Hồ sơ cán bộ đi B - Điều kỳ diệu cho ngày toàn thắng

Thứ Bảy, 08/05/2010, 16:40
55.710 hồ sơ cán bộ đi B được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III gắn với số phận hàng chục nghìn con người bình dị đã cùng với lực lượng vũ trang nhân dân đã làm nên kỳ tích của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. "Hồ sơ cán bộ đi B" là nguồn sử liệu vô giá, mang ý nghĩa quan trọng phản ánh một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Ngày 21/7/1954, Hội nghị Geneve đưa ra tuyên bố về những giải pháp cho vấn đề chính trị ở Việt Nam dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Người Việt Nam sẽ được hưởng nền tự do cơ bản thông qua tổng tuyển cử vào tháng 7/1956. Sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt đất nước.

Ngày tập kết ra Bắc, biết bao người con của miền Nam ruột thịt giơ 2 ngón tay hẹn với người thân sau 2 năm sẽ đoàn tụ. Nhưng 2 năm đã trở thành hơn 20 năm đầy máu và nước mắt của cả dân tộc. Cuộc trường chinh hơn 20 năm với những cuộc chia tay đầy đau thương, những đôi vợ chồng mới cưới chưa kịp bén hơi nhau để khi gặp lại tóc đã thay màu, những người cha lên đường chưa kịp biết mặt con và những người con vĩnh viễn không được gặp cha.

Từng đoàn cán bộ, học sinh miền Nam ra Bắc học tập, lao động để sau này trở lại xây dựng quê hương giải phóng. 2 năm. 5 năm. Rồi 10 năm qua đi. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, cả miền Nam bị bom đạn cày xới. Máu chảy ruột mềm. Những người con của hai miền Nam - Bắc lại tình nguyện hiến dâng tuổi trẻ, nhiệt huyết và tình yêu của mình cho ngày toàn thắng của dân tộc. Ngày lên đường vào Nam, họ để lại tất cả tư trang, hành lý, kỷ vật, thư từ. Nhiều người ra đi với những bí danh khác nhau và mang một lý lịch gia đình, quê hương hoàn toàn mới.

35 năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, những lá đơn xin đăng ký kết hôn, quyết định điều động cán bộ chỉ đơn giản ghi 2 chữ "Đi B" trên những tờ giấy pơluya mỏng tang, ố vàng, nét chữ đã bay mực trở thành kỷ vật minh chứng cho lịch sử dân tộc. Những lá thư đầy tâm huyết từ năm 1955 đến 1975 của người con khắp miền quê đất nước đang học tập và lao động trên miền Bắc XHCN xin được trở lại chiến đấu tại chiến trường miền Nam đã làm nên sức mạnh diệu kỳ của cuộc kháng chiến.

Niềm vui ngày chiến thắng.

Đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (34 Phan Kế Bính, quận Ba Đình, Hà Nội) vào những ngày tháng 4 lịch sử, tôi được tiếp xúc với những người đã làm nên lịch sử dân tộc, những người đã để lại một phần xương máu và tuổi xuân cho miền Nam, thân nhân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho ngày chiến thắng. Họ lặn lội từ khắp mọi miền đất nước đến đây để tìm thư từ, kỷ vật của cha ông mình. Kỷ vật đó không còn là của riêng gia đình mà đã trở thành kỷ vật của một dân tộc, một quốc gia.

Anh bộ đội Cụ Hồ đã trải qua những năm tháng chiến đấu Trần Ngọc Thế, 41 tuổi, quê tại xã Trường Xuân, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, ngày 17/12/1974 viết lá thư đầy tâm huyết xin được trở lại hàng ngũ Quân giải phóng: "Tôi tham gia cách mạng đã lâu, vì tuổi tác không phát triển được với nhịp độ xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại nên Đảng và quân đội cho tôi nghỉ hưu. Tôi thấy rằng sự nghiệp cách mạng tôi làm còn dở dang hơn nữa tuổi trẻ đã qua nhưng tuổi già chưa đến mà giờ đây phải ngồi không hưởng đồng lương hưu tôi thấy ái ngại. Về sức khỏe tôi không có bệnh tật gì. Tôi biết lái ôtô. Tôi làm đơn này gửi lên Ban Thống nhất Trung ương giải quyết cho tôi trở lại công tác với hàng ngũ cách mạng".

