Những người "làm tổ" trong trại phong

Thứ Bảy, 19/07/2008, 19:38
Khoảng 20 đôi vợ chồng, chủ yếu là cao tuổi đang sống trong những căn phòng kiểu nhà tập thể tại trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh). Mỗi căn phòng rộng chừng 15 mét, có bếp riêng rất nhỏ. Hai vợ chồng được 400 ngàn tiền trợ cấp của nhà nước, số tiền quá ít ỏi đối với nhu cầu nhỏ bé của các cụ...

Có vài chục đôi mắc bệnh phong, được đưa vào trại. Ở trong đó, tuổi trẻ của họ nảy sinh ham muốn, yêu và lấy nhau. Đám cưới được tổ chức bằng trầu cau, bánh kẹo. Rồi họ sinh con đẻ cái, đến giờ là những ông những bà có cháu nội cháu ngoại.

Những đôi vợ chồng tay cụt, mang bộ chân giả ngồi ăn với nhau, chờ đợi ngày tháng qua đi bên nồi cơm đạm bạc và chẳng biết bao giờ thì da thịt mình bị phong ăn hết. Nỗi đau về căn bệnh không bao giờ khỏi và sự thiếu thốn của cuộc sống khiến họ lúc nào cũng nhăn nhó.

Hạnh phúc trong trại phong

Chỉ cách thành phố Bắc Ninh chừng 5km, nhưng trại phong Quả Cảm từ lâu vẫn được coi là một "ốc đảo" bị xa lánh, rất ít người quan tâm đến. Các cụ ở đây, dường như đã thành thông lệ: tôn trọng người khác, gặp ai lạ dù chỉ đáng tuổi con cháu mình đều gọi "anh" và xưng "em" rất ngọt.

Vợ chồng cụ Đào Phú Vinh và cụ Nguyễn Thị Mão giờ đang như cây dưa héo rũ trong những ngày giá cả leo thang, bởi khẩu phần ăn theo chế độ được 200 ngàn một người một tháng. Cho nên, trừ tất cả các khoản chi phí khác, số ít ỏi còn lại trang trải cho ăn uống, thành thử bữa cơm chỉ có rau với tương cà.

Vẫn không quên nụ cười.

Cụ Vinh bị phong ăn cụt một chân, hai tai đã nghễnh ngãng phải nói to mới nghe thấy. Cụ bà Nguyễn Thị Mão còn minh mẫn, vẫn nhớ được như in những ngày tháng kham khổ, khắc nghiệt của chiến tranh, của thời con gái đầy nước mắt. Giờ đây cụ đã bị phong ăn cụt hai chân, phải đi bằng chân gỗ do các xơ trong trại tự tạo. Để di chuyển được, cụ phải dùng đôi tay đã cụt gần hết ngón cố nắm lấy đôi nạng gỗ để chống xuống đất.

Cụ Vinh (quê Kiến An- Hải Phòng) năm nay 83 tuổi, vào trại từ năm 1950, cụ Mão (quê làng Vân- Bắc Ninh) vào trại năm 1957 khi đã qua một đời chồng, có một đứa con ba tuổi phải để lại nhà chồng nuôi.

Gặp tôi, bà xúc động nói, vẫn xưng "em": "Bố mẹ sinh ra em nghèo lắm, toàn phải đi ở cho người ta. Bố mất sớm, hai chị em đi ở. Khi biết đường làm thì về với mẹ, rồi đi lấy chồng, đẻ được con thì bệnh phát. Chồng bỏ, nhà chồng hắt hủi, đòi chôn sống em. Nhưng em biết họ chỉ nói vậy thôi chứ không dám chôn đâu. Em tủi thân quá, khóc ròng rã mấy ngày trời, sau đó nghĩ lại rằng là do mình, ai bảo bị bệnh hủi mà làm gì. Ngày đó người ta quá kỳ thị, hắt hủi người bị bệnh phong, hủi kinh khủng. Em đã làm đơn vào trại này. Nhà chồng và chồng chẳng ai nhòm ngó nữa. Sau này con em lớn, thi thoảng vào thăm, cho ít quà. Vào đây, gặp ông ấy đây, thế là em yêu".

