Nhạc sĩ Văn Ký: Dâng cho Đảng những mùa xuân hy vọng

Thứ Năm, 06/02/2020, 10:03
Có một người nhạc sĩ, người đảng viên được giác ngộ cách mạng từ năm 15 tuổi đã viết nên giai điệu thật đẹp, thật ngọt ngào, trong trẻo về những mùa xuân hy vọng từ cách đây đúng 61 năm (mùa xuân năm 1959). Ông là nhạc sĩ Thành Nam Văn Ký, tác giả của ca khúc “Bài ca hy vọng”...


Mùa xuân này thật đặc biệt, đó là bởi cùng với việc mừng đất nước bước vào mùa xuân mới thì Đảng ta cũng vừa tròn 90 tuổi. 90 năm đồng hành cùng dân tộc, đưa đất nước từ trong nô lệ, đói nghèo tiến lên giải phóng dân tộc và vững tin bước vào con đường xã hội chủ nghĩa. Có một người nhạc sĩ, người đảng viên được giác ngộ cách mạng từ năm 15 tuổi đã viết nên giai điệu thật đẹp, thật ngọt ngào, trong trẻo về những mùa xuân hy vọng từ cách đây đúng 61 năm (mùa xuân năm 1959). Ông là nhạc sĩ Thành Nam Văn Ký, tác giả của ca khúc “Bài ca hy vọng”.

Luôn giữ được sức trẻ của tâm hồn

Trong dịp đầu xuân Canh Tý này, nhạc sĩ Văn Ký (người có 74 năm tuổi Đảng, 92 năm tuổi đời) và nhạc sĩ Phạm Tuyên (người có 70 năm tuổi Đảng, 90 năm tuổi đời) cùng tham gia chương trình đặc biệt của Đài Truyền hình Việt Nam phát sau thời khắc giao thừa mang tên “Quê hương mùa đoàn tụ” được ghi hình tại Hồ Gươm với chủ đề chào mừng Đảng 90 năm, mừng đất nước bước vào mùa xuân mới tràn đầy niềm tin và hy vọng.

Tại đây, nhạc sĩ Văn Ký trong cái nắm tay thật chặt của người cháu nội, xúc động cho biết: Ngày xưa nhà tôi ở phố Huế, mỗi buổi tối tôi thường cùng gia đình ra Hồ Gươm chơi và Hồ Gươm hôm nay đã khác rất nhiều so với ngày ấy. Đó là một Hồ Gươm lung linh, huyền ảo, một Hồ Gươm vươn mình đổi mới. Đó là minh chứng cho sự phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, bởi Hồ Gươm là trung tâm của Thủ đô, Thủ đô là trung tâm của cả nước.

Nhạc sĩ Văn Ký ở tuổi 90.

Ngày ấy, mỗi lần đi công tác tôi thường mang theo hình ảnh Hồ Gươm trong tâm trí của mình với nỗi nhớ khắc khoải khôn nguôi bởi đó là gia đình, là quê hương và đất nước tôi. Trong không khí mùa xuân, tiết trời se se lạnh cùng những hạt mưa xuân lất phất bay, tôi đã được gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Văn Ký tại căn nhà ấp áp, khang trang tọa lạc ở khu đô thị mới West Bay Ecopark. Đây là căn hộ mà nhạc sĩ mới chuyển đến cách đây vài tháng, sau những lần sinh sống trên các tuyến phố của Hà Nội như: Phố Huế, Hào Nam, Thanh Nhàn….

Trên tầng 9 của căn hộ nhìn xuống là cả một không gian vô cùng thoáng mát, yên bình và đầy hương sắc thiên nhiên với những rừng cọ xanh ngắt, với mặt hồ nước trong veo… Nhạc sĩ cho biết, mỗi sáng vẫn thường đi bộ quanh hồ và thi thoảng trong không gian gần gũi và tĩnh lặng ấy lại giúp ông nảy ra một tứ nhạc mới.

