Trao truyền….di sản tranh dân gian, tại sao không?

Thứ Ba, 16/08/2016, 15:10
Chỉ còn ít ngày nữa, bộ sưu tập 12 dòng tranh dân gian Việt Nam tiêu biểu lần đầu tiên sẽ được trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng Hà Nội. Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: “Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội muốn thông qua sự kiện, tạo ra một đòn bẩy kích thích bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc cũng như sự trao truyền, tiếp biến thế hệ trong câu chuyện nối dài văn hóa của ngày hôm nay”.


Trong 12 dòng tranh dân gian được giới thiệu trong triển lãm lần này, có những dòng tranh dân gian khá mới mẻ hoặc đã từng có một lịch sử phát triển rực rỡ trong quá khứ nhưng nay đã biến mất dần trên bản đồ tranh dân gian Việt Nam.

Có thể kể ra đây dòng tranh Kim Hoàng, một dòng tranh phát triển cực thịnh ở thế kỷ XIX, gắn liền với văn hóa Hà Nội, của người Hà Nội. Tuy nhiên, do thiên tai, chiến tranh, ván in dòng tranh này cũng chảy xuôi cùng dòng chảy biến thiên của lịch sử. Không còn nghệ nhân nào theo nghề, cũng không có người kế truyền. 

Đến nay, câu chuyện tranh Kim Hoàng chỉ còn trong sử sách, ai quan tâm thì mới biết. Một số ván in hiếm hoi được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong bộ sưu tập tư nhân của một ai đó như những “bảo vật chết”, có hình hài, có câu chuyện, có linh hồn nhưng không có sự sống, nghĩa là không có đời sống trong dòng chảy đương đại hôm nay.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên, "báu vật của dòng tranh Hàng Trống -  (Ảnh: Lê Bích).

Hay ví dụ như tranh kính Nam Bộ, một sản phẩm không thể thiếu trong nghệ thuật trang trí nội thất của người dân Nam Bộ một thời thì đến nay cũng mờ nhạt và không được ưa chuộng nữa. Có thể kể thêm tranh gói vải, dòng tranh tạo hình nổi trên lụa, nổi tiếng một thời khắp Nam Bộ từ cuối thế kỉ XX thì đến nay cũng chỉ còn là dòng tranh của một thời “muôn năm cũ”.

Thậm chí tranh Hàng Trống, một dòng tranh tưởng chừng ai ở Hà Nội cũng biết đến hoặc có lần nghe nói đến thì rớt lại của dòng tranh này đến nay, cũng chỉ còn một nghệ nhân duy nhất là nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Ông Nghiên năm nay cũng đã ở tuổi xế chiều.

Nỗi lo thất truyền luôn thường trực. Niềm vui cũng chỉ mới đến với ông khi gần đây, cậu con trai của ông, họa sỹ trẻ Lê Hoàn quyết định “nối nghiệp” truyền thống gia đình. Anh cũng là người đồng hành cùng cha mình hoàn thiện bức tranh “Tứ phủ công đồng” có kích thước lớn nhất từ trước tới nay (1,4 x 1,8m). Tác phẩm này được xem là một điểm nhấn thú vị về sự trao truyền, tiếp nối dòng tranh Hàng Trống tại triển lãm lần này.

Phục chế tại Bảo tàng Hà Nội.

Khi nói về số phận của những dòng tranh gắn liền với mỹ cảm dân gian của người Việt thất truyền hoặc mai một, có người dùng chữ “phận mỏng cánh chuồn” để ví von, như một lời thú nhận đầy cay đắng về sự tàn lụi của những điểm nhìn đẹp đẽ trong di sản cha ông.

Cũng đã có nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu chúng ta có thể hồi sinh lại bản đồ tranh dân gian không?Hồi sinh ở đâu, hồi sinh như thế nào?“Tình xưa” có còn “nghĩa cũ”? Hay một ví dụ cụ thể hơn, liệu họa sỹ trẻ Lê Hoàn, truyền nhân mới của dòng tranh Hàng Trống, có kiên trì hành trình đơn độc như cha mình, nghệ nhân Lê Đình Nghiên đã từng? Khó nói quá!

Bảo tàng Hà Nội và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội kết hợp với nhau giới thiệu Triển lãm 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu.

Trước thềm sự kiện hội ngộ 12 dòng tranh dân gian, ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện bảo tồn, phát huy di sản dân gian, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vấn đề trao truyền.