Người con gái xã Thắng Nhì, thị xã Ô Cáp, tỉnh Bà Rịa, Ngô Thị Sáu, diễn viên đội cải lương Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, đã gửi gắm lòng mình trong lá đơn xin "Đi B" như sau: "Là người con của miền Nam tập kết, với khả năng, sức khỏe và trình độ còn non yếu nhưng với lòng nhiệt tình và tha thiết tôi muốn được góp phần nhỏ bé của mình trong mọi mặt công tác ở miền Bắc cũng như miền Nam sau này. Tôi tha thiết xin cấp trên xem xét cho tôi được vào Nam. Tôi nguyện đem hết khả năng, tinh thần, trách nhiệm của mình để xây dựng vùng giải phóng vững mạnh".

Người con của dân tộc Gia Rai, Rơmal Del, ở làng Plei-móc-đeng, xã B10, H4, tỉnh Gia Rai được học tập, lao động ở miền Bắc từ năm 1955, công tác tại Viện Ngôn ngữ. Gần 20 năm luôn ôm ấp một nguyện vọng cháy bỏng được trở về quê hương công tác cùng bà con, đồng bào, xây dựng lại quê hương.

"Nguyện vọng đó không chỉ được nung nấu bởi tình cảm đối với quê hương mà còn được thôi thúc bởi nhận thức rõ rệt về trách nhiệm, nghĩa vụ của một người con của miền Nam, người con của Tây Nguyên, của đồng bào Gia Rai". Những người con sinh ra ở núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, lớn lên ở hậu phương miền Bắc luôn mang trong mình khát khao cháy bỏng được trở về chiến đấu trên mảnh đất Tây Nguyên bất khuất, xây dựng lại quê hương sau ngày giải phóng. 20 năm xa quê của Mikel Thiêng, người dân tộc Banar, công tác tại Viện Dân tộc học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội, là 20 năm ông luôn "đau đáu niềm hy vọng được trở lại phục vụ miền Nam, phục vụ Tây Nguyên yêu dấu".

Phóng viên nước ngoài ghi hình phỏng vấn những chiến sĩ giải phóng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập 30/4/1975.

"Miền Nam" - hai tiếng thiêng liêng luôn thôi thúc biết bao thế hệ đứng lên cầm súng chiến đấu. Bên cạnh hy sinh của những người anh hùng "mãi mãi tuổi hai mươi" đã trở thành huyền thoại như bác sĩ Đặng Thùy Trâm, chàng sinh viên Hà Nội đầy nhiệt huyết Nguyễn Văn Thạc, còn đó những tấm lòng như cụ Ngô Văn Tuồng ở Cai Lậy, Mỹ Tho. 75 tuổi vẫn "tự thấy sức khỏe và khả năng bảo đảm vượt Trường Sơn nên tha thiết được trở lại chiến trường B góp sức cùng đồng bào miền Nam hoàn thành công cuộc cách mạng dân tộc".

Được tận tay lật giở những lá thư ra trận đầy tâm huyết, những trang giấy đã ố vàng, những dòng chữ đã phai màu theo năm tháng, tôi thực sự xúc động khi đọc được liền 3 lá thư xin ra trận của người thanh niên 39 tuổi Lê Thanh Liêm quê ở xã Phước Hải, huyện Long Điền Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa.

