Tướng quân chiến trường: Ất Mão - Xuân đại thắng

Thứ Năm, 18/02/2010, 10:40
Câu chuyện theo đà diễn tiến chiến cuộc. Chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra, quyết liệt, điểm gay go nhất là Xuân Lộc - cánh cửa thép. Tư lệnh nói. Trung ương Cục và Quân ủy Miền nhận điện của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, cho lệnh: "Từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược Sài Gòn đã bắt đầu".

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Sở Chỉ huy tiền phương Miền có các đồng chí Trần Văn Trà, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Đinh Đức Thiện, họp ngày 7/4/1975, thông qua kế hoạch tấn công Sài Gòn. Một sự trùng hợp lý thú là cùng ngày, Nguyễn Văn Thiệu cũng triệu tập các tướng lĩnh chủ chốt vạch kế hoạch phòng thủ Sài Gòn... cốt lõi là "cố giữ tiền tiêu Phan Rang"; "tử thủ chốt Xuân Lộc"... Địch bố trí tại Xuân Lộc Sư đoàn 18, một trung đoàn xe tăng, thiết giáp,  một lữ đoàn biệt động quân và lực lượng bảo an tại chỗ. Quân đoàn 4 ta trong ngày đầu đã chọc thủng các tuyến phòng thủ của địch, phát triển vào thị xã Long Khánh.

Sáng ngày 10/4, quân ta chiếm nhiều mục tiêu: Ty cảnh sát, khu cố vấn Mỹ, khu tình báo CIA, khu biệt động, nhà ga xe lửa. Cờ Giải phóng phấp phới trên dinh tỉnh trưởng... Tướng Lê Minh Đảo (Sư trưởng 18) hò hét "tử thủ Xuân Lộc". Đại tá Phúc Tỉnh trưởng đòi bắn kẻ nào tháo chạy và cho phép bất cứ ai bắn hắn nếu hắn tháo chạy. Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn liên tục điều thêm quân cho Xuân Lộc. Weyand Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ được Tổng thống Mỹ cử sang Việt Nam đốc chiến, trực tiếp chỉ thị cho Sài Gòn phải bằng mọi giá "cố thủ Xuân Lộc", để mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn.

Tại Sở Chỉ huy tiền phương nhận về nhiều tin thắng lợi. Nhưng đến cuối ngày 10-4 được báo tình hình thiếu đạn, thiếu quân số, có vị trí mất đi chiếm lại vài lần, có vị trí ta chiếm được lần lượt phải bỏ vì địch dùng bom Daisy và bom CBU giội vào đội hình quân ta gây thương vong nặng. Sở chỉ huy chiến dịch nhận tin báo tổn thất rất lo lắng, có ý kiến nên rút khỏi Xuân Lộc để tránh thương vong. Với tính cách sâu sát, luôn có mặt ở những nơi nóng bỏng; trận Mậu Thân, Tướng quân xuống chiến trường, tình huống khó khăn này, Tư lệnh ra mặt trận.

Chiều ngày 11/4, Tư lệnh vượt sông Đồng Nai đến Sở Chỉ huy Quân đoàn 4 tại bờ sông La Ngà. Đều là những cán bộ quen thuộc từ tính nết đến bản lĩnh trận mạc, đánh thắng nhiều chiến dịch Bình Giã, Đồng Xoài, Phước Long...  Tư lệnh cùng Ban chỉ huy Quân đoàn sau khi bàn thảo nhất trí phương án chuyển hướng chiến dịch: chiếm Xuân Lộc mà không đánh vào Xuân Lộc. Quân đoàn 4 lệnh cho Sư đoàn 6 tiêu diệt chiến đoàn 52 ngụy, chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đứt tập đoàn quân ngụy ở thị xã Xuân Lộc với hậu phương duy nhất của chúng ở Biên Hòa, tình thế ấy Xuân Lộc mất tác dụng yếu điểm then chốt của Quân đoàn 3 của địch và cả Sài Gòn coi như bị vây hãm có nguy cơ thất thủ. Địch hoảng sợ, phản kích cả hai phía: Xuân Lộc và Trảng Bom, nhưng đều bị thiệt hại.

Đúng như Tư lệnh cùng Quân đoàn dự đoán. Viên tư lệnh Vùng 3 chiến thuật của địch ra lệnh rút khỏi Xuân Lộc ngày 18/4. Tướng Đảo cùng Tỉnh trưởng Phúc hò hét tử thủ miệng hùm gan sứa, lên trực thăng chạy trước. Địch rút về phòng thủ Biên Hòa, nhưng vài ngày sau số tàn quân bí mật tháo chạy về Bà Rịa...

