Muốn nông dân thoát nghèo cần làm tốt công tác dự báo thị trường

Chủ Nhật, 15/04/2018, 07:20
Trong tuần vừa qua, sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm là cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và nông dân. Sau cuộc đối thoại này, sẽ có rất nhiều cơ hội cho người nông dân với những chính sách mới hoặc có những thay đổi phù hợp với yêu cầu phát triển của nông nghiệp hiện nay...


PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn, xung quanh những vấn đề đang nóng hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phóng viên: Thưa ông, trong cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân tại Hải Dương vừa qua, điều mà Thủ tướng trăn trở nhất: Tại sao nông dân chưa giàu lên? Tại sao có đến 70% người dân sống ở nông thôn, chiếm trên 43% lao động nhưng chỉ đóng góp cho GDP 18%? nguyên nhân là do năng suất lao động thấp?.. Theo ông nguyên nhân nào? Do năng suất lao động thấp hay còn do những yếu tố khác nữa?

TS Đặng Kim Sơn: Theo tôi, ở đây có 2 vấn đề cần trao đổi. Thứ nhất, bao giờ năng suất lao động trong nông nghiệp cũng thấp hơn năng suất lao động ngành công nghiệp và dịch vụ. Đấy là quy luật chung của nền kinh tế. Nhưng đồng thời, năng suất lao động của nông dân theo lý thuyết kinh tế lại quy định cho năng suất lao động chung của toàn xã hội. Vì sao lại như thế?

Vì họ chiếm đông đảo lực lượng lao động xã hội. Muốn tăng giá trị lao động chung của toàn xã hội thì phải tăng giá trị sản xuất lao động nông nghiệp. Lao động nông nghiệp của ta đông nhưng đất đai lại hẹp nên dù làm bao nhiêu, năng suất lao động cao nhất thì lúc chia ra vẫn ít.

Vì thế, nếu không tích tụ đất đai, không chú trọng cơ giới hóa - điện khí hóa nông thôn thì năng suất lao động không thể cao được. Xuất phát điểm của Việt Nam thấp, quy mô đất đai vào loại nhỏ nhất trên thế giới.

Nhưng cơ chế chính sách của chúng ta trong suốt thời gian qua không xử lý được vấn đề này. Cho nên quy mô nhỏ không áp dụng được cơ giới không áp dụng được khoa học công nghệ, không tiến hành điện khí hóa được thì đương nhiên năng suất lao động sẽ thấp.

TS Đặng Kim Sơn.

Một điều nữa, chúng ta phải thấy rằng, một bộ phận khá lớn người lao động không ở nông thôn, họ đã ra các đô thị làm ăn kiếm sống nhưng hộ khẩu của người ta vẫn ở đó, đất đai của người ta vẫn ở đấy. 

Do đi làm phi chính thức ở TP nên họ không có bảo hiểm, không có đăng ký thường trú, không đóng thuế nên muôn đời họ không được coi là người đô thị. Mặc dù cả cuộc đời của họ có khi gắn bó trên các công trường xây dựng,  ở đường phố làm xe ôm, trong các gia đình làm người giúp việc, hay bán hàng rong... Họ sống ở TP nhưng họ vẫn giữ đất ruộng ở quê, đất ruộng có khi bỏ không. Vì thế năng suất lao động nông nghiệp không thể cao

Vấn đề thứ 2, tại sao thu nhập của nông dân thấp? Có hai lý do: Thứ nhất là chúng ta mắc quá nhiều vào câu chuyện lúa gạo. Suốt một thời gian dài chủ trương của chúng ta là giữ đất lúa, bảo đảm an ninh lương thực. Sau khi không còn phải lo an ninh lương thực thì chúng ta lại lo chuyện xuất khẩu lúa gạo, giữ người dân ở trong đó không cho người dân đa dạng sản xuất. Vấn đề này ảnh hưởng rất nhiều.

