Cảnh báo những ‘quả bom gas’ trên tàu đánh cá

Thứ Bảy, 26/09/2015, 06:57
Ông Nguyễn Bân, phường Thanh Hải, TP Phan Thiết (Bình Thuận) có thâm niên gần 60 năm gắn bó với nghề cá khẳng định: Bây giờ, mỗi tàu cá ra khơi có ít nhất 5-6 bình gas chở theo. Có rất nhiều nguyên do gây ra cháy nổ, nhưng phần lớn là do sự bất cẩn của “bạn ghe” gây ra.

“Bạn ghe” là lao động trên tàu cá, là ngư dân, thuyền viên… Thời gian qua, trong hoạt động đánh bắt trên biển, đã xảy ra rất nhiều vụ nổ bình gas trên tàu cá khiến cho nhiều ngư dân thiệt mạng.

Hiện tại, tỉnh Bình Thuận có khoảng 7.800 tàu thuyền, trong đó có trên 350 tàu cá mã lực lớn đánh bắt xa bờ dài ngày. Cứ mỗi tàu cá ra khơi, bình quân chở theo trên tàu khoảng từ 4-6 bình gas phục vụ nấu nướng, ăn uống cho hơn 10 lao động. Những vụ cháy nổ tàu cá do bình gas gây ra, nguyên nhân chủ yếu do rò rỉ khí gas, do va chạm, lắc lư lúc sóng đánh và giông gió. Nếu bình gas chiết xuất lậu không rõ nguồn gốc, vỏ bình cũ, van gas không đảm bảo an toàn thêm tác động của muối từ nước biển và gió rất dễ làm gỉ sét, nguy hiểm luôn rập rình trên mỗi con tàu.

Anh Trần Trung, Thuyền trưởng tàu cá Bình Hưng ở Phan Thiết cho biết: Phần lớn cháy nổ gas trên tàu đều do con người gây ra. Sau khi nấu nướng, nhậu nhẹt say sưa, nhiều lao động bất cẩn đã làm xì gas hoặc cháy nổ. Nhiều chủ tàu cá đặt bình gas trước mũi ca bin, không để trong buồng vì sợ nguy hiểm, nhưng kết thành chùm với nhau không sử dụng vỏ bọc nhựa hoặc vật liệu nhẹ chống va đụng và gỉ sét. Các bình gas thường đặt dựa mạn tàu, mặc cho sóng lắc lư, va chạm càng nguy hiểm hơn nhiều.

Trong số hàng nghìn tàu, thuyền đánh bắt hải sản, nhiên liệu sử dụng chủ yếu là dầu Diezen. Nhiều DN đã đầu tư tàu chở dầu ra biển phục vụ tận nơi cho khách hàng. Nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ mua dầu số lượng lớn, chứa trong các can nhựa, thùng phi để trong khoang tàu thuyền đi đánh bắt xa bờ. Trên thuyền có sử dụng gas phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, cách bảo quản và sử dụng rất tùy tiện, không an toàn. Nếu quá trình sử dụng để rò rỉ khí gas và phát ra đám cháy, gặp những can dầu dự trữ sẽ trở thành đám cháy lớn, lan nhanh và nhiệt độ rất cao.

Một nguyên nhân khác dẫn đến cháy nổ là nguồn điện của những bình ắc quy thắp sáng. Khi di chuyển trên biển không thăng bằng, vật liệu dễ cháy sẽ va đập, dẫn đến chập điện xảy ra cháy. Ngay cả việc thắp nhang thờ cúng trên tàu thuyền cũng là một trong những nguyên nhân gây ra cháy nổ trên tàu cá.

Với lực lượng lao động trên biển, các kỹ năng và hiểu biết về khí, gas, PCCC, trên tàu hầu như chưa được tập huấn. Người lao động trên tàu cá và chủ tàu chỉ quan hệ thuê mướn làm công, làm theo từng công việc, công đoạn nhất định. Do đó, để trang bị cho lao động biển và chủ doanh nghiệp khai thác, đánh bắt hải sản về những kiến thức cơ bản về phòng cháy và chữa cháy hiện vẫn còn đang bỏ ngỏ…

Những bình gas trên tàu cá - thủ phạm nhiều vụ cháy nổ trên biển.

Đã từng xảy ra những vụ nổ bình gas với hậu quả, thiệt hại khôn lường. Ngày 7/9/2015, tàu đánh cá mang số hiệu BTh - 98603TS của HTX thu mua hải sản MT (xã Long Hải, huyện Phú Quý) do ông Trần Quang Chiến (31 tuổi, trú tại xã Long Hải, huyện Phú Quý, Bình Thuận) làm Thuyền trưởng đang thu mua hải sản cách Phan Thiết khoảng 20 hải lý về hướng Nam đã bị bình gas phát nổ, dẫn đến cháy tàu. May mắn 15 lao động kịp nhảy xuống biển và được tàu đánh cá gần đó phát hiện, ứng cứu an toàn.

Riêng thuyền viên Phạm Văn Bảnh (ngụ xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) bị mất tích đến nay.  Mới đây, vào ngày 16/9, tàu cá mang số hiệu BV - 97799 TS của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gặp nạn khi bình gas phát nổ khiến tàu bị chìm, 18 ngư dân bị hất tung xuống biển đuối nước, chỉ có 3 người may mắn được cứu sống. Vụ việc đau lòng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác an toàn đảm bảo cháy nổ trong tàu đánh cá ngư dân.

Ông Ngô Văn Nuôi (64 tuổi, ngụ KP4, phường Hưng Long, TP Phan Thiết), chủ tàu BTh 99856 TS hơn 50 năm gắn bó với nghề biển cho biết: Trước đây, đi biển, ngư dân chủ yếu nấu ăn bằng củi, rồi tới bếp dầu, nhưng hơn 10 năm gần đây, hầu hết đều chuyển sang dùng bình gas do nấu nướng tiện lợi. Chính điều này đi kèm tiềm ẩn những nguy cơ về cháy nổ trên tàu cá.

Ông Huỳnh Quang Huy - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết: Chi cục và cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, khuyến cáo các chủ tàu phải có trang thiết bị bảo đảm an toàn và phòng chống cháy nổ như phao cứu sinh, bình cứu hỏa... Bình Thuận có khoảng 92% lượng tàu thuyền có trang bị vật dụng phòng chống cháy nổ.

Hoàng Châu
.
.
.