Xin cho luân hồi về đời hoa cỏ
Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy đã qua đời ở tuổi 83 vào ngày 28/12/2022 tại Texas, Mỹ với tâm nguyện giản dị “xin cho tôi luân hồi về đời hoa cỏ”. Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy và nhà thơ Lý Phương Liên gắn bó với nhau hơn nửa thế kỷ, là đôi phu thê nổi tiếng bậc nhất trong làng văn chương Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội với một tuổi thơ được ông tự họa “Chưa nhìn đã thấy rang/ Mà lại hay cười/ Chưa nhìn đã thấy mắt/ Gằm gằm nỗi gì sau đít chai/ Đêm ngủ gối đầu chữ nghĩa/ Mơ ngày thành một xướng ca”. Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy từng công tác tại Ban Văn học của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau năm 1975, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy chuyển vào làm việc cho Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và góp sức tạo ra chuyên mục “Trong nhà ngoài phố” lừng lẫy một thời. Bên cạnh đó, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy cũng được công chúng biết đến như một bậc thầy phong thủy.
Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy nhiều năm nghiên cứu ''Kinh Dịch''. Ông có lẽ là người Việt Nam duy nhất được mời sang Trung Quốc để thuyết trình về ''Kinh Dịch'' ngay tại mảnh đất đã nảy nở danh tác huyền bí này. Nhiều người truyền tụng khả năng bóc quẻ xem tướng của nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy. Tuy nhiên, thế giới tâm linh lại được ông giải thích khá tự nhiên qua bài thơ “Chân hương” vỏn vẹn bốn câu: “Cháy rồi, cháy hết phần thơm/ Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi/ Rồi màu phẩm nhuộm phai đi/ Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương”.
Đúng tinh thần vợ chồng văn chương mà nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy từng viết “Thơ này em tung câu sáu/ Anh hứng câu tám/ Câu sáu em bay cò trắng/ Câu tám anh ôm tình trắng mướt bến sông xanh”, ông đã cùng vợ nếm trải nhiều thăng trầm. Họ từng đứng bán đồ cũ ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng những năm bao cấp khó khăn. Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy từng viết tiểu thuyết để nhà thơ Lý Phương Liên đạp xe đi bỏ mối cho các nhà sách những năm Đổi mới. Sự nhọc nhằn của họ, thỉnh thoảng xuất hiện trong thơ Nguyễn Nguyên Bảy: “Dối gian trôi khuất bể rồi/ Ngủ đi mắt cho thảnh thơi tâm hồn/ Việc gì trằn trọc phải buồn/ Ở ống dài ở bầu tròn trằn trọc ơi/ Quanh ta hỏi có bao người/ Gian manh mà vẫn sống đời tụng ca/ Mình lỗi lầm chút gọi là/ Đời không chật chội như nhà ta đâu”.
Nhờ sự đồng cam cộng khổ, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy và nhà thơ Lý Phương Liên không chỉ nuôi được hai con du học mà còn xây dựng được cơ ngơi khá bề thế tại TP Hồ Chí Minh. Khi hai con Nguyễn Lý Việt Thy và Nguyễn Lý Phương Ngọc định cư ở Mỹ, thì họ cũng chấp nhận di cư để sum vầy gia đình. Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy thú nhận: “Có một kẻ dân thường/ Đến từ miệt Sài Gòn xa lắm/ Nhận Texas làm quê hương”.
Giữa thập niên 60 của thế kỷ XX, Lý Phương Liên là một cô công nhân làm thơ ở Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Hà Nội gây xôn xao dư luận. Nguyễn Nguyên Bảy đã theo đuổi Lý Phương Liên bằng bài thơ “Thư tình đầu đời” viết năm 1968: “Tình yêu gọi dòng sông xuôi về biển/ Chim đầy vườn ríu rít gọi mai lên/ Mỗi bông hồng chợt hiện một nàng tiên/ Em đã đến để lòng anh thương nhớ”. Cuối năm 1969, đám cưới của họ được tổ chức, lúc nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy 29 tuổi và nhà thơ Lý Phương Liên 21 tuổi. Họ dắt díu nhau về sống chung ở nơi mà nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy gọi là “dốc Thọ Lão, căn nhà muỗi 16” với nhiều mơ mộng: “Một vườn chiều có thực/ Máy bay địch đã bay xa/ Hai đứa nhoi lên từ hầm trú ẩn/ Và một vườn chiều khác hẳn/ Tiên Dung căng màn trên cát mềm/ Sao em chọn chỗ này để tắm/ Chử Đồng Tử tôi nghèo lắm/ Khoan khoan xối nước khoan khoan/ Chớ để thịt da tôi đắc tội/ Chớ để đau lòng mẹ cha...”.
Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy cùng vợ đi qua những giai đoạn gian nan: “Mất việc, bạn cho mượn chiếc máy may/ Cấp vốn một chỉ vàng/ Vợ te te đi mua vải/ Chồng thành thợ may hiên ngang/ Thương vợ mòn chân đi ký gửi hàng/ Học Tú Xương ơn ca cò lặn lội/ Người có lúc biết đâu ngày mai hỡi/ Khúc sông này bát ngát một tình ca/ Chở máy khâu trả bạn cười xòa/ Vàng hẹn sẽ có ngày trả đủ/ Vợ ôm con nhìn chồng cười nắc nẻ/ Trên trời máy bay Mỹ đã bay xa”.
Bước qua thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, khi đã có bát ăn bát để, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy bắt tay thực hiện dự án sách “Thơ bạn thơ” và “Văn bạn văn” mong muốn giới thiệu tác phẩm của bạn bè đến độc giả. “Thơ bạn thơ” và “Văn bạn văn” in ấn rất công phu và hoàn toàn dành để tặng tri âm, tri kỷ.
Ngay tập thơ đầu tiên của dự án “Thơ bạn thơ” phát hành năm 2012, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy viết: “Cảm ơn các đấng sinh thành và gây dựng Thi đàn Việt, cảm ơn các thi nhân tiền bối giờ này nơi cõi khác vẫn mong đợi ngâm ca tình thơ con cháu. Cảm ơn và kính dâng lên miền thiêng thơ những áng thơ thời chúng tôi đang sống. Cảm ơn thơ, Cảm ơn các người thơ cao cả đã ban cho chúng tôi vinh dự thực hiện ước mơ tự nguyện được đọc chọn và nhân bản quảng bá những bông thơ bầu bạn. Bảo là ước mơ tự nguyện, bởi đây là sự tri ân đạo lý với thơ và các bạn thơ đã sinh dưỡng đức tin, trợ cứu đời sống, chỉ dạy chúng tôi tu thân sống làm người tử tế. Cảm ơn các bạn thơ mở lòng đón nhận sách. Xin hỷ xả chúng tôi kiến văn giới hạn trước vườn thơ trăm hoa, khó tránh việc đọc chọn còn nhầm quên mạch nguồn tiềm ẩn. Xin hỷ xả chúng tôi tâm chưa đắc bồ đề còn chịu áp lực đời thường, tình thơ còn vướng lụy sân si”.
Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy có sức viết dồi dào. Ngoài 12 tiểu thuyết và hơn 1.000 bài thơ, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy có riêng tập “99 khúc tặng Liên” để gửi trao ấm áp cho người vợ tảo tần Lý Phương Liên: “Tình yêu hai chúng mình/ Không ngôn từ mây gió/ Không ngọt ngon cám dỗ/ Mộc mạc lời trăng rằm/ Mà nên duyên tri kỷ/ Mà nên tình tri âm/ Vầng trăng con mắt nhìn/ Như thần linh chứng giám/ Mỗi khi gặp hoạn nạn/ Lại nhìn vầng trăng treo/ Mỗi khi tắt lửa yêu/ Lại gọi trăng xin lửa/ Nợ trăng chỉ trả đủ/ Thủy chung yêu một đời”.
Số phận nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy có nhiều cơn gập ghềnh, nhiều bận gieo neo. Thế nhưng, ông vẫn say đắm với thơ. Trong tập tiểu luận “Thủng thẳng với thơ”, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy bộc bạch: “Lúc mới tập làm thơ (tất nhiên là bây giờ cũng vẫn tập) tôi đóng khá nhiều những sổ tay, trong sổ đó tôi ghi chép những gì thuộc về thơ, và có liên quan đến thơ. Quá trình ghi chép này có bổ ích rất lớn là nó làm giàu trí tưởng tượng, ký ức và cảm xúc. Ngày nay, mỗi khi đọc lại những dòng ghi chép ấy còn nhặt chọn được khá nhiều những hạt vàng mà từ đó có thể đứng dậy những câu thơ hoàn chỉnh. Nhưng thực ra cái quan trọng và lợi ích không chỉ có thế, mà nó như một sự tích lũy vốn, trong mọi phương diện cho thơ. Có khi những ghi chép của tôi là một câu thơ, có khi là một mầm mống của tứ thơ, có khi là một hình ảnh và đặc biệt nhiều là chữ nghĩa. Quá trình ghi chép này thực sự là một quá trình rèn luyện rất thú vị”.
Từ khi sang Mỹ, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy vẫn sáng tác đều đặn trong nỗi nhớ thương cố hương bên kia đại dương: “Gió gọi chim về hót/ Cho nắng bớt cô đơn/ Vườn cỏ xanh như ngọc/ Nâng bước ông già buồn”. Đầu năm 2021, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy phải phẫu thuật tim và may mắn thoát cơn nguy hiểm: “Xin tóc chầm chậm nở hoa/ Thời xanh bạc trắng đòi ta bồi thường/ Tóc cười dỗ nắng hoàng hôn/ Làm sao nhuộm được mất còn về xanh”. Thế nhưng, không thể cưỡng lại quy luật thời gian, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 28/12/2022. Một trong những bài thơ viết trước khi qua đời, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy khấn nguyện: “Hỡi Linh Thiêng nếu có luân hồi/ Xin cho tôi luân hồi về đời hoa cỏ”.