Ngày 21/4 các tuyến phòng thủ cuối cùng của chính quyền Thiệu tại Xuân Lộc sụp đổ. Thế là cánh cửa thép Xuân Lộc, vai trò phòng thủ Sài Gòn vỡ toang. Sự sụp đổ Chính phủ Sài Gòn, Tổng thống Mỹ G.Pho quyết định tăng tốc di tản người Mỹ khỏi Việt Nam, và ngày 23/4/1975 khi đọc diễn văn tại Nhà Trắng, G.Pho tuyên bố: "... Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ".    

Từ vốn sống từng trải sâu rộng, tri thức uyên bác, tướng võ giàu hồn văn, sau hòa bình, Thượng tướng hoàn thành tiếp ý đồ viết thiên hồi ký 5 tập mang tên: "Những chặng đường lịch sử của B2 Thành đồng". Vì tình lý đòi hỏi, ông cho in trước tập: "Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm" (NXB Văn nghệ TP HCM - 1982), vài năm sau mới in tập 1 - NXB QĐND và lần lượt in tiếp theo các tập 2, 3, 4. Ngoài ra, ông cùng các đồng chí cộng sự đã viết "Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh" và "Chiến sĩ với Bác Hồ". Cảm hứng nhân văn, ông viết nhiều thể loại, đã cho in các cuốn có chất lượng văn học như: "Gởi người đang sống" , NXB Trẻ - 1996; "Cảm nhận Xuân Mậu Thân" - NXB Trẻ -1998...

Trong cuốn “Cảm nhận Xuân Mậu Thân”, có bài: "Mai vàng thuở ấy" với giọng văn hồi ký trữ tình, kể lại thời làm báo Giải phóng của Xứ ủy Nam Bộ năm 1944 trong hoàn cảnh bí mật, vất vả trăm bề: vừa chủ nhiệm kiêm họa sĩ, ấn loát... Báo chuẩn bị ra số 10 thì bị lộ, ông bị bắt. Chịu đựng tra tấn hết kiểu này đến kiểu khác, đau đớn chết lên chết xuống vẫn kiên cường, ông kể chi tiết xúc động lòng người. Mục kích cảnh kiếm sống của dân chợ Tân Định nheo nhóc thê lương gây xốn xang hồn chinh chiến tha phương.

Ông viết với nỗi lòng của cuộc đời gian khổ từ quê nhà Tịnh Long - Sơn Tịnh, tận mắt thấy hình ảnh cha anh, những người bị giặc Pháp bắn giết dã man bên sông Trà Khúc, nung nấu tuổi thơ cậu bé Nguyễn Chấn lòng căm thù giặc sâu sắc. Vào Huế học, tham gia Thanh niên Dân chủ, bị Pháp bắt. Ra tù bị quản thúc ở Quảng Ngãi, trốn vào Sài Gòn hoạt động bí mật, 18 tuổi được kết nạp Đảng (1938). Rồi làm báo bị bắt lần thứ hai...

Viên khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm từ Huế vào, thực hiện mị dân của chính phủ Trần Trọng Kim thả tù chính trị. Ra tù, gặp lại anh Hoàng Dư Khương trong Xứ ủy Giải phóng, được phân công vào kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ, đại diện Thanh niên Cứu quốc.

Bài viết miêu tả sinh động không khí Sài Gòn những ngày khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, biểu dương lực lượng hàng triệu người đông nghẹt các đại lộ Norođôm, Charne, Bonard, Galie... Khi quân Pháp tái chiếm, Xứ ủy và Ủy ban tạm rút về Mỹ Tho giữ vững cơ quan lãnh đạo vạch kế hoạch kháng chiến lâu dài. Nghĩ mình mới ra tù chưa làm được gì, ông xin ở lại chiến đấu. Thế là tay gậy tầm vông, hông cài súng sáu, ông gia nhập du kích mặt trận Cầu Bông, Bà Chiểu, Phú Nhuận...

Sau đó cùng Hoàng Dư Khương, Lê Minh Định rút về Hóc Môn, Bà Điểm xây dựng lực lượng, mở rộng căn cứ kháng chiến... Thu tóm cuộc đời chinh chiến của mình ông viết bốn câu thơ mang hơi tuyên ngôn:

Yêu nước mọi người cầm vũ khí
Súng gươm nên mới đến tay mình
Cờ đào lộng gió hừng tâm chí
Áo vải lòng dân cậy đoản binh.

