Hà Nội: Cầu Thanh Trì sẽ thông xe vào dịp 3-2

Thứ Bảy, 27/01/2007, 09:31
Theo kế hoạch, ngày 2/2, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ kết thúc việc tiến hành đánh giá chất lượng cầu, do đó, rất có thể cầu Thanh Trì sẽ được thông xe vào ngày 3/2, góp phần giảm tải ách tắc giao thông trên cầu Chương Dương.

Cầu Thanh Trì là cây cầu lớn nhất trong dự án 7 cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng, bắt đầu từ điểm cắt QL1A tại Pháp Vân (Thanh Trì), điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Sài Đồng (Gia Lâm). Cầu Thanh Trì có trọng tải H30-XB80: Xe tải bánh lốp có tải trọng dưới 30 tấn, xe bánh xích có tải trọng dưới 80 tấn thì đạt điều kiện về tải trọng để qua cầu. Cầu chính dài 3.084m trên tổng chiều dài hơn 12.000m (kể cả đường dẫn...), rộng 33,10m với 6 làn xe chạy (4 làn xe cao tốc), tốc độ cho phép 100km/h. Tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Phạm Thanh Bình, Chủ nhiệm Dự án cầu Thanh Trì cho biết, các công tác chuẩn bị thông xe cầu Thanh Trì bằng đường tạm hiện đã cơ bản hoàn tất.

Gói thầu số 1 - xây dựng cầu Thanh Trì đã cơ bản hoàn thành ngay từ cuối tháng 11/2006. Riêng hệ thống đường dẫn lên cầu và đường tạm đang được nhà thầu khẩn trương hoàn tất trong tháng 1/2007.

Theo quy định của Bộ GTVT, công trình chỉ được thông xe, khánh thành sau khi đã vượt qua sự đánh giá gắt gao về chất lượng của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước. Theo kế hoạch, ngày 2/2, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ kết thúc việc tiến hành đánh giá chất lượng cầu, do đó, rất có thể cầu Thanh Trì sẽ được thông xe vào ngày 3/2, góp phần giảm tải ách tắc giao thông trên cầu Chương Dương.

Đáng tiếc do việc thực hiện gói thầu 3 (đường dẫn chính phía Thanh Trì) còn nhiều vướng mắc vì chưa thể di dời hết các hộ dân trong diện buộc giải toả, nên việc thông xe cầu Thanh Trì phải đi qua hệ thống đường tạm dẫn.

Để đảm bảo cho các phương tiên lưu thông trên cầu, PMU Thăng Long đã đề xuất hướng tuyến và giải pháp tổ chức giao thông khi thông xe cầu Thanh Trì bằng đường tạm như sau: Đối với phía Gia Lâm, các phương tiện không hạn chế tải trọng sẽ lên cầu Thanh Trì từ lý trình Km5+500 QL5 rẽ qua đường sắt đi vào đường gom Gói thầu số 2 (khoảng 2,8km) lên cầu Thanh Trì. Các phương tiện xuống cầu Thanh Trì sẽ đi thẳng theo đường gom Gói thầu số 2 đến QL5 tại lý trình 5+500 rẽ phải theo hướng Hà Nội - Hải Phòng.

Ngoài hướng thông xe nêu trên, các phương tiện (có tải trọng cho phép chạy trên đê) lên và xuống cầu Thanh Trì có thể đi theo đường Thạch Bàn, sau đó rẽ trái đi theo đê Tả Hồng (địa phận Long Biên - Xuân Quan) khoảng 2,4km đến đầu cầu Thanh Trì, chiều dài tuyến 4,1km hoặc đi từ QL5 (lý trình 10+425) rẽ vào đường 179 Hưng Yên (khoảng 8,7km) đến đê Tả Hồng (địa phận Long Biên - Xuân Quan) rồi rẽ phải (khoảng 6,7km) đến nút giao đê Gia Lâm rẽ phải lên cầu Thanh Trì, xuống cầu đi theo hướng ngược lại.

Đối với phía Thanh Trì, PMU Thăng Long kiến nghị UBND TP Hà Nội lựa chọn tuyến sau: Phương án lên cầu, từ Pháp Vân, các phương tiện đi theo QL1A dài 3,5km rẽ trái lên đê Hữu Hồng, đi dọc theo đê 2,6km rồi đi theo đường vuốt nối dài 0,3km lên cầu (qua nút giao đê Lĩnh Nam, tốc độ điều phối giao thông qua đoạn vuốt nối 0,3km là 5-10km/h).

Phương án xuống các phương tiện xuống cầu rồi rẽ phải đi theo đường Lĩnh Nam (khoảng 3,2km), tới Mai Động rẽ trái khoảng 3,2km tới QL1A tại nút giao Tam Trinh rẽ phải 3,5km tới Pháp Vân. Trên đoạn đường Lĩnh Nam ôtô đi một chiều, xe buýt, xe máy đi 2 chiều. Ưu điểm của phương án này là đưa vào sử dụng được ngay khi thông cầu Thanh Trì.

Cùng với vành đai 3, cầu Thanh Trì sẽ tạo hệ thống giao thông liên kết giữa vùng tam giác kinh tế: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và liên thông trục Bắc - Nam, giảm bớt đáng kể lưu lượng xe lưu thông qua nội thành Hà Nội

P.H.
.
.
.