Di chỉ Cái Bèo - Một bảo tàng văn hóa biển cần được bảo vệ

Thứ Năm, 01/03/2007, 14:16
Những bằng chứng của giới khảo cổ cho thấy Cái Bèo là nơi cư trú của ngư dân cổ. Đây chính là một làng chài biển cổ có quy mô lớn nhất hiện được biết ở Việt Nam.

Nằm giữa thung lũng núi đá vôi, chạy dài theo hướng Bắc Nam dọc bờ biển thuộc khu 2B Bến Bèo (thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải), di chỉ Cái Bèo được xác định tọa độ 20o43'8'' vĩ Bắc và 107o3'2'' kinh Đông (cách trung tâm thị trấn 1,5km) với độ cao trung bình 4m so với mặt nước biển. Theo khảo cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Cái Bèo là di chỉ khảo cổ học có giá trị quan trọng nhất hiện nay ở vùng ven biển và hải đảo Đông Bắc Việt Nam.

Sẽ là di tích cấp quốc gia

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam), Trưởng đoàn khảo cứu, khai quật di chỉ Cái Bèo thì đến nay đã có 4 lần khảo sát, khai quật di chỉ này.

Lần đầu tiên, vào năm 1938, nhà khảo cổ học M.Colani người Pháp đã phát hiện Cái Bèo chính là nôi văn hoá cổ của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Viện Khảo cổ học đã tiến hành thám sát và manh nha phát hiện nôi văn hoá biển.

Đến năm 1981, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có cuộc khai quật lần thứ hai tại đây. Tuy phạm vi khai quật chỉ với diện tích 78m2, song đã tìm được nhiều hiện vật đá ở hai giai đoạn phát triển kế tiếp nhau là tiền Hạ Long và Hạ Long.

Vào năm 1986, lần khai quật thứ ba được tiếp tục tiến hành. Các nhà khảo cổ đã tìm được gần 180 công cụ đá bao gồm công cụ ghè đẽo, công cụ mài không qua chế tác của 6 chày và hòn ghè, 9 mảnh gốm xốp, 18 mảnh gốm cứng mỏng, 93 mảnh gốm thô dày, 11 đốt sống cá biển, 88 đầu cá biển, 6 mảnh xương thú...

Phân tích các mẫu hiện vật đã phát hiện có cơ sở kết luận di chỉ Cái Bèo gồm hai giai đoạn văn hóa: Giai đoạn tiền Hạ Long và văn hóa Hạ Long.

Lần khai quật thứ tư vào 5/12/2006 được sự tham gia của nhiều nhà khoa học có uy tín, khi kết thúc khai quật đầu tháng 1/2007 đã thu được từ 10 hố có 137 hiện vật đá, 1.424 mảnh gốm tiền sử và 568 tiêu bản di cốt động vật và vỏ nhuyễn thể biển. Phân tích cho thấy, những tổ hợp di vật thu được đều làm từ đá granít và gốm vặn thừng dập thô, không se, xương cá, vỏ sò, vỏ hàu biển kích thước lớn...

Những bằng chứng này cho thấy Cái Bèo là nơi cư trú của ngư dân cổ. Đây chính là một làng chài biển cổ có quy mô lớn nhất hiện được biết ở Việt Nam.

Phân tích còn thấy, cách đây khoảng 7.000 năm, người Cái Bèo sinh sống chủ yếu nhờ vào đánh cá biển và bắt sò, hàu. Họ duy trì cuộc sống ấy đến 4.500 năm cách ngày nay.

Phân bố làng chài Cái Bèo rất rộng, khoảng 18.000m2. Cư dân định cư ở Cái Bèo phát triển qua nhiều thời đại từ Trung kỳ đá mới đến Sơ kỳ đồ đồng. Từ săn bắt, hái lượm, đánh cá sang định cư nông nghiệp được coi là quá trình phát triển văn hóa Cái Bèo sang văn hóa Hạ Long. Những cư dân đầu tiên ở Cái Bèo có nguồn gốc bản địa, nhiều khả năng là con cháu người cổ văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn. Và văn hóa Cái Bèo vận động, phát triển sang văn hoá Hạ Long thời đại đồ đồng đặc sắc ở vùng duyên hải Đông Bắc.

Hơn nữa, di chỉ Cái Bèo có địa tầng dày (trung bình là 3m) và được bảo tồn nguyên vẹn. Trên địa tầng này có thể đọc được sự thay đổi của môi trường biển vùng Đông Bắc từ 7.000 năm đến 3.500 năm. Toàn bộ cơ sở khoa học trên có thể khẳng định rằng, di chỉ Cái Bèo thực sự là một bảo tàng văn hoá biển Việt Nam.

Rất cần bảo vệ di chỉ Cái Bèo

Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, Tiến sĩ Hà Văn Phùng khẳng định: "Cát Bà là một trong những điểm duy nhất có địa tầng chứng minh được nguồn gốc bản địa văn hóa Hạ Long...", vì vậy rất cần được bảo vệ, phát huy giá trị di chỉ Cái Bèo.

Thực tế, giá trị lịch sử, văn hóa của di chỉ đã được làm rõ qua các lần khai quật của cơ quan chuyên ngành. Song hiện tại, Cái Bèo đang bị xâm hại bởi các công trình được xây dựng và đi vào hoạt động trong nhiều năm qua.

Sự xâm hại còn rất may mắn chưa phải vào phần quan trọng nhất di chỉ Cái Bèo. Khu vực trọng tâm của di tích vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Các nhà khảo cổ học xác định phạm vi cắm biển bảo vệ, xếp hạng di tích quốc gia của di chỉ Cái Bèo gồm: diện tích 8.500m2 từ chân núi phía Bắc đến các công trình, cơ quan; chiều Đông Tây từ chân núi ra tới bờ biển dài 100m càng cần được bảo vệ để phục vụ cho công tác nghiên cứu lâu dài tiến tới xây dựng một bảo tàng ngoài trời cho Cái Bèo.

Thiết nghĩ, các cơ quan chuyên ngành, chức năng thành phố Hải Phòng sớm có phương án bảo vệ nghiêm ngặt di chỉ Cái Bèo như bảo vệ một nền văn hoá biển cổ hiếm có, góp phần bổ sung vào kho tàng văn hoá Việt Nam

M.Hừng
.
.
.