Nhà báo Văn Hiền trăn trở với nỗi đau chiến tranh

Thứ Bảy, 18/06/2022, 08:09

Nhà báo Văn Hiền (SN 1948), ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), tham gia hoạt động báo chí rất sớm. Từ năm 1977, Văn Hiền về làm việc tại Báo Nghệ An, đến năm 1993, ông được giao trọng trách Phó tổng Biên tập Báo Nghệ An cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2010. Sau đó, ông là Trưởng đại diện của Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam khu vực Bắc Trung Bộ tại Nghệ An.

Người “mang thời gian” đi tìm đồng đội…

Theo lời kể của nhà báo Văn Hiền, năm 1997, một mình ông đi xe đò đến huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng tìm gặp bà Nguyễn Thị Thân - vợ nhà báo Vũ Hiến, Báo Hải quân Việt Nam đã hi sinh năm 1979. Nhà báo Vũ Hiến là bạn học cùng lớp với Văn Hiền tại Trường Tuyên giáo Trung ương (1974-1976). Bà Thân kể lại với Văn Hiền, khi biết mộ chồng được chôn cất tại đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang, bà vào đó xin làm thủ tục đưa chồng về quê Hải Phòng. Thế nhưng, khi cất bốc phần mộ của ông Hiến, bà Thân càng đau lòng hơn bởi đó không phải là hài cốt của chồng.

Căn cứ để bà Thân nhận ra chồng là ông Hiến có một chiếc răng được mạ vàng, nhưng hài cốt trong ngôi mộ cất lên không có. Sau đó, bà Thân trở về quê và nói khéo với mẹ chồng: “Anh Hiến muốn ở lại với đồng đội”!. Câu chuyện bà Thân tìm mộ chồng bất thành đã khiến Văn Hiền đau đáu tâm can, thôi thúc ông sớm có câu trả lời về sự hi sinh anh dũng của người bạn.

Như một “cơ duyên” đặc biệt, trong đợt đi dự hội thảo về lực lượng Hải quân, tình cờ nhà báo Văn Hiền gặp Trung tướng Nguyễn Văn Tình - Chuẩn đô đốc Hải quân, người trực tiếp chỉ huy trận đánh có nhà báo Vũ Hiến tham gia và hi sinh. Trung tướng Tình xúc động kể, ngày 3/1/1979, Hải quân vùng 5 nổ súng tấn công quân Polpot tại cảng Kép, cảng Cô Công, lúc đó Vũ Hiến ngồi trên tháp pháo xe tăng bám theo Trung đoàn 812, Sư đoàn 8.

Sau khi chiếm hai cảng này, các cánh quân ta ào ạt bao vây ngã ba Va Lung - cửa ngõ che chắn quốc lộ số 3, dẫn vào Thủ đô Phnom Penh. Tại đây, quân ta và quân Polpot đã diễn ra giao tranh ác liệt. Chính nơi này, trong lúc đang tác nghiệp, nhà báo Vũ Hiến đã trúng đạn của quân địch, hi sinh khi trên tay vẫn còn nắm chặt máy ảnh.

Sau cuộc giao tranh ác liệt, có 26 chiến sĩ quân ta bị hi sinh (trong đó có nhà báo Vũ Hiến) phải để tạm tại ngã ba Va Lung chờ vận chuyển về hậu cứ, đoàn quân tiếp tục tiến về Thủ đô Phnom Penh. Tuy nhiên, sau đó khu vực cảng biển bị quân địch chiếm lại, chúng đốt luôn xác những liệt sĩ của ta chưa kịp vận chuyển về hậu cứ. Chính vì thế, những liệt sĩ bị hi sinh trong trận đánh ấy đã không thể nhận dạng và việc bà Thân không xác định được hài cốt của chồng đã có câu trả lời. Và từ đó, ý tưởng “Phải dựng lại chân dung các nhà báo liệt sĩ” được nhà báo Văn Hiền thai nghén.

