Sự kiện và suy ngẫm

Bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật

Thứ Tư, 29/04/2020, 18:57
Sáng 28/4, vụ việc xảy ra tại Kiên Giang gây chấn động dư luận khi hơn 200 đối tượng buôn lậu ngang nhiên sử dụng hung khí chống trả tổ công tác của lực lượng Biên phòng và Công an đang làm nhiệm vụ khiến ít nhất 5 chiến sĩ bị thương.

Đây chỉ là một trong hàng trăm vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra mỗi năm ở khắp nơi trên cả nước, xâm hại tính mạng và sức khoẻ của cán bộ thi hành công vụ, những người đang trực tiếp hàng ngày hàng giờ đấu tranh trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân. 

Đại tá Lưu Thành Tín, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, động viên Đại úy Phạm Anh Tuấn cố gắng điều trị để sớm bình phục.  Ảnh: Văn Vũ

Chỉ tính riêng năm 2019, đã có 9 cán bộ công an hy sinh, 304 cán bộ bị thương khi làm nhiệm vụ, tất cả đều từ những hành vi manh động, chống đối của các đối tượng. Mới đây nhất, các đối tượng chống đối tại thôn Đồng Tâm đã cực kỳ manh động, sát hại ba chiến sỹ Công an bằng thủ đoạn dã man, tàn bạo. 

Tình trạng chống người thi hành công vụ đã không còn là hiếm gặp. Chỉ riêng trong 2 tháng qua, khi cả hệ thống chính trị vào cuộc chống dịch COVID-19, đã có hàng chục vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra trên khắp cả nước, trong đó có cả các hành vi coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khoẻ của cộng đồng nhân danh tín ngưỡng. 

Các đối tượng chống đối đều đã bị xử lý thích đáng theo pháp luật. Tuy nhiên, hình phạt thích đáng chỉ được áp dụng sau khi hậu quả đã diễn ra, những người bảo vệ pháp luật đã hy sinh, sức khoẻ và danh dự của họ đã bị xâm phạm, sự uy nghiêm của pháp luật đã bị tổn hại.

Điều đáng nói là tình trạng chống người thi hành công vụ dường như không có xu hướng thuyên giảm. Số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy sự gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng của các vụ việc. Các vụ việc người vi phạm chống lại CSGT; đối tượng buôn lậu chống lại biên phòng; lâm tặc tấn công kiểm lâm xảy ra thường xuyên và mức độ ngày càng đáng báo động. Ở một số vụ việc ngiêm trọng, các đối tượng đã tấn công đốt phá trụ sở chính quyền, biểu tượng của quyền lực Nhà nước.

Tình trạng này khiến chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi về sự nghiêm minh của pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế hiện thời. Các cơ quan thực thi pháp luật mà cụ thể là những người thi hành công vụ có chỗ dựa đủ vững chắc cả về pháp lý và sự đồng thuận xã hội khi đứng trước lựa chọn hành động hay không? Liệu các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng luật của nước ta hiện nay đã đủ để bảo vệ những người thi hành pháp luật hay chưa?

Không thể phủ nhận những bước tiến trong cải cách pháp luật thời gian qua trong việc bảo vệ quyền con người trong lịch sử lập pháp của đất nước, nhất là từ khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách thấu đáo những vấn đề còn tồn tại. Liệu pháp luật có thể bảo vệ quyền con người hay không khi mà chính những người thực thi pháp luật không được bảo vệ một cách đầy đủ? Sự e ngại của các cán bộ thực thi pháp luật trước giới hạn quá mong manh của “công vụ” có làm họ chùn tay trước tội phạm? 

Điển hình của tình trạng này là mối nguy hiểm từ các đối tượng “ngáo đá”. Chỉ cần vào mục “tìm kiếm” ở bất cứ tờ báo điện tử nào với từ khoá “ngáo đá”, có thể tìm được hàng trăm vụ việc vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng của các đối tượng kiểu này. Tình trạng không kiểm soát được hành vi của các đối tượng là mối đe doạ đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Việc này người dân trong khu vực đều biết, cơ quan chức năng đều biết, nhưng khả năng phòng ngừa trước khi hậu quả nghiêm trọng xảy ra gần như là không thể khi mà “quyền” của các đối tượng “ngáo đá” dường như được bảo vệ cao hơn quyền được sống trong an toàn của những người dân lương thiện. 

