Đà Thành xưa của một nữ biệt động quân

Thứ Ba, 22/06/2021, 21:31
Ở Đà Nẵng, nhiều người chắc vẫn còn nhớ tới bà, người chụp rất nhiều ảnh về Đà Nẵng xưa, trong cả những thời khắc quan trọng nhất của thành phố này qua những giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.

Người nữ cán bộ cách mạng kiên cường

Nhiều người đến bây giờ vẫn biết đến bà Phụng Ký - chủ tiệm ảnh "Phụng Ký" trên đường Hùng Vương nổi tiếng từ những năm 1950. Bà còn là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên ở Đà Nẵng tham gia hoạt động cách mạng.

Trong căn nhà 2 tầng bây giờ, ông Hà Quốc Tấn (sinh năm 1951, con trai thứ 5 của bà Phụng Ký) rưng rưng lật giở từng hình ảnh, từng trang viết của bà Phụng Ký để cho chúng tôi xem. 

Ông Tấn kể, ngôi nhà này đã được sửa sang lại đôi chút, nhưng vẫn trên nền nhà và khung nhà cũ mà trước đây là ngôi nhà cấp 4 nhỏ tại số 79 Hùng Vương (TP Đà Nẵng). Ngôi nhà này là nơi bà Phụng Ký vừa làm nghề, vừa làm liên lạc cho cách mạng. 

Người nữ giao liên Đà Thành, người chụp ảnh Đà Nẵng xưa đã gắn bó với ngôi nhà cùng những kỷ niệm đau thương và hào hùng của gia đình, hòa chung trong những thời khắc quan trọng của vận mệnh cách mạng Đà Nẵng cũng như cả nước cách đây mấy mươi năm.

Những tấm ảnh đắt giá về Đà Nẵng được bà Phụng Ký chụp và lưu giữ lại.

Ông Tấn tự hào kể lại, rằng ông ngoại của ông (tức thân sinh của bà Phụng Ký) là người có học vấn cao, nguyên là học sinh của trường Collège de Quy Nhon. Ông quê ở Quảng Ngãi, ra thành phố Đà Nẵng làm một viên chức ở Sở Thương chính. 

Ông lấy vợ là một cô gái quê gốc ở thành Đà Nẵng và sinh ra bà Phụng Ký. Sinh ngày 1/5/1915, bà Phụng Ký tên thật là Nguyễn Thị Phụng giác ngộ cách mạng từ rất sớm. 

Ngay từ khi 14-15 tuổi, khi mới chỉ biết cầm máy để chụp ảnh cũng là thời gian bà tham gia cách mạng và hoạt động khắp các vùng Quảng Đà – Quảng Tín thời bấy giờ.

Chồng bà, ông Hà Quốc Thể (1914 – 1969) cũng là một nhà yêu nước, một chiến sỹ cách mạng kiên trung. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, được sự dẫn dắt của các chị ở Hội Nữ công gia chánh, bà chủ hiệu nhiếp ảnh Phụng Ký tham gia mọi hoạt động của tổ chức Hội Phụ nữ ở thành phố.Bà hoạt động ở các vùng của Đà Nẵng, Tam Kỳ. 

Bà hoạt động ở Hội mẹ chiến sĩ, Hội nuôi quân, Hội chăm sóc thương, bệnh binh, Hội phụ nữ… Năm 1948, bà vinh dự trở thành thành viên của Đoàn đại biểu tỉnh dự Đại hội Thống nhất phụ nữ Liên khu Năm ở Bồng Sơn (Bình Định). 

Từ Đại hội về bà bắt tay củng cố các tổ chức và đề ra nhiều chương trình hoạt động cho các cấp hội phụ nữ. Rồi bà trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Với bà, đó là mùa xuân của cả cuộc đời.

Chân dung bà Phụng Ký.

