồn tại ở dạng lán tạm. Chợ đang là nguồn sống của khoảng 2 triệu người dân.

Dự báo trong 10 – 15 năm sau, chợ vẫn sẽ là loại hình hạ tầng cần thiết và quan trọng đối với cả sản xuất và tiêu dùng, cả do đặc thù văn hóa và mức sống còn thấp của người dân.

Nhận thức được tầm quan trọng của mô hình chợ truyền thống, năm 2007, Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với nhiều mục tiêu tham vọng như: tiêu chuẩn và hiện đại hóa hệ thống chợ, phân bố hợp lý, thỏa mãn nhu cầu mua sắm của người dân, nâng cao thu nhập cho nông dân... Tổng số vốn được xác định đầu tư cho việc này lên tới hơn 15,2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, sau vài năm thực hiện, thực tế đã đi ngược lại với mong muốn.

Chợ đầu mối Vĩnh Tuy (Bắc Quang, Hà Giang) đầu tư 4 tỷ đồng xây dựng rồi bỏ không.

Theo quy hoạch này, đến năm 2020 cả nước sẽ có 157 chợ đầu mối nông sản, bao gồm 35 chợ nâng cấp cải tạo, 122 chợ xây mới, trong đó tập trung chủ yếu ở giai đoạn đến 2015. Trên thực tế, chỉ có 14 chợ đầu mối được hình thành đúng theo quy hoạch trong suốt giai đoạn 2007 - 2014, trong đó một số chợ mới đầu tư xây dựng đã phải chuyển đổi công năng hoặc chỉ hoạt động như chợ dân sinh. Hay có đến 23 chợ được nhắc đến trong quy hoạch hiện đã không còn tồn tại…

Tại nhiều địa phương, các chợ đang kinh doanh tấp nập thì được đưa vào sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa…, kết quả là “vắng như chùa Bà Đanh”, như chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da (Hà Nội). Bộ Công Thương cũng thừa nhận: Nhiều chợ hạng I (chợ bán buôn bán lẻ quy mô lớn) có đủ tiêu chí về số điểm kinh doanh thì số hộ kinh doanh lại rất thấp. Ngược lại, rất nhiều chợ quá tải. “Một mâu thuẫn đang tồn tại là nếu nâng cấp cải tạo chợ thành nhiều tầng thì lập tức bị khách hàng và cả tiểu thương quay lưng, vì không phù hợp với phong cách, thói quen mua bán đặc trưng của chợ. Chưa kể đến tình trạng làm biến mất không gian kinh doanh vốn có của nhiều chợ đang rất sầm uất bằng cách kế hợp nhiều công năng, mục đích sử dung khác nhau trong một mô hình thiết kế hoàn toàn không phù hợp với tính chất buôn bán trên chợ”. Đây chính là lý do vì sao mỗi lần có dự án cải tạo chợ, thì tiểu thương đa phần là phản đối.

Nhìn chung, quy hoạch đã “trật đường tàu”. Một trong những nguyên nhân của thất bại này được cho rằng tính toán “những chỉ tiêu định lượng quá lạc quan”. Chưa kể đến một số định hướng, mục tiêu phát triển xa rời thực tế như phát triển mạng lưới chợ theo thị trường hàng hóa với các định hướng cụ thể cho từng loại hình: chợ tư liệu sản xuất, chợ hàng công nghiệp tiêu dùng, mặc dù thực tế từ bao đời nay, hệ thống chợ của nước ta phần lớn là chợ kinh doanh hàng hóa tổng hợp, các chợ chuyên doanh hàng tư liệu sản xuất hay công nghiệp tiêu dùng hầu như không có hoặc rất hiếm. Hay việc mỗi tỉnh xây mới, cải tạo nâng cấp từ 1-3 chợ đầu mối bán buôn nông sản... trên thực tế không phải địa phương nào cũng có nhu cầu và điều kiện phát triển loại hình chợ này.

Xây dựng mạng lưới chợ toàn diện, bao gồm chợ dân sinh hoạt động phân phối theo mô hình chuỗi, trong khi thực tế đến nay, các chợ dân sinh vẫn hoạt động theo mô hình truyền thống...

Sai lầm cũng đến từ việc tổ chức khảo sát chưa đầy đủ mà chỉ vẽ quy hoạch trên giấy. Ngay cả với các chợ cấp xã, rất nhiều chợ xây ra bị bỏ không do vị trí không phù hợp, nhu cầu chưa cấp thiết, sự phát triển của chợ cóc… Đáng chú ý, nhiều chợ không hiệu quả được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách của Chương trình 135.

Nam Phương
.
.
.