Lấy nhau, tổ chức liên hoan bằng trầu cau và ít bánh kẹo. Hai cụ đã có với nhau 4 người con, giờ họ đã đi xây dựng gia đình, làm ăn ở các tỉnh khác, chỉ còn một người ở Bắc Ninh. Tôi phải hỏi gần như gắt lên cụ Vinh mới nghe thấy, cụ bảo không biết ngày đó sao lại khoẻ đẻ thế, biết là khó khăn rồi mà vẫn không cấm được.

Khi đã ở trong trại, vẫn không được ở cố định một chỗ, nay ở chỗ này, mai chỗ khác. Đẻ được con rồi, người ta đưa ra ngoài nuôi cả, sau đó ông bà xin, người ta mới đưa về để ông bà nuôi một thời gian, họ lại đưa đi. Khi tôi hỏi về tình yêu của hai cụ, Cụ Mão nói hồn nhiên như đứa trẻ:

"Cùng hoàn cảnh, cùng thân phận nên đồng cảm, phải yêu thương nhau chứ. Đã thế thì phải sinh con. Ngày đó ông nhà em giỏi lắm, chứ không ngễnh ngãng như giờ".

Hai cụ khác tìm thấy "nửa kia" của mình trong trại phong, cảm thấy phải ở cùng nhau, đồng thời sinh con và các con đã trưởng thành. Bỗng năm ngoái, con trai cụ Chu Văn Đề và Ngô Thị Soạn bị ốm và chết, khi ở tuổi 44, làm hai cụ xót xa cho đến giờ, thương các cháu mồ côi.

Cụ Đề quê Việt Yên, Bắc Giang còn cụ Soạn ở Thuận Thành, Bắc Ninh, xây dựng gia đình với nhau năm 1968. Dù cả hai tuổi đã cao nhưng còn minh mẫn. Đặc biệt hơn, cụ Đề còn nhớ được những ngày oanh liệt trong chiến tranh chống Pháp, sự khốc liệt của từng trận đánh. Cụ được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, lương hưu được gần một triệu, vì thế cuộc sống trong trại cũng bớt khó khăn thiếu thốn hơn. Nhưng hai cụ vẫn cố gắng chi tiêu tiết kiệm, sau này còn dùng đến tiền.

Cụ Đề nói: "Ngày đó, nếu tôi không bị phong, còn có thể chiến đấu và lập nhiều chiến công hơn nữa". Cụ Soạn ngậm ngùi: "Em thương nhà em vì cái tính anh hùng. Mà nhà em thương yêu đến em cũng là cái phúc của em. Đến giờ, em vẫn chỉ mang máng tuổi của mình chứ chẳng nhớ rõ là mình sinh năm bao nhiêu. Ở quê ngày đó khổ quá mà. Được cái, giờ đây ông ấy vẫn thương yêu như vậy, chứ như một số người khác, cậy có đồng lương hưu...".

Bi kịch từ... cái tổ

Cũng lấy nhau trong trại nhưng vợ chồng cụ Hoàng Văn Thoả và Ngô Thị Hiền lại không được may mắn như những đôi vợ chồng khác, chẳng sinh được mụn con nào.

Hai vợ chồng ngày đó đều bỡ ngỡ, mỗi người một tỉnh đến, chỉ muốn giúp đỡ nhau sống cho tốt, chia sẻ cho nhau nỗi đau bệnh tật, nỗi đau bị dân làng, anh em ruồng bỏ. Lúc này, hai vợ chồng ngồi ăn cơm, thi thoảng nhìn nhau tủi thân và khóc. Họ nghĩ rằng, sau này mình chết đi, chẳng có đứa con nào hương với khói, cô đơn nhường nào.

