Người đàn bà hư hỏng

Chủ Nhật, 22/08/2021, 10:53

Ừ đêm ấy, cái đêm chị không quên được trong đời biểu diễn của mình. Anh bộ đội trẻ măng, có khi chỉ bằng tuổi chị, đã cùng hát song ca với chị bài: “Hành khúc ngày và đêm”, do chính anh đệm đàn ghi ta. Chưa bao giờ chị hát say mê đến thế, có lẽ là do ánh lửa từ đôi mắt anh đã đốt cháy con tim chị.  Cả đêm nằm trong lán chị cứ mở mắt trừng trừng nhìn vào màn đêm, mà ánh mắt anh cứ hiển hiện trước mắt chị, một ánh mắt rực lửa khát khao đắm say.

Chị tỉnh giấc vào lúc căn phòng vẫn còn tối om, nhìn qua khe hở của cánh cửa sổ trong phòng ngủ, chị biết bên ngoài trời cũng chỉ mờ mờ sáng, nhưng không gian vẫn như còn say trong giấc ngủ. Chính lúc này mới là lúc ngủ say nhất của con người, nhưng chị không tài nào ngủ lại được nữa. Đã lâu như vậy rồi, mà chị thì có cần gì phải dậy sớm cơ chứ. Không bận rộn chuẩn bị đi làm, không bận rộn chăm sóc ai cả. Trong căn nhà hơn bốn chục mét vuông lúc nào cũng sạch sẽ tinh tươm.

Có người đã bảo tại vì chị sạch quá nên cũng khó lấy chồng. Ai mà còn dám đến tán tỉnh chị được nữa khi phải thực hiện những quy định trong nhà chị. Nào là dép thì phải để ngoài cửa, hút thuốc thì phải gạt tàn vào đúng cái gạt mà chị đã để sẵn. Nào là uống nước thì phải uống hết chén mà chị đã rót. Rồi còn nhiều điều lặt vặt khác. Tóm lại đến nhà chị thì phải biết những quy tắc trong nhà chị, không thì cũng phải sạch sẽ tinh tươm như chị. Nếu không thì đừng hòng còn có cơ hội đến lần thứ hai, vì chị sẽ thẳng thừng chỉ mặt đặt tên những lỗi đã phạm quy.

Biết không ngủ thêm được nữa nhưng chị cũng không ra khỏi giường làm gì. Thành thói quen rồi, đó là lúc chị thỏa thuê đi dạo về miền ký ức. Cái thời ì ùng súng đạn. Mùi khói bom quyện lẫn với mùi của nhựa cây rừng ngai ngái, mùi ngầy ngậy của cơ thể thanh xuân lẫn với mùi tanh tưởi của các vết thương rỉ máu. Vậy mà sao bây giờ nó làm chị nhớ đến thế, nhớ đến cồn cào, đau đớn, nhớ đến quặn lòng.

Ngày đó chị đâu có phải là cô gái chỉn chu như bây giờ. Chị cũng bừa bộn cẩu thả, cũng bất cẩn dễ tin như bao cô gái trẻ khác. Bởi vì chị biết mình đẹp, nét đẹp hơi tây tây thừa hưởng của người ông ngoại vốn là một người Pháp chính gốc. Khi còn học phổ thông ở một trường chốn thôn quê nơi gia đình sơ tán, chị đã bị quấy rầy bởi bao trai làng luôn vây quanh chị, rình rập tán tỉnh khiến chị không thể nào học nổi, mà học cũng chả vào vì niềm đam mê của chị là ca hát.

Thế rồi cái gì đến nó sẽ đến. Một đoàn văn công của tỉnh đi tuyển diễn viên, đến làng của chị đang ở, thế là chị theo nghiệp diễn từ đó, khi mới chỉ là cô bé 14 tuổi. 14 tuổi mà chị lớn như một thiếu nữ 16, cái sức phồn thực cứ ngùn ngụt trào tuôn trong cô diễn viên xinh đẹp và hát hay nhất đoàn.

z2694458436819_2722c4adef6fedd7cc1caba2f972f144 (1).jpg -0

Minh họa: Đỗ Dũng 

Hồi đó đang vào mùa chiến dịch cho đợt tổng tiến công sắp tới của quân đội ta ở phía Nam. Miền Bắc cũng dốc toàn lực cho chiến trường Miền Nam, nên ngoài lương thực, súng đạn còn có rất nhiều đoàn công tác xung phong vào Nam phục vụ chiến trường, trong đó có cả các đoàn văn công. Thế là chị xin đi theo một đoàn văn công vào phục vụ chiến trường Miền Nam. Thực ra ở tuổi 15-16, chị còn ngây thơ non nớt, đâu có nghĩ sâu xa vì lý tưởng này, lý tưởng nọ, mà chị chỉ thấy đi là vui hơn việc cứ quanh quẩn biểu diễn mãi ở mấy cái sân đình, hay hội trường hợp tác xã.

