Khô khát giữa... mùa mưa

Thứ Tư, 15/07/2015, 09:25
Đang là mùa mưa nhưng một số huyện của tỉnh Kiên Giang, như An Biên, An Minh lại khan hiếm nước ngọt. Nước biển dâng, nước mặn lấn sâu vào nội đồng, thậm chí nguồn nước ngầm cũng bị nhiễm mặn khiến cho người dân không thể sử dụng được phải đi mua nước từ nơi khác.
Ông Nguyễn Văn Tiến (ngụ tại xã Nam Thái A, huyện An Biên), nhớ lại: “Chục năm trước vùng này nước ngọt mênh mông. Tuy nhiên, từ khi người dân quây lại nuôi tôm, cua, dần dần nước ngọt không thấy, các ao, đìa cũng khô queo. Người dân phải mua 100.000 đồng mới được 1m³ nước ngọt để dùng”…

Theo ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang (Kiwaco), cả hai hồ chứa nước khoảng 560.000m3 của công ty đã gần cạn, nếu không có nguồn nước bổ sung thì sẽ trơ đáy trong vài ngày nữa. Kiwaco đã phải cắt giảm lượng nước cung cấp, hiện chỉ còn khả năng đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người dân.

Nguyên nhân là do từ đầu năm đến nay, nước mặn liên tục xâm nhập sâu vào tuyến kênh Rạch Giá - Long Xuyên là nguồn cấp nước duy nhất cho hai hồ chứa của Kiwaco. Mặt khác, mực nước từ đầu nguồn đổ về cũng thấp hơn cùng kỳ năm 2014 khoảng 70cm nên không đủ khả năng đẩy nước mặn trở ra biển. Đây là hiện tượng thời tiết khá bất thường vì hiện tại đang là mùa mưa.

Bên cạnh tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn thì tình trạng sạt lở cũng xảy ra ở nhiều địa phương trong vùng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Cần Thơ xảy ra gần 10 vụ sạt lở nghiêm trọng, cuốn nhiều nhà dân xuống sông. Điều chú ý mật độ xảy ra sạt lở lại dày hơn vào mùa khô. Điển hình, ngày 26-5, tại khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình, quận Cái Răng, xảy ra vụ sạt lở khiến 3 ngôi nhà và đoạn đường 100m đang thi công bị “Hà Bá” nuốt  gọn.

Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng tại quận Cái Răng (Cần Thơ) vào cuối tháng 5 vừa qua.

Khảo sát mới đây của Cục Phòng chống thiên tai (Tổng cục Thủy lợi) cho thấy, hầu hết bờ biển của ĐBSCL đều bị xói lở do nước biển dâng, triều cường với nhiều mức độ khác nhau. Trong đó những đoạn bờ biển có tốc độ xói lở mạnh (từ 30m -100m/năm) là Tân Thành (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang); Hiệp Thạnh, Đông Hải (huyện Duyên Hải, Trà Vinh); Gành Hào (Bạc Liêu)…

Theo BCĐ Tây Nam Bộ, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hành động, dự án ứng phó với BĐKH có liên quan đến vùng ĐBSCL, trong đó có 17 dự án ưu tiên dành cho 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã được phê duyệt. Các dự án này tập trung vào việc củng cố, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống đê, kè sông, kè biển, nhiều công trình hạ tầng, trồng rừng phòng hộ ven biển, hệ thống công trình thủy lợi nhằm điều tiết lũ, ngăn mặn, giữ ngọt, nâng cao nhận thức của cộng đồng.…

Tuy nhiên, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện nghiên cứu BĐKH (Đại học Cần Thơ) vẫn lo lắng: Các nỗ lực ứng phó với BĐKH ở các địa phương vùng ĐBSCL chỉ mới bước đầu, mang tính đối phó với những rủi ro thời tiết ở tầm ngắn hạn (3-5 năm). Vì thế về lâu dài, ở tầm trung hạn (5-10 năm) và dài hạn (10-30 năm), ĐBSCL rất cần có kế hoạch và hành động ứng phó mang tính đột phá...

Một vấn đề đang đặt ra là tính thống nhất, liên thông của các dự án thích ứng với BĐKH hiện nay. Gần như các tỉnh, thành ĐBSCL đều có dự án ứng phó với BĐKH. Song, các dự án này chưa thể hiện rõ tính liên thông cấp vùng, vì BĐKH không chỉ xảy ra trên cấp độ địa giới hành chính.

Các dự án đề xuất vẫn còn nặng tính địa phương. Dễ thấy nhất các dự án xin cấp vốn xây kè chống sạt lở thiếu đánh giá vai trò hệ thống rừng ngập mặn ven biển…

Đức Văn
.
.
.