Mối liên hệ máu thịt giữa Đảng và Dân

Thứ Hai, 08/02/2016, 05:01
Sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân là cội nguồn mọi sức mạnh , xa rời nó chúng ta sẽ cô độc và đi đến thất bại. Những ghi chép dưới đây chỉ là một phần rất nhỏ mà người dân được chứng kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm để thực hiện câu nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Phải nghe được tiếng dân kêu, nói được tiếng nói của dân

Thực sự cảm giác của người viết bài mỗi khi chứng kiến các cuộc tiếp xúc cử tri của đơn vị số 1, đoàn Đại biểu QH TP. Hồ Chí Minh là rất hồi hộp, thậm chí căng thẳng.

Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hình ảnh bà giáo già, người nhỏ bé, tóc bạc hằn sâu vào trí nhớ khi bà nói: Các ông phải nhớ rằng Nguyễn Trãi đã dạy “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” hoặc: Chúng tôi mời các vị về đây thử sống với chúng tôi, trước đây chúng tôi bao bọc được các vị, bây giờ chúng tôi cũng nuôi được các vị, về để xem người dân khổ thế nào...”.

Có cả trăm, cả nghìn nỗi bức xúc của dân trong suốt khóa Quốc hội vừa qua mà các vị đại biểu được (phải) nghe. Báo chí cũng không thể đưa hết được vì trang báo có hạn nhưng chắc chắn cũng một phần vì phải chọn lọc. Nhiều lúc nghĩ theo cách dân dã, làm đại biểu làm gì để phải nghe dân mắng, mà mắng chát chúa, xối xả chứ không phải dạng vừa. Nhìn hai vị đại biểu Quốc hội ngồi trên hội trường lại nghĩ đến câu Kiều:

Rằng hay thì thật là hay

Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào (Nguyễn Du)

Nhưng vẫn phải ngồi nghe, việc của các vị đại biểu là thế. Không những nghe mà còn phải giải thích, phải trả lời, mà trả lời phải thẳng thắn chứ không  được “vòng vo tam quốc”. Có những việc phải hứa và phải làm kỳ được, bằng không lần sau lại còn rát mặt hơn...

Mới gần Tết đây thôi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các vị đại biểu Quốc hội của Tổ đơn vị 1 đã có buổi làm việc với UBND thành phố để giám sát, đôn đốc 4 vụ việc theo khiếu nại của cử tri, có những vụ việc kéo dài đến 2 nhiệm kì Quốc hội. Kết thúc buổi làm việc, lãnh đạo thành phố đã có hướng giải quyết dứt điểm, có thời hạn cụ thể. Có những vụ việc Chủ tịch nước cho ý kiến phải làm ngay trước Tết cổ truyền nếu liên quan đến tiền đền bù cho người dân, còn có những việc liên quan đến giải tỏa, ông lại yêu cầu để sau Tết...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với Tổng Biên tập Báo CAND và các nhà báo nhân dịp Xuân mới Bính Thân. Ảnh: Đ.Trường.

Những cuộc tiếp xúc cử tri được người dân hoan nghênh, có lẽ thế nên đại biểu Trương Tấn Sang và Trần Du Lịch đã giật mình khi ông Thư ký Hoàng Đình Long trình báo cáo tổng kết công việc của Tổ Đại biểu Quốc hội thành phố thấy có 2.400 đơn từ, ý kiến của cử tri từ những tỉnh, thành khác ngoài thành phố Hồ Chí Minh gửi về.

Trả lời báo chí vào cuối năm về những trăn trở trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, ông nói: Trăn trở thì có nhiều nhưng có một điều tôi muốn nói, đó là người dân cầm lá phiếu bầu cho mình tức là họ gói ghém cả hy vọng vào đấy, làm sao mình phải nghe được tiếng dân kêu, nói được tiếng nói của dân.

Việc nhỏ nhưng có lợi cho dân...

Trao đổi với Báo CAND nhân dịp Xuân mới Bính Thân, nhấn mạnh bối cảnh tình hình thế giới và khu vực trong giai đoạn hiện nay, Chủ tịch nước cho rằng, các thách thức an ninh phi truyền thống là rất đáng lo ngại. Toàn cầu hóa, tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia tăng lên, thế giới dường như trở nên nhỏ bé hơn nhưng lại khó kiểm soát hơn, kém an toàn hơn bởi các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có mức độ nguy hiểm cao.

Chính vì vậy, để giải quyết và đối phó với những vấn đề này đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, sự cố gắng của mỗi quốc gia với những giải pháp và bước đi phù hợp, kết hợp tổng lực các biện pháp kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, an ninh mạng là thách thức mà toàn thế giới đang tập trung đối phó với nhiều vấn đề ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta phải sớm tiến kịp, tương xứng với trình độ tiên tiến bằng cách nâng cao kiến thức, kỹ năng đội ngũ cán bộ về an ninh mạng, đầu tư trang bị thiết bị phương tiện hiện đại, dùng công nghệ đối trọng công nghệ, học tập kinh nghiệm quốc tế, những quốc gia tiên tiến.