Gia đình anh có 7 anh em, 4 người con gái ở lại miền Nam với mẹ già 70 tuổi không có tin tức gì. Ba anh em trai tham gia bộ đội từ kháng chiến chống Pháp và được học tập, công tác ở hậu phương miền Bắc. Người anh trai Lê Hoàng Thiệp và người em trai Lê Thanh Hổ đã lập gia đình. Riêng anh Lê Thanh Liêm, đi bộ đội năm 1946, tập kết ra Bắc năm 1954, tốt nghiệp Đại học Bách khoa, công tác tại Công ty Thủy điện Thác Bà, Bộ Kiến trúc "đáng lý đã lập gia đình rồi. Nhưng vì lòng tha thiết muốn về quê công tác, kết hợp tìm lại mẹ già cho mẹ già vui vẻ chờ ngày thống nhất nước nhà, nên không muốn vướng bận gia đình". Anh đã gác lại hạnh phúc riêng để thực hiện ý tưởng cao cả, thực hiện ước mơ cháy bỏng được đem sức mình cống hiến cho cách mạng.--PageBreak--

"Tất cả vì miền Nam thân yêu" đã trở thành khẩu hiệu thôi thúc hàng nghìn người con xung phong vào tuyến lửa. Biết bao người mẹ gửi lại con thơ vui vẻ lên đường làm nhiệm vụ. Từng lớp, từng lớp kỹ sư, giáo viên, bác sĩ, nhà văn, nhà báo, diễn viên, kế toán, cán bộ bưu chính, cán bộ ngân hàng... vào Nam theo tiếng gọi thân yêu của Tổ quốc.

Ông Trần Thành Đại và bà Hà Thị Lan được trở lại chiến trường đã gửi lên Ban Tổ chức Trung ương một nguyện vọng tha thiết: "Chúng tôi xin cho mấy cháu (Trần Thành Công, 23 tuổi, học Trường Âm nhạc Việt Nam năm thứ 4, Trần Thị Hồng Hoa, Võ Thị Hồng Tâm - con dâu, vợ Công lớn đã đi B) cùng trở lại chiến trường để tham gia chiến đấu góp phần giải phóng miền Nam". Cả gia đình "Đi B", cùng chung chiến hào vì một ngày mai thống nhất, độc lập của dân tộc.

"Đi B" là nghĩa vụ thiêng liêng của lớp lớp người dân Việt Nam khi đất nước bị chia cắt. "Đi B" để chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. "Đi B" để kiến thiết lại những vùng được giải phóng. Người con xã Duy Phương, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Đà, Nguyễn Quang Trường, tham gia phong trào Việt Minh từ năm 1945, gần 30 năm công tác xa quê, xa gia đình liên tục gửi những lá đơn xin vào tuyến lửa chiến đấu, gần 30 năm ấp ủ mong ước cháy bỏng được cống hiến cho miền Nam thân yêu.

Những ngày đầu năm 1975, tin chiến thắng trên khắp chiến trường miền Nam được liên tiếp chuyển về miền Bắc. Quê hương giải phóng. Niềm tin đó càng thôi thúc ông "Đi B" cùng đồng bào, đồng chí gánh vác, xây dựng lại quê hương ruột thịt. Là một người có năng khiếu về thơ văn, ông muốn “thật nhanh, thật nhanh được lên đường để kịp thu thập những hình ảnh sinh động ngày mới giải phóng giúp ích cho việc sáng tác thơ văn”.

Hồ sơ cán bộ đi B.

Độc lập dân tộc gắn với số phận những con người Việt Nam nhỏ bé mà vĩ đại,  bình dị mà cao cả đó, gắn với hơn 20 năm dân tộc Việt Nam phải trả bằng xương máu của bao thế hệ. Gia đình biệt ly, người mất chồng, người xa vợ. Những phụ nữ hơn nửa đời người sống trong vùng chiến, một mình chăm lo cha mẹ già, con thơ nhưng rồi Mỹ ngụy đã tàn sát cả gia đình để lại mất mát đau đớn khôn nguôi. Những người mẹ già đứt từng khúc ruột gửi con đi chiến đấu đến khi tóc đã pha sương cũng chưa biết con mình được yên nghỉ nơi nào trong lòng đất mẹ.