Năm 1953, ông Hà Quốc Thể, chồng bà bị bệnh nặng, bà cũng mất người con đầu thời điểm này khi ở vùng tản cư Việt An (huyện Hiệp Đức, Quảng Nam), sau đó được cấp trên đồng ý, bà Phụng đưa gia đình trở về Đà Nẵng để chữa bệnh cho chồng và tổ chức cơ sở cách mạng bí mật hoạt động hợp pháp sau nhiều năm sinh sống và hoạt động ở vùng tự do. 

Hồi ấy, bà ở Đà Nẵng trong thế hợp pháp, tham gia tổ chức tiệm ảnh mang tên Phụng Ký do hai vợ chồng mua đất dựng nên và ăn nên làm ra, trong số đó có nhiều cán bộ hoạt động bí mật tại nội thành giả dạng là người thợ học việc. Tiền lời có được sau khi trích một phần để trả nợ, sinh sống, vợ chồng bà đóng góp quỹ nuôi quân. 

Hiệu ảnh Phụng Ký chẳng những là nơi hoạt động tài chính của Thành ủy Đà Nẵng mà còn là cơ sở nội thành tin cậy cho cán bộ cách mạng vào nằm vùng.Mặt khác, theo chỉ đạo của cách mạng, bà lại tổ chức làm giấy tờ giả để cán bộ ta hoạt động dễ dàng trong lòng địch.

Khi luật 10/1959 của Ngô Đình Diệm đưa máy chém đi đến mọi vùng nhằm khủng bố tinh thần những gia đình nào dính dáng đến cách mạng, bà Phụng Ký lại bị bắt nhốt một tháng vì chúng biết bà có hai con đi tập kết ra Bắc. Bà đấu tranh và được thả.

Xuân Mậu Thân 1968, một đơn vị đặc công của quân Giải phóng đã vào trú tại hiệu ảnh Phụng Ký để đánh vào cơ sở Quân tiếp vụ của Mỹ - ngụy gần chợ Cồn. 

Thắng lợi mùa xuân 1968, lực lượng vũ trang cách mạng làm chủ thành phố nhiều ngày. Thời gian đó bà Phụng chẳng những mang máy ảnh đi chụp ghi lại những hình ảnh hào hùng mà còn đi quyên góp giúp đỡ du kích.

Con trai bà Phụng Ký trò chuyện về thân mẫu của mình với phóng viên.

Bà từng bị địch bắt 5 lần, đưa đi khắp các nhà lao ở Đà Nẵng, hay tận nhà lao Thủ Đức tại Biên Hòa. Dù địch dùng mọi cách tra khảo để nhằm lấy được tin tức nhưng bà vẫn không khai nửa lời làm ảnh hưởng tới hoạt động cách mạng. 

Sự kiên trung bất khuất của người phụ nữ ấy khiến kẻ địch cũng phải khiếp sợ, và đồng chí đồng đội thêm vững tin vào người nữ biệt động Đà Thành. 

Bà Phụng Ký liên tục hoạt động cách mạng cho đến ngày thành phố Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, bà được bầu vào Ban chấp hành Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, giữ chức Phó chủ tịch.

Năm 1979, bà về hưu với tất cả những niềm tin yêu sau hơn 33 năm làm tròn nghĩa vụ của một công dân yêu nước. Đặc biệt, bà đã chụp và lưu giữ lại để cho các thế hệ sau được xem lại những bức ảnh quý giá của bà chụp trong các thời khắc lịch sử quan trọng trong những ngày giải phóng Đà Nẵng và các tỉnh thành miền Trung. 

Những tấm ảnh ấy đã trở nên vô giá đối với bà và gia đình, đặc biệt là đối với thời khắc lịch sử của tháng 3/1975 trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng.

Những bức ảnh lịch sử về Đà Nẵng được bà Phụng Ký xếp đặt cẩn thận trong những cuốn sổ và ghi chú chi tiết, cụ thể.

Đà Nẵng xưa trong ảnh của nữ biệt động thành

Với hơn 80 năm cầm máy ảnh, bà Nguyễn Thị Phụng là nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng và là nữ nghệ sĩ chép lịch sử Đà Nẵng bằng hình ảnh. 