-Thưa ông Nguyễn Tiến Đà, tại sao trao truyền lại được xem là một trong những biện pháp cần thiết để vực dậy các dòng tranh dân gian nói riêng và di sản văn hóa nói chung?

+ Theo tôi được biết, ở Nhật, người ta gọi những nghệ nhân già 70 tuổi là “di sản sống”. Nếu người đó mất đi, gọi là thất truyền. Trao truyền mà tôi nói ở đây là một cách nói, không chỉ ở sự kế tục trong chính gia đình nghệ nhân kiểu “tre già mặng mọc”. 

Mặc dù việc kế tục là hết sức quan trọng nhưng đó cũng chỉ là một mặt của vấn đề trao truyền mà thôi. Nhà nước cũng nên trao truyền theo cách của mình. Trong thời gian qua, chúng ta đã quan tâm đến các nghệ nhân thật sự hay chưa? Chúng ta đã cởi mở với họ hay chưa? Đã hỗ trợ cho thế hệ truyền nhân của họ hay chưa? Có trao cho họ chứng chỉ nghệ nhân (với những người kế nghiệp, đam mê và yêu nghề) và đãi ngộ họ đã hợp lý chưa? Tôi nghĩ vấn đề này, chúng ta thực hiện chưa thật sự đầy đủ. 

Cha ông họ chỉ là người trao truyền nhận thức, đam mê. Còn về phía những người quản lí di sản, tôi nghĩ trao truyền cho họ để tạo ra động lực đi được dài hơi hơn trong câu chuyện mỹ thuật dân gian đang bị bỏ ngỏ này. Và trong nội dung trao truyền đó, truyền nhân cũng phải có trách nhiệm và tiếp nhận một cách văn minh nữa.

- Còn những vấn đề khác thì sao thưa ông? Dạo này, người ta hay trông cậy vào xã hội hóa và coi đây là một biện pháp để cấp cứu di sản (phi vật thể và vật thể)?

+ Tất nhiên trong câu chuyện này, xã hội hóa cũng được xem là vấn đề đáng bàn. Để thực hiện và hồi sinh lại sự “mất mát” gắn liền với văn hóa dân gian, không phải ngày một ngày hai. Cần sự chung tay của toàn xã hội, của các tổ chức, cá nhân.Việc này, Nhà nước không thể làm môt mình được đâu.Vấn đề gì cũng cần xã hội hóa, không riêng gì văn hóa dân gian.Xã hội hóanhư việc nhóm lửa châm mồi, cùng nhau thổi bung ngọn lửa bảo tồn.

Trước đây, người ta nghe cụm từ “xã hội hóa” thường trông cậy vào các mạnh thường quân, doanh nghiệp.Nhưng theo quan điểm của tôi, có những việc, tinh thần cũng cần xã hội hóa. Bảo tàng biểu hiện cho thứ tinh thần xã hội hóa của quản lý Nhà nước.Là một thứ xã hội hóa về mặt tinh thần.Xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực nhưng trong lĩnh vực di sản thì mới gần đây mà thôi.

-Nhưng hình như, từ trước đến giờ, những đơn vị, trung tâm văn hóa thuộc Nhà nước vẫn chưa chủ động trong việc vực dậy này. 2 năm trước, Bảo tàng Hà Nội nổi tiếng với câu chuyện được đầu tư 2.300 tỷ đồng mà “rỗng ruột”, nghèo nàn hiện vật, vắng hơn chùa Bà Đanh đấy thôi?

+ Nếu 2300 tỉ đầu tư cho một xã nghèo, sẽ thấy ngay kết quả. Nhưng các bạn nên nhớ, đây là số tiền đầu tư cho tương lai, cho văn hóa, cho giáo dục lâu dài.Và hiện nay, công trình này vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện thiết kế nội dung trưng bày.Các bạn nên hiểu rằng, công trình này sẽ tồn tại ở đó và ở đó có một sản phẩm văn hóa.

Lịch sử văn hóa Thủ đô sẽ được chuyển tải qua ngôn ngữ bảo tàng. Nếu chúng tôi phục vụ những nhu cầu giải trí tầm thường thì hẵng nói. Hồi đó, có người hỏi tôi lấy số liệu 100,000 lượt khác ở đâu ra. Từ thực tế mà ra cả. Có những hôm, có đoàn 800 người đến tham quan. Có hôm 300 -400 người. Cũng có những hôm vắng hơn. Thậm chí có những thời điểm, Hà Nội rét căm căm, ra đường không thấy một bóng người, thì tất nhiên bảo tàng vắng cũng là có lý do. Còn bình thường, nếu các bạn chịu khó đi một vòng, so sánh khách tham qua Bảo tàng Hà Nội với những bảo tàng khác của Thủ đô, sẽ có được kết luận khách quan hơn.