Ngày tiễn bố lên đường đi B, tôi là một cô bé biết theo mẹ đi sơ tán, được chứng kiến cảnh bom đạn cày nát phố Khâm Thiên, biết reo hò khi máy bay  Mỹ cháy rực trên bầu trời Hà Nội. Tôi nhớ như in câu nói của mẹ: "Ôm bố đi con vì con có thể không được gặp bố nữa". Ngày 30/4 lịch sử ăn sâu vào tâm trí tôi khi cả Hà Nội, cả dân tộc như vỡ oà trong niềm vui chiến thắng. Vòng tay xiết chặt của mẹ với câu nói: "Chiến thắng rồi. Bố con sẽ về" cho tôi cảm nhận được về sự chia ly, mất mát và hạnh phúc.

Nhưng hàng triệu gia đình Việt Nam không có được hạnh phúc trọn vẹn như gia đình tôi. Để có được ngày toàn thắng, bao thế hệ thanh niên ưu tú đã anh dũng ngã xuống, có những người vẫn “mãi mãi tuổi 20”.

"Liệt sĩ Đặng Trường Giang, sinh năm 1943, quê xã Lương Phú, huyện Lương An, tỉnh Nghệ An. Công tác tại Huyện ủy huyện Tây Nam, tỉnh Phú Yên. Được phân công dẫn anh em trong đơn vị đi phát động phong trào tại Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. Đang làm công tác thì phát hiện địch tập kích. Cả đơn vị đã bám trụ chiến đấu, đánh tan một trung đội địch. Đồng chí Đặng Trường Giang rất anh dũng trong chiến đấu và hy sinh. An táng tại Củng Sơn, huyện Sơn Hòa (cũ)".

Giấy chứng nhận của Trung tâm Y tế Tây Ninh ghi: "Đồng chí Trịnh Thị Thu Hà, sinh năm 1951, quê tại thôn Bích Động, xã Yên Ninh, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Công tác tại Ban Dân y tỉnh Tây Ninh. Ngày 1/5/1974, địch đột nhập vào căn cứ Ban Dân y tỉnh Tây Ninh bắn chết. An táng tại xã Thanh Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh".

Cầm trên tay hàng ngàn trang giấy báo tử, báo tin mất tích hoặc giấy báo phát hiện cán bộ hy sinh ở chiến trường phần nhiều đã rách mép, cũ vàng và nhòe mực, tôi chỉ khe khẽ lật giở, không dám làm động đến vong linh các anh. Bởi đâu đó trên mảnh đất này, hàng triệu người con đã anh dũng hy sinh nhưng phần mộ của các anh chỉ ghi vẻn vẹn "Hy sinh tại mặt trận phía Nam" hoặc "An táng gần biên giới Campuchia".

Bà Phạm Thị Bích Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tâm sự: "Trung tâm đã dày công chỉnh lý, sắp xếp và số hóa toàn bộ 55.710 bộ hồ sơ cán bộ đi B của 89 tỉnh, thành phố (theo địa giới hành chính từ năm 1955 đến 1975 - PV) để thân nhân các cán bộ đi B và bạn đọc dễ dàng tra cứu, trích lục và trên hết là để thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa".

Chiến tranh đã lùi xa 35 năm. Trong hàng chục nghìn bộ hồ sơ, có bộ chỉ là một vài trang lý lịch khai tại trạm đón tiếp, có bộ còn lưu giữ toàn bộ sổ lao động, thẻ đoàn viên, giấy giao nộp tiền, vàng, thẻ thư viện. Tất cả đều ăm ắp ký ức của một thời hào hùng, làm nên một bản anh hùng ca bất khuất của dân tộc Việt Nam

Hoàng Anh
.
.
.