Hơn nữa được mặc quân phục, được đeo quân hàm xanh đỏ trông thật oách mà của đáng tội chị mặc quân phục trông đẹp như tài tử xi nê, ai cũng tấm tắc: Cô bộ đội xinh như mộng. Thế là chị thích. Nhưng đó chỉ là khi đoàn còn đang đóng quân ở Miền Bắc, cho đến khi đi vào chiến trường thì ôi thôi mọi thứ đã đảo lộn hết cả. Chiến trường khốc liệt đâu phải dành cho những cô gái suốt ngày chỉ làm bạn với phấn son như chị. Chị đã biết là mình lầm nhưng đã vào đến đây rồi thì chỉ còn cách phải gắng mà thích nghi thôi.

Xe ôtô tải đưa đoàn văn công của chị đi đến chặng cuối của một quốc lộ thì dừng lại để đoàn hành quân theo đường rừng Trường Sơn. Cho đến bây giờ, chị cũng không hiểu nổi chị đã lê trên đôi chân rã rời như thế nào để đến được nơi tập kết đã quy định. Chị nhớ khi vào khu lán trại trong rừng, chị đã đổ vật xuống và không thể đứng dậy nổi nữa vì đôi chân cứ cứng đờ không co được.

Người ta phải khiêng chị lên chiếc chõng tre rồi các y tá xoa bóp thế nào đấy mãi chị mới cử động được. Đó là một kỷ niệm, một thử thách đầu tiên cho cuộc đời làm người lính của chị. Tuy là lính văn công nhưng chiến trường thì ai cũng phải nếm trải như nhau.

Cái đêm đầu tiên đoàn văn công của chị phục vụ, đó là biểu diễn cho một trạm thương binh. Khán giả là những thương binh còn chưa hồi phục vết thương, thậm chí có cả những thương binh vừa mới đưa về chuẩn bị lên bàn mổ. Sân khấu chỉ là một bãi đất trống, ánh sáng chỉ là vài đống lửa đốt cháy rừng rực, không soi rõ những khuôn mặt hốc hác bê bết máu, nhưng lại rất rõ những ánh mắt khao khát còn sáng hơn cả ngọn lửa, những ánh mắt cháy rực nỗi thèm mong được ngắm nhìn vóc hình con gái, được nghe một giọng nói con gái ngọt ngào ấm mịn.

Chị đã nhận ra như vậy trước khi bước ra sân khấu, trong lòng chị trào lên một nỗi thương cảm vô bờ bến những nỗi đau sự hi sinh của những người lính vì độc lập tự do của dân tộc, và chị đã hát trong một tâm trạng như thế. Có lẽ thế mà khi chị dứt lời, cả núi rừng vẫn như đang chìm lặng trong tiếng hát của chị, và những vẻ mặt khắc khổ đớn đau kia hình như vẫn còn trôi trong miền cực lạc.

Lắng lại một lúc, không có tiếng vỗ tay, vì đa phần họ đều không thể vỗ tay, nhưng rộ lên là hàng loạt lời hô hát lại đi, lại đi như một làn sóng vỗ bờ liên tiếp. Chị không thể đi vào, chị đã đứng lại hát tiếp, hát tiếp, hát mãi, thậm chí không cần cả nhạc đệm, sân khấu hôm đó chỉ có mình chị biểu diễn. Sáng hôm sau tỉnh dậy chị đau rát họng, đến không nói được nữa, nhưng chị vui lắm, vui đến ứa nước mắt, vì anh Trưởng đoàn đến nói với chị. Đêm qua anh em thương binh chỉ muốn nghe cô hát và muốn ngắm cô thôi, có một thương binh sau khi xem cô hát xong vào mổ bác sĩ chỉ tiêm có thuốc tê mà ca mổ, vẫn thành công. Những ký ức như vậy làm sao chị quên được.

Trước lúc đoàn rời đi, anh em thương binh đã đồng loạt yêu cầu chị đến chào họ, để họ được bắt tay chị, ngắm chị một lần nữa. Chị đã làm hơn thế, chị đến từng người, đụng chạm vào họ, một cái nắm tay, một cái vuốt tóc, một cái ôm nhẹ. Anh Trưởng đoàn văn công tỏ vẻ không hài lòng. Cô làm cái quái gì thế. Đó là hình thức kích dục thương binh cô hiểu chưa. Trong quân đội như vậy có thể phải ra tòa án binh đấy. Nhưng chị biết những thương binh đã nhìn chị bằng ánh mắt biết ơn và mặt họ ngời lên sức sống.

Mùa mưa năm ấy ở rừng Trường Sơn thật khủng khiếp. Mưa không ngớt một ngày nào suốt tháng trời. Quần áo phải hơ trên lửa chỉ vừa kịp ráo nước là phải mặc rồi, người chị lúc nào cũng ngứa râm ran, mùi mồ hôi mùi quần áo ẩm lúc nào cũng hôi nồng nặc. Nhưng khổ nhất là vào những ngày kinh nguyệt. Chị mang đống băng vệ sinh ra suối giặt rồi đốt lửa để hong, cứ tưởng củi ướt thì lâu mới cháy, ai ngờ chị vừa xuống suối để tắm thì cành cây chị làm sào để phơi bén lửa trở nên khô giòn và làm cháy trụi cả đám khăn màn duy nhất của chị, khi chị phát hiện ra chạy lên thì cả đám khăn màn chỉ còn là một đám tro tàn.

Lúc đó chị đã òa khóc như một đứa trẻ bị người ta cướp mất miếng bánh khi đang đói. Không còn cách gì hơn được nữa, chị đành phải hơ đám lá rừng tươi cho mềm thay khăn vệ sinh. Những ngày con gái rồi cũng qua, chỉ có điều da chị xanh hơn, tóc chị rụng nhiều hơn, đôi môi chị bớt mềm hơn. Nhưng những khát khao tuổi trẻ thì vẫn không ngừng chảy trong chị.

Đêm đó đoàn chị biểu diễn phục vụ một đoàn tân binh đang chuẩn bị tiến vào Quảng Trị tiếp viện cho đợt Tổng phản công giải phóng Quảng Trị. Nghe nói mặt trận Quảng Trị đang ác liệt lắm. Đoàn tân binh này toàn sinh viên các trường đại học Miền Bắc vừa tổng động viên chi viện cho các chiến trường Miền Nam. Ngày mai họ đã phải vào nơi lửa đạn dày đặc, đêm nay họ được hưởng một đêm liên hoan văn nghệ. Chương trình tùy hứng bộ đội và diễn viên cùng biểu diễn vì đa phần sinh viên đều biết đàn hát.

Ừ đêm ấy, cái đêm chị không quên được trong đời biểu diễn của mình. Anh bộ đội trẻ măng, có khi chỉ bằng tuổi chị, đã cùng hát song ca với chị bài: “Hành khúc ngày và đêm”, do chính anh đệm đàn ghi ta. Chưa bao giờ chị hát say mê đến thế, có lẽ là do ánh lửa từ đôi mắt anh đã đốt cháy con tim chị.  Cả đêm nằm trong lán chị cứ mở mắt trừng trừng nhìn vào màn đêm, mà ánh mắt anh cứ hiển hiện trước mắt chị, một ánh mắt rực lửa khát khao đắm say.

Chị vùng dậy, chị muốn chạy đến chỗ anh, chắc anh đang đợi chị. Chị chạy băng băng trong đêm tối không còn biết phía trước là gì và chị bị vấp ngã mấy lần. Dừng lại, một tiếng quát và tiếng lắc cắc của nòng súng vừa lên đạn. Chị đổ sụp xuống dưới chân người lính gác, giọng hổn hển: Em, em là văn công đây mà,  em… cho em gặp anh Hiếu, quê Thanh Hóa, đồng hương với em mà.

Người lính đỡ chị dậy và nói: Không được rồi. Tất cả đã lên đường hành quân rồi. Chị không tin, chị van nài nhưng vô vọng. Lúc cuối buổi biểu diễn, anh đã nắm tay chị kéo chị ra một góc khuất sau cánh màn sân khấu, anh đã nói trong hơi thở gấp gáp. “Ngày mai anh phải đi đến mặt trận Quảng Trị, ở đó chiến sự đang ác liệt lắm, không biết sống chết ra sao, anh cũng chẳng dũng cảm, anh hùng gì đâu nên anh sợ súng đạn, sợ bắn giết lắm. Đêm nay anh thật là hạnh phúc vì được gặp em, cho anh… cho anh hôn em được không”.

Chị đã chẳng ngại ngần áp làn môi đang khô rộp vào môi anh, cho đến khi bỏng rát, nhưng khi tay anh run run và lành lạnh luồn vào trong áo chị thì chị lại giật mình nắm tay anh giữ lại. Khi chị giằng ra và bỏ chạy chị còn kịp nghe anh thì thào: “Đêm nay ra đây với anh nhé”. Vậy là anh đã đi thật hay anh không ra. Cho đến bây giờ chị cũng không biết nữa.

Nhưng điều chị biết chắc là đơn vị anh đi hồi đó đã hy sinh gần hết ở Thành cổ Quảng Trị và hầu hết là sinh viên vì họ thực chất không thiện chiến là mấy. Nếu anh còn sống thì chỉ vài năm sau là hòa bình chắc anh đã tìm đến chị rồi. Chỉ vậy mà sao đến giờ chị vẫn không quên được anh. Chị tiếc sao không dâng cho anh sự trinh trắng đầu đời của mình. Anh ra đi mãi mãi không biết đến thân thể con gái đẹp như thiên thần của chị.

Đoàn văn công của chị tất tần tật có 20 người, nhưng nữ chỉ có 5, đủ một tốp ca nữ. Chị là người trẻ nhất đoàn, các chị em khác họ đều có chồng hoặc người yêu cũng đang là bộ đội ở các chiến trường miền Nam. Chị cũng đã từng biết hẹn hò nhưng chỉ để tò mò thì đúng hơn chứ yêu thực sự một ai đó thì vẫn chưa vì lúc đó chị mới vào đoàn còn quá trẻ.

Chị biết anh Trưởng đoàn văn công thích chị, cũng nhiều lần gạ gẫm chị, dành cho chị nhiều ưu ái. Nhưng chị không có cảm tình với anh ta. Đơn giản vì anh ta đã có vợ con ở quê nhà. Cho đến giờ chị cũng không cắt nghĩa nổi hồi đó có phải chị đã yêu Hiếu rồi không. Nhưng một tình yêu đầu đời đến với chị sao lại kết thúc nhanh đến như vậy, để rồi lúc nào chị cũng hối tiếc vì thương Hiếu.

Và có phải thế mà chị đã muốn sửa sai khi gặp Tường? Khi cả hai đoàn cùng hành quân về một hướng, cùng đến một địa điểm tập kết. Chỉ có điều đoàn văn công của chị thì dừng lại, còn đơn vị của Tường thì sẽ đi tiếp về phía đông để chuẩn bị cho một cuộc tổng tấn công sắp tới vào thành phố Huế. Tường đã 28 tuổi, vẫn chưa một lần được yêu. Nhưng Tường đã có tới 10 năm trong quân ngũ. Ngày ra đi vào chiến trường Miền Nam, Tường mới chỉ là cậu thanh niên nhà quê 18 tuổi.

Nhà Tường nghèo lắm, Tường bảo vậy, nên ý nghĩ yêu đương chưa kịp đến với Tường, bởi từ khi lớn lên Tường chỉ biết không ngoài con trâu với cái cày và suốt ngày quần quật trên đồng ruộng để lo cho mấy miệng ăn trong gia đình.  Bố Tường đã mất trong cải cách ruộng đất, mẹ thì đau yếu bệnh tật, các em còn nhỏ. Tường xung phong vào bộ đội cũng là muốn nhà bớt một miệng ăn, các em Tường cũng đã lớn có thể thay Tường lo miếng ăn cho cả nhà.

Tường đi biền biệt đến giờ chưa một lần về thăm nhà vì mẹ cũng đã mất rồi, các em cũng đi làm, đi học mỗi đứa mỗi nơi, về chỉ thêm buồn. Vả lại… có ai mong đâu mà về. Bây giờ Tường lại đã là sĩ quan là Trung đội trưởng rồi, phải gương mẫu chứ. Tường toét miệng cười, nụ cười rạng lên trong ánh trăng hạ tuần trong vắt nơi đầu nguồn con suối. Tiếng suối chảy róc rách róc rách hòa với những lời thì thầm của Tường như một khúc nhạc rừng.

Chị thấy thương Tường quá, một người con trai đẹp đẽ và khỏe mạnh như tượng thần Hy Lạp thế này mà vẫn chưa có một cô gái nào để hẹn hò, ôm ấp sao. Đêm qua, cũng như những lần biểu diễn trước. Tiếng hò hét hát lại đi, lại đi khiến chị đã đứng trên sân khấu hát lại không biết bao nhiêu lần, cho đến khi cổ họng chị bị tắc nghẹn không thành tiếng được nữa, thì chị chạy vội ra ngoài rồi cứ thế lao đi trong đêm tối, chị muốn chạy về phía con suối, nơi có làn nước trong vắt, chị muốn vục mặt vào đó để hớp lấy những giọt nước ngọt mát hòng làm dịu đi cái cổ họng đang khô cháy của mình. Nhưng chị không đủ sức để đến được con suối đó thì đã đổ gục xuống và không còn biết gì nữa.

Khi tỉnh dậy, chị thấy mình nằm trên một tảng đá phẳng, ngay sát bên con suối. Chị nghe rõ dòng nước chảy róc rách và man mát một làn nước đang chảy trên môi. Cô tỉnh rồi à? Tiếng một người đàn ông và nụ cười sáng rỡ ngay trước mặt chị. Chị vùng dậy hốt hoảng. Người đàn ông mặc quân phục đỡ vai chị rồi từ từ nâng chị dậy. Đừng sợ. Tôi là Tường bên đơn vị bộ binh cùng trên đường hành quân với đoàn văn công của cô đấy. Tôi thấy cô đang biểu diễn thì ôm ngực chạy ra ngoài nên tôi chạy theo xem cô có bị sao không. Đúng như tôi đoán, cô bị kiệt sức rồi, may là tôi đã đến kịp khi cô ngất xỉu dọc đường.

Cô khát nước phải không, nước đây, uống đi, nước suối đêm sạch và mát lắm. Nói rồi anh ta từ từ dốc cái phễu lá cho làn nước mát ngọt chảy vào miệng chị. Chị vội chộp lấy cái phễu lá uống ừng ực đến giọt nước cuối cùng. Họ cứ ngồi bên nhau thế, chẳng nói được gì. Chị muốn cảm ơn anh, nhưng mỗi lần quay lại nhìn anh chị lại thấy lúng túng không cất lên lời được. Trong ánh trăng tinh khiết giữa núi rừng, người đàn ông bên cạnh chị đẹp như một chàng Đam San của núi rừng. Cái khao khát muốn choàng ôm lấy anh úp mặt vào vồng ngực căng đầy của anh cứ dâng lên trong lòng chị. Khiến chị không dám nhìn anh nữa, thế rồi anh lên tiếng và anh chỉ nói. “Cô thấy đỡ chưa, tôi đưa cô về nhé, kẻo mọi người lo đấy”.

Nhưng đêm nay chị chủ động gặp anh, chị hẹn anh ra đây, khiến anh cứ đờ ra không biết nên trả lời ra sao. Chị biết anh cũng thích chị, ánh mắt anh đã nói lên điều đó. Nhưng có lẽ anh không dám chăng, không thích mới là lạ. Khi chị sang đơn vị tìm anh đã có bao nhiêu ánh mắt chờ đợi hy vọng. Nhưng khi chị gặp anh thì nhiều ánh mắt cũng sụp xuống thất vọng. Anh Trưởng đoàn văn công sau khi đã nháo nhác cho quân đi tìm chị phát hiện người đưa chị về từ suối là một anh sĩ quan bên quân đội, anh ta đã có vẻ hằm hằm tức giận. Vậy nên chị đã không ngờ được, chị đã quá vô tư, quá dại khờ hay vì sự hối thúc của sức thanh xuân mà chị đã...

Khi ánh trăng hạ tuần đã mờ mờ tàn. Hai con người ngồi bên nhau đã như hai cái bóng. Anh bỗng  ôm chầm lấy chị và chị cũng lao vào anh. Hai người quấn lấy nhau như một cơn lốc giữa rừng. Cũng chính vào cái thời điểm ấy là một tiếng quát lạnh gáy, nó còn khủng khiếp hơn cả một tiếng súng giữa rừng đêm. Chị không còn biết tiếng quát đó là ai nhưng nó giống tiếng gầm của loài thú dữ. Một nòng súng đen ngòm chĩa vào giữa hai người. Chị vẫn úp mặt vào ngực anh, anh ôm chặt chị như bảo vệ. 

Các người cứ về đi rồi chúng tôi sẽ về. Tôi sẽ chịu kỷ luật, cô ấy không có tội gì, là do tôi tất cả. Chị không rõ mình đã về lán như thế nào, bẽ bàng trước ánh mắt của các chị em, hay thương người lính đến quặn lòng. Sau này chị được biết đơn vị anh vào đêm sau là hành quân thần tốc và anh đã hy sinh khi vào giải phóng thành phố Huế. Còn chị bị buộc ra khỏi đoàn văn công và đuổi về địa phương nhưng chị xin được ở lại phục vụ cho một trạm phẫu thuật tiền phương.

Trạm phẫu thuật tiền phương náu mình giữa rừng già trong một căn hầm nằm sâu ngoằn ngoèo trong lòng đất. Hằng ngày đều có thương binh chở đến, họ đều trong tình trạng thập tử nhất sinh và đau đớn đến tột cùng. Có người chở đến chỉ vài phút sau là ra đi. Chị ngoài công việc phụ giúp các y tá băng bó vết thương đến việc khâm liệm chôn cất các tử sĩ, chị còn là người đóng vai trò không nhỏ trong việc xoa dịu những cơn đau cho các thương binh, bằng nhiều hình thức.

Khi thì vuốt ve xoa bóp khi thì hát cho họ nghe, có khi chị còn hôn họ khi họ mong muốn. Có điều khác với trước đây chị làm các hành động đó trong ánh mắt biết ơn thông cảm của các bác sĩ, y tá, có người còn rơm rớm nước mắt xúc động. Nhiều khi chị còn làm người mẹ áp bầu ngực lên miệng họ rồi hát ru cho họ, những thương binh đang quằn quại đau đớn để họ ra đi trong cảm giác được mẹ ôm ấp vỗ về.

Cũng nhiều lần chị đã đến nằm cùng với những thương binh khi họ tha thiết muốn được nằm bên một người con gái. Có thể ở trạm phẫu thuật người ta thông cảm với chị, nhưng tiếng xấu đồn xa lắm. Chị đã từng mang tiếng là hư hỏng từ đoàn văn công rồi nên bây giờ chị chấp nhận mình đã hoàn toàn hư hỏng. Ừ, hư hỏng nhưng chị biết có rất nhiều những người lính cần sự hư hỏng của chị mà mỉm cười trước khi trở thành liệt sĩ. Chị hư hỏng rồi, không ai cần chị thì chị cần cho những con người đang chuẩn bị đi về miền xa thẳm.

Rồi chị cũng trở về như bao cô gái đi qua cuộc chiến tranh. Một thân thể tàn tạ, tóc rụng môi thâm, ngực lép. Dù chị vẫn đẹp nhưng cái đẹp đã bị tàn phá. Lại thêm cái đeo đẳng của lời đồn không biết từ đâu, nhưng nó len lách vào mọi ngõ ngách rằng chị là một cô gái hư hỏng. Mà có lẽ thế thật. Chị không nhớ chị đã ôm bao nhiêu người lính, đã hôn lên bao nhiêu đôi môi nứt nẻ rớm máu, đã để cho bao nhiêu bàn tay xoa lên bầu ngực non tơ  thanh khiết của mình.

Nhưng không hiểu sao từ khi trở về chị lại trở nên là một người đàn bà khắt khe khó tính như vậy. Để làm gì nhỉ, chị cũng không biết nữa, hay để chuộc lại cái thời gian chị đã buông mình dễ dãi quá chăng. Chắc là không hẳn, nhưng trái tim chị hình như cũng đã khô héo dần như thân thể chị. Chị chỉ nhớ đến những người lính, những người đã ở miền xa thẳm, những người cũng đã mang theo trái tim ấm nóng đầy khát khao của chị ra đi rồi. Chị vẫn còn thương Hiếu, thương Hiếu cho đến bây giờ trong những đêm về sáng không ngủ được như thế này.

Truyện ngắn của Nguyễn Cẩm Hương
.
.
.