“Bầu” Kiên chỉ đạo sâu sát các hoạt động của Ngân hàng ACB như thế nào?

Thứ Năm, 18/12/2014, 09:00
Kiên cho rằng, việc bị cáo chỉ đạo mua cổ phiếu Ngân hàng ACB với tư cách là người đứng đầu các công ty độc lập, không liên quan gì tới Ngân hàng ACB thì không thể quy kết Kiên phạm tội. Đối đáp với ý kiến bào chữa của các luật sư và bị cáo Kiên, đại diện Viện Kiểm sát xác nhận việc Kiên không giữ chức danh gì trong HĐQT Ngân hàng ACB là đúng. Nhưng không vì thế mà cho rằng, vai trò của Kiên trong Ngân hàng ACB là không có...

Viện Kiểm sát đề nghị bác kháng cáo của bầu Kiên

Ngày 9/12, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao tại Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Trước khi chuyển sang phần tranh luận, Hội đồng xét xử (HĐXX) đề nghị vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao giữ quyền công tố nêu quan điểm về vụ án.

Có một bất ngờ đã xảy ra trước khi đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm: Bị cáo Trịnh Kim Quang, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng ACB bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt  3 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đã xin rút đơn kháng cáo. Lý do vì bị cáo Quang đồng ý với phán quyết của Tòa sơ thẩm cả về tội danh và hình phạt.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại phiên xử ngày 8/12.

Sau khi đưa ra quan điểm về vụ án này cũng như đánh giá vai trò của từng bị cáo, vị đại diện Viện Kiểm sát nhận định: Bản án mà Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Kiên và đồng phạm về cả 4 tội danh là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. “Quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo không có lời khai hoặc tài liệu gì mới để chứng minh không phạm tội. Vì thế, kháng cáo của các bị cáo là không có cơ sở để xem xét. Đề nghị HĐXX tuyên bác kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên tội danh, mức án và các vấn đề dân sự như Tòa sơ thẩm đã quy kết”, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm. 

Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án này đang dần đi đến hồi kết. Căn cứ vào diễn biến trong 7 ngày HĐXX xét hỏi các bị cáo thì những người dự khán đều nhận thấy rõ, hành vi phạm tội của bị cáo Kiên cũng như đồng phạm là rõ ràng và đặc biệt nghiêm trọng. Trong vụ án này có 4 nhóm tội là: Kinh doanh trái phép; Trốn thuế; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Kiên đều được xác định giữ vai chủ mưu.

Ngoài 2 bị cáo Trần Ngọc Thanh, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Nguyễn Thị Hải Yến, nguyên Kế toán trưởng công ty này là đồng phạm của Kiên trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ việc chuyển nhượng trái phép 20 triệu cổ phiếu để chiếm đoạt số tiền 264 tỉ đồng đã phải nhận hình phạt nghiêm khắc của pháp luật, mà không kháng cáo đã chứng tỏ 2 bị cáo này biết tội của mình gây hậu quả rất nghiêm trọng. Nhưng đối với nhóm bị cáo từng giữ các chức danh chủ chốt trong HĐQT Ngân hàng ACB bị Tòa sơ thẩm quy kết phạm tội “Cố ý làm trái…” còn gây hậu quả lớn hơn rất nhiều. Bởi lẽ, trước khi phạm tội thì họ đều là những người có trình độ, được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Thế nhưng phần vì chịu sự ảnh hưởng quá lớn của Nguyễn Đức Kiên, phần do hám lợi, phần vì thiếu bản lĩnh đã đưa họ đến với những kết cục đau lòng khi tự họ đánh mất tương lai và đẩy mình vào vòng lao lý.

Theo đánh giá của HĐXX, Nguyễn Đức Kiên tuy không phải là thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, nhưng với tư cách là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập, Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB nên được tham gia và cho ý kiến vào tất cả các cuộc họp của HĐQT và Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB. Trong việc Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi số tiền gần 720 tỉ đồng trái quy định của pháp luật vào Vietinbank để vừa được nhận lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng “hoa hồng” khuyến mại của ngân hàng đã dẫn đến việc bị Huỳnh Thị Huyền Như lợi dụng chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. Cùng với hành vi ủy thác tiền gửi trái quy định là hành vi đầu tư cổ phiếu trái quy định của Ngân hàng ACB dẫn đến việc Ngân hàng ACB bị thiệt hại số tiền gần 690 tỉ đồng. Trong cả hai hành vi trên, Kiên đều giữ vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định hoạt động của Ngân hàng ACB.

Bầu Kiên can thiệp vào các hoạt động ở Ngân hàng ACB 

Trong phần tranh luận, 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên và ngay cả bị cáo Kiên cho rằng, Kiên không giữ vai trò gì trong HĐQT Ngân hàng ACB, không có bất kỳ bút tích nào thể hiện Kiên đã ban hành chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng và chỉ đạo việc mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB.

Kiên cho rằng, việc bị cáo chỉ đạo mua cổ phiếu Ngân hàng ACB với tư cách là người đứng đầu các công ty độc lập, không liên quan gì tới Ngân hàng ACB thì không thể quy kết Kiên phạm tội. Đối đáp với ý kiến bào chữa của các luật sư và bị cáo Kiên, đại diện Viện Kiểm sát xác nhận việc Kiên không giữ chức danh gì trong HĐQT Ngân hàng ACB là đúng. Nhưng không vì thế mà cho rằng, vai trò của Kiên trong Ngân hàng ACB là không có, mà trái lại, vai trò và ảnh hưởng của Kiên trong ngân hàng này là rất lớn, thậm chí vai trò của Kiên còn mang tính chất “sống còn” với ngân hàng.