Điều này có một phần nguyên nhân từ sự tiếp thu nửa vời các tư tưởng lập pháp kiểu phương Tây vào Việt Nam thời gian qua, trong đó có việc tiếp nhận, triển khai các “dự án tài trợ xây dựng pháp luật”. Chúng ta không phủ nhận những thành tựu và tiến bộ của các tư tưởng lập pháp phương Tây, nhưng dường như các tư tưởng đó lại được thúc đẩy theo kiểu “một chiều”, khi mà quyền của những người vi phạm pháp luật thì được coi trọng và bảo vệ, còn việc xây dựng các thiết chế nhằm bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, của tinh thần pháp quyền lại ít được chú trọng. Trong khi ở nhiều nước khác, cảnh sát được phép và sẵn sàng sử dụng vũ lực, thậm chí ở mức gây sát thương đối với bất kỳ đối tượng nào mà họ cho là đang có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Không khó để tìm thấy được các hình ảnh kiểu này trên các trang chia sẻ video như youtube.com. Và khi sử dụng vũ lực cần thiết, các nhân viên thực thi pháp luật không phải giải trình hoặc gặp rắc rối trước toà án hoặc ngay trong nội bộ. Các cơ quan bảo vệ pháp luật luôn ở phía sau làm chỗ tựa vững chắc cho những người đấu tranh với tội phạm.

Nghiên cứu các quy định của pháp luật nhiều nước phương Tây về thẩm quyền sử dụng vũ lực, trong đó có quyền sử dụng súng, dường như không có sự khác biệt đáng kể khi so sánh với các quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Nhưng tại sao cùng một hoạt động bảo vệ pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật, mà dường như ở Việt Nam thì người bảo vệ pháp luật lại ít được bảo vệ hơn? Một cán bộ Công an của chúng ta chỉ cần nổ một phát súng cảnh cáo nhằm ngăn chặn đối tượng đang vi phạm pháp luật thì phải giải trình hàng chục lần trước cơ quan, chưa kể sự vào cuộc của các cơ quan có liên quan và báo chí, mạng xã hội, nơi không phải lúc nào tinh thần khách quan, thận trọng cũng được đặt cao hơn nhu cầu tìm kiếm lượng người đọc.

Một “khoảng xám” không rõ ràng trong quy định của pháp luật hiện nay là định nghĩa về mức độ “tương xứng” trong hoạt động sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của người thi hành công vụ trước các hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng. Nếu hiểu sự “tương xứng” đồng nghĩa với “ngang bằng” thì khó lòng bảo đảm sự tôn nghiêm, uy quyền của luật pháp. Đã có rất nhiều trường hợp các đối tượng sử dụng hung khí như dao, gậy tấn công lực lượng chức năng, mà vụ việc ngày 28/4 tại Kiên Giang là một điển hình. 

Các cán bộ Biên phòng, Công an phải sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ nào mới được coi là “tương xứng” trước hàng trăm đối tượng hung hãn? Ai sẽ đứng ra bảo vệ các chiến sĩ của chúng ta sau khi các anh buộc phải nổ súng để tự bảo vệ mình và cũng là bảo vệ nhân dân, bảo vệ sự tôn nghiêm của luật pháp? Không có sự xác định rõ ràng sẽ khiến người thi hành công vụ luôn đứng trước nguy cơ bị cáo buộc vượt quá giới hạn. Và hậu quả là, người thực thi công vụ e ngại phải giải trình trong nội bộ nhiều hơn cả mối nguy hiểm từ tội phạm.

Một điểm nữa cần bàn đến là khái niệm về “chống người thi hành công vụ”.  Luật pháp hiện nay xác định đây là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Cách xác định này có lẽ chưa đủ để xử lý nhiều loại hành vi coi thường pháp luật khác, như bất tuân mệnh lệnh, chửi bới, nhục mạ cán bộ...

Rõ ràng, tình trạng này nếu không được khắc phục từ gốc sẽ tất yếu dẫn đến sự xói mòn của quyền lực Nhà nước và sự tôn nghiêm của pháp luật. Các đối tượng phạm tội sẽ ngày càng manh động, môi trường an ninh, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ không được đảm bảo. Mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta đề ra từ lâu nay sẽ khó trở thành hiện thực khi mà chính các cơ quan thực thi pháp luật không được bảo vệ đầy đủ. 

Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi trước hết là từ nhận thức của các cơ quan có trách nhiệm trong việc xây dựng và thực thi pháp luật. Những “khoảng mờ” trong quy định của pháp luật về quyền sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ cần phải được làm rõ. Người đại diện cho pháp quyền phải được trang bị đầy đủ cả về công cụ, phương tiện hỗ trợ cũng như các thiết chế pháp luật rõ ràng để đương đầu với tội phạm, và điều này cần được xác định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật và trở thành nhận thức chung, sự đồng thuận của xã hội. Có như vậy, mỗi cán bộ khi đứng trước lựa chọn hành động có đủ tự tin sẽ được sự bảo vệ của ít nhất là các cơ quan nhà nước và sau nữa là dư luận xã hội khi hành động đúng. 

Thúy Ba
.
.
.