Rõ ràng có những nơi trồng rau, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản sẽ cho giá trị cao hơn nhưng người dân lại chỉ trồng lúa. Thứ hai, các cụ ngày xưa đã nói “phi thương bất phú”. Nếu chỉ làm nông không thì không thể giàu được.

Vì nhiều lý do mà các nhà máy chỉ tập trung ở đô thị. Do ở nông thôn cơ sở hạ tầng quá thấp kém, quỹ đất rất chật hẹp, doanh nghiệp khó triển khai về nông thôn sản xuất. Doanh nghiệp không về nông thôn thì không phi nông nghiệp được. Không có nhà máy, không có công xưởng, không lan tỏa, không bao trùm.

Ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, họ đưa kinh tế về nông thôn, người nông dân vẫn ở trong nhà của chính mình, làm một mẫu ruộng nhỏ. Phần lớn lao động làm trong các nhà máy, xí nghiệp ngay tại gần nhà. Nếu các trường đại học,  bệnh viện, viện nghiên cứu… về nông thôn thì ngay cả người đô thị cũng muốn về nông thôn sống. Tôi nhận thấy, ở các nước phát triển hơn chúng ta, cái gì làm cho đô thị thì họ làm cho nông thôn.

Phóng viên: Ông từng nói rằng, nông dân cần nhất là thị trường, cần hỗ trợ bán hàng. Vậy theo ông, hai khâu này của chúng ta đang có những tồn tại nào cần khắc phục?

TS Đặng Kim Sơn: Yếu nhất của chúng ta hiện nay là khâu thông tin dự báo. Người nông dân lấy đâu ra thông tin. Họ cứ thấy hàng xóm trồng cây gì tốt, nuôi con gì bán được giá cao là họ sẽ bắt chước. Một nhà bán được giá, cả làng trồng theo, cho nên thừa cung là phải. Một nhà làm thì bán được, một trăm nhà làm thì bán đi đâu? Thời còn bao cấp đầu ra đã có nhà nước bao tiêu. Nhưng hiện nay là nền kinh tế thị trường, cạnh tranh gay gắt.

Chúng ta hãy quan sát hệ thống dự báo thời tiết, khắp nơi có trạm quan trắc, nên thông tin đến với chúng ta rất kịp thời. Nông nghiệp hãy làm tốt được thông tin bao trùm như thế. Hiện nay, tôi nói thẳng chẳng có cơ quan nào làm cả. Trước khi cơn bão rớt giá thịt lợn đến, chúng tôi đã biết trước một năm nhưng không biết nói thế nào cả, nói cũng chẳng ai nghe.

Hay như cà phê chúng ta đang thừa, hạt tiêu thì thừa quá rồi. Rồi sẽ chuẩn bị đến cây ăn quả có múi như cam, bưởi cũng sẽ thừa. Chẳng có ai để ý, chẳng có ai cảnh báo. Nếu chúng ta sử dụng hệ thống báo chí tuyên truyền rộng rãi như thời tiết thì sẽ không xảy ra.

Chúng ta phải quản lý bằng hệ thống thông báo thông tin chính thống, một hệ thống giám sát thông tin và một hệ thống công bố thông tin. Ví dụ, với các vùng lúa, chúng ta đặt vài trạm và cứ thông báo tới người dân rằng năm nay diện tích đã vượt kế hoạch bao nhiêu, đề nghị bà con đừng trồng tăng diện tích nữa, sẽ có hậu quả thế nào… Hoặc có cơ chế thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng với tần suất liên tục, thường xuyên…

Chẳng có gì khó cả, chỉ có anh có làm hay không mà thôi. Nếu có thông tin thì tất cả sẽ có phản ứng. Đầu tiên là anh nông dân sẽ giật mình, lo thừa thì sẽ giảm tăng đàn, hoặc trồng ít đi, anh thương lái sẽ không dám trữ hàng, mua nhanh bán nhanh, không găm chờ giá lên. Ngân hàng cũng sẽ hạn chế cho vay đầu tư vào phát triển các mô hình có khả năng dư thừa…

Các nước phát triển đều có các bộ phận chuyên dự báo. Ở Mỹ có cơ quan nghiên cứu phân tích kinh tế nông nghiệp, ở Úc gọi là cơ quan phân tích kinh tế nông nghiệp. Và hàng năm đều tổ chức hội nghị công bố thông tin dự báo, mời tất cả các thành phần liên quan từ người đầu tư, người sản xuất, người kinh doanh, bảo hiểm, ngân hàng… đến tham gia để biết được thông tin, năm nay nhu cầu trong nước và thế giới sẽ thừa gì, thiếu gì. Chúng ta thì hầu như không có, toàn mới trồng tự phát.

