Nấm lim xanh thật, giả khó lường

Thứ Năm, 09/06/2011, 14:31
Sau khi Viện Dược liệu (Bộ Y tế) xác định nấm lim xanh do Sở Y tế tỉnh Quảng Nam gửi ra, là nấm linh chi mọc tự nhiên, không có độc tính, độc hại… thì người dân Tiên Phước đã đổ xô đi lên rừng hái nấm. Họ vơ vét tất tật các loại nấm tìm được trong rừng đem về trộn lẫn nhau rồi phỉnh phờ bán lại cho những người có nhu cầu sử dụng.
>> Nghiên cứu khả năng chữa ung thư của nấm lim xanh/ Nấm lim xanh không có độc nhưng cần cẩn trọng khi sắc uống

Báo CAND đã có thông tin phản ánh về việc hàng trăm người bệnh từ các nơi tìm về xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, để gặp gỡ, trao đổi với những người đã uống nấm lim xanh (loài nấm mọc trên cây gỗ lim xanh mà dân gian thường gọi là cây thiết lim) chữa lành một số bệnh hiểm nghèo như: Viêm gan B, ung thư gan, xơ gan… nhờ tư vấn và mua nấm này mang về sắc uống cầu may. Đã có không ít người sau khi uống nấm cho biết, bệnh tình của họ có phần thuyên giảm đáng kể.

Đáng quan tâm, kể từ khi Viện Dược liệu (Bộ Y tế) có Văn bản số 08/VDL-QLKHĐT ngày 10/1/2011, do Viện trưởng, TSKH Nguyễn Minh Khôi phúc đáp việc kiểm tra chất lượng và tác dụng sinh học của mẫu nấm lim xanh do Sở Y tế tỉnh Quảng Nam được anh Nguyễn Đình Hoa cung cấp gửi ra, xác định là nấm linh chi mọc tự nhiên, không có độc tính, độc hại; có thể khuyến nghị người dân sử dụng theo hướng dẫn đã có trong những tài liệu chính thống về dược liệu… thì người dân Tiên Phước đã đổ xô đi lên rừng hái nấm.

Nấm được cho là nấm lim xanh, bày bán tràn lan trên đường đèo Liêu thuộc huyện Tiên Phước, Quảng Nam.

Họ không chỉ chọn lựa loài nấm mọc trên thân gỗ lim xanh mà vơ vét tất tật các loại nấm tìm được trong rừng đem về trộn lẫn nhau rồi phỉnh phờ bán lại cho những người có nhu cầu sử dụng.

Đây là việc làm hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người sử dụng, nhất là những người cơ thể đã bị mắc các chứng bệnh hiểm nghèo. Bởi vì, khó có thể lường được nấm mà người đi hái một cách vô tội vạ bán lại cho họ không lẫn lộn các loài nấm độc...

Với sự giúp đỡ của các nhà khoa học đầu ngành, Viện Dược liệu đã xác định mẫu nấm lim xanh Sở Y tế tỉnh Quảng Nam gửi ra để phân tích, kiểm nghiệm, đó là nấm linh chi mọc tự nhiên, có tên khoa học là Ganoderma lucidum (Leyss. Ex Fr.) Karst., còn có tên đồng nghĩa là Polyporum lucidus W. Curt., thuộc họ nấm lim (Ganodermataceae); có thể sử dụng nấm lim xanh theo y học cổ truyền mà không lo độc hại, độc tính của nấm...

Tuy nhiên, trao đổi với PGS, TS Ngô Anh, Trưởng phòng Thí nghiệm Thực vật - Khoa Sinh học Trường Đại học Khoa học Huế, người đã có công trình nghiên cứu và nuôi cấy thành công nấm linh chi, ông cho biết: Nấm linh chi có rất nhiều loại. Do đó, để có thể kết luận được nấm linh chi mọc trên cây gỗ lim xanh chữa được bệnh ung thư thì cần phải đưa cây nấm đến cơ sở khoa học để làm giám định làm rõ. Vì cũng có rất nhiều loại nấm mọc trên thân gỗ nhưng có tính độc rất cao khi sử dụng sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Theo ông Huỳnh Ngọc Tân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Phước, xác định: Ở rừng Tiên Phước hiện có khoảng 2.000ha lim xanh, song đa phần là cây con mới mọc. Trước đây rừng lim xanh đã bị lâm tặc tàn phá nên số cây loại lâu năm hiện còn lại rất ít. Rừng lim xanh mọc rải rác dọc theo khe Suối Bùn, tại các tiểu khu 557 (xã Tiên Lãnh), 562 (xã Tiên Ngọc)...

Kể từ khi phát hiện nấm lim xanh sắc uống chữa được một số bệnh hiểm nghèo thì người dân địa phương đã rủ nhau càn quét sạch sẽ nấm tại cánh rừng này. Hiện nay, muốn có nấm lim xanh, người hái phải sang những cánh rừng ở các huyện: Bắc Trà My, Hiệp Đức, Đông Giang, Nam Giang... Thế nhưng, do lượng người tìm mua nấm lim xanh ngày một đông nên có không ít người đi hái nấm vì hám tiền nên lấy nấm từ thân gỗ các loài cây khác như nấm chò, nấm mít... trộn lẫn vào để mồi chài buôn bán. Tuy nấm chò, nấm mít... không có độc tính, nhưng tác dụng chữa bệnh thì rất ít.

Để phân biệt được đâu là nấm lim xanh, đâu là nấm mọc trên các thân gỗ cây khác cần phải có "con mắt nhà nghề", nếu không người mua rất dễ bị mắc lỡm "hàng dỏm" của những kẻ vô lương tâm. Theo chỉ dẫn của ông Tân, chúng tôi khảo sát thực tế cũng gặp rất nhiều điểm bán nấm trên đèo Liêu, từ trung tâm huyện Tiên Phước về xã Tiên Hiệp.

Tại ngã ba đường vào thôn 5, Tiên Hiệp, đối diện với trụ sở UBND xã Tiên Hiệp có nhà còn dựng cả bảng hiệu bán "nấm lim chi" (?!). Rồi có rất nhiều "cò". Hễ có người dân từ các địa phương khác tới tìm mua nấm lim xanh là các "cò" dùng xe máy vây quanh, phỉnh phờ bán nấm lim xanh giá rẻ...

Trước thực tế mua bán nấm lim xanh bát nháo ở huyện Tiên Phước như hiện nay tốt nhất người bệnh cần chú ý cẩn trọng khi mua nấm sắc uống chữa bệnh cầu may để khỏi bị "nấm dỏm" mà tiền mất tật mang.

Một điểm trưng bảng bán nấm đối diện cổng trụ sở UBND xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước.

Đối với Viện Dược liệu cũng cần nhanh chóng có động thái tích cực trong việc nghiên cứu về hóa học và tác dụng sinh học của nấm lim xanh để thông báo rộng rãi cho mọi người dân được biết loài nấm này có tác dụng chữa bệnh hiểm nghèo như thế nào? Không thể kéo dài thời gian kiểm tra và có kết luận cụ thể về tác dụng chữa bệnh đối với loài nấm lim xanh khiến người bệnh mù thông tin, còn những kẻ bất lương thì dựa vào đó trục lợi...

L.Vân
.
.
.