Chống bạo lực học đường:

Cần triển khai rộng mô hình 'Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng'

Thứ Ba, 17/03/2015, 08:32
Sau hàng loạt sự việc đau lòng xảy ra trong giới học đường như lừa nữ sinh vào khách sạn để đánh hội đồng, nữ sinh đánh bạn khoe lên Facbook, thì gần đây nhất dư luận lại “sốc” trước việc một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, bị một nhóm bạn lấy ghế nhựa “đánh hội đồng” theo “lệnh” của lớp trưởng. 
>> Lấy sự khoan dung cho các em thấy cái sai sửa đổi
Theo khảo sát về vấn đề bạo lực giới trong trường học của Tổ chức Plan tại Việt Nam với 3.000 học sinh nam nữ tại 30 trường THCS và THPT, có 31% học sinh đã bị bạo lực thân thể, 65% học sinh đã bị bạo lực tinh thần và 11% học sinh đã bị quấy rối hoặc xâm hại tình dục. Tuy nhiên, các em thường ít hoặc không chia sẻ, tìm kiếm sự trợ giúp từ cha mẹ, thầy cô giáo, mà tự mình giải quyết.

B bo lc nhưng ít tìm kiếm s tr giúp

Việc nữ sinh lớp 7/5 Trường THCS Lý Tự Trọng bị đe dọa, hành hung, sa sút tinh thần trong 2 tháng mà nhà trường và gia đình không phát hiện được đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong giới phụ huynh học sinh. Nhiều trong số các học sinh trực tiếp hành hung bạn lại có hoàn cảnh gia đình éo le. Bạo lực học đường lâu nay đã trở thành mối lo thường trực của các bậc cha mẹ.Và thật đáng tiếc, nhiều vụ việc khi phát hiện đều đã muộn.

“Đánh hội đồng” đang trở thành mối lo lớn khi nhiều vụ việc bị phát hiện vừa qua đã cho chúng ta thấy sự vô cảm ngay trong chính học sinh với nhau. Một học sinh bị đánh hội đồng, các học sinh khác đứng xem, không can ngăn hoặc đi gọi thầy cô giáo. Và phần lớn các vụ “đánh hội đồng” này chỉ bị phát giác và làm lớn chuyện khi nó được tung lên mạng xã hội.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” được Sở GD& ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan tại Việt Nam thực hiện vào tháng 6/2014 tại 20 trường THCS và THPT.

Khảo sát của tổ chức này với 3.000 học sinh nam nữ tại 30 trường THCS, THPT trong vòng 6 tháng (từ tháng 10/2013 đến tháng 3/2014), đã có 31% học sinh đã bị bạo lực thân thể như đánh, đấm, giật tóc…; 65% học sinh đã bị bạo lực tinh thần như mắng chửi, đặt biệt nhắn tin đe dọa, nói xấu trên mạng…; 11% học sinh đã bị quấy rối hoặc xâm hại tình dục như sàm sỡ, vỗ vào mông, kéo áo ngực.

Khi bị bạo lực, các em thường ít hoặc không chia sẻ, tìm kiếm sự trợ giúp từ cha mẹ, thầy cô giáo, mà thường tự mình giải quyết. Ngoài ra, các em sợ rằng, khi chia sẻ với cha mẹ, thầy cô, có thể bị đổ lỗi hoặc làm cho vấn đề trầm trọng hơn.

Cn nhân rng mô hình trường hc an toàn

Học sinh, đặc biệt là các em gái, thường trải nghiệm bạo lực về tinh thần nhiều hơn ở trường học, bao gồm cả việc bị mắng, bị lườm, bị sỉ nhục hoặc bị đe dọa. Bạo lực trên cơ sở giới gây ra các ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, sự phát triển về tâm hồn và gây ra các hậu quả lâu dài cho các em. Sau gần 1 năm thực hiện Dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”, hiệu quả của chương trình đã có những cải thiện đáng kể.

Học sinh được tìm hiểu kiến thức bình đẳng giới và những kỹ năng cơ bản để phòng tránh, được trợ giúp khi đối mặt với nguy cơ bị bạo lực, được bảo vệ an toàn khỏi các hình thức bạo lực ở trường…

Nằm trong nhóm 20 trường tham gia dự án, theo chia sẻ của em Hà Minh Phương, lớp 11D2, thành viên CLB Lãnh đạo trẻ, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, thì trong buổi họp phụ huynh gần đây, các thầy cô chủ nhiệm đã nhấn mạnh vai trò của cha mẹ trong việc đồng hành cùng con để giải quyết vấn đề bạo lực giới tại trường học.

Các thầy cô cũng cung cấp một số kĩ năng cơ bản để cha mẹ có thể thúc đẩy sự tin tưởng, chia sẻ của con. Và điều quan trọng nhất là các bậc phụ huynh hiểu ra rằng, cha mẹ luôn là người đầu tiên hỗ trợ con phòng ngừa và ứng phó với bạo lực. Đặc biệt, trước buổi họp phụ huynh học sinh, các bạn học sinh trong trường đã viết “Điều con muốn nói...” để gửi tới cha mẹ của mình.

Khi những câu chuyện, những lời muốn nói của các bạn được chia sẻ, nhiều bậc phụ huynh đã cảm thấy thật xúc động và không khỏi suy nghĩ về những thông tin được đón nhận đầy bất ngờ. Cha mẹ đã biết và hiểu hơn về bạo lực giới và những hậu quả mà nó mang lại. Cha mẹ cũng hiểu được những mong đợi của con em mình trong cách ứng xử hằng ngày của họ.

Cha mẹ là người đóng vai trò rất quan trọng trong việc cùng con phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới trong trường học. Nhân rộng mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” là điều rất cần thiết lúc này, trong khi học sinh là lứa tuổi mới lớn, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên rất cần thiết có sự phối hợp tích cực giữa nhà trường, gia đình và xã hội để có biện pháp giáo dục kịp thời

Theo Dự án “Xây dựng trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” thì có nhiều cách giúp phụ huynh cùng con giải quyết các vấn đề bạo lực có thể gặp phải. Đó là: trao đổi thường xuyên, khuyến khích các con chia sẻ vấn đề mà các con đang gặp phải; xây dựng niềm tin rằng, cha mẹ luôn là người ủng hộ và sẵn sàng chia sẻ cùng con vượt qua; nói chuyện với con trên tinh thần chia sẻ và giúp đỡ, chứ không phải đổ lỗi và áp đặt; tìm hiểu sự việc một cách rõ ràng và tế nhị khi thấy con có dấu hiệu hoặc nguy cơ bị bạo lực; liên hệ với thầy, cô giáo, nhà trường và bạn bè để biết thông tin và lắng nghe bất cứ khi nào con cần…
Anh Thư
.
.
.