Người nhạc sĩ tên tuổi, người đảng viên lão thành nếu không được nói trước tuổi thì ít ai đoán được năm nay đã bước vào tuổi 92, bởi ở cái tuổi U100 ấy nhưng ông vẫn còn rất khỏe mạnh, minh mẫn và dồi dào cảm xúc cho những sáng tạo.

Trong cuốn sổ chép tay, nhạc sĩ đã ghi lại đầy đủ những sáng tác mới gần đây và ông hào hứng “khoe” về một vài tác phẩm đã được thu đĩa. Năm 2015, ông viết ca khúc “Quốc hội Việt Nam” (đoạt giải Ba trong cuộc vận động sáng tác ca khúc chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 – 6-1-2016), “Nghe con sông hát”, “Về quê em đi anh”, “Tây Hồ cổ nguyệt”, “Huyền mơ đêm Giang Tiên”, “Bình Yên Hà Nội”, “Sóng Tây Hồ”, “Tiếng sáo diều”, “Yêu biển đảo quê em”, “Sắc Huế”….

Năm 2017, ông viết “Ngày thơ Cầu”, “Hoa tường vi”, “Hà Nội – Nỗi nhớ trong tôi”, “Mùa thu ấy”, “Nhớ bạn”…. Có lẽ ở cái tuổi như ông nhiều người đã “dừng bút”, phần do sức khỏe, phần do không còn đủ cảm xúc để sáng tạo, thế nhưng nhạc sĩ Văn Ký vẫn phăng phăng trên con đường mà mình đã chọn suốt hơn bảy thập niên qua.

Cũng thật ngạc nhiên, trong cuộc trò chuyện với tôi, nhạc sĩ Văn Ký hầu như không quên một chi tiết nào của thời xưa cũ. Sự kiện nào ông cũng kể rõ ràng, rành mạch và tỉ mỉ. Hỏi bí quyết thì được ông cho biết, đó là nhờ thường xuyên tập Yoga. Chừng hơn chục năm nay, khi đến với bộ môn này ông luôn thấy mình khỏe, trẻ, và yêu đời. Ở cái tuổi này nhưng ông vẫn ăn ngon, ngủ yên và hình như ông cũng quên luôn tuổi tác của mình.

Kiên cường nhưng cũng rất… lãng mạn

Nhạc sĩ Văn Ký sinh năm 1928 trong một gia đình bần nông tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, cùng xã với nhạc sĩ đàn anh Văn Cao. Tuy nhiên do bố mất sớm, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nên từ bé Văn Ký đã ở với người chú ruột làm buôn bán tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Sống trong thời kỳ đất nước đang có giặc ngoại xâm, chứng kiến người dân bị áp bức, bóc lột, chàng thanh niên Văn Ký đã sớm nuôi dưỡng tình yêu với Tổ quốc, lòng căm thù giặc. Vì thế khi đồng chí Trịnh Huy Tự (là cán bộ cách mạng được Trung ương cử về Thanh Hóa xây dựng căn cứ) giác ngộ, Văn Ký đã hoàn toàn tin tưởng và đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ. Văn Ký và một số bạn bè cùng trang lứa đã được giao nhiều tài liệu mật với nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc cho các cán bộ Việt Minh đang hoạt động tại xứ Thanh.

Năm 1944, Văn Ký bị mật thám Pháp bắt, giam giữ và bị tra tấn dã man nhưng cuối cùng quân địch không thể khai thác được bất kỳ thông tin nào. Khi tình hình thế giới có nhiều biến động, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Văn Ký và các bạn đã được thả tự do. Ra tù, Văn Ký bắt lại liên lạc với cơ sở cách mạng ở địa phương, tiếp tục hoạt động bí mật.

