Giảm lương hưu của lao động nữ là bất hợp lý

Thứ Hai, 30/10/2017, 10:41
Từ ngày 1-1-2018, Luật BHXH 2014 chính thức có hiệu lực, bên cạnh những quy định có lợi hơn cho người lao động thì Luật lại có những điều khoản được cho là bất lợi cho lao động nữ, trong đó đáng chú ý là các quy định làm lương hưu của lao động nữ bị giảm đột ngột. Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam).

PV: Thưa ông, việc áp dụng Luật BHXH 2014 từ thời điểm 1-1-2018 đang được dư luận hết sức quan tâm vì nó ảnh hưởng rất lớn đến lao động nữ khi họ nghỉ hưu từ thời điểm này sẽ bị giảm 10% lương hưu. Những thay đổi này đã tác động thế nào đến người lao động?

Ông Lê Đình Quảng: Qua nắm bắt tâm tư của người lao động của hệ thống công đoàn thì việc thay đổi chính sách một cách đột ngột như thế này đang gây ra những băn khoăn, hoang mang cho người lao động, đặc biệt là đối tượng lao động nữ đã đến tuổi nghỉ hưu mà thời gian họ tham gia bảo hiểm dưới 20 năm. Tác động rất lớn đến tâm lý của họ. Tâm lý này là điều dễ hiểu bởi với những người chuẩn bị nghỉ hưu thì mất 10% lương hưu là điều đáng phải suy nghĩ.

Tuy nhiên, bàn về vấn đề này, chúng ta phải làm rõ một số trường hợp. Với những người đã có 25 năm đóng BHXH thì họ mất 10%, nhưng những người có trên 25 năm đóng BHXH bị ảnh hưởng ít hơn, chứ không phải tất cả đều bị mất 10%. Với những người đã có 30 năm đóng BHXH trở lên thì họ không bị tác động nhiều mặc dù cũng có bị ảnh hưởng.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam).

PV: Với hàng triệu lao động nữ hiện nay thì việc áp dụng chính sách đột ngột thế này, theo ông có phù hợp?

Ông Lê Đình Quảng: Quy định như vậy rõ ràng là bất hợp lý. Thứ nhất, việc sửa Luật BHXH năm 2014 để đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng phân định. Có nhiều điều chưa hợp lý nhưng vì để đảm bảo nguyên tắc đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam, người lao động phải chấp nhận, nhưng khi thực hiện vẫn phải có sự thay đổi cho phù hợp.

Phải có lộ trình, chứ tạo ra một sự đột biến như thế này gây “sốc” với người lao động khi triển khai thực hiện chính sách. Như thế này lao động nữ thiệt thòi rất lớn và không công bằng về sự thay đổi chính sách so với lao động nam.

Đây là một lực lượng lao động rất lớn, trong khi đó thực tế cuộc sống họ cũng đã phải gặp những khó khăn nhất định rồi. Giờ với quy định này mình lại tạo thêm khó khăn cho họ. Như vậy là bất hợp lý và không phù hợp với thực tiễn.

PV: Dư luận đang cho rằng, việc thực hiện chính sách BHXH cần phải có sự bình đẳng, lao động nữ khi giảm cũng cần phải có lộ trình như nam. Ý kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam về vấn đề này thế nào?

Ông Lê Đình Quảng: Theo phía Tổng LĐLĐ chúng tôi thì cũng cần phải có lộ trình để thực hiện việc giảm lương của lao động nữ này để tránh sốc tâm lý và cần có thời gian để đảm bảo được quyền lợi cho họ. Theo đó, đối với lao động nữ, cần xem xét để không bị giảm đột ngột mức lương hưu.

Nếu vẫn quy định 30 năm đối với nữ phải đóng BHXH thì cần thiết kế theo lộ trình như nam, nếu có giảm thì mỗi năm chỉ giảm 2% là phù hợp, tránh giảm một lúc đến 10%. Điều này là không bình đẳng, dẫn đến việc lao động nữ sẽ thấy bị thiệt thòi và không công bằng so với lao động nam.

PV: Luật ra rồi thì phải thực hiện nhưng có một số điều chưa phù hợp thực tiễn thì có thể sửa đổi bằng cách Quốc hội ra nghị quyết, ví dụ như điều 60 của Luật BHXH cũng đã từng phải làm như thế. Ông nghĩ thế nào về việc này?