Phóng viên: Chúng ta luôn nói rằng, trồng trọt và chăn nuôi phải có quy hoạch. Tuy nhiên dù đã có quy hoạch nhưng chuyện phá vỡ quy hoạch vẫn diễn ra thường xuyên. Lỗi ở đây là do người nông dân hay do cơ quan quản lý làm chưa tốt? Và tại sao chúng ta nói mãi, tuyên truyền mãi nhưng thực tế này vẫn cứ diễn ra?

TS Đặng Kim Sơn: Quy hoạch là cái gì? Chính là khoanh vùng, chú trọng phát triển một sản phẩm chủ lực trong phạm vi đó. Đây chính là ảnh hưởng của cơ chế kế hoạch ngày xưa. Ngày xưa vốn của Nhà nước, thị trường theo kế hoạch Nhà nước bao tiêu nên người sản xuất biết sẽ sản xuất số lượng thế nào.

Đối tượng sản xuất ở đây có doanh nghiệp Nhà nước, nông trường quốc doanh, hợp tác xã… và Nhà nước điều khiển được. Trong bối cảnh ấy thì quy hoạch được. Nhưng bây giờ là cơ chế thị trường. Người nông dân tù mù không biết các đối tác sẽ mua thế nào.

Đặt lại câu hỏi, tại sao tất cả các quy hoạch đều bị phá vỡ? Cơ quan lập ra quy hoạch phải xem lại mình đi. Quy hoạch đưa ra có khoa học không, có phù hợp không, có khớp với nhu cầu hay không? Trong nông nghiệp, nông dân làm sai quy hoạch, không ai phạt và không phạt được.

Ngược lại, làm tốt theo quy hoạch cũng chẳng ai thưởng. Một quy hoạch mà thiếu cơ sở khoa học, thông tin mù mờ, thực hiện thì không cưỡng chế. Sở dĩ thừa cung, sở dĩ hàng hoá không bán được là vì bị phá vỡ quy hoạch.

Phóng viên: Thưa ông, một trong những cách thoát nghèo, làm giàu của nông dân hiện nay là phải nâng cao được sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, ngay cả những đại gia còn e ngại khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thì người nông dân liệu có đủ sức khi tham gia vào sân chơi này?

TS Đặng Kim Sơn: Sản xuất thừa không tiêu thụ được cũng một phần do công tác hậu cần của ta kém. Ví dụ, vải và nhãn ở miền Bắc dư thừa nhưng miền Nam vẫn thiếu. Chỉ cần vận chuyển tốt là được, nhưng chúng ta lại yếu khâu vận chuyển. Chế biến của mình cũng yếu kém. Tại sao không cho vào bảo quản kho lạnh, không chế biến thành rượu hoa quả, hay sấy khô.

Tôi muốn nói rằng, chúng ta đừng nhắm vào các thị trường dễ tính nữa. Vì một thị trường dễ tính, hàng hoá sẽ tạp nham. Và khi họ dừng không mua thì chúng ta không thể bán cho các thị trường có yêu cầu cao hơn và phải đổ bỏ. Bài học này chúng ta đã có nhiều rồi.

Tôi cũng khuyên người nông dân một cách duy ý chí, nên nâng cao năng lực, và mở rộng quy mô sản xuất và quan trọng nhất là phải liên kết được với nhau. Anh đông người, anh sẽ mạnh hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, điều đó là cực kỳ khó.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.

Ngọc Yến (thực hiện)
.
.
.