Chiếm đoạt tiền đền bù giải tỏa tại các dự án ở TP HCM:

Cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ địa phương

Thứ Tư, 13/05/2009, 15:12
Lợi dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ cho các phần đất nằm trong dự án, trong thời gian qua có một số đối tượng bị cơ quan CSĐT khởi tố vì đã có những hành vi chiếm đoạt trái phép số tiền lớn của Nhà nước.

Tuy nhiên, tình trạng này xảy ra khá phổ biến tại nhiều dự án, nhưng đối tượng vi phạm bị khởi tố, bắt giam không nhiều nên tính răn đe chưa cao.

Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ các dự án, thu hút đầu tư, tạo môi trường hoạt động lành mạnh và sự tin cậy trong nhân dân thì việc xử lý nghiêm khắc các đối tượng cố tình vi phạm là hết sức cần thiết…

Liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, vừa qua cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã khởi tố một số đối tượng là cán bộ chủ chốt ở phường An Khánh (quận 2) về tội: "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" để cho một số người chiếm đoạt trái phép tiền bồi thường giải phóng mặt bằng tại Dự án đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Đó là Hoàng Đức Thuận - Nguyên Chủ tịch phường An Khánh (quận 2) với công việc giải quyết bồi thường, bố trí tái định cư đối với nhà và đất trong diện di dời và Phạm Văn Một, cán bộ Địa chính, thành viên Tổ công tác bồi thường giải tỏa của phường An Khánh.

Nguyên Chủ tịch phường An Khánh Hoàng Đức Thuận (giữa) bị cơ quan CSĐT Công an TP HCM khởi tố, bắt tạm giam.

Trong quá trình thực hiện công việc của mình, do thiếu trách nhiệm nên Hoàng Đức Thuận và Phạm Văn Một đã tạo điều kiện cho một số đối tượng: Lê Thị Sinh, Huỳnh Công Duệ (ngụ phường An Khánh, quận 2) và Lê Thiện Thuật (ngụ tại ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) chiếm đoạt trái phép hơn 1,3 tỷ đồng của Dự án đô thị mới Thủ Thiêm.

Mới đây, ông Nguyễn Thanh Tâm (ngụ phường 26, quận Bình Thạnh) cũng bức xúc nhiều từ việc mua đất dự án. Sự việc im lặng nhiều năm qua và chỉ bị phát hiện khi phần đất của ông Tâm (mua lại) bị thu hồi một phần để thực hiện Dự án đường nối Bình Lợi - Tân Sơn Nhất - Vành đai Ngoài.

Ông Tâm cho biết, ngày 18/12/2004, ông Tâm mua nhà và đất số 19 QL13, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức của ông Nguyễn Văn Huây và Bà Lưu Thị Bích Thủy có giấy chứng nhận (GCN) Quyền sử dụng đất ở số 25812004 do UBND quận Thủ Đức cấp ngày 21/6/2004 với diện tích trong GCN là 1.358,8m2. Việc mua bán được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật tại Phòng công chứng số 3 và làm thủ tục sang tên trước bạ, hoàn thành nghĩa vụ thuế với số đất ghi theo giấy chứng nhận  là 1.358,8m2.

Mới đây, thành phố thực hiện dự án đường nối Bình Lợi - Tân Sơn Nhất - Vành đai Ngoài, phần đất của ông Tâm mua có một phần nằm trong quy hoạch dự án, được UBND quận Thủ Đức ra quyết định bồi thường với diện tích đất là 530,9m2. Như vậy, diện tích đất còn lại của ông Tâm phải là 827,9m2, nhưng tại tờ bản đồ hiện trạng số đất thì diện tích đất của ông Tâm chỉ còn 673,4m2 (diện tích thất thoát, chênh lệch là 154,5m2).

Bức xúc trước tình trạng trên, ông Tâm đã khiếu nại đến chính quyền địa phương. Và điều hết sức bất ngờ là trong Công văn số 2199/UBND-TNMT ngày 2/4/2009 của UBND quận Thủ Đức trả lời về những thắc mắc của ông Tâm: Đó là năm 2003, thực hiện dự án nâng cấp và mở rộng cầu đường Bình Triệu II (quận Thủ Đức), hộ bà Lưu Thị Bích Thủy đã được bồi thường, hỗ trợ cho phần đất thuộc dự án là 345,4 m2… Nhưng sau khi nhận GCN, ông Huây - bà Thủy đã không cập nhật giảm diện tích đã được đền bù trên GCN mà tiếp tục chuyển nhượng lại cho ông Tâm.

Như vậy, theo cách trả lời trên thì được hiểu, trách nhiệm trên là do chủ đất cũ không cập nhật để giảm diện tích đất đã được nhận bồi thường trước đó tại Dự án cầu Bình Triệu II, chứ không phải là do sự tắc trách của cơ quan chức năng đã vô tình hay cố ý "bỏ quên" phần diện tích đã được nhận bồi thường tại Dự án cầu Bình Triệu II trong GCN của ông Huây, bà Thủy(?).

Tuy nhiên, trong biên bản làm việc ngày 21/4 giữa ông Huây với Phó Giám đốc VP Đăng ký quyền sử dụng đất và nhân viên Phòng Tài nguyên và Môi trường, ông Huây đã khẳng định: Ông được nhận tiền bồi thường dự án cầu Bình Triệu II từ năm 2003. Đến năm 2004 mới được UBND quận Thủ Đức cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng nhà ở và Quyền sử dụng đất ở cho phần diện tích đất còn lại. Do đó, ông Huây cho rằng, phần đất được bồi thường cho Dự án cầu Bình Triệu II đã được trừ ra, không nằm trong giấy chứng nhận được cấp…

Như vậy, vấn đề cần phải giải quyết lúc này là với diện tích 154,5m2 đất mất đi đó thì ai sẽ chịu trách nhiệm bồi hoàn? Theo ông Tâm, các loại giấy tờ nhà đất có đầy đủ xác nhận, chữ ký của cơ quan chức năng nên ông Tâm mới tin tưởng, dám bỏ tiền tỷ ra mua. Nếu không có dự án triển khai thì ông Tâm vẫn tin chắc rằng các hồ sơ, giấy tờ đất đều hợp lý. Như vậy, rõ ràng đây là một vụ lừa đảo…

Vì vậy, để tạo niềm tin cho người dân thì việc xử lý nghiêm khắc các đối tượng cố tình vi phạm là hết sức cần thiết. Nhất là xử lý hình sự thì mới mong giảm được tình trạng gian lận, lừa đảo trong việc di dời, mua bán, nhận bồi thường đất để thực hiện dự án…

Thúy Hà
.
.
.