Các tỉnh Trung Trung Bộ tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Thứ Hai, 05/12/2016, 09:17
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với hoàn lưu xa của bão số 9 suy yếu, từ ngày 30-11 đến ngày 4-12, tại các tỉnh thuộc khu vực Trung Trung Bộ đã xảy ra mưa lớn kéo dài, gây lũ lụt trên diện rộng, gây thiệt hại nặng về người và tài sản.

Theo tin từ Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây nguyên, lượng mưa từ ngày 30-11 đến chiều 3-12, tại một số nơi rất lớn, cụ thể như ở Trà My (Quảng Nam): 438mm, Minh Long (Quảng Ngãi): 446mm, An Hòa (Bình Định): 389mm…

Mưa lớn kéo dài đã làm các hồ thủy lợi đạt dung tích thiết kế, một số hồ thủy điện phải xả lũ khiến nhiều vùng trũng, thấp ở hạ du bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt.

Nước lũ sông Thu Bồn đã dần rút ở phố cổ Hội An, Quảng Nam.Ảnh: Hà Ngọc.

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, các địa phương trong khu vực đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống lũ lụt. Tại tỉnh Bình Định, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã điều động 537 cán bộ, chiến sỹ cùng nhiều trang thiết bị, phương tiện, phối hợp với lực lượng Công an địa phương tổ chức ứng cứu, sơ tán di dời hơn 500 hộ dân tại những vùng bị nước lũ ngập sâu của các huyện Hoài Ân, Hòa Nhơn, An Lão…

Tại tỉnh Quảng Ngãi, do mưa lớn kéo dài nên buộc 3 hồ chứa nước Diên Trường, Liệt Sơn và Núi Ngang phải xả lũ để điều tiết, gây ra tình trạng ngập lũ nặng ở vùng hạ lưu. Đến thời điểm này, nước lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang xuống, Công an các đơn vị, địa phương đang tập trung lực lượng phối hợp cùng chính quyền và cơ quan chức năng giúp dân khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, tình hình diễn biến thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp khi đang xuất hiện tiếp đợt không khí lạnh tăng cường.

Dự báo từ ngày 5-12, sẽ tiếp tục có đợt mưa lớn nên tỉnh Quảng Ngãi sẽ không tránh khỏi một đợt lũ mới. Trước vấn đề này, chính quyền và cơ quan chức năng đã chủ động chỉ đạo tiếp tục quản lý chặt chẽ quy trình xả lũ hồ chứa, các địa phương chủ động ứng phó với các diễn biến phức tạp của mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng tổ chức di dời dân trong điều kiện các hồ thủy lợi, thủy điện tiếp tục xả lũ để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các chủ hồ thủy điện, thủy lợi lớn cần phải theo dõi chặt chẽ và phải chủ động để thông báo với chính quyền địa phương sở tại cũng như báo cáo với UBND tỉnh khi tiến hành xả lũ. Việc xả lũ phải theo đúng quy trình vận hành của hồ mà UBND tỉnh đã phê duyệt”.

Lo lắng nhất hiện nay là toàn tỉnh Quảng Ngãi có 120 hồ đập thủy lợi thì phần lớn đều trong tình trạng xuống cấp nên sẽ không đảm bảo an toàn khi tiếp tục xuất hiện các đợt lũ lớn. Do vậy, các đơn vị quản lý hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung cho công tác đảm bảo an toàn, chủ động xả lũ điều tiết các hồ chứa để ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra…

Thống kê sơ bộ, tại 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, mưa lũ đã làm 10 người chết, 1 người mất tích và 3 người khác bị thương (Bình Định có 6 người chết, 3 người bị thương; Quảng Ngãi 4 người chết, 1 người mất tích). Về tài sản có gần 100 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, hoặc hư hỏng; hàng chục nghìn ngôi nhà khác bị ngập, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt; gần 10 nghìn ha lúa bị ngập úng; khoảng 2.800ha hoa màu bị hư hại; 713 con gia súc, hơn 18 nghìn con gia cầm bị chết, trôi…

Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Ngãi, mưa lớn cũng khiến hàng ngàn mét khối đất đá từ trên núi cao đã sạt lở xuống đường Trường Sơn Đông, đoạn qua địa bàn xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, gây ách tắc giao thông hoàn toàn trên tuyến. Đến thời điểm này, mọi phương tiện đều không thể lưu thông qua khu vực này. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 6 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung chỉ đạo khắc phục thông tuyến các tuyến giao thông...

Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lớn khiến mực nước các hồ thủy điện, thủy lợi dâng cao nên phải tiến hành xả lũ; trong đó, hồ thủy điện Sông Tranh 2 đã xả lũ từ chiều 1-12, với lưu lượng điều tiết trung bình 840m³/s; hồ thủy điện Đắk Mi 4 vận hành xả lũ vào tối 2-12, với lượng điều tiết trung bình 420m³/s; hồ thủy lợi Phú Ninh tiến hành điều tiết, đảm bảo hồ chứa không vượt quá cao trình 3.200m từ 7h ngày 20-11, lưu lượng điều tiết trung bình hơn 213m³/s.

Mưa lớn cộng với việc các hồ thủy điện, thủy lợi xả lũ đã khiến nhiều vùng hạ du bị ngập nặng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Hiện tại mực nước trên các sông ở vùng hạ du tỉnh Quảng Nam hầu hết đã xuống dưới báo động 1, chính quyền và cơ quan chức năng đang tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ. Thống kê trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có 3 người chết do mưa lũ; hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước lũ...

Mưa lớn gây sạt lở nhiều điểm dọc bờ sông Bồ, sông Hương

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với gió đông trên cao nên từ ngày 29-11 đến 7h sáng 4-12, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa từ 221 đến 560mm; trong đó trạm Thượng Nhật (sông Tả Trạch) là 399mm; trạm Khe Tre (Nam Đông) 462mm; trạm Kim Long 396mm; trạm Bạch Mã 566mm. Do mưa lớn nên các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn phải điều tiết xả lũ.

Đến 9h sáng 4-12, hồ Tả Trạch tiếp tục xả lũ về hạ du với lưu lượng 530m³/s; hồ thủy điện Bình Điền xả 524m³/s (lưu lượng đến 541m³/s); thủy điện Hương Điền xả về hạ du 500m³/s (lưu lượng đến 500m³/s). Mưa lớn và thủy điện xả lũ khiến mực nước trên sông Hương và sông Bồ dâng cao, trên báo động 2. Mưa lớn đã làm sạt lở thêm nhiều điểm dọc sông Bồ, sông Hương với tổng chiều dài hơn 4,4km.

Trong đó, sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua thôn La Vân Hạ (xã Quảng Thọ) dài 500m; đoạn qua thông Hà Cảng, Hạ Lang (xã Quảng Phú) 500m; bờ sông Hương đoạn qua phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà) bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 500m, nhiều điểm ăn sâu vào vườn nhà dân, hàng trăm khối đất cùng bờ tre bị nước sông cuốn trôi. (Anh Khoa)

N.Cầu-T.Thành-N.Thi
.
.
.