Từ ấy, ông từng trải khắp các chiến trường Nam Bộ, Khu 7 rồi Khu 8, lập chiến khu Đồng Tháp Mười, rồi tập kết ra Bắc được phong Trung tướng giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, sau hết là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền cho đến kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm.

Thượng tướng trầm ngâm, đưa câu chuyện theo cảm nhận quá trình từng trải. Tình thế thực dân đế quốc siêu cường xâm lược, buộc cả dân tộc dốc lòng hy sinh, chiến đấu oanh liệt nhất trong lịch sử, giành lấy độc lập tự do, lập lại hòa bình thống nhất Tổ quốc. Song phải trả giá xương máu cũng nặng nề nhất trong lịch sử! Riêng chiến dịch Sài Gòn tết Mậu Thân, chiến dịch Hồ Chí Minh - mặt trận Xuân Lộc khốc liệt, chiến sĩ hy sinh anh dũng phi thường, có trận có đơn vị tử vong hàng loạt. Nhiều nấm mồ hàng chục tử sĩ chôn chung, còn biết bao xương cốt nằm lại khắp cùng đất nước và các nghĩa trang liệt sĩ thì lớp lớp mồ vô danh!   

Chiêm nghiệm chân lý từ bản thân, ông nói:

- Trong bom đạn có phần như may rủi. Thế nên, trong tình huống nguy kịch, đừng bao giờ nghĩ đến cái chết, cái sống. Nghĩ đến nó thì mất bình tĩnh, mất sáng suốt, nguy hiểm hơn cả là mất tinh thần. Cái chết thường đến với những người mất tinh thần. Sợ là bản năng sinh tồn của động vật. Có điều, con người biết vượt qua cái lằn ranh giữa sợ và không sợ để giữ vững tinh thần. Đó quả là điều cao cường ý chí! Nghĩ vậy mà cực kỳ khâm phục đồng bào, cán bộ chiến sĩ, đã vượt qua lằn ranh ấy một cách phi thường, giữ vững tinh thần chấp hành mệnh lệnh thiêng liêng của Đất nước: "Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta".

Câu thơ Bác Hồ chúc tết Mậu Thân 1968 năm ấy, linh thiêng là câu thơ cuối cùng của Bác, định hình một mệnh lệnh bất tuyệt cho đất nước. Quán triệt ý tưởng, Tư lệnh ngậm ngùi kể về những lần được gặp Bác Hồ.

Lần thứ nhất vào năm 1948, Tư lệnh Khu 8 Trần Văn Trà, Trưởng phái đoàn đại biểu các chiến sĩ miền Nam từ Đồng Tháp Mười vượt đường rừng núi ra tận chiến khu Việt Bắc thăm Bác Hồ, được Bác trao thanh gươm báu để đồng bào Nam Bộ diệt thù và căn dặn về nói với đồng bào rằng: "Lòng Bác, lòng Đảng lúc nào cũng bên cạnh đồng bào. Chúng ta đồng lòng vì nước, nhất định chúng ta thắng!".

Lần thứ hai, năm 1963, Trần Văn Trà đương nhiệm Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được cử vào Nam với trọng trách Chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam, trước khi vượt Trường Sơn về chiến trường, Bác Hồ mời cơm thân mật và căn dặn: "...Chú đã sang học bên Liên Xô... Cần phải nắm được khoa học quân sự của phe ta... Nhưng cần phải nắm chắc và kết hợp cách đánh giặc của ông cha ta nữa. Chú có biết vì sao nhà Trần ba lần đại thắng quân Nguyên mạnh hơn ta gấp bội không? Đó là lòng dân, sức dân và đại đoàn kết. Đó là chỉ huy chiến sĩ yêu nhau như con  một nhà...".

Lần thứ ba gặp Bác như đã kể, trước ngày chiến dịch Sài Gòn - tết Mậu Thân...

Hằng nhớ Bác Hồ, nhớ bài thơ "Cảnh rừng Việt Bắc" năm 1947 của Bác, Thượng tướng mượn cái tứ hai câu cuối: "Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa hạc cũ với xuân này", nói lên lòng mình:

Ra đi hai bàn tay trắng
Trở về một dải giang san.
"Trăng xưa, hạc cũ", dòng sông lặng
Mây nước yên bình, thiên mã thăng

Thanh Giang
.
.
.