Anh nông dân “du học” lsrael, chế tạo robot gieo hạt tự động

Chủ Nhật, 16/03/2014, 09:39

Đoạt giải nhất trong hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Hải Dương, niềm vui ngập tràn với nụ cười của anh Phạm Văn Hát (xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Mọi người vẫn hay đùa vui gọi anh là “ông vua” chế tạo, bởi cái duyên đã bén. 

Qua hơn 80km, tôi cũng tìm được tới nhà của anh Hát. Xưởng cơ khí nhỏ của anh tấp nập người ra vào sửa chữa. Khuôn mặt anh rạng rỡ lắm, nó dường như không in lại những nỗi buồn về một quá khứ đầy những thất bại. Thế rồi anh hào hứng: “Có thất bại, vấp ngã thì con người ta mới trưởng thành ra. Cái khó mới ló ra cái khôn!”.  Nhấp chén trà nóng, anh bắt đầu kể cho tôi nghe về mối nhân duyên với nghề cơ khí và cái duyên với việc chế tạo máy nông nghiệp. Ít ai có thể ngờ rằng, anh nông dân mới học hết lớp 7 lại có thể chế tạo ra được nhiều loại máy đến thế. Phụ việc tại xưởng cơ khí Bông Sen được xem như là bước đệm để cho anh được bộc lộ năng lực.

Từ một anh phụ việc “lóng ngóng” anh nhanh chóng trở thành thợ chính trong xưởng. Những đề xuất của anh Hát luôn được ông chủ đánh giá cao. Làm thợ cơ khí một thời gian, có kinh nghiệm trong tay, anh về mở một xưởng nhỏ, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương kết hợp với việc đầu tư xây dựng mô hình trồng rau an toàn đạt chuẩn. Đầu tư 4 năm liền vào mô hình trồng rau an toàn, anh thua lỗ gần 2 tỷ đồng. Để gỡ lại vốn sau việc đầu tư không lãi, anh quyết định đi xuất khẩu lao động. Những ngày tháng làm việc tại Israel mở ra cho anh tầm nhìn mới. Làm việc trong trang trại hầu như chỉ sử dụng máy móc kĩ thuật hiện đại, thế nhưng nó lại có nhiều bất cập. Anh Hát đã mạnh dạn gặp chủ trang trại xin được sửa lại mày cho tiện với công việc hơn.

Anh Hát bên chiếc máy đặt hạt giống cà rốt.

6 tháng máy mò nghiên cứu, anh đã sửa và chế tạo thành công máy rải phân phục vụ cho hàng chục hécta rau. “Thú thực là lúc ấy, một người điều khiển máy rải phân, 3 người Việt phải chạy theo để tản. Làm việc mệt quá nên tôi mới nghĩ ra việc cải tiến máy cho thuận lợi mà tiết kiệm được sức lực” – anh hồ hởi nói. Máy rải phân của anh có thể thay thế cho hàng chục lao động. Được ông chủ tạo điều kiện, anh còn chế tạo thêm được máy cắt rau và máy vệ sinh luống rau.

Câu chuyện về những sáng chế ở Israel, những trang trại rau trải dài bất tận lại ngập tràn trong ký ức. Anh chỉ tay về phía đầu làng, những cánh đồng lúa xanh mướt của quê mình mà trăn trở. “Ý nghĩ đầu tiên thôi thúc tôi khi về nước là làm sao có thể giúp đỡ được bà con phát triển trên chính mảnh đất này. Bà con vất vả quá!”. Từ suy nghĩ ấy, anh đã chế tạo thêm được rất nhiều loại máy để cho bà con thử nghiệm như: máy đánh luống, soi rạch để trồng cây vụ đông; máy giỡ khoai tây, cà rốt.

Các sản phẩm này được nhiều người đón nhận đã thúc đẩy các ý tưởng tiếp theo cho anh. Càng làm anh Hát càng cho ra nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao trong sản xuất nông nghiệp độc đáo và tiện dụng. Anh còn chế tạo lại máy cày tay 2 lưỡi thay thế cho máy cày 1 lưỡi, máy cày 4,5 lưỡi thay thế cho cày 3 lưỡi. Đây đều là những sản phẩm đơn giản nhưng lại giúp được bà con áp dụng vào thực tế trong việc sản xuất.

Nói đến đây, anh bảo tôi xuống xưởng cơ khí xem 2 robot đặt hạt giống của anh đã đạt giải Nhất trong hội thi sáng tạo kỹ thuật. “Tôi phải mất gần một trời nghiên cứu mới có thể ra được sản phẩm như này. Tốn công sức lắm, cứ hỏng rồi sửa được thì thôi. Vì mình không được đào tạo bài bản về kỹ thuật mọi thứ chỉ là mày mò vì sẵn niềm đam mê thôi” – anh nói. Lúc đầu chế tạo thì máy chỉ đặt được hạt nhưng còn khoảng cách và tốc độ mỗi hạt rau thì máy lại chưa đáp ứng được. Thế rồi anh Hát lại nghiên cứu, đi khắp chờ Trời, chợ Sắt tìm vật liệu. Ống kim tiêm, phễu của ống bóp silicon cũng được tận dụng trong sáng chế.

Robot gieo hạt tự động của anh chế tạo lần đầu tiên được thực hiện trong nông nghiệp nói chung và trong gieo hạt cây rau màu nói riêng được hội đồng ban giám khảo đánh giá cao. Robot đặt hạt đảm bảo được mỗi chu trình lấy nhả hạt sẽ chỉ nhả vào mỗi phễu hạt duy nhất. Ưu điểm của chiếc robot này là sử dụng bình ắc quy nên không cần tới người vận hành. Van điều khiển tự động đóng mở nên không gây lãng phí hạt giống, mật độ cây đồng đều, không mất công tra tỉa hạt, đảm bảo được tỉ lệ sống và mật động gieo theo yêu cầu sản xuất từng loại cây trồng. Theo anh Hát, nếu như tính chi phí cho việc gieo hạt bằng thủ công phải mất gần 1.000.000 đồng/sào thì chi phí của robot chỉ là 230.000 đồng/sào.

Trong sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ luôn được chú trọng hàng đầu, bởi việc ứng dụng các giải pháp sáng chế luôn đem lại những hiệu quả thiết thực cho người nông dân. Sáng chế thường là công việc thuộc lĩnh vực của các nhà chuyên môn khoa học chế tạo máy thế nhưng sáng chế của anh nông dân Hát ngày càng được khẳng định. Tiếng lành đồn xa, cứ thế những đơn đặt hàng tới anh Hát, những cuộc điện thoại trao đổi về máy móc nông nghiệp cứ thế nhiều lên.

Chia tay anh và gia đình trong buổi chiều mưa tháng 3, anh kể cho tôi về dự định sẽ đăng ký bảo hộ độc quyền các sáng chế của mình. Các sáng chế mới mà anh vẫn đang ấp ủ trong tương lai, tất cả sẽ được tung ra thị trường trong nay mai để bà con có thể áp dụng sản xuất

Thu Thủy
.
.
.