Sáng tác văn học nghệ thuật về Cảnh sát PCCC và CNCH:

Tìm xúc cảm từ công việc đầy hiểm nguy

Thứ Ba, 06/07/2021, 09:47
“Khi tai nạn xảy ra, mọi người chạy ra còn chúng tôi lại chạy vào” là chia sẻ chân thành của Đại tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) mới đây tại một cuộc thi sáng tác về lực lượng này do Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tổ chức. Tâm sự của ông đã nhận được sự đồng cảm lớn nhưng cũng khiến không ít người, đặc biệt là văn nghệ sĩ băn khoăn. Bởi lẽ, số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật về lực lượng này còn rất khiêm tốn.


Nhiều tấm gương điển hình cần được tôn vinh

Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh “Quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC”. Sau này, ngày 4/10 được chọn là ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. 60 năm qua, các thế hệ chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH đã từng bước trưởng thành và lớn mạnh, tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang, giành được nhiều chiến công, góp phần gìn giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

“Người đi tìm sự sống” của tác giả Trần Ngọc Minh, một trong số tác phẩm được đánh giá cao trong cuộc thi ảnh “Vì bình yên cuộc sống”.

Theo Đại tá Bùi Quang Việt, trong suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến và hi sinh của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 15 đơn vị trong lực lượng đã được phong tặng danh hiệu anh hùng… Để có những thành tích, những chiến công trong cuộc chiến với giặc lửa, với tử thần, những chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH đã không ngừng nỗ lực, rèn luyện, không quản ngại khó khăn, thậm chí là hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những năm gần đây, 7 cán bộ chiến sĩ của lực lượng PCCC và CNCH đã hy sinh. Nhiều đồng chí khác bị thương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Gần đây, có những hình ảnh, clip xúc động ghi lại hình ảnh cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ và có cả những tác phẩm ghi nhận cảm ơn các chiến sĩ PCCC.

“Cách đây ít lâu, một người rơi xuống hang sâu 250m ở Hà Giang. Muốn đưa thi thể nạn nhân lên, cần phải có phương tiện đặc dụng ở TP Hồ Chí Minh. Hang sâu, lại rất hẹp, chỉ đủ một người trèo xuống. Người lính làm nhiệm vụ phải qua 2 nấc ròng rọc mới tới nơi. Thi thể nạn nhân đã ở dưới hang hơn chục ngày nên càng khó khăn. Trong quá trình đưa lên, đồng chí ấy còn phát hiện thêm một bộ xương mắc kẹt trong hang. Sau này, có nhiều người biết chuyện khi xem 1 clip quay lại hình ảnh người chiến sĩ ấy đang dội 1 can nước ngay gần miệng hang. Thực ra, đấy là 40 lít rượu để người lính ấy tắm… Thực tế, khi xảy ra tai nạn, hỏa hoạn, mọi người chạy ra còn chúng tôi lại chạy vào. Và, vẫn còn rất nhiều câu chuyện xúc động khác mà có lẽ chỉ những người trong cuộc mới thấy hiểu hết những cống hiến, hy sinh của đồng đội mình”, Đại tá Bùi Quang Việt cho hay.

Bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, do đặc thù công tác nên ông có nhiều dịp trực tiếp chứng kiến tinh thần dũng cảm của người lính PCCC và CNCH, cảm nhận được sự hy sinh luôn cận kề với họ, dù là ngay trong thời bình. Tuy nhiên, so với nhiều lực lượng khác, Cảnh sát PCCC và CNCH chưa được nhiều người biết đến.

“Đây là lực lượng rất xứng đáng được chúng ta dành nhiều tình cảm tốt đẹp và cần có nhiều tác phẩm lột tả những khó khăn, gian khổ của lực lượng PCCC và CNCH hơn. Chúng ta không thiếu tấm gương để cho các văn nghệ sĩ viết. Vấn đề là chúng ta có tập trung quan tâm hay không?”, đồng chí Phạm Thanh Học gợi ý.

“Đất vàng” chờ… người sáng tác

Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng nhận định: Khi xảy ra tai họa, câu chuyện của lực lượng tham gia cứu trợ dễ gây xúc động và cái bất thường, cái phi thường trong cuộc đời mang lại nhiều cảm xúc cho văn nghệ sĩ sáng tác. Tác phẩm về mảng đề tài này cũng dễ được người đọc tìm xem, vừa có ích, vừa thiết thực với cuộc sống, gần gũi với người dân. Gần đây, nhiều vụ cháy, tai nạn thương tâm, truyền thông đưa tin và cũng rất được quan tâm. Nhưng, cũng có nhiều vụ việc, thời điểm, các thông tin ấy nhanh chóng bị khuất lấp bởi nhiều thông tin, có khi chỉ là những thông tin mang tính giải trí như cuộc thi hoa hậu…

Cũng theo nhà thơ Vũ Quần Phương thì không chỉ cần tuyên truyền, thông tin khi xảy ra các vụ tai nạn mà còn cần tuyên truyền kiến thức về phòng cháy. Việc tổ chức cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về PCCC và CNCH là cần thiết, để có thêm nhiều tác phẩm về mảng đề tài này. Tuy nhiên, “có tích mới dịch nên tuồng”. Nếu không có điều kiện chứng kiến trực tiếp, người sáng tác cũng cần được tìm hiểu gián tiếp về lực lượng PCCC và CNCH, cần có những buổi gặp gỡ để nghe người trong cuộc nói về họ để có thêm cảm xúc, tư liệu sáng tác.

Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng cũng cho rằng, văn nghệ sĩ muốn sáng tác thì phải hiểu biết về đề tài mà mình sáng tác. Trong âm nhạc, nếu tác giả không hiểu biết đề tài thì cũng giống như thiếu vốn từ vựng để xây dựng nên “khuôn mặt” của ca khúc.

“Tôi sáng tác nhiều nơi cho nhiều bộ, ngành, địa phương nhưng phải đi thực tế. Không đi không viết được. Đi thực tế để cho cái vốn từ vựng của mình về ngành ấy phong phú. Bởi, sự nghèo nàn về vốn từ vựng, sự nghèo nàn về cảm xúc khiến cho bài hát không hay. Nếu chỉ sáng tác cho xong thì tác giả không dội vào đó cảm xúc nên tác phẩm không đến được với công chúng. Trong lực lượng CAND, những sáng tác về PCCC và CNCH còn ít. Người sáng tác có thể tìm hiểu, đọc qua sách báo, nhưng cũng không thể bằng đi thực tế. Đi thực tế thì mới có cảm xúc, có tác phẩm”, nhạc sĩ Thanh Tùng khẳng định.

Về vấn đề này, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phạm Thanh Học cũng cho rằng, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nên chủ động giới thiệu và hỗ trợ các văn nghệ sĩ tiếp cận, tìm hiểu những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình. Không nên để văn nghệ sĩ tự mày mò hoặc muốn tìm tư liệu sáng tác cũng không biết lấy ở đâu. Khi chọn được tác phẩm hay, cần tổ chức tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi đến công chúng…

N.Nguyễn
.
.
.