Hoàng Cầm: Thực và mộng, yêu thương và đau xót

Thứ Ba, 19/01/2016, 08:00
Nhà thơ Hoàng Cầm tên khai sinh là Bùi Tằng Việt sinh ngày 22 tháng 2 năm 1922 tại xã Phúc Tầng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Quê gốc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.


Hoàng Cầm có nhiều tài như ngâm thơ, làm diễn viên, hội họa, viết kịch, viết văn, dịch sách nhưng sâu đậm nhất và thành công nhất trong cuộc đời là sáng tác thơ. Ông là nhà thơ trữ tình nổi tiếng đặc sắc. Một hồn thơ tiêu biểu của xứ Kinh Bắc.

Trong thơ và trong cuộc đời Hoàng Cầm ấn tượng, tình cảm sâu đậm nhất là quê hương. Ông nhắc đến quê hương là yêu mến và trân trọng. Nói đến quê hương là hình ảnh người Mẹ hiển hiện: Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/Chiều xưa giẻ quạt voi lồng.(Đêm thổ). Quê hương trong thơ Hoàng Cầm lung linh huyền thoại và đậm chất sử thi. Những sông, núi, ao hồ, đình, chùa làng xóm được khơi gợi: - Sông Cầu xuôi bến Hát/Rập rềnh Mộ Dạ chiếu tân hôn (Gió lông ngỗng)

Nhà thơ Hoàng Cầm.

Có lẽ Hoàng Cầm là một trong số rất ít những nhà thơ viết bằng tâm linh. Nhiều bài thơ vụt đến trong đêm khuya. Ông kể lại: "Lên giường ngủ bao giờ tôi cũng để bên phía tay trái mình một tập giấy trắng và tay phải cầm cái bút chì (bây giờ đã có cái bút bi thay cái bút chì). Hễ không ngủ được, tâm tư lan man, đâu đâu mà bỗng nghe vẳng một câu dẫu chỉ là một câu bâng quơ tôi phải ghi ngay lập tức".

Về trường hợp ra đời bài thơ "Bên kia sông Đuống" ông tâm sự: "Tôi đang ở trong trạng thái bồn chồn, thao thức, tâm tư rối bời sau khi nghe báo cáo về quê hương mình bị giặc Pháp xâm lược kéo đến tàn phá, giết chóc, tôi chưa định viết gì. Lúc quá nửa đêm vắng lặng, bỗng văng vẳng bên tai ba câu: Em ơi buồn làm chi/Anh đưa em về sông Đuống/Ngày xưa... cát trắng phẳng lì. Tôi bèn chụp lấy, ghi ngay và cứ thế cảm xúc trào  ra một mạch dài, viết rất nhanh sợ không theo kịp những thanh âm, làn điệu, đang cuồn cuộn dâng lên trong lòng mình. Cho đến gần sáng thì xong bài thơ.

Về trường hợp ra đời bài thơ "Lá Diêu bông" ông viết: "Nhà tôi ở vào một phố nhỏ, lại lùi tít ở phía bên trong nên tiếng xe cộ thưa thớt ngoài đường tôi cũng không nghe rõ. Im lặng. Chợt bên tai vẳng lại một giọng nữ rất nhỏ nhẹ mà rành mạch, đọc chậm rãi, có tiết điệu, nghe như từ thuở nào xa xưa vẳng đến, có lẽ từ tiền kiếp vọng về: Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng/ Tôi xoay người trong chăn về phía bên trái và ghi ngay lên giấy. Giọng nữ vẫn đọc, không vội vàng mà cũng không quá chậm và tôi ghi lia lịa trong bóng tối mờ...

Thường viết vào lúc đêm khuya, trong tâm thức như người "nhập đồng" nên thơ Hoàng Cầm huyền ảo, mông lung. Cảnh sắc nên thơ nhưng thường là đã qua, đã tàn lụi chỉ còn trong nỗi nhớ tiếc: - Tràu cau chẳng kịp cốm hồng/ Xác pháo đã vùi trong ngõ mưa lầy lội. (Tôi người làng Quan họ)

- Mẹ kể chuyện ngày xưa xa lắm/Tháng tám ao hồ mát lạnh (Quan họ mở đầu)

Không gian, thời gian trong thơ Hoàng Cầm rất rộng, đa chiều, nhiều tầng, nhiều lớp. Ông viết về thiên nhiên, về huyền sử, về tôn giáo, về phong tục tập quán nhưng bao trùm và cốt lõi là con người: Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng

Chất sống, sức sống con người luôn trỗi dậy vượt qua lớp vỏ dù là tôn giáo, nét đẹp của người con gái dậy thì hiển hiện ở nơi muốn xa trần thế: Chùa Phật Tích duỗi trong màn lụa bạch/ Tượng Quan âm má ửng bồ quân.