Tới đây, khi Bảo tàng xong nội dung trưng bày chính thức, chúng tôi phải tự chủ, là đơn vị sự nghiệp có thu. Phải vận hành cách khác bằng việc bán vé, khách tham quan trả tiền vào cửa để tái đầu tư xây dựng và phát triển Bảo tàng. Hiện nay vẫn là những không gian trưng bày tạm thời, chúng tôi không thu phí vé vào cửa.

Song song với việc hoàn thiện, lần lượt giới thiệu chuyên đề và trưng bày các bộ sưu tập, được xem là “đặc sản” của Bảo tàng Hà Nội, chúng tôi cũng thay đổi nhiều cách làm để có thể kéo công chúng về phía mình. Chủ động kêu gọi xã hội hóa, kết hợp với các dự án, các đơn vị tư nhân. Năm ngoái, chúng tôi tài trợ cho nhóm “Đình làng Việt” làm chương trình đón Trung thu cho trẻ em trên địa bàn TP. Hà Nội. 

Tới đây, chúng tôi muốn làm chương trình về Tết Việt, Tết của người Hà Nội, bộ sưu tập tiền cổ hay chương trình kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến… Nhiều chương trình khác nữa, nhằm đa dạng hóa hoạt động của Bảo tàng.Tiền thực hiện không phải tiền của Nhà nước rót xuống hoàn toàn mà một phần có được do xã hội hóa. Chúng tôi cần sự tham gia và chung tay của cả cộng đồng. Muốn cộng đồng nhau chia sẻ một câu chuyện chung xoay quanh vấn đề di sản văn hóa dân tộc.

- Trở lại với Triển lãm 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam. Được biếtđây là kết quả làm việc của 2 đơn vị, một của Nhà nước (Bảo tàng Hà Nội) và một của tư nhân (Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội). Xin ông cho biết, hai đơn vị đã gặp gỡ nhau như thế nào?

+ Mỹ thuật dân gian làm nên đặc tính người Việt. Nhưng hiện nay, một số dòng tranh dân gian đã thất truyền.Chúng tôi nghĩ, nếu không tuyên truyền, không giáo dục thì tới đây, chúng ta sẽ chẳng còn cái gì cả.Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội muốn thông qua sự kiện này, tạo ra một đòn bẩy kích thích bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc cũng như sự trao truyền, tiếp biến thế hệ trong câu chuyện nối dài văn hóa của ngày hôm nay.

- Xin cảm ơn ông!


Công tác  chuẩn bị cho Triển lãm 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu vào ngày 18-8 tới đây tại Bảo tàng Hà Nội. 

12 dòng tranh dân gian tiêu biểu của hai miền Bắc - Nam được giới thiệu trong triễn lãm mỹ thuật dân gian lần này là kết quả của quá trình sưu tập và lưu giữ của 2 đơn vị (Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội – PV) trong suốt thời gian qua. 

Bên cạnh bộ sưu tập của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa – Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ tư nhân Hà Nội như Tranh Đông Hồ, Tranh Kim Hoàng, Tranh Hàng Trống, Tranh Thập vật, Tranh làng Sình, Tranh Đồ thế Nam Bộ, Tranh Kính Nam Bộ, Tranh Gói vải, Tranh Thờ đồng bằng, Tranh Vải… thì đây là dịp Bảo tàng Hà Nội “trưng ra” bộ ván in tranh Hàng Trống cổ, tranh thờ người Dao, 2 trong hơn 70,000 hiện vật đang có trong kho tư liệu của Bảo tàng này. 

Có thể nói, 12 dòng tranh chưa thể tái hiện lại đầy đủ lịch sử hội họa dân gian của nước ta nhưng thông qua từng câu chuyện cụ thể, triển lãm đã bóc tách và mở dần con đường tìm lại những giá trị tốt đẹp của cha ông. Triển lãm chuyên đề này sẽ được tổ chức vào ngày 18-8 tại Bảo tàng Hà Nội. Bảo tàng sẽ mở cửa đón khách từ Thứ Ba đến Chủ Nhật hằng tuần.


Đậu Dung
.
.
.