Bão tăng cấp 10, các tỉnh cấm biển hoàn toàn

Thứ Tư, 10/12/2014, 21:27
Theo báo cáo các địa phương: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, thời điểm này đã thực hiện lệnh cấm biển hoàn toàn. Các tỉnh cũng lên kế hoạch di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm trước 16h ngày 11/12.

21h tối nay, bản tin dự báo về cơn bão số 5 Hagupit của Trung tâm đã phải nâng mức cảnh  báo thành tin bão khẩn cấp. Bão đã mạnh lên gần cấp 10 khi vào biển Đông. 4 tỉnh Nam Trung Bộ tới 19h tối nay đã cấm biển hoàn toàn.

Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu tối nay (10/12), Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường cho hay: 11h sáng nay, 9/12 bão số 5 đã vào biển Đông với cường độ cấp 8, khi vào sâu hơn bão đã mạnh lên cấp 9, di chuyển nhanh hơn từ 15-20km/h theo hướng Tây và dự báo còn mạnh lên khi càng đi sâu.

Tới  19h tối nay, bão có cường độ cấp 9 thậm chí gần cấp 10, gió giật 11,12 gần tâm bão, bán kính vùng ảnh hưởng của bão mở rộng hơn từ 200-400km tính từ tâm bão về 2 phía.

“Theo dự báo của trung tâm khí tượng Nhật Bản thì bão còn duy trì cường độ mạnh mạnh trong 12 tiếng nữa, tới kinh tuyến 112 thì sẽ hết mạnh trước khi lệch về hướng nam, tiệm cận bờ Khánh Hòa – Bình Thuận, với cấp 6, 7 và đi sâu vào đất liền, sau đó tan nhanh” – ông Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cường, khối không khí lạnh xuống sớm và đã bắt đầu ảnh hưởng tới Biển Đông nhưng khu vực nước biển ấm ở phía nam lại dâng lên cao một chút, dịch chuyển lên phía Bắc. Khối không khí lạnh trưa mai sẽ ảnh hưởng tới tới toàn khu vực biển Đông, kết hợp 2 yếu tố này lại nên dự báo bão sẽ tăng cấp, sau đó sẽ yếu dần.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo sau khoảng trưa mai bão sẽ đạt cuối cấp 9 thậm chí đầu cấp 10. Sau đó lệch dần về Nam và suy yếu dần, chiều tối và đêm mai bão cách bờ biển Khánh Hòa – Bình Thuận 50-100km thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với cấp 6, 7 rồi thành vùng áp. Vùng đổ bộ là Ninh Thuận.

Một yếu tố lưu ý nữa, ông Cường cho hay, khi bão tiệm cận bờ thành vùng áp và trôi dọc bờ biển Vũng Tàu – Bình Thuận có thể sẽ có lốc xoáy ở Nam Bộ do dông lốc, gió giật mạnh lên 5,6 giật cấp 7. Trong chiều và tối đêm mai cần lưu ý.

Về lượng mưa, khác với dự báo ngày hôm qua, ông Cường cho biết lượng mưa sẽ tăng, mưa suốt trong ngày 12 tới  hết ngày 13/12 và trên diện rộng từ Thừa Thiên Huế tới Ninh Thuận với khoảng 100-200mm. Trọng tâm mưa cao hơn 200mm sẽ rơi vào các tỉnh: Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa. Mưa vừa từ bão vừa do không khí lạnh gây lên.

Các vùng như Nam Tây Nguyên mưa khoảng 50-70mm, Nam Bộ mưa vừa ở một vài nơi với lượng mưa dưới 50mm.

Về cảnh báo lũ, ông Cường cho hay, từ ngày mai các sông ở Huế - Ninh Thuận có lũ từ báo động 1 tới bão động 2, có nơi cao trên báo động 3 là Huế, Ninh Thuận, Khánh Hòa. Các tỉnh Bình Định tới Khánh Hòa cũng đề phòng nguy cơ sạt lở đất, ngập úng ở vùng trũng, đồng bằng ven biển các tỉnh từ Huế đến Ninh Thuận.

Vùng biển các tỉnh cũng có thể có song cao từ 2-4m vùng gần tâm bão và phía bắc cơn bão có sóng biển cao hơn 5m.

Theo báo cáo các địa phương: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, thời điểm này đã thực hiện lệnh cấm biển hoàn toàn. Các tỉnh cũng lên kế hoạch di dời dân  khỏi khu vực nguy hiểm trước 16h ngày 11/12.

Chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lưu ý, bão suy yếu khi vào gần bờ nhưng gió cấp 6, 7 và giật mạnh hơn vì thế, các tỉnh cần bám sát thông tin, cập nhật thường xuyên về cơn bão, nhất là khi bão gần bờ. Bộ trưởng Phát cũng yêu cầu các địa phương lưu ý khách du lịch để phòng tránh, thông tin cho các đảo công bố lệnh cấm biển, tiếp tục giữ liên lạc với các tàu thuyền, hướng dẫn họ vào nơi trú ẩn, ra khỏi vùng nguy hiểm. Vùng nguy hiểm cũng được xác định từ vĩ tuyến 9 tới vĩ tuyến 16.

Các tỉnh lưu ý những hộ dân có nguy cơ bị đe dọa bởi sóng biển bão vào khoảng  9-10h đêm mai để sơ tán sớm cụ già, em nhỏ.

Các tỉnh có biện pháp đối phó với mưa lớn từ Quảng Ngãi tới Khánh Hòa, nhất là những hồ tích nước trên 80% phải theo dõi sát tình hình, cảnh báo nhân dân sớm trước khi xả nước.

Theo báo cáo, các tỉnh,TP từ Đà Nẵng tới Kiên Giang đã thông báo, kiểm đếm được hơn 41.000 phương tiện với trên 173.000 lao động trên biển. Trong đó, khu vực Hoàng Sa có 9 tàu; đảo Trường Sa có 163 tàu, giữa Biển Đông có 1 tàu; khu vực ven bờ từ Ninh Thuận tới Kiên Giang có hơn 9.000 phương tiện với hơn 60.500 lao động.

Ven bờ và các đảo có hơn 28.100 lồng bè, chòi canh hải sản với hơn 7.800 người và 542 khách du lịch nước ngoài.

Chi Linh
.
.
.