Chủ động bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ tán thành với cách đặt vấn đề như văn kiện đã trình bày, nhưng nhấn mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ “... bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc...” trong bối cảnh hiện nay, thì phải coi trọng đẩy mạnh các biện pháp cụ thể, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị mới có thể bảo vệ vững chắc mục tiêu vừa trước mắt vừa lâu dài nói trên.
Sỡ dĩ đặt vấn đề như vậy, bởi tình hình tranh chấp biên giới lãnh thổ trên thế giới, trong khu vực đã, đang và còn tiếp tục phức tạp; vì thế, trong bối cảnh hiện nay, trong văn kiện Đại hội XII của Đảng, Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng phải đặt ra vấn đề này một cách đầy đủ, sâu sắc. Làm như vậy để cho mọi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài nhận thức đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc hơn nữa phạm vi lãnh thổ từ đất liền, vùng biển, vùng trời... đặc biệt là biên giới trên biển, chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam... Từ đó, cùng góp sức vào bảo vệ vững chắc mục tiêu này.
Khi đã thống nhất về nhận thức, hiểu rõ bản chất của các vấn đề thuộc về biên giới lãnh thổ, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, thì chúng ta có cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ lãnh thổ quốc gia, đặc biệt là bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển Đông trước các vấn đề nảy sinh.
Qua thực tiễn và trong bối cảnh hiện nay, Tiến sĩ Trần Công Trục góp ý, nên thiết lập một cơ quan điều phối chung có đủ thẩm quyền tập hợp các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội... để tập hợp thông tin, đề xuất phương án, chủ động giải quyết thắng lợi các tình huống đặt ra, khắc phục những tồn tại trước đây.
Trên mặt trận pháp lý, chúng ta phải đẩy mạnh công tác phát hiện, tuyển chọn, đào tạo những cán bộ tâm huyết, có kiến thức chuyên sâu về luật pháp quốc tế, am hiểu thực tiễn vấn đề lãnh thổ, đủ trình độ ngoại ngữ, có khả năng tranh tụng tại các phiên tòa quốc tế... để phục vụ cho công tác đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; phát huy sức mạnh của mặt trận truyền thông, tuyên truyền cơ sở pháp lý, làm cho các tầng lớp nhân dân, kiều bào ở nước ngoài và nhân dân thế giới hiểu đúng các vấn đề về biên giới lãnh thổ của nước ta, lập trường đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong các vấn đề biên giới lãnh thổ, âm mưu của các thế lực thù địch, chống đối, phá hoại.
Để làm điều này, các tài liệu tuyên truyền phải có sự thống nhất, kể cả việc kiểm duyệt các ấn phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài vào Việt Nam. Trong giáo dục đào tạo, phải đẩy mạnh giáo dục các nội dung về biên giới lãnh thổ, cơ sở pháp lý, quan điểm chính nghĩa của chúng ta về các vấn đề biên giới lãnh thổ cho các thế hệ, nhất là ở bậc học phổ thông.
Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ, vấn đề này chúng ta đã làm nhưng phải tiếp tục đẩy mạnh, để qua đó không chỉ các thế hệ người Việt Nam hiểu rõ, mà còn để chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới, cũng như các tổ chức quốc tế có điều kiện hiểu rõ và ủng hộ Việt Nam; trong quá trình giao thương, làm ăn kinh tế, nhất là phát triển kinh tế biển “nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo” như văn kiện đã nêu, Tiến sĩ Trần Công Trục lưu ý, mỗi người dân cần hiểu về phạm vi lãnh thổ, nhất là trên biển, để có cách ứng xử phù hợp với luật pháp quốc tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của đất nước. Vấn đề có ý nghĩa quan trọng, là trang bị cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, hiểu biết ngày càng sâu sắc pháp luật của Việt Nam và luật pháp quốc tế, phương tiện và năng lực đủ sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.