Hãy nghe lời khai của những người từng giữ các vị trí chủ chốt trong HĐQT Ngân hàng ACB về Kiên thì thấy rõ: “Bản chất Ngân hàng ACB được quản trị và điều hành theo kiểu gia đình của hai người là Trần Mộng Hùng (Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB- PV) và Nguyễn Đức Kiên. Hai người này có ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh”, lời khai trong bút lục của nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Trần Xuân Giá. “Từ năm 2008 đến khi vụ án xảy ra, những chủ trương lớn đều do ông Nguyễn Đức Kiên khởi xướng. Ông Kiên có những lời nói gây sức ép với mọi người. Mặc dù không tham gia HĐQT, nhưng với tư cách là cổ đông lớn, nếu mọi người không làm thì ông Kiên có thể triệu tập cuộc họp bất thường để xem xét trách nhiệm của các thành viên và có hình thức xử lý. Đây là quyền lực vô hình khiến mọi người phải làm theo ông Kiên”, lời khai của bị cáo Lê Vũ Kỳ, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB. “Khi phát hiện ra việc đầu tư cổ phiếu sai, tôi báo cáo thì Kiên gạt đi và nói: “Đây là lệnh phải làm”, lời khai của bị cáo Phạm Trung Cang, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB.

“Ông Kiên tuy không tham gia HĐQT nhưng là cổ đông lớn, nếu ai làm không đúng thì Kiên dùng phiếu cổ đông lớn cách chức. Ông Kiên có ảnh hưởng lớn nhất với các quyết định của HĐQT và Ban điều hành”, lời khai của bị cáo Trịnh Kim Quang, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB. “…Ông Nguyễn Đức Kiên đồng ý, tôi mới gửi tiền vào Ngân hàng Công thương - Vietinbank”, lời khai của bị cáo Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB. Với những bằng chứng nêu trên có thể thấy rõ, mặc dù không giữ chức danh gì trong HĐQT Ngân hàng ACB, nhưng thực tế thì Kiên có vai trò và quyền lực rất lớn trong việc quyết định mọi hoạt động kinh doanh của ngân hàng này. Cũng chính vì vai trò của Kiên quá lớn trong Ngân hàng ACB nên các thành viên trong HĐQT và Ban điều hành ngân hàng này cũng không dám chống lại Kiên. Cũng chính vì “biết sai mà vẫn làm” nên khi các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện ra hành vi phạm tội của Kiên thì những người “ngồi chung một thuyền” với Kiên không tránh khỏi liên lụy. 

Theo quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát thì trong quá trình Ngân hàng ACB hoạt động, lợi dụng kẽ hở của pháp luật nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng, Kiên và đồng phạm đã thực hiện các thủ đoạn kinh doanh không đúng quy định của pháp luật về cạnh tranh lành mạnh, tạo ra dòng tiền và tài sản ảo, tiền chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác làm tăng trưởng tín dụng ảo, lợi nhuận ảo và tăng giá trị cổ phiếu ảo. Tiền mặt được Ngân hàng ACB huy động từ người dân, sau đó lại được ngân hàng này giao cho nhân viên gửi vào các ngân hàng khác để hưởng chênh lệch lãi suất đã vi phạm Luật Tổ chức tín dụng năm 2010. Sự cạnh tranh không lành mạnh và không dựa trên một quy luật thông thường của Kiên và đồng phạm nhằm phục vụ lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân. Trong hành vi đầu tư cổ phiếu, Kiên và đồng phạm đã tự nâng giá trị cổ phiếu bằng việc đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu của mình.

Mặt khác, lợi dụng là cổ đông lớn nên Kiên đã rút tiền một cách dễ dàng từ Ngân hàng ACB vào các công ty sân sau do Kiên làm Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, từ đó thực hiện các hành vi kinh doanh trái pháp luật, với thủ đoạn dùng các công ty phát hành trái phiếu bán cho ngân hàng. Hành vi của Kiên và đồng phạm đã làm lũng đoạn thị trường tài chính, tiền tệ, ảnh hưởng xấu đến chính sách tài chính, chính sách quản lý thị trường tiền tệ trong nước. Nếu không có sự phát hiện và can thiệp kịp thời của Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật thì hậu quả xấu xảy ra với thị trường tín dụng, ngân hàng còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Sau khi chỉ ra những lỗ hổng trong công tác quản lý lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX kiến nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ ngân hàng, hủy bỏ các văn bản đã hết hiệu lực hoặc không phù hợp với thực tế kinh doanh hiện nay, đồng thời bổ sung các văn bản nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Từ đó sẽ tạo cơ chế quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại để hướng dẫn kịp thời những vướng mắc,  hoặc xử lý kịp thời, nghiêm minh những vi phạm trong hoạt động ngân hàng nhằm ổn định thị trường tài chính, tiền tệ trong nước.

Bản án sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đã được Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX phúc thẩm y án: Nguyễn Đức Kiên 18 năm tù, Lê Vũ Kỳ 5 năm tù, Phạm Trung Cang 3 năm tù, Trịnh Kim Quang 4 năm tù, Lý Xuân Hải 8 năm tù và Huỳnh Quang Tuấn 2 năm tù.
Nguyễn Hưng
.
.
.