Làm nhiệm vụ Chủ tịch nước thì có nhiều việc, chắc hẳn như vậy. Từ việc đại sự như giữa Đại hội đồng LHQ phát biểu nói lên thành công của công cuộc đổi mới và vận động thế giới ủng hộ Việt Nam phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền, gặp Tổng thống nọ, Thủ tướng kia,  rồi thì họp Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Cải cách tư pháp.v.v. nhưng Chủ tịch vẫn dành thời gian cho các tầng lớp xã hội, từ các chuyên gia kinh tế, các nhà sử học đến anh nông dân, người bạn tù năm xưa, các cựu chiến binh, giới văn nghệ sĩ... Chị Tâm, cán bộ lễ tân Phủ Chủ tịch cứ đầu tuần lại lắc đầu, không biết tuần tới lịch của bác thế nào... mà tuần nào cũng vậy. Hiếm khi thấy ai nhắc việc ông, chỉ thấy ông rút điện thoại ra nhắc người khác: “Này ông ơi, việc của dân, người ta chờ đợi lắm, phải làm ngay đi, việc cá nhân thì hãy đủng đỉnh...”.

Ít ai biết được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là người đích thân thuyết phục người Nhật đem công nghệ đánh bắt cá ngừ đại dương sang Việt Nam, rồi mô hình Làng thần kỳ ở Đà Lạt trồng rau sạch theo công nghệ hiện đại, hay hệ thống Hải quan điện tử cũng ông đem về... Trong công việc thì ông luôn là người theo đuổi đến cùng (dù lớn hay nhỏ tùy theo suy nghĩ của từng người) cho nên mới thấy hình ảnh Chủ tịch nước ở cánh đồng rau, hôm sau lại thấy ở cảng cá, ở nơi hải đảo hay vùng biên viễn...

Nhưng có lẽ độc đáo nhất là việc Chủ tịch nước khởi xướng phong trào trao tặng bò giống cho đồng bào nghèo ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Khỏi phải nói lại về ý nghĩa cũng như tính thực tiễn của chương trình này, chỉ xin được trích dẫn ý kiến của ông Tadateru Konoé, Chủ tịch Hiệp hội Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm Quốc tế: “Việt Nam đã đóng góp một sáng kiến độc nhất vô nhị vào kho tàng  kinh nghiệm về xóa đói, giảm nghèo của thế giới”.

Hình ảnh một vị nguyên thủ quốc gia đôn đáo chỉ đạo các cơ quan truyền thông, Quân đội, Hội Chữ thập đỏ... làm sao lo cho đủ số lượng bò giống, rồi tự tay dắt bò trao cho một người dân tộc nghèo thấy vui,  nhưng cũng hình ảnh của người dân tộc run run cảm ơn Chủ tịch nước bằng thổ ngữ rồi tay xoa đầu, tay dắt bò, bước thấp bước cao đi về bản làng lại thấy căm giận trào lên khi nghĩ đến hàng tỷ đôla bị lãng phí hay rơi vào túi kẻ tham nhũng.

Cho nên cũng hiểu tại sao ông Chủ tịch nước lại kiên quyết với tham nhũng, lãng phí đến như vậy.

Tôi gửi lời cảm ơn, tri ân đến đại biểu Quốc hội Trương Tấn Sang...

Tôi rất xúc động trước những tấm gương điển hình tiên tiến đã không quản hy sinh, mất mát, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt lên hoàn cảnh. Những câu chuyện về nghị lực sống, chiến đấu của họ có sức lan tỏa rất lớn. Đó là những tấm gương dũng cảm cống hiến, hy sinh vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tôn vinh truyền thống cao quý của CAND. Cho nên, chúng ta phải quan tâm, chăm sóc thân nhân gia đình họ, bù đắp phần nào tổn thất, mất mát”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Nếu theo dõi trên báo chí về diễn biến các kỳ họp Quốc hội tại Hội trường Ba Đình thì có thể thấy, Đoàn đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia rất tích cực, đóng góp và phản biện nhiều vấn đề, kể cả những vấn đề gai góc nhất.

Vẫn bà giáo tóc bạc trong cuộc tiếp xúc cử tri cuối năm nay của khóa Quốc hội 13, sau khi nghe báo cáo kiểm điểm tư cách đại biểu Quốc hội của Chủ tịch nước,  đã phát biểu rằng, bà theo dõi và tham gia các cuộc tiếp xúc suốt 4 nhiệm kỳ Quốc hội, lần này bà cảm thấy hài lòng, “dù còn nhiều việc giải quyết chưa xong nhưng các vị đại biểu Quốc hội trong tổ đơn vị 1 đã làm việc đến 200% công suất. Các vị ấy không phải ba đầu sáu tay, cũng không phải thần thánh nên cũng cần thông cảm” – bà nói.