Giới tính, sự hấp dẫn của cơ thể người con gái làm say đắm cả con ong, cái kiến dù ẩn trong màu áo nâu sồng:

Gió ra vàng thớ mít/ Ong bay vai áo tiểu thon mình (Đêm Thủy)

Nét đẹp của người con gái được nhắc đến với sự rung động sâu sắc. Gái Tam Sơn đờ đẫn môi trầu/Ngực yếm phập phồng bưởi ngọt. (Hội vật)

Vẻ đẹp kiêu sa, thân thế ngà ngọc được vẽ lên sinh động và trong một tâm thế thảng thốt như mê như tỉnh:

Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành/ Đùi chảy búp dài thon nhún vội/ Bàng hoàng tia chớp liệng nghiêng xanh (Thi đánh đu)

Ước muốn được giải thoát khỏi mọi thứ ràng buộc, dù là lụa là châu báu luôn là một tâm niệm của Hoàng Cầm:

Đến khi xé lụa bừng da thịt/ Ngửa mặt phù du khép gió xanh (Dáng thơ)

Trong thơ Hoàng Cầm không ngần ngại khi nói đến cơ thể con người. Vẻ đẹp của "tòa thiên nhiên" (chữ của cụ Nguyễn Du) được gợi tả với một cảm xúc mãnh liệt: Gàu giai ai vớt chị ơi/ Lòa lõa thân trăng (Đợi mùa)

Quan hệ giới tính, quan hệ vợ chồng đằm thắm sâu sa có sức hút như một lẽ tự nhiên, như một bản năng: Cô gái nhà ai đến đây cắt cỏ/ Ngửi hơi chồng quanh quất cửa Đông Nam (Ngựa I)

Trong thơ Hoàng Cầm không ngại ngần nói đến quan hệ nam nữ, quan hệ vợ chồng. Dù là quan hệ với thiên nhiên, với con người, nhiều lớp người trong xã hội vẫn phảng nhất như tình yêu.

Trong những năm tháng sống xa quê hương, Hoàng Cầm lại nhớ về quê hương và sáng tác về quê hương. Những tập thơ "Tiếng hát Quan họ - 1956", "Mưa Thuận Thành - 1991", "Lá Diêu bông - 1993", "Về Kinh Bắc -1994" là tấm lòng và cũng là nỗi niềm của ông với quê hương. Trong thơ ông thực và mộng, yêu thương và đau xót, hiện tại và quá khứ được cất lên với nhiều tâm trạng của người con muốn nói hết những ẩn ức của lòng mình. Nhiều lần ông muốn về thăm quê hương dù Hà Nội và Bắc Ninh chỉ có ba mươi cây số.

Đến cuối năm 2003 ông chính thức là khách mời của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân Tỉnh Bắc Ninh. Được đón tiếp nhà thơ tôi biết ông rất vui và cảm động. "Đêm thơ Hoàng Cầm" được tổ chức long trọng tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin Thị xã Bắc Ninh. Nhân dân Bắc Ninh đã đến rất đông và yêu mến kính trọng một người con đích thực của quê hương sau nhiều năm tháng, sau nhiều ấm lạnh của cuộc đời. Mặc dù đã ngoài bảy mươi, mái tóc bạc trắng, lưng hơi còng nhưng ông đã đọc toàn bộ bài thơ dài "Bên kia sông Đuống" với chất giọng vang rền của một liền anh Quan họ.

Buổi chia tay nhiều lưu luyến. Ấn tượng về quê hương, về nhân dân và cả về những người lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã để lại tình cảm sâu đậm, đẹp đẽ trong lòng nhà thơ Hoàng Cầm.

Bắc Ninh, tháng 10 năm 2015.

Trần Anh Trang
.
.
.