Dù không ân hận vì ngần ấy thời gian chung sống, nhưng cụ Thoả không xoá đi được nỗi buồn. Mỗi khi tâm trạng buồn dâng lên là cụ bỏ cơm, đi tìm người để chơi cờ giải khuây, có lúc dằn lòng chát chúa mắng cụ bà một cách vô lý.

Phần lớn những người trong trại phong Quả Cảm đang kêu cứu vì giá cả cao mà tiền trợ cấp gần chục năm trở lại đây vẫn giữ nguyên ở mức 200 ngàn mỗi tháng.

Khoảng 20 đôi vợ chồng, chủ yếu là cao tuổi đang sống trong những căn phòng kiểu nhà tập thể. Mỗi căn phòng rộng chừng 15 mét, có bếp riêng rất nhỏ. Phòng được ban quản lý trại kêu gọi những tập thể, cá nhân, những nhà hảo tâm trang bị cho một chiếc ti vi. Mỗi phòng còn có chiếc quạt, chiếc tủ gỗ nhỏ đựng quần áo.

Những thứ dành cho sinh hoạt hàng ngày như gạo, rau quả... đều được người ta chở bằng xe đạp vào bán rong. Thứ mà các cụ quan tâm và mua nhiều nhất vẫn là gạo và rau, những thức ăn như thịt cá thi thoảng mua cải thiện.

Hai vợ chồng được 400 ngàn tiền trợ cấp của nhà nước. Với số tiền đó, từ giữa năm 2007 trở về trước thì còn sống được, chứ giờ thì... Mà ai cũng biết, bi kịch của nhiều gia đình là vấn đề kinh tế. Những đôi vợ chồng già đã "làm tổ" trong trại Quả Cảm không ngoài quy luật đó.

Bao giờ có hậu?

Những đứa trẻ vẫn được sinh ra trong trại bởi những bệnh nhân trẻ tuổi, hoặc được sinh ra bởi con cái của bệnh nhân. Những ông bố bà mẹ trẻ tuổi ấy là con của những cụ "góp gạo xây tổ ấm” trong trại phong này, rồi lớn lên, đi làm, muốn sống bên cha mẹ thì xây dựng gia đình ở gần hoặc ngay tại đó.

Mắt các cụ đã mờ, tóc đã bạc, họ là những con người không may mắc căn bệnh khó chữa, tuy không chết người ngay nhưng sống dai dẳng trong đau đớn và những ám ảnh. Thuốc thang của thời hiện đại đã giúp cho việc hạn chế bệnh lan ra những phần khác trên cơ thể, nhưng không phải khỏi hẳn.

May thay còn có sự tận tình của các xơ như xơ Xuân, xơ Yên, là những người đã cống hiến, hy sinh bản thân mình, hết lòng vì bệnh nhân. Nhắc đến các xơ, những người bệnh coi đó như những ân nhân mà họ hàm ơn bởi sự tận tình chu đáo. Vậy nhưng vẫn rất cần sự quan tâm giúp đỡ của nhiều ngành chức năng khác, những nhà hảo tâm.

Tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh của cụ Chu Văn Đề. Cụ ngồi ăn cơm, hai chân đã cụt lủn, lắp vào đó là hai chiếc chân gỗ. Hai bàn tay đã cụt mất 9 ngón, ngón kia cũng chỉ còn một nửa, khi ăn, cụ phải nhờ vợ dùng dây thun buộc chiếc thìa vào ngón tay còn lại đó, lựa để xúc cơm. Đó là cụ đã được tặng Huy chương kháng chiến.

Cụ huơ huơ đôi tay cụt lủn: "Anh nhà báo hãy nhớ hình ảnh trong đây nhé, viết thế nào là do ngòi bút của anh, nhưng hãy kêu cho chúng em. Bởi vì, nhiều người trong đây còn khổ gấp trăm em đấy"

Diên Khánh
.
.
.