Một nhân vật khác không thể không nhắc đến trong các cuộc tiếp xúc cử tri, đó là anh Nguyễn Minh Ngọc, đại diện cho một số hộ dân nằm trong Dự án cải tạo chung cư Cô Giang, quận 1. Lần nào tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội, những vướng mắc, yêu cầu về khoản tiền đền bù cũng được cử tri này đưa ra. Dự án triển khai đã gần 10 năm những vẫn chưa có mặt bằng sạch. Có lẽ do sự kiên trì của cử tri Nguyễn Minh Ngọc (và của cả các vị đại biểu Quốc hội nữa) nên tiếng nói giữa chủ đầu tư, thành phố và người dân đã gần nhau hơn. Trong buổi tiếp xúc cuối năm nay, anh Ngọc nói rằng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đại biểu Trần Du Lịch đã giúp cư dân ở đây từ chỗ bị coi là một điểm nóng về khiếu kiện đông người đến nay vụ việc đã được giải quyết từng phần, trong đó có phần sai của chủ đầu tư, của thành phố. “Tôi xin được gửi lời cảm ơn và tri ân của người dân đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đại biểu Trần Du Lịch”.

Có thể một vụ việc cụ thể là quá nhỏ nhoi trong trăm công nghìn việc của Chủ tịch nước, của đại biểu Quốc hội, nhưng với một cá nhân thì lại là việc rất lớn, có khi đó là cả cuộc sống phía trước của gia đình...

Mối liên hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân là cội nguồn của mọi sức mạnh. Mong muốn của nhân dân là tìm ra được người đại diện cho mình thực hiện được điều đó, không phải chỉ bằng văn bản, bằng câu nói suông... Những cuộc tiếp xúc cử tri, những chuyến công tác đến với dân hẳn đã giúp đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và những đại biểu khác có thêm cơ sở để đóng góp với Đảng, với Quốc hội trong việc hình thành những quyết sách quốc gia, những chủ trương mà tất cả những lợi ích chứa đựng trong đó là nhằm để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.


Hy sinh tình cảm gia đình vì việc chung

"Xuân Bính Thân đang đến gần, cả dân tộc ta đang chào đón một mùa xuân mới. Trong những ngày vui hạnh phúc sum họp gia đình, nhiều đồng chí trong lực lượng CAND nói chung và lực lượng Cảnh sát cơ động nói riêng vẫn phải thường trực làm nhiệm vụ bảo vệ cho cuộc sống bình yên của nhân dân. Tôi được biết, hiện nay Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã triển khai lực lượng tăng cường cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, các đồng chí phải hy sinh tình cảm gia đình, hạnh phúc của cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận sự hy sinh, đóng góp của các đồng chí.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, động viên CBCS Bộ Tư lệnh CSCĐ. Ảnh: Quỳnh Vinh.

Nhân dịp năm mới và chuẩn bị đón Xuân Bính Thân, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi gửi lời thăm hỏi và chúc mừng năm mới tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát cơ động nói riêng. Chúc các đồng chí luôn luôn dồi dào sức khoẻ, tiếp tục lập nhiều thành tích và chiến công mới, trước mắt là bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp Tết Nguyên đán và bảo vệ an toàn Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 71 mà Đảng ủy Công an Trung ương đã đề ra, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, mãi xứng đáng với lòng yêu mến, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Qua các đồng chí, tôi gửi lời chúc sức khỏe đến gia đình và người thân của các đồng chí đón một mùa xuân mới vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn”.

Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi thăm, kiểm tra công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, ngày 2-1-2016


Tô thắm truyền thống vẻ vang của CAND anh hùng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VI.

"Những năm qua, phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc”  trong CAND luôn được Đảng uỷ Công an TW, Bộ Công an và cấp uỷ, lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp quan tâm, chỉ đạo sát sao, triển khai mạnh mẽ, toàn diện, đạt được những kết quả to lớn, có sức lan toả cả về bề rộng lẫn chiều sâu, với hàng trăm mô hình, điển hình tiên tiến, hàng chục nghìn lượt gương người tốt, việc tốt, lập được nhiều chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, chiến đấu, lao động, học tập và rèn luyện, tô thắm truyền thống vẻ vang của CAND anh hùng, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và đồng bào ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương”.

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội Thi đua “Vì An ninh Tổ quốc”, ngày 5-8-2015


Vững vàng bước vào chặng đường phát triển tiếp theo

"Năm 2015, với sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cộng đồng doanh nghiệp, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực… Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế thu được những kết quả nổi bật, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gặp gỡ đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ.

Mặc dù vậy, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế… Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, thống nhất tư tưởng và hành động, có các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển tiếp theo".

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khóa XIII của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng


MỘT SỐ CHỈ TIÊU ĐẾN NĂM 2020

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% GDP. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 35 - 40%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 - 26%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; có 10 bác sĩ và trên 26 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,3 - 1,5%/năm.

Nguồn: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng

Ngọc Trang – Đăng Minh
.
.
.