Ông Lê Đình Quảng: Tôi cho rằng, Quốc hội ngay tại kỳ họp này nên có Nghị quyết tạm dừng Khoản 2 Điều 56 Luật BHXH. Sau đó giao cho Chính phủ sửa lại Khoản 2 Điều 56 theo hướng có lộ trình. Về mặt lâu dài, chúng ta phải sửa tổng thể những bất cập của Luật BHXH, kể cả những vấn đề như lộ trình nâng dần mức đóng hưởng tối đa 75% thì cũng phải đồng bộ với các yếu tố khác như xem xét tuổi nghỉ hưu của nam, nữ sao cho phù hợp, cùng các bất cập khác nữa. Khi ấy, việc thực hiện chính sách mới có thể đồng bộ được.

PV: Là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động, sắp tới Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ có kiến nghị gì để tháo gỡ vấn đề này, thưa ông?

Ông Lê Đình Quảng: Quan điểm của Thường trực Đoàn Chủ tịch sau khi nghe các cấp công đoàn báo cáo thì cũng đã chỉ đạo bộ phận tham mưu nghiên cứu các phương án để đảm bảo quyền lợi của người lao động, nhưng cũng phải phù hợp với việc đảm bảo ổn định tình hình, cũng như thực hiện các quy định của pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội.

Việc kiến nghị này giao cho các bộ phận tham mưu có các đề xuất hợp lý nhưng cũng phải cân nhắc để tránh sự xáo trộn. Nhưng tinh thần cao nhất của Tổng LĐLĐ Việt Nam là muốn đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tạo sự bình đẳng. Hiện Đoàn Chủ tịch đang giao cho các bộ phận tham mưu nghiên cứu đề xuất để triển khai.

PV: Ông có cho rằng với chính sách BHXH như hiện nay, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH sẽ gặp khó khăn?

Ông Lê Đình Quảng: Thực hiện chính sách BHXH ưu việt, hấp dẫn là một trong những động lực rất lớn để mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Hiện nay, đối tượng tham gia BHXH của chúng ta còn đang rất hạn hẹp, mới chỉ chiếm khoảng 24,09% lực lượng lao động. Đây là một tỷ lệ rất thấp so với chỉ tiêu theo Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Theo tôi, khi thực hiện mà có những vướng mắc như thế này thì sẽ rất bất lợi cho việc mở rộng đối tượng tham gia. Mỗi một lần vướng mắc như thế này nó sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của những người đã và đang có ý định tham gia vào hệ thống an sinh xã hội này. Chính sách mà như thế này thì chắc chắn sẽ thiếu sự hấp dẫn và động lực để cho người ta tham gia. Không những thế, nhiều người sẽ còn tìm cách để trốn tránh, né tránh tham gia.

Còn đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, người ta thấy chính sách như vậy không hấp dẫn thì khó có thể động viên được người ta tham gia được, trong khi đó còn một lực lượng rất lớn lao động tự do hiện nay chưa tham gia vào hệ thống này. Để người ta tham gia, chính sách phải làm sao để người lao động có niềm tin và tham gia vào thì quyền lợi người ta phải được đảm bảo.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Luật BHXH 2014, từ ngày 1-1-2018, khi muốn được hưởng lương hưu với mức hưởng tối đa 75%, người lao động (bao gồm cả nam và nữ) đều phải tăng số năm đóng BHXH. Trong khi lao động nam có lộ trình được kéo dài đến năm 2022 thì lao động nữ áp dụng ngay từ ngày 1-1-2018. Bên cạnh đó, một số quy định khác làm giảm đột ngột lương hưu của lao động nữ khiến đối tượng này gặp nhiều thiệt thòi.

Theo đó nếu nghỉ hưu trước ngày 31-12-2017 chỉ cần đóng BHXH 25 năm đã được hưởng tối đa 75% lương hưu, còn nếu nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 thì phải đóng BHXH 30 năm mới được hưởng 75% lương hưu. Kế đó, quy định giảm tỉ lệ hưởng lương hưu từ 3% còn 2%/năm đối với lao động nữ đóng BHXH từ năm thứ 16 trở đi kể từ ngày 1-1-2018 cũng gây thiệt thòi rất lớn cho lao động nữ. Hoặc quy định mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì bị trừ 2% tỉ lệ hưởng lương hưu, trong khi quy định hiện hành chỉ là 1%.

Phan Hoạt
.
.
.