Nắng nóng, hoá đơn tiền điện tiếp tục tăng cao

Thứ Sáu, 25/06/2021, 12:07
Nắng nóng cực đoan trên diện rộng đã kéo theo lượng điện tiêu thụ tăng đỉnh điểm, cùng với đó là hoá đơn tiền điện của các hộ gia đình tăng phi mã, có hộ đã tăng gấp 2-3 lần so với bình thường.


Gia đình chị Đồng Minh Thanh, ở Từ Liêm – Hà Nội cho biết, trung bình mỗi tháng, gia đình chị dùng hết khoảng gần 500 nghìn tiền điện. Tuy nhiên, sang tháng 5 đến tháng 6/2021, hoá đơn điện phải thanh toán lên gần 1,2 triệu đồng.

Sản lượng điện tiêu thụ tăng hơn 30% nhưng tiền điện tăng hơn gấp đôi. Theo chị Thanh, tháng 5, tháng 6 trời nắng nóng, trẻ con ở nhà nên lượng điện tiêu thụ cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, tăng nhiều cũng “sốc” lúc thanh toán tiền điện khi hết tháng. Với tình trạng nắng nóng như hiện nay, dự kiến tiền điện các tháng tiếp theo sẽ tăng hơn nữa.

Tiêu thụ điện tăng cao do nắng nóng.

Chị Thu Quỳnh ở Tây Hồ cũng cho biết, gia đình chị tháng vừa qua, tiền điện cũng tăng hơn 2 lần. Tháng 6/2021, tiền điện gia đình thanh toán là 3.620.000 đồng. Theo chị Quỳnh, đến hè là bước vào cao điểm tiền điện tăng đột biến.

Từ đầu tháng 5 đến nay, tiền điện bắt đầu tăng mạnh do nắng nóng kéo dài, cộng thêm việc trẻ con ở nhà, sử dụng nhiều thiết bị điện như điều hoà, tivi, tủ lạnh... nên gia đình dự đoán tiền điện chắc chắn sẽ tăng. “Khi nhận được thông báo tiền điện tăng cao, điện lực Tây Hồ cũng đã có thông báo về việc tiêu thụ điện của gia đình tăng trên 30% so với tháng trước, sau khi thông báo tiền điện, EVN rất chu đáo còn gửi thêm số điện thoại hotline để đề phòng khách hàng thắc mắc”, chị Quỳnh cho hay.

Trong khi đó, chị Nguyễn Hồng Hà (cư dân ở chung cư Mỹ Viên, khu Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh) tỏ ra bất ngờ khi nhận được thông báo hóa đơn tiền điện ngày 15/6/2021: “Nhận hóa đơn tiền điện tháng này mà tôi “mém xỉu”, cao gần gấp đôi tháng trước, hơn 5 triệu đồng…”. Theo chị Hồng Hà, gia đình chị có tất cả 4 người ở căn hộ có 3 phòng ngủ nhưng chỉ hai phòng thường mở máy lạnh. Trước giờ tiền điện mỗi tháng chỉ tầm 3 triệu đồng, vậy mà không hiểu sao tháng này lại tăng vọt lên hơn 5 triệu đồng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, việc tiêu thụ điện của nhiều hộ gia đình tăng cao là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh, dẫn đến tiền điện tăng. Thực tế, các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh/máy điều hòa nhiệt độ sẽ thấy rõ việc sử dụng điện và tiền điện tăng lên nhiều. Còn với các hộ không sử dụng máy lạnh, chỉ sử dụng quạt làm mát, thì chi phí này thay đổi không nhiều.

Trong thông báo mới nhất chiều 21/6, EVN cho biết, diễn biến thời tiết nắng nóng cực đoan diện rộng ở miền Bắc và miền Trung từ ngày 16/6 trở lại đây đã làm tiêu thụ điện của miền Bắc nói riêng và toàn quốc nói chung không ngừng tăng lên. Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho thấy, vào trưa 21/6, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên vượt 42.000MW và thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới với con số là 42.146 MW.

Bên cạnh đó, công suất tiêu thụ điện của riêng khu vực miền Bắc và TP Hà Nội cũng đã lập mức đỉnh kỷ lục mới, với công suất đỉnh mới của miền Bắc là 18.700MW và của TP Hà Nội là 4.700MW. Do tình hình nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện tăng cao ảnh hưởng đến an toàn lưới điện quốc gia. Để đảm bảo vận hành lưới điện, Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các khu đô thị, khu công nghiệp giảm tải bớt các phụ tải sử dụng điện hoặc chủ động ngừng cung cấp điện. Một khu đô thị trên địa bàn phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã ra thông báo đến các cư dân về việc tạm ngừng cung cấp điện lưới từ 11h đến 14h trưa 21/6.

Theo ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, nắng nóng là một nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ điện tăng cao, bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ việc ngành Điện đang áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Hiện, giá bán điện được EVN tính theo biểu giá bậc thang 6 bậc (bậc cao nhất là 401 kWh) và cách tính này không còn phù hợp.

Liên quan biểu giá tính tiền điện lũy tiến 6 bậc, trong năm 2020, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án điều chỉnh giá điện bán lẻ điện sinh hoạt, từ 6 bậc hiện hành xuống 5 bậc và lấy ý kiến các cơ quan ban, ngành. Nhưng việc chốt biểu giá điện sinh hoạt thay đổi đến nay vẫn chưa được thông qua.

Tuy nhiên, cũng theo Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, thời gian tới, khi thời tiết nắng nóng giảm dần thì lượng tiêu thụ điện cũng giảm và tiền điện cũng sẽ giảm theo. Mới đây, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh vừa báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh về việc triển khai hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho một số khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong năm 2021.

Trước tình trạng tiêu thụ điện tăng cao trong mùa nắng nóng, EVN cho biết, theo tính toán cụ thể của chuyên gia kỹ thuật điện, trong những lúc thời tiết nắng nóng kéo dài, điện năng tiêu thụ của riêng điều hoà nhiệt độ trong gia đình có thể chiếm tới 60 - 70% tổng số lượng điện năng tiêu thụ.

Từ đầu tháng 5 trở lại đây, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, nhưng tình hình tăng trưởng phụ tải điện vẫn ở mức cao. Nắng nóng gay gắt kéo dài đã làm các thiết bị trên lưới điện liên tục vận hành đầy tải, thậm chí quá tải ở một số thời điểm, dẫn đến nguy cơ xảy ra các sự cố cục bộ trên lưới điện - EVN cho biết.

Đại diện EVN cho biết thêm, với tình hình thời tiết nắng nóng tại miền Bắc, miền Trung diễn ra từ ngày 16-6 làm tiêu thụ điện được dự báo lại tiếp tục tăng cao đột biến. EVN khuyến cáo các cơ quan, công sở, nơi sản xuất và người dân cần tiếp tục chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình, các chuyên gia khuyến cáo, để nâng cao hiệu quả sử dụng điện, khi bật điều hoà chỉ nên đặt ở mức 27 độ C trở lên và nên sử dụng kết hợp với quạt, vừa đảm bảo đủ mát, vừa giảm đáng kể điện năng tiêu thụ.

Ngoài việc sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, người dân cũng không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện…) để giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, đồng thời cũng hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với ngày bình thường.

Lưu Hiệp
.
.
.