Cần Thơ: Dân khổ vì dự án

Thứ Năm, 27/10/2005, 09:09

Công trình tỉnh lộ 921 có chiều dài chỉ 25km, nhưng sau nhiều năm xây dựng, đến thời điểm này, các nhà thầu mới thi công cơ bản xong phần đường; còn 12 cầu và 600m đường chưa thi công.

Không riêng gì công trình tỉnh lộ 921, với tư cách là chủ đầu tư, hiện Sở GTCC Cần Thơ đang "đau đầu" bởi còn hàng loạt công trình khác cũng được thành phố xác định là "công trình trọng điểm", phải thi công nhanh, hoàn thành đúng kế hoạch và đảm bảo chất lượng: Đó là các công trình đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc; 3 trục đường vào khu công nghiệp Hưng Phú; đường Quang Trung - Cái Cui; cầu Rạch Ngỗng 2; cầu Ninh Kiều 2, tỉnh lộ 923.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến công trình thi công không đảm bảo tiến độ, nhưng chủ yếu vẫn là thiếu vốn. Mỗi năm, Cần Thơ chỉ dành khoảng 100 tỉ đồng cho xây dựng giao thông, trong khi thực tế có rất nhiều công trình thi công cùng lúc. Như công trình 921 kể trên, giai đoạn 1995 - 2000, mỗi năm chỉ ghi vốn 800 triệu - 1,5 tỉ đồng, từ năm 2000 đến nay là 3 - 4 tỉ đồng/năm. Để hoàn tất công trình, đưa vào sử dụng cuối năm 2006, công trình thế kỷ này đang cần 88,4 tỉ đồng nữa. Còn công trình đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc, có tổng vốn đầu tư khoảng 600 tỉ đồng.

Ngoài lĩnh vực giao thông, có một dự án chỉnh trang đô thị cũng bị kéo dài khiến người dân "kêu khổ" nhiều năm nay. Cách nay hơn 4 năm, UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) ký quyết định phê duyệt dự án dự án bờ kè Xóm Chài. Với tổng mức đầu tư quy mô (ban đầu là 171,5 tỉ đồng, hiện đã điều chỉnh lên khoảng 360 tỉ đồng), dự án này sẽ tôn vinh thêm vẻ đẹp của bến Ninh Kiều - một địa danh nổi tiếng và đáng tự hào của Cần Thơ. Tuy nhiên, cho đến những ngày cuối tháng 10/2005 này, dù đã "trễ hẹn" hoàn thành đúng 2 năm, song gần như dự án vẫn còn nằm trên giấy.

Nếu như phía bến Ninh Kiều vui nhộn và hiện đại bao nhiêu thì bên kia sông Cần Thơ, khu vực ảnh hưởng bởi dự án, mọi sinh hoạt, cảnh trí đối lập lại bấy nhiêu. Gần 3km bờ sông là một dãi nhà "ổ chuột" lụp xụp, chen chúc. Hàng ngàn hộ dân nghèo nơi đây đang sống trong những căn nhà "trên dột, dưới ngập", ô nhiễm môi trường và đối mặt với bao hiểm họa rình rập. Do bị xem là "vùng quy hoạch" nên chẳng ai được phép đầu tư nâng cấp, sửa chữa hoặc xây nhà mới.

Ông Mai Hồng Châu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Cái Răng cho biết: Nguyên nhân là do khi quy hoạch trước đây, vị trí khu tái định cư chưa được cấp có thẩm quyền thống nhất chọn điểm. Đầu năm 2004, khi dự án được giao cho quận thì mọi chuyện gần như bắt đầu lại từ đầu. Quận phải kiểm tra lại toàn bộ số liệu của hơn 1.500 hộ dân bị vướng vào dự án, áp giá đền bù mới, triển khai tái định cư… Hiện, BQL dự án tạm chia dự án này thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu có trên 358 hộ bị vướng, phải di dời.

Quyết tâm của quận là làm xong việc tái định cư cho bà con vào năm 2006, nhưng người dân thì đang bức xúc trước một thực tế giống như là một nghịch lý. Cụ thể, theo Công văn số 3653 ngày 6/9 của UBND thành phố, giá nền thổ cư tại khu tái định cư Hưng Phú bán cho các đối tượng tái định cư là 1.285.000 đồng/m2, trong khi giá bồi hoàn đất thổ cư của người dân trong dự án này chỉ có 350.000 đồng/m2.

Và làm ngược

Đó là công trình đường Trần Ngọc Quế - một con đường giao thông huyết mạch nằm giữa quận trung tâm Ninh Kiều, được đưa vào sử dụng ngày 27/4. Tuy nhiên, hàng trăm hộ dân hai bên đường lại không cảm thấy vui vì chính quyền đã làm con đường mới này theo một quy trình "ngược" - đường làm rồi mới lo chuyện bồi hoàn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, công trình này vướng vào đất, nhà của 127 hộ. Một lãnh đạo của Ban Bồi thường thiệt hại - giải phóng mặt bằng (BTTH - GPMB) quận Ninh Kiều cho biết: Trong quá trình triển khai công trình, tiếp xúc với nhân dân thì có trên 50% hộ dân "vướng" dự án đòi bồi hoàn. Chính vì vậy, Hội đồng BTTH - GPMB cho dự án này mới thành lập(?).

Cho đến thời điểm đầu tháng 10 vừa qua, tức gần 6 tháng công trình hoàn thành, Ban này mới làm xong các công việc khảo sát, đo vẽ hiện trạng nhà đất, vật kiến trúc, hoa màu. Hiện mới trả tiền bồi hoàn đợt 1 cho 22 hộ; đã áp giá bồi hoàn đợt 2 cho 18 hộ, đang chờ lãnh đạo thành phố duyệt và sẽ tiến hành chi trả khi có tiền(?). Với 56 hộ còn lại, Ban BTTH - GPMB đã áp giá vật kiến trúc, đang tiếp tục xác định phần đất của họ bị thiệt để trình lãnh đạo thành phố thẩm định và phê duyệt chủ trương bồi hoàn

Binh Huyền
.
.
.