Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, giao thoa, chồng chéo

Thứ Tư, 09/08/2017, 07:54
Theo dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 của Quốc hội, nhiều nội dung về sắp xếp, tinh giản bộ máy chưa đạt được yêu cầu, còn chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ, và trên thực tế, bộ máy vẫn tiếp tục phình ra.

Cơ chế “chủ trì, phối hợp” dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm

Việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ tuy đã được thực hiện theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực nhưng vẫn còn một số hạn chế. Việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ từ năm 2007 đến nay được nhận định là đã quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về tổ chức bộ máy.

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh khác, khi mà Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 đã bổ sung và làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; khi mà mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường và xã hội ngày càng được minh định,... thì trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ vẫn chưa thấy có sự biến chuyển, đổi mới theo hướng tinh gọn hơn, tập trung hơn vào quản lý vĩ mô, hoạch định chính sách, giảm bớt các nội dung mang tính tác nghiệp, quản lý, điều hành trực tiếp và phân định rõ trách nhiệm quản lý giữa Trung ương và địa phương.

Nỗ lực cải cách bộ máy hành chính nhà nước chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ảnh minh họa.

Việc xác định phạm vi ngành, lĩnh vực phụ trách của Bộ còn có điểm chưa hợp lý, nhiều lĩnh vực còn giao thoa nên không xác định rõ được trách nhiệm của cơ quan chủ trì. Theo Báo cáo của Chính phủ, đến tháng 5-2017, vẫn còn 18 vấn đề còn có sự giao thoa, chồng chéo giữa các Bộ, ngành.

Những vấn đề này đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng vẫn chưa được Chính phủ giải quyết một cách thấu đáo.

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp một lĩnh vực được giao cho từ 2 đến 3 Bộ phụ trách, điển hình như quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, phát triển du lịch, quản lý ngoại thương, quản lý nợ công, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển nông thôn, quản lý giáo dục nghề nghiệp... Chính cơ chế “chủ trì, phối hợp” đã dẫn đến hình thành nhiều tổ chức phối hợp liên ngành và tình trạng đùn đẩy trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các cơ quan.

Việc sắp xếp, sáp nhập các Bộ thành Bộ quản lý đa ngành nhưng chưa đi liền với việc điều chỉnh sâu về chức năng, cắt giảm, lồng ghép nhiệm vụ, mà chủ yếu được thực hiện trên cơ sở hợp nhất các Bộ đơn ngành dẫn đến khối lượng công việc, phạm vi lĩnh vực quản lý của các Bộ trở nên quá lớn và phức tạp.

Nhiều Bộ vẫn được giao nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, hầu như cơ quan nào cũng có các đơn vị sự nghiệp nghiên cứu khoa học, trường học, học viện, bệnh viện... Có cơ quan vẫn còn bị quá tải do các công việc cụ thể, sự vụ ở tầm vi mô, địa phương; chủ trương xã hội hóa và phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương chưa được triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả.

Còn tình trạng “Bộ trong Bộ”

Dự thảo báo cáo giám sát nhấn mạnh, cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn phổ biến theo mô hình truyền thống gồm tổng cục, cục, vụ, văn phòng, thanh tra, đơn vị sự nghiệp công lập; trong tổng cục cũng có cục, vụ, văn phòng; trong cục, vụ, văn phòng có các chi cục, phòng, ban… tạo ra rất nhiều tầng nấc bên trong Bộ.

Số đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng trong Bộ là rất lớn, gồm 198 đơn vị/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ (bao gồm tổng cục, cục và văn phòng). Đến tháng 12-2016, tỷ lệ cục, tổng cục so với tổng số vụ và tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ trung bình là 50%, trong đó có 8 Bộ có tỷ lệ trên 50%.

Việc hình thành nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân trong Bộ có thể dẫn đến tình trạng “Bộ trong Bộ”, các lĩnh vực công tác bị chia nhỏ, cắt khúc, thiếu tính bao quát chung; tổ chức bộ máy hành chính trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, đơn vị nào cũng phải duy trì bộ phận văn phòng, hành chính, do đó, số nhân lực cũng như kinh phí chi cho công tác quản trị tăng lên, trong khi nguồn lực của cơ quan lại phân tán, thiếu tập trung, không được sử dụng và phát huy được hiệu quả tối đa...

Trong 5 năm, số đơn vị hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ tuy đã có sắp xếp, điều chỉnh ở nơi này, nơi khác nhưng xét về tổng thể số lượng đầu mối các đơn vị hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn tăng 28 đơn vị (năm 2011: 482 đơn vị, tháng 12-2016: 510 đơn vị); số lượng các đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị  (năm 2011, tổng số vụ, cục, chi cục thuộc tổng cục là 3.045 đơn vị, đến tháng 12-2016 là 3.867 đơn vị).

Xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra nhanh ở nhiều Bộ. Vẫn còn tình trạng thành lập các đơn vị tương đương cấp vụ theo các quyết định cá biệt của Thủ tướng hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, không có trong Nghị định của Chính phủ.

Thống kê theo Báo cáo của 12/22 cơ quan, hiện có 39 tổ chức hành chính thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ nhưng không được quy định trong Nghị định của Chính phủ, đó là các Văn phòng đảng - đoàn thể, Ban Quản lý dự án, Văn phòng Ban chỉ đạo...

Việc giám sát được tiến hành đối với giai đoạn 2011 – 2016, là giai đoạn có sự chuyển tiếp giữa 3 nhiệm kỳ Chính phủ (2007 - 2011, 2011 - 2016 và 2016 - 2021), tập trung vào vấn đề tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước trên phạm vi cả nước, bao gồm Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp.

Nội dung giám sát là xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đánh giá những kết quả đã đạt được, những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016; từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách và hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Vũ Hân
.
.
.