Mùa thu năm 1945, ông cùng nhân dân huyện Nông Cống tham gia giành chính quyền. Sau cách mạng, ông được bầu làm Huyện đội trưởng huyện Nông Cống. Năm 1946, Văn Ký gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, khi ấy ông mới 18 tuổi. Nếu như đồng chí Trịnh Huy Tự là người đã phát hiện và bồi dưỡng Văn Ký để trở thành người đảng viên sắt son, kiên trung với lý tưởng của Đảng, thì chính Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khi ấy là đồng chí Nguyễn Văn Thân đã nhận ra tố chất âm nhạc trong người đảng viên trẻ tuổi này. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tạo điều kiện để Văn Ký được đi học âm nhạc tại Liên khu 4 (đóng tại Nghệ An), nơi ông được sự dìu dắt bởi của các thế hệ nhạc sĩ đàn anh như: Nguyễn Văn Thương, Lê Yên…

Kết thúc khóa học, ông làm việc tại Đoàn Văn công Liên khu 4. Sau ngày giải phóng Thủ đô, lại một bước ngoặt nữa đến với người nhạc sĩ Thành Nam khi ông lọt vào “mắt xanh” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát (sau là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam) và sau đó Văn Ký đã chuyển ra Hà Nội để chuẩn bị nhân sự cho việc thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào năm 1957.

Được về “ngôi nhà lớn” của âm nhạc cả nước, nơi quy tụ nhiều nhạc sĩ tài năng của nền âm nhạc nước nhà như: Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý… khiến Văn Ký ngày càng dấn thân mình với con đường âm nhạc chuyên nghiệp.

Mùa xuân năm 1959, khi nhân dân miền Bắc đang hối hả xây dựng xã hội chủ nghĩa, là hậu phương vững chắc cho miền Nam đánh giặc, nhạc sĩ Văn Ký “bất ngờ” sáng tác ca khúc “Bài ca hy vọng”. Sở dĩ nói “bất ngờ” vì thời điểm lịch sử ấy, các sáng tác phải phục vụ chiến đấu và sản xuất, không thể sáng tác ca khúc lãng mạn, vì vậy ca khúc đã không được phổ biến khi ra đời.

Bài hát với niềm tin tưởng của tác giả vào ngày mai tươi đẹp của đất nước, bài ca hầu như không nói đến sự đau khổ trừ câu kết rất ý nhị, nhẹ nhàng “Gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan” như lời tổng kết miền Nam sẽ chiến thắng và hòa bình sẽ lập lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Mặc dù khi đó thông tin liên lạc còn rất hạn chế nhưng giai điệu của “Bài ca hy vọng” qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Vân đã vào với miền Nam ruột thịt, nơi đồng bào và chiến sĩ đang “căng” mình chống trả sự đàn áp của đế quốc. Sau này, đồng chí Nguyễn Anh Liên, nguyên Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam đã từng khẳng định với nhạc sĩ Văn Ký: “Bài ca hy vọng” giúp ông giữ trọn lời thề bao giờ miền Nam sạch bóng giặc Mỹ mới về hậu phương.

Suốt 10 năm liên tục đấu tranh ở chiến trường miền Nam, với 3 lần bị thương, 2 năm nằm hầm bí mật, 5 lần bị giặc vây ráp săn lùng, 1 lần bị chấn thương vào đầu do sức ép mìn Plây-mo phục kích, rồi cả lần nghe tin con gái đầu bị bom B52 sát hại tại Hà Nội… ông vẫn giữ được lời thề trong tim: Miền Nam đang còn giặc, ba chưa thể về với con được con ơi!

Bài ca như có một sức mạnh thần kỳ mặc dù không có một từ nào nói về chiến đấu hy sinh, về Đảng và Bác Hồ nhưng khi hát lên ai cũng thấy con đường Bác Hồ đã chọn sẽ đưa dân tộc đến tương lai tươi sáng.

Có thể nói với khả năng dự báo của mình, nhạc sĩ Văn Ký đã có một “đứa con tinh thần” sống mãi trong lòng người con đất Việt, điều đó càng khẳng định vững chắc hơn khi ở tuổi 92, ông vẫn đau đáu nỗi niềm với thế sự, với vận mệnh của đất nước qua những sáng tác đầy tâm huyết và trách nhiệm.

Ngô Khiêm
.
.
.