Với bà Phụng Ký, ngoài việc tham gia hết mình cho sự nghiệp cách mạng, cho gia đình thì nghề ảnh là niềm đam mê duy nhất trong cuộc đời bà. Với thâm niên chừng ấy năm chép lại lịch sử bằng ống kính, để lại hàng nghìn bức ảnh tư liệu quý giá, ghi lại những thời khắc lịch sử mà bà đã tham gia mà bất cứ một ai trong nghiệp cầm máy, làm báo và tư liệu cũng phải mơ ước.

Là nữ nhiếp ảnh gia đầu tiên ở Đà Nẵng, bà Phụng Ký lưu giữ những thời khắc lịch sử đáng quý của Đà Nẵng trong suốt nhiều thập niên qua. Trong đó, ngoài những bức ảnh giá trị về Đà Nẵng từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, bà còn sở hữu những bộ ảnh về sự kiện lịch sử ngày giải phóng TP Đà Nẵng 29/3/1975. 

Ông Hà Quốc Tấn, con trai bà Phụng Ký kể lại, vào trưa ngày 29/3/1975, khi xe tăng quân Giải phóng tiến vào trung tâm thành phố Đà Nẵng, bà liền lao về nhà, bảo con gái lấy máy ảnh cùng đứng trên ban công tiệm ảnh  của mình, ghi lại những hình ảnh tuyệt vời của những đoàn quân ùn ùn tiến vào và những giây phút hào hùng Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng.

Bà Phụng Ký đã được Nhà nước trao tặng rất nhiều Huân, Huy Chương vì sự nghiệp cách mạng.

Người con trai thứ 5 của bà Phụng Ký đưa cho chúng tôi xem những kỷ vật của bà. Chúng tôi rất lấy làm xúc động và thán phục khi xem lại các tập ảnh tư liệu gốc mà bà còn lưu giữ, trong đó có nhiều bức ảnh quý giá về thời điểm bộ đội tiến vào giải phóng thành phố ngày 29/3/1975, những bức ảnh chụp các chiến sỹ cách mạng, những bức ảnh về Đà Nẵng ngày chiến tranh, và cả những bức ảnh về gia đình, những chiến sỹ cách mạng... 

Tất cả được bà tập hợp lại trong những cuốn sổ, mà bà cẩn thận ghi lại từng chi tiết một cách khoa học và đầy tâm huyết. Các tập ảnh tư liệu gốc mà bà còn lưu giữ, trong đó có nhiều bức ảnh quý giá chẳng thể nào còn tìm thấy được ở đâu.

Trong trí nhớ của mọi người, tất cả đều nhớ những câu bà Phụng Ký thường nói: “Con đường cách mạng mà tôi đã chọn, một đời tôi luôn đi theo và quyết tâm đi tới đích!”. Bà có một gia đình gồm 16 người con, dâu, rể; gần 40 cháu chắt nội ngoại luôn sum vầy bên cạnh và một lòng sống theo những chỉ dạy của bà.

Cuộc đời người phụ nữ cầm máy lâu nhất ở vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng này đã gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong sự nghiệp Cách mạng Giải phóng dân tộc tại miền đất này. 

Bà đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày... Bà được mệnh danh là người chép sử Đà Nẵng qua ống kính với hàng trăm bức ảnh tư liệu về các thời khắc lịch sử quan trọng của Đà Nẵng.

Bà qua đời ngày 20-5 năm 2009 tại thành phố Đà Nẵng, hưởng thọ 94 tuổi sau quãng thời gian dài hoạt động cách mạng và chụp ảnh. Tiệm ảnh  Phụng Ký mang tên bà, được thành lập từ năm 1940 đến nay vẫn được con cháu bà nối nghiệp ở địa điểm cũ, chính tại số nhà 79 Hùng Vương, Đà Nẵng mấy mươi năm qua.

Tiêu Dao
.
.
.