Phát triển hạ tầng đô thị và số phận của những cây xanh

Thứ Hai, 15/12/2014, 14:44
Sau đường Láng, đường Nguyễn Trãi… sẽ có những đường phố nào phải “hy sinh” những hàng cây xanh. Sự dùng dằng giữa việc giữ những hàng cây cổ tích và việc đầu tư các công trình hạ tầng đô thị đang là “bài toán” khó cho lãnh đạo TP Hà Nội.

UBND TP Hà Nội lại vừa có văn bản đồng ý về chủ trương để Sở Xây dựng thực hiện chặt hạ, di dời các cây xanh thuộc phạm vi xây dựng ga số 8 thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong mặt bằng xây dựng ga số 8 có 35 cây bóng mát cần chặt hạ, dịch chuyển (chặt hạ 16 cây và dịch chuyển 19 cây bằng lăng phát triển bình thường về vườn ươm).

Còn nhớ tháng 11, dư luận “phát sốt” lên khi biết thông tin: Ban quản lý dự án đường sắt đô thị sẽ phải đốn hạ hơn 30 cây xà cừ cổ thụ được trồng từ dốc Voi Phục đến khách sạn Daewoo (đường Kim Mã, quận Ba Đình) và hàng loạt cây xanh trên tuyến đường 70. Không dừng lại ở đó, để phục vụ xây tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh, gần 100 cây xà cừ cổ thụ tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến cũng bị “hành quyết”.

Ngoài việc chặt hạ cây xanh trong phạm vi GPMB thi công tuyến đường sắt đô thị và nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, lãnh đạo UBND TP Hà Nội còn chỉ đạo Sở Xây dựng chặt hạ, di chuyển toàn bộ cây xanh không đúng chủng loại cây xanh đô thị tuyến từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng; bổ sung trồng cây xanh đúng chủng loại tại các vị trí cần thiết. Trên đường Nguyễn Trãi, theo báo cáo của ngành Xây dựng Thủ đô, có tới 275 cây xanh nằm trong danh sách “thay thế”, trong đó chặt hạ 194 cây không đúng chủng loại cây đô thị, 58 cây cong nghiêng, sâu mục và dịch chuyển 23 cây có kích thước nhỏ. Đồng thời, trồng thay thế 78 cây lát hoa, tập trung trên vỉa hè 2 bên đường.

Theo Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội, việc chặt hạ hàng loạt cổ thụ để xây đường sắt đô thị, xét về mặt kỹ thuật là đúng, vì nó sẽ tránh ảnh hưởng tới tầm nhìn của tàu điện. Ngoài ra, các chuyên gia nông nghiệp cũng cho biết, cây xà cừ có rễ nông, mưa gió rất dễ bị đổ, ảnh hưởng tới công trình. Tuy nhiên, đại diện giới kiến trúc sư Thủ đô cũng phải nhìn nhận, cây xanh là di sản, cần cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng, lựa chọn những phương án tốt nhất để tránh ảnh hưởng không gian xanh.

Và không ngạc nhiên là người dân Thủ đô phản ứng gay gắt với việc chặt hạ cây xanh trên phố. Từ mạng xã hội đến những diễn đàn chính thức. Phản ứng của cử tri cũng được HĐND TP Hà Nội ghi nhận trước kỳ họp lần thứ 11 vừa qua. Báo cáo kiến nghị của cử tri nêu rõ, nhân dân các quận Thanh Xuân, Ba Đình, Đống Đa chưa đồng tình với việc chặt hạ hàng loạt cây xanh lâu năm trên trục đường Nguyễn Trãi, Giảng Võ. Trước những bức xúc của người dân, một cán bộ thành phố Hà Nội lý giải, đã giao nhiệm vụ cho cơ quan chức năng tính toán kỹ, cố gắng giữ thêm cây xanh, giảm thiểu tối đa số cây bị chặt hạ.

Dù sao đến bây giờ, việc chặt cây đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được tiến hành. Người dân mong muốn trước khi đặt bút ký phê duyệt các dự án, lãnh đạo TP Hà Nội cần cân nhắc cả về “số phận” của những cái cây đã tạo thành “hình dáng phố phường” Hà Nội. Giống sáng kiến của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh khi yêu cầu từ năm 2015 phải bổ sung nội dung "thẩm định cây xanh bị tác động" trong báo cáo đánh giá dự án, để tránh xâm hại cây xanh khi thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Chứ không chỉ dừng lại ở việc yêu cầu các cơ quan “trước khi chặt hạ, di chuyển cây xanh cần tổ chức công khai thông tin để công luận biết, ủng hộ” như thời gian qua, để tình trạng “đường sắt đô thị đến, cây xanh đi” không còn là nỗi ám ảnh của thị dân Hà Nội trong khi nhiều năm tới Hà Nội vẫn cứ là “đại công trường”!.

Diệp Linh
.
.
.