Đánh giá tác động môi trường của Nhà máy giấy Lee&Man rất sơ sài

Thứ Bảy, 25/06/2016, 20:30
Theo các chuyên gia phương pháp được sử dụng để đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án nhà máy giấy Lee&Man quá sơ sài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu cho môi trường.

Chiều 25-6, trao đổi với báo chí, Ths Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, ĐTM của dự án nhà máy giấy Lee&Man, thuộc tập đoàn Lee&Man Hong Kong - Trung Quốc (Cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, Hậu Giang) vào năm 2008 việc tham vấn cộng đồng rất sơ sài.

Ths Nguyễn Hữu Thiện phân tích, ĐTM của nhà máy này chỉ gửi văn bản cho UBND xã Phú Hữu A và UBMTTQVN (cấp xã) sau đó thu lại ý kiến bằng văn bản. Từ đây, đặt ra câu hỏi là UBND và UBMTTQVN cấp xã ở Phú Hữu A có đủ năng lực hiểu về những tác động môi trường để phản hồi có ý nghĩa hay không? Chắc chắn là không. Vậy nên, không lạ gì khi cả UBND và UBMTTQVN xã Phú Hữu A đều trả lời ủng hộ dự án xây dựng nhà máy này tại địa phương.

UBND và UBMTTQVN cấp xã ở Phú Hữu A không đủ năng lực để hiểu hết vấn đề trên. Vì theo Khoản 4, điều 12, Nghị định 18/2015/NĐ-CP thì trong quá trình thực hiện tác động môi trường, chủ dự án phải tiến hành tham vấn các tổ chức và cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án, nghiên cứu tiếp thu những ý kiến khách quan, kiến nghị hợp lý của các đối tượng liên quan được tham vấn để hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của dự án đối với môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học, và sức khỏe con người” – Ths Nguyễn Hữu Thiện, nhấn mạnh.

Dự án nhà máy giấy Lee&Man (Hậu Giang) đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Ths Nguyễn Hữu Thiện phân tích thêm, do hệ thống kênh rạch chằng chịt và chế độ thủy triều lên xuống mỗi ngày của sông Hậu, trong trường hợp nước thải không đạt chuẩn, thì hậu quả sẽ khôn lường đối với thủy sản nước ngọt tự nhiên của sông Hậu; thủy sản biển vùng cửa sông Trần Đề và có thể toàn bộ vùng biển ĐBSCL. 

Khi nước thủy triều đưa lên thì sức khỏe toàn bộ dân số TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận sống ven sông sẽ bị ảnh hưởng. Như vậy cộng đồng và các tổ chức bị ảnh hưởng trực tiếp của dự án không chỉ là người dân ở xã Phú Hữu A – Ths Nguyễn Hữu Thiện lo ngại.

Một vấn đề mà chuyên gia này quan tâm đến nữa đó là với một dự án khổng lồ như Le &Man mà báo cáo ĐTM cho biết tổng kinh phí giành cho giám sát chất lượng nước thải trong giai đoạn hoạt động chưa tới 50 triệu đồng mỗi năm (chính xác là 43,960,000 đồng) với tần suất giám sát là 4 lần/năm đối với 15 chỉ tiêu.

Thủy sản nước ngọt ĐBSCL liên quan đến sông Mekong ước tính 220.000-440.000 tấn/năm và sản lượng đánh bắt thủy sản ven biển ĐBSCL khoảng 500.000-700.000 tấn/năm. Vào mùa khô, thủy sản tập trung rất nhiều ở cửa sông Hậu. Con số kinh phí giành cho giám sát chất lượng nước thải chưa đến 50 triệu đồng so với rủi ro những thiệt hại to lớn như vậy thì như chuyện đùa” - ông Thiện cho biết.

Thiện Chí
.
.
.