Phấn đấu đến 30/7, chi trả xong cơ bản cho người bị ảnh hưởng COVID-19

Thứ Sáu, 16/07/2021, 07:29
Đây là mục tiêu được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) cùng các địa phương đặt ra trong hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 ngày 14/7.

Theo Bộ LĐ-TBXH, trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm lao động ở độ tuổi từ 25 - 54 với 75% lao động bị ảnh hưởng.

Nhiều địa phương đã triển khai

Là địa phương đang bị COVID-19 tàn phá, việc hỗ trợ người lao động càng cấp bách, Giám đốc Sở LĐ-TBXH TP Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, khi TP Hồ Chí Minh bùng phát dịch, đơn vị này nhận thức phải có sự hỗ trợ người lao động. Chính vì thế ngày 8/6, gói an sinh đã được trình cho UBND TP Hồ Chí Minh và được hội đồng thông qua ngày 25/6 với hơn 800 tỷ đồng. 

Gói an sinh này hỗ trợ 6 nhóm đối tượng là người cách ly tập trung 80 nghìn đồng/người/ngày với tất cả đối tượng. Người hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương (80 nghìn công nhân), cùng với giáo viên mẫu giáo, giáo viên trường nghề từ 30 ngày trở lên được hỗ trợ 1,8 triệu đồng. Tổng kinh phí hỗ trợ các đối tượng này là 160 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, còn rất nhiều đối tượng cần được hỗ trợ khác như: Lao động thất nghiệp với 24 nghìn người không đủ tiêu chuẩn để hưởng bảo hiểm thất nghiệp; thương nhân chợ truyền thống 60 nghìn người; lao động tự do là 230 nghìn người gồm bốc vác, bảo vệ, bán vé số… 

“TP Hồ Chí Minh phấn đấu tới 30/7, các chủ doanh nghiệp, với 80 nghìn công nhân xong thủ tục thì trong 7 ngày sẽ chuyển hồ sơ gửi bảo hiểm xã hội thẩm định 1 ngày, chủ tịch quận, huyện thẩm định 2 ngày, sau đó chuyển khoản tiền cho doanh nghiệp. Lao động thất nghiệp cũng vậy, chỉ cần thực hiện một số yêu cầu và quyết định nghỉ việc gửi bảo hiểm xã hội, sau đó 2 ngày quận, huyện sẽ quyết định chi hỗ trợ”, ông Lê Minh Tấn cho biết.

Trong khi đó, đối với những người bị ảnh hưởng do COVID-19 tại Đà Nẵng cũng sẽ được nhận hỗ trợ trong ít ngày tới. Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Đà Nẵng cho biết, mục tiêu của TP Đà Nẵng sẽ hỗ trợ kịp thời cho người dân trong tháng 7 này. 

Theo ông Hoàng, các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ cũng đã được Sở LĐ-TBXH tham mưu và đang lấy ý kiến các ngành; đầu tuần tới sẽ được trình UBND TP Đà Nẵng ban hành và tiến hành chi trả. 

“Đà Nẵng cũng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, trong đó đặc biệt là du lịch. Chính sách hỗ trợ cũng đã được HĐND thành phố thống nhất, hỗ trợ 90 nghìn đối tượng với số tiền là 92 tỷ đồng, gồm các nhóm là có công và bảo trợ xã hội (1 triệu đồng/người/lần); hộ nghèo, cận nghèo là 500 nghìn/lần; nhóm lao động tự do, giáo viên, nhân viên mầm non, bảo mẫu, lái xe buýt, taxi, cắt tóc, bán vé số hỗ trợ 1,5 triệu đồng; hướng dẫn viên hỗ trợ 3,71 triêu; hộ kinh doanh chợ đêm hỗ trợ 3 triệu đồng/lần; khu cách ly của thành phố hỗ trợ ăn 80 nghìn/người/ngày; khu cách ly dân phố hỗ trợ 40 nghìn/người/ngày”, ông Nguyễn Đăng Hoàng cho hay.

Các địa phương đang tích cực triển khai hỗ trợ, tuy vậy cũng có những địa phương gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Bắc Giang, địa phương này đang gặp khó khăn về nguồn kinh phí để hỗ trợ. Ông Cơi cho biết, sáng 14/7, địa phương cũng đã ban hành quyết định triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ. 

“Ngay sau khi tỉnh Bắc Giang phải phong tỏa, dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, Sở LĐ-TBXH đã tham mưu trình UBND tỉnh hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Mặc dù khó khăn vì ngày 29/5 tỉnh còn phải đề xuất Bộ Tài chính hỗ trợ 2 nghìn tỷ đồng phòng, chống dịch mà đến nay Bộ Tài chính mới hỗ trợ được 60 tỷ đồng, nhưng địa phương vẫn cố gắng triển khai đảm bảo quy định và thực hiện thông thoáng hơn. Các F0, F1 đã về nhà thì chỉ cần phiếu ra viện, quyết định phải đi cách ly là được hỗ trợ, không yêu cầu người lao động cung cấp thêm nữa. Phụ nữ có thai, trẻ em ngay sau khi ra viện không thu tiền ăn, sẽ hỗ trợ luôn, đảm bảo nhanh chóng. Tuy nhiên hiện nay do tài chính khó khăn nên địa phương đang giao Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu để hỗ trợ cho các đối tượng lao động tự do”, ông Nguyễn Tiến Cơi chia sẻ.

Lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 sẽ nhận được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.

Chậm triển khai là có lỗi với dân

Đây là một trong những vấn đề lớn mà người lao động phải đối mặt do COVID-19 gây ra. Theo Bộ LĐ-TBXH, làn sóng dịch lần thứ 4 đã xâm nhập vào "thành trì", "pháo đài" quan trọng đó là khu vực công nghiệp, chế xuất, khu vực doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Điều này cho thấy vấn đề đời sống, công ăn việc làm đặt ra những gánh nặng lớn đối với người lao động. 

Bên cạnh đó, tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng, rồi tỷ lệ người nhận bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng… và dự báo sẽ không chỉ dừng lại như hiện nay mà còn tiếp tục gia tăng. 

“Thời gian qua đã có hơn 70 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động, rút khỏi thị trường, phá sản; hàng triệu lao động giãn việc, ngừng việc; 3,1 triệu người giãn luân phiên; lao động tự do ảnh hưởng trầm trọng; hơn 40 nghìn lao động ra nước ngoài làm việc xong thủ tục không xuất cảnh được… Do đó, việc cần làm ngay là phải đảm bảo ổn định cuộc sống, nhất là người yếu thế, lao động khó khăn. Triển khai gói 26 nghìn tỷ cần khẩn trương, tỉnh nào đã có quyết định thì tập trung triển khai hỗ trợ ngay, tỉnh chưa có quyết định thì cần ban hành ngay tuần này. Đơn vị nào chậm triển khai là có lỗi với người dân. Để xảy ra trục lợi, tiêu cực là có tội với dân”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn cũng sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng để triển khai và giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách như mục tiêu và nguyên tắc của Nghị quyết.

Phan Hoạt
.
.
.