Nhà báo Văn Hiền chia sẻ, ông đến cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, Điện ảnh Quân đội nhân dân và Điện ảnh Đông Nam Bộ để tìm kiếm danh tính các liệt sĩ nhà báo rồi cố gắng tham dự rất nhiều cuộc hội thảo mong gặp những nhân chứng cùng thời với các liệt sĩ đang còn sống. Ông Hiền nói, mỗi nhà báo liệt sĩ là một câu chuyện đầy cảm động, bao nhiêu con chữ cũng chưa thể nói hết được những hi sinh của họ.

Câu chuyện về nữ nhà báo Lê Đoan là một ví dụ. Nhà báo liệt sĩ Lê Đoan (1925 - 1966), bà là Tổng Biên tập Báo Phụ nữ giải phóng. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), theo yêu cầu của cấp trên, nhà báo Lê Đoan cùng hai con nhỏ tập kết ra Bắc, chồng bà ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động. Ở miền Bắc, nhà báo Lê Đoan tham gia công tác tuyên huấn, đối ngoại của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam rồi chuyển sang Báo Phụ nữ Việt Nam, trực tiếp phụ trách Thư ký tòa soạn. Hơn 10 năm sinh sống, học tập ở miền Bắc, nhưng khát vọng trở về quê hương sát cánh cùng quân dân Nam Bộ đánh giặc chưa bao giờ tắt trong tâm khảm nhà báo Lê Đoan.

Tháng 6/1965, dứt ruột để lại hai đứa con ở hậu phương miền Bắc, nhà báo Lê Đoan được tổ chức bí mật đưa trở về Miền Đông Nam Bộ - nơi có căn cứ của Trung ương Hội Phụ nữ giải phóng Việt Nam. Dù đã về miền Nam nhưng Lê Đoan vẫn bảo với đồng đội, đồng nghiệp rằng “Vẫn còn nửa trái tim chị rung đập mỗi khắc ở miền Bắc xa thẳm”, ở đó hai đứa con đang ngóng chị từng ngày. Chiều muộn ngày 2/11/1966, một quả bom rơi trúng hầm làm việc, khiến nhà báo Lê Đoan và toàn bộ tập thể lãnh đạo Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh Tiền Giang hy sinh.

Sau năm 1975, người thân nhà báo Lê Đoan tìm về xã Hậu Mỹ, tỉnh Tiền Giang cải táng phần mộ cho bà, thật đau xót khi thể phách nhà báo Lê Đoan chỉ còn lại một vài mảnh xương nằm lẫn trong mảnh võng ni lông, một mẩu áo len màu hoa cà, chiếc kẹp tóc inox... còn sót lại.

Hay như tác phẩm “Lặng lẽ hóa trầm” là câu chuyện về nhà báo Phạm Hồ (1927 - 1969) khiến nhà báo Văn Hiền xúc động mãi. Nhà báo Phạm Hồ là Thư ký tòa soạn, Bí thư Chi bộ Báo Hà Tĩnh, ông vừa cưới vợ được hai tuần thì được lệnh vượt Trường Sơn vào nhận công tác tại Báo “Cờ giải phóng Trung Trung Bộ”. Ngày 12/7/1969, tại mảnh đất Trà My, tỉnh Quảng Nam, nhà báo Phạm Hồ trút hơi thở cuối cùng, vĩnh viễn nằm lại chiến trường, chưa kịp để lại cho người vợ trẻ ở hậu phương một đứa con...

Và còn nhiều hơn nữa những câu chuyện về các nhà báo liệt sĩ, như: Nông Văn Tư (Thái Nguyên), hai anh em ruột Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn (Cai Lậy - Tiền Giang), Phạm Thị Ngọc Huệ (Kim Sơn - Ninh Bình), Nguyễn Thị Thanh Xuân (Quảng Bình)... Đã được nhà báo Văn Hiền tập hợp lại in thành sách “Dáng đứng dưới tầm bom”.

7-1.jpg -0
Nhà báo Văn Hiền bên bàn thờ các liệt sĩ nhà báo tại Chùa Da.

…đến bài thơ “Xin đừng gọi anh là Liệt sĩ vô danh”

Nhà báo Văn Hiền không những là người sưu tầm nhiều mẩu chuyện cảm động, phục dựng chân dung của các nhà báo hi sinh trên chiến trường, ông còn là tác giả của bài thơ nổi tiếng “Xin đừng gọi anh là Liệt sĩ vô danh”. Bài thơ ra đời vào đúng dịp 27/7/1993, trong lần ông đi công tác ở huyện Anh Sơn, Nghệ An. Nhà báo Văn Hiền kể, sau bữa cơm trưa, ông đi bộ ra Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào (thị trấn Anh Sơn) viếng các liệt sĩ.

Giữa cái nắng hè oi ả, trước mặt ông là hàng hàng lớp lớp những bia mộ “Liệt sĩ vô danh”, tự nhiên trong đầu ông xuất hiện tứ thơ “Xin đừng gọi anh là Liệt sĩ vô danh”, ông ngồi viết liền một mạch khoảng 30 phút thì xong bài thơ 5 khổ. Bài thơ sau đó được Báo Nhân dân và Báo Quân đội nhân dân đăng tải làm lay động hàng triệu trái tim.

“...Bình yên sau cuộc chiến tranh

Anh trở về không tên, không tuổi

Trắng hàng bia những ngôi sao không nói

Rưng rưng cỏ mọc dưới chân

Xin đừng gọi Anh là Liệt sĩ vô danh

Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác...

Năm 1996, Nhà nước ta đã khắc lại bia cho70 vạn liệt sĩ chưa tìm thấy tên tuổi, quê quán. Nhờ đó, hiện nay tất cả các ngôi mộ mang tên “Liệt sĩ vô danh” đều được thay lại bằng tên mới “Liệt sĩ chưa biết tên”. Cách gọi này phần nào đó đã an ủi, làm vơi ít nhiều nỗi đau mất mát. Nhà báo Văn Hiền chia sẻ, hầu hết các liệt sĩ nhà báo hiện nay không còn người thân thờ tự, đó là điều khiến ông day dứt, thương cảm.

Cách đây không lâu, ông đã đưa danh vị của hàng trăm liệt sĩ nhà báo về thờ tại Chùa Da, xã Hưng Lộc, TP Vinh, gần nơi ông sinh sống. Ông bảo: “Mình gửi linh hồn các liệt sĩ lên chùa để ngày sóc, vọng được nhà chùa hương khói chu toàn, phần nào an ủi hương hồn các liệt sĩ”.

Hơn 40 năm cầm bút, nhà báo Văn Hiền đã xuất bản hơn 20 đầu sách và nhiều tác phẩm văn học, báo chí có giá trị, trong đó phải kể đến: “Khoảnh khắc và mãi mãi”, “Xin đừng gọi anh là Liệt sĩ vô danh”, “Dáng đứng dưới tầm bom”, “Những câu chuyện làm báo của Bác Hồ”, “Báo chí cách mạng trong nhà lao thực dân Pháp”...

Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, song trò chuyện với chúng tôi, nhà báo Văn Hiền vẫn nhớ vanh vách từng câu chuyện, từng chi tiết đặc sắc trong mỗi bài viết của mình. Ông nói, thế hệ hôm nay làm báo có nhiều thuận lợi, được hỗ trợ rất lớn về mặt công nghệ, song nhà báo muốn tác phẩm lưu lại trong lòng độc giả thì cần phải đi nhiều, phải đọc nhiều và phải biết chọn “đề tài đắt” để thể hiện. Không bắt buộc nhà báo luôn phải có bài hay, mỗi tháng chỉ cần viết được một hay hai bài hay cũng đã tốt lắm rồi.